Ứng dụng khoa học công nghệ liên kết chuỗi giá trị cây ăn trái vùng ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu và xuất khẩu. Đây là chủ đề diễn đàn Khuyến nông @ nông nghiệp do Hội làm vườn Việt Nam phối hợp với Trung tâm Khuyến nông quốc gia (Bộ NN-PTNT), Hội làm vườn tỉnh Đồng Tháp tổ chức, sáng ngày 1/12, tại hội trường khách sạn Hòa Bình, Đồng Tháp.
Mục đích của Diễn đàn, nhằm tuyên truyền, phổ biến thông tin, kiến thức cho người dân trong vùng ĐBSCL về hiện trạng sản xuất, tiêu thụ trái cây, ảnh hưởng của biến đổi khí hậu. Các chủ trương, chính sách, giải pháp, các tiến bộ khoa học kỹ thuật, tổ chức sản xuất, liên kết chuỗi giá trị nhằm thúc đẩy phát triển sản xuất cây ăn trái theo hướng an toàn, hiệu quả. Đồng thời còn thích ứng tốt với biến đổi khí hậu và chủ động hội nhập các thị trường quốc tế để đạt hiệu quả cao, bền vững
Ông Nguyễn Xuân Hồng, Chủ tịch Hội làm vườn Việt Nam cho biết: Kinh tế vườn (nói rộng hơn là kinh tế vườn ao chuồng) là một thành tố quan trọng của kinh tế hộ gia đình nông thôn và kinh tế nông nghiệp ở nước ta. Thống kê sơ bộ của Hội làm vườn Việt Nam, năm 2021, kinh tế vườn ao chuồng chiếm trên 80% sản lượng rau, quả. Trong đó trên 60% sản lượng thịt, trứng và khoảng 70% sản lượng nuôi trồng thủy sản. Bên cạnh đó, khu vực kinh tế vườn ao chuồng cũng chiếm 50-60% sản lượng xuất khẩu các sản phẩm rau, quả, thuỷ sản cả nước, có trên 70% các sản phẩm OCOP cũng xuất phát từ kinh tế vườn ao chuồng.
ĐBSCL vùng sản xuất cây ăn trái của cả nước với nhiều chủng loại rất phong phú và đa dạng. Theo số liệu thống kê của Cục Trồng Trọt năm 2021, tổng diện tích trồng cây ăn trái của ĐBSCL là xấp xỉ 390 nghìn ha chiếm 33,1% diện tích cây ăn trái cả nước. Trong đó một số loại cây ăn trái chủ lực như: Cây có múi, xoài, chuối, thanh long, sầu riêng, măng cụt, vú sữa...
ĐBSCL cũng là vùng có sản lượng và giá trị xuất khẩu trái cây lớn nhất cả nước. Năm 2021, tổng giá trị xuất khẩu rau quả của Việt Nam hơn 3,55 tỷ USD, trong đó xuất khẩu trái cây tươi và chế biến của vùng chiếm tỷ trọng cao.
Tuy nhiên, sản xuất và tiêu thụ trái cây của vùng ĐBSCL cũng đang đối mặt với một số khó khăn, thách thức như: quy mô các vùng sản xuất tập trung, chuyên canh còn hạn chế. Biến đổi khí hậu ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất cây ăn trái, quy trình canh tác thiếu bền vững và tổn thất sau thu hoạch còn khá cao. Để thúc đẩy phát triển sản xuất cây ăn trái theo hướng an toàn, hiệu quả, thích ứng tốt với biến đổi khí hậu và hội nhập quốc tế đạt hiệu quả cao, bền vững. Tại diễn đàn, các chuyên gia, nhà quản lý đã thông tin đến người dân, cơ sở sản xuất trong vùng về hiện trạng sản xuất, tiêu thụ trái cây, các ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đến sản xuất cây ăn trái tại vùng ĐBSCL.
Chủ trương, chính sách, giải pháp ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ đối với cây ăn trái, thị trường xuất khẩu cây ăn trái, giải pháp để khai thác hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do cho ngành nông thủy sản Việt Nam…
Theo ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch Hiệp hội rau quả Việt Nam, mục tiêu đến năm 2025, diện tích cây ăn trái cả nước 1,2 triệu ha, đạt sản lượng trên 14 triệu tấn. Trong đó, diện tích cây ăn trái chủ lực 960 ngàn ha, sản lượng 11-12 triệu tấn. Tại các vùng sản xuất cây ăn trái tập trung: Tỷ lệ giá trị sản phẩm được sản xuất dưới các hình thức hợp tác, liên kết đạt 30-35%. Tỷ lệ diện tích trồng mới, trồng tái canh sử dụng giống chất lượng cao 70-80%, tỷ lệ diện tích cây ăn quả áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (VietGAP) tương đương 30% và diện tích được áp dụng tưới tiên tiến, tiết kiệm nước 20-30%.
Hiện trái cây của Việt Nam đang được nhiều nông dân áp dụng các biện pháp khoa học kỹ thuật tiên tiến vào trong canh tác, nhằm giảm chi phí và tăng chất lượng nông sản để đáp ứng nhu cầu xuất khẩu. Đây là những then chốt giúp sản xuất trái cây của Việt Nam thích ứng tốt với biến đổi khí hậu.