| Hotline: 0983.970.780

Ứng phó hạn, mặn vùng ĐBSCL vụ đông xuân 2022 – 2023

Thứ Năm 01/12/2022 , 08:53 (GMT+7)

Thường sau Tết, dự báo của ngành chuyên môn sẽ có khoảng 400.000ha lúa có nguy cơ ảnh hưởng do hạn mặn vào cuối vụ đông xuân 2022 - 2023 ở Nam bộ.

Không chủ quan triều cường, xâm nhập mặn

Đông xuân là vụ sản xuất được bà con nông dân gửi gắm nhiều kỳ vọng nhất trong năm. Chỉ riêng diện tích lúa, vụ này các địa phương trong vùng ĐBSCL sẽ xuống giống gần 1,6 triệu ha. Trong bối cảnh thuận lợi có nhiều, nhưng thách thức cũng không nhỏ, việc quan tâm hướng dẫn, hỗ trợ để bà con nông dân có được vụ sản xuất thắng lợi là vấn đề cần được các đơn vị chức năng đặc biệt quan tâm ngay từ đầu vụ.

Empty

Nông dân ĐBSCL vệ sinh đồng ruộng để tập trung xuống giống vụ lúa đông xuân 2022 - 2023. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT) cho biết: Đối với sản xuất lúa của vùng ĐBSCL, không được chủ quan vì vụ nào cũng có những bất lợi riêng về thời tiết, khí tượng thủy văn. Dự báo thời tiết, khí tượng, thủy văn có thể xảy ra hoặc không xảy ra, có thể theo hướng tích cực hoặc theo hướng tiêu cực hơn cho sản xuất lúa nói chung. Vì thế trong chỉ đạo sản xuất vụ đông xuân 2022 - 2023, phải luôn trên tinh thần cảnh giác cao nhất. Vùng ven biển ĐBSCL từ Long An đến Hà Tiên phải xuống trong tháng 10/2022, lựa chọn mức độ an toàn đối với người sản xuất.

Vùng thượng, vùng giữa và phần còn lại ven biển cần tập trung xuống giống trong tháng 11/2022 với diện tích từ 700.000 - 800.000ha. Đây là thời điểm cho năng suất lúa cao và thuận lợi nhất cho sự phát triển của cây lúa. Đối với các diện tích còn lại, có thể xuống giống trong tháng 12/2022.

“Tôi cũng muốn nhắc lại rằng, xuống giống trong tháng Giêng rất nguy hiểm đối với tình hình nguồn nước, dịch bệnh. Ngoài các diện tích lúa đông xuân xuống giống trong tháng 10, tháng 11, tháng 12, vùng ĐBSCL còn lại xấp xỉ 100.000 - 150.000ha xuống giống trong tháng Giêng, tất cả yếu tố dịch hại, thời tiết, khí tượng thủy văn, rủi ro sẽ rớt vào thời điểm này. Vì thế, trừ những trường hợp đặc biệt của các vùng quá khó khăn, còn lại không nên kéo lê thời vụ qua tháng Giêng, nhất là đối với các tỉnh Trà Vinh, Bạc Liêu, Vĩnh Long và một phần của Long An” ông Tùng khuyến cáo.

Anh 2

Dự báo khoảng 400.000ha lúa sẽ có nguy cơ ảnh hưởng do hạn, mặn vào cuối vụ đông xuân, nhất là ở vùng ven biển thuộc các tỉnh Long An, Bến Tre, Tiền Giang, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu và Kiên Giang.  Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Một yếu tố nữa là tình hình nguồn nước hiện nay, ngoài yếu tố tự nhiên trên sông Mê Kông thì còn có yếu tố con người. Vì vậy, không thể phó thác hoàn toàn việc sản xuất của mình vào nguồn nước tự nhiên, bởi các quy luật hàng năm đã thay đổi.

Vụ đông xuân 2022 - 2023, dự báo của các cơ quan khí tượng thủy văn và Tổng cục Thủy lợi cho thấy: Thủy triều, mực nước sẽ cao hơn trung bình hàng năm. Các khu vực ven biển, bà con nông dân đã có ý thức, kinh nghiệm phòng chống hạn mặn, còn khu vực thượng lưu thì tình hình ngập lũ không cao, do đó cũng đạt mức độ an toàn.

Nói về hệ thống thủy lợi phục vụ cho vụ lúa đông xuân, ông Lê Thanh Tùng đánh giá hiện nay Cần Thơ, Vĩnh Long, một phần Trà Vinh, Bến Tre, Tiền Giang hệ thống thủy lợi chưa hoàn toàn chủ động. Hệ thống bờ bao, đê bao của bà con nông dân cũng ở mức thấp, triều cường có thể làm vỡ đê, xâm nhập vào đồng ruộng với nồng độ mặn chưa thể gây chết cho cây nhưng sẽ tích lũy, làm cây trồng bị suy giảm về sinh trưởng, phát triển, năng suất.

