| Hotline: 0983.970.780

U ơ tiếng khóc thiết tha nỗi lòng: Xin tha thứ cho mẹ cha

Thứ Ba 26/10/2021 , 07:27 (GMT+7)

Hơn 10 năm, nhóm bảo vệ sự sống tại Thái Nguyên đã âm thầm gom nhặt hàng chục ngàn thi thể thai nhi, tiến hành khâm liệm và an táng chỉn chu.

Ám ảnh cơn đau hằn lên mặt

Khuôn mặt thanh tú, đôi mắt tròn, to, trưởng nhóm Bảo vệ sự sống Nguyễn Thị Đỗ Anh gợi cho chúng tôi thiện cảm về một cô gái nhân hậu. Chỉ có thể bởi lòng trắc ẩn sâu xa mới lý giải được việc cô gái sinh năm 1984 này đã tự tay mình khâm liệm cho hàng chục nghìn hài nhi, trước khi mai táng cho các cháu. Sau nhiều lần thuyết phục, Đỗ Anh đồng ý gặp gỡ trò chuyện với chúng tôi và kèm một điều kiện là không viết tên tuổi cụ thể của những nhân vật do cô cung cấp.

Nhóm Bảo vệ sự sống thực hiện an táng cho các bé. Ảnh: Đồng Văn Thưởng.

Nhóm Bảo vệ sự sống thực hiện an táng cho các bé. Ảnh: Đồng Văn Thưởng.

Năm 2007, theo đề nghị của Cha xứ sở tại Giáo xứ Thái Nguyên, nhóm Bảo vệ sự sống được tự nguyện hình thành, không có thù lao gì cho hoạt động của nhóm. Ảnh đại diện trên Facebook của Trưởng nhóm Đỗ Anh mang dòng chữ “Bạn muốn phá thai ư? Đừng làm như vậy. Hãy liên lạc ngay với tôi (SĐT...). Tôi sẽ giúp bạn”. Ban đầu, nhóm có 3 thành viên. Đến nay, ngoài 5 người thường trực, nhóm còn có thêm 22 cộng tác viên.

Cha xứ của Nhà thờ Giáo xứ Thái Nguyên đã dành cho nhóm Bảo vệ sự sống một căn nhà nhỏ chừng 20m2 trong một góc của khuôn viên Nhà thờ. Đây là nơi bảo quản thi thể các thai nhi được đưa về. Trước cửa ngôi nhà là hàng ngàn những tiểu sành, lọ sành dùng để mai táng cho các hài nhi. Phía trong nhà bảo quản, bàn thờ Chúa được kê trang trọng giữa nhà. Bên đối diện, 2 chiếc tủ bảo ôn lớn là dụng cụ bảo quản xác thai nhi được kê sát tường.

Đỗ Anh đốt 2 nén hương, tự tay thắp một nén, đưa cho tôi một nén. Thắp hương xong, cô tiến đến mở tủ bảo ôn để kiểm tra. Đoán biết được sự do dự của tôi, cô giải thích, mỗi ngày có hàng chục hài nhi được đưa về. Nếu hôm nào cũng thực hiện mai táng thì không thể làm được. Việc bảo quản là để thực hiện mai táng khi số lượng thường là từ 300 bé trở lên. Vì vậy, hôm nào cũng phải vài lần kiểm tra để đảm bảo tủ vẫn hoạt động.

Đỗ Anh dựng cánh tủ bảo ôn lên, chỉ tay cô bảo, hiện số bé đang được bảo quản tại đây là hơn 100 bé. Nhìn vào trong tủ, tôi thất thần, choáng váng, cảm giác như trái tim mình bị bóp nghẹt, quặn thắt.

Khi các thành viên đưa thi thể thai nhi về đây, Đỗ Anh sẽ trực tiếp khâm liệm cho các bé. Nhóm luôn chuẩn bị sẵn các loại áo quần, mũ cho trẻ sơ sinh. Thậm chí cả chỉ khâu. Với những bé mới chỉ vài tháng, như một đọi máu thì được bảo quản trong các túi, lọ nhỏ. Các cháu đã thành hình thì tùy thuộc vào mức độ tổn thương do thủ thuật mà thực hiện khâm liệm cho phù hợp.

Theo Đỗ Anh, các cơ sở y tế công lập hiện nay thường thực hiện gây đẻ non bằng thuốc nên hình hài thai nhi còn nguyên vẹn. Ở nhiều cơ sở tư nhân, họ kích, tác động mạnh nên có bé ra ngoài bị bầm dập, nhiều phần cơ thể lìa khỏi nhau. Cô cẩn thận khâu nối lại những bộ phận đó rồi mới tắm rửa, mặc quần áo cho bé.

Cô bảo, tác động mạnh từ việc nạo phá, hút thai khiến nhiều bé phải hứng chịu những cơn đau khủng khiếp. Những cơn đau đớn, quằn quại hằn lên mặt cho đến khi bé ra đến ngoài. Cô cho tôi xem những tấm hình chụp lại khuôn mặt thâm tím, khắc khổ, dúm dó lại bởi cơn đau hành hạ các bé. Mỗi lần gặp trường hợp như vậy, đôi mắt xinh đẹp của Đỗ Anh lại sưng mọng vì nước mắt.

Vườn Thánh thiên thần

Việc làm nhân văn của nhóm Bảo vệ sự sống thuyết phục được hành động chung tay của chính các cơ sở y tế tư nhân trong việc bảo vệ môi trường. Phương pháp phá thai, xác thai nhi được hạn chế dần việc mặc định như trước đó là một loại rác thải y tế. Cũng từ đó, nhóm đã tiếp cận và vận động được một số người mẹ mang thai ngoài ý muốn từ bỏ ý định phá thai.

Giáo hội đã hình thành nhà mở, sẵn sàng tiếp nhận và nuôi dưỡng mẹ bầu và cả em bé sau đó. Đỗ Anh cho chúng tôi xem những dòng tin nhắn cảm tạ của những người mẹ sinh con bởi sự vận động trợ giúp từ nhóm của cô.

Vườn Thánh thiên thần, nơi có tới 25.000 xác thai nhi được chôn cất. Ảnh: Đồng Văn Thưởng.

Vườn Thánh thiên thần, nơi có tới 25.000 xác thai nhi được chôn cất. Ảnh: Đồng Văn Thưởng.

Tuy nhiên, việc vận động để người mẹ hồi tâm chuyển ý là vô cùng khó khăn. Trong một lần bất lực như thế, Đỗ Anh đã phải mất 3 ngày để theo một mẹ bầu từ Thái Nguyên xuống Hà Nội với mong muốn giữ nguyên được thi thể em bé.

Số lượng những thi thể thai nhi được thu gom về ngày một nhiều. Những năm gần đây, trung bình mỗi tháng, nhóm Bảo vệ sự sống tập hợp từ 200 - 300 bé. Những tháng cuối năm có tháng đến trên dưới 400 bé. Sổ sách mà Đỗ Anh thống kê kể từ khi nhóm đi vào hoạt động đến nay đã có 25.000 mầm sống bị tước bỏ sự sống.

Chia tay trưởng nhóm, cầu nguyện cho Đỗ Anh có thật nhiều sức khỏe để tiếp tục công việc nhân văn của mình, cô chia sẻ, bản thân cũng phải làm tất cả các công việc để mưu sinh. Song cô cảm thấy rất vui vẻ vì gia đình và người thân luôn động viên, ủng hộ để cô có thể làm trọn phận sự mà bản thân đã nguyện gánh vác.

Cha xứ đã chỉ đạo quy tập tất cả các cháu về khu vực vườn Thánh thiên thần tại Giáo xứ Ngọc Lâm (xã Linh Sơn, thành phố Thái Nguyên). Vườn có 50 tháp 3 tầng, 6 mặt được xây dựng. Mỗi tháp có 18 hầm mộ. Giữa vườn, tấm bia lớn dựng lên với dòng chữ cầu khẩn “Xin Thiên chúa toàn năng khoan hồng, tha thứ cho cha mẹ”. Mặc dù các hầm mộ vẫn chưa được sử dụng hết song với số lượng những thiên thần bị bỏ rơi ngày càng nhiều, Cha xứ đã chỉ đạo việc mở rộng để đón nhận những hài nhi về với khu vườn Thánh thiên thần.

Xem thêm
Thường vụ Quốc hội đồng ý khởi tố, bắt tạm giam Bí thư Bắc Giang Dương Văn Thái

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng ý đề nghị về việc khởi tố, bắt tạm giam, khám xét nơi ở, nơi làm việc đối với ông Dương Văn Thái.

ĐBSCL thiếu nước hay không biết giữ nước?

CẦN THƠ 'Sông có nước, trên trời có nước, vậy tại sao ĐBSCL lại thiếu nước?', vấn đề được các chuyên gia đặt ra để đi tìm giải pháp cho câu chuyện giữ nước của vùng.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Gần 1 triệu lượt khách tới Khánh Hòa dịp lễ 30/4 - 1/5

Dịp lễ 30/4 và 1/5, tỉnh Khánh Hòa thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước đến tham quan, nghỉ dưỡng, tổng doanh thu từ khách du lịch đạt hơn 1.300 tỷ đồng.