Vì thế, đối với những khu vực này, các cơ quan chuyên môn địa phương cần thường xuyên theo dõi tình hình nguồn nước, lượng nước, khuyến cáo bà con nâng cao các đê bao để bảo vệ vườn cây ăn trái, rau màu mùa Tết và lúa đông xuân, tránh rủi ro có thể xảy ra bất cứ lúc nào, kể từ khi xuống giống đến khi thu hoạch. Nếu làm tốt các vấn đề nêu trên thì vụ lúa đông xuân 2022 - 2023 ở ĐBSCL sẽ kỳ vọng thắng lợi vẹn toàn.

Cảnh giác hạn, mặn cuối vụ đông xuân

Cũng theo ông Lê Thanh Tùng, mặc dù trong năm 2022, vùng ĐBSCL xuất hiện lượng mưa nhiều vào gần cuối năm, cộng thêm lũ thượng nguồn vượt báo động III, cao hơn so với trung bình nhiều năm trước, tuy nhiên điều này sẽ không ảnh hưởng đến việc xuống giống lúa đông xuân 2022 - 2023.

Vùng ĐBSCL chiếm 52% diện tích gieo trồng lúa của cả nước và đã phát huy lợi thế là vựa lúa lớn nhất khi đóng góp hơn 90% sản lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Các tỉnh vùng ĐBSCL cần chủ động những kịch bản để sẵn sàng ứng phó với rủi ro hạn, mặn cuối vụ đông xuân. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Tuy nhiên sau Tết Nguyên đán Quý Mão, theo dự báo sẽ có khoảng 400.000ha lúa có nguy cơ hạn vào cuối vụ lúa đông xuân 2022 - 2023 ở Nam bộ. Đặc biệt là các vùng ven biển thuộc các tỉnh Long An, Bến Tre, Tiền Giang, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu và Kiên Giang. Khoảng 400.000ha này chiếm khoảng 26% diện tích lúa đông xuân của toàn vùng, vì vậy cần phải xuống giống sớm.

Các địa phương phải bố trí thời vụ, chủ động xuống giống sớm ở vùng ven biển có thể bị ảnh hưởng bởi xâm nhập mặn. Có như vậy mới đảm bảo đủ lượng nước tưới và hạn chế thấp nhất thiệt hại do xâm nhập mặn gây ra nếu có. Ngoài ra, cũng đề phòng tình trạng khô hạn cục bộ tại một số địa bàn thuộc vùng phù sa ngọt.

Chính vì vậy, các tỉnh ĐBSCL luôn theo tinh thần cảnh giác cao nhất về vấn đề hạn mặn và sâu bệnh. Ví dụ nếu ĐBSCL có xâm nhập mặn sớm vào tháng 12 hoặc tháng Giêng và kéo dài cho đến tháng 4, đến tháng 5 thì phải có phương án để thời điểm này các vùng nguy hiểm nhất, vùng có nguy cơ sẽ không còn cây lúa trên đồng ruộng. 

Cần tiếp tục giảm nhanh chi phí sản xuất

Theo đánh giá của nguyên Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh tại hội nghị sơ kết sản xuất vụ thu đông, vụ mùa năm 2022, triển khai kế hoạch sản xuất vụ đông xuân 2022 - 2023 vùng Đông Nam bộ và ĐBSCL diễn ra tại TP Cần Thơ vừa qua, rất mừng là thời gian qua, nông dân các địa phương đã giảm được lượng phân bón rất nhiều. Việc giảm phân bón nhưng năng suất lúa vẫn không bị giảm. Điểm quan trọng nữa, theo ông Doanh là việc giảm lượng giống gieo sạ ở ĐBSCL những năm qua đã có chuyển biến tích cực, tuy nhiên vẫn còn chậm.

Hiện nay, các địa phương vẫn còn sử dụng quá nhiều giống lúa để sạ, vừa gây lãng phí hạt giống, vừa gây phát thải khí nhà kính, tiêu tốn nước, tạo điều kiện cho sâu bệnh phát triển. Vì vậy, các địa phương cần phải tập trung cao độ hơn nữa trong xây dựng gói kỹ thuật hướng tới giảm chi phí, nhất là lượng phân bón, thuốc BVTV và lượng giống gieo sạ.

Empty

Ngành nông nghiệp và nông dân ĐBSCL cần tiếp tục tạo chuyển biến nhanh hơn về giảm chi phí sản xuất lúa, nhất là trong bối cảnh giá vật tư đầu vào đang rất cao. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Vùng ĐBSCL chiếm 52% diện tích gieo trồng lúa của cả nước và đã phát huy lợi thế là vựa lúa lớn nhất khi đóng góp hơn 90% sản lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam. Góp phần khẳng định vai trò, vị thế xuất khẩu gạo trong nhóm dẫn đầu của thế giới, bảo đảm an ninh lương thực và ổn định cuộc sống cho người dân khu vực nông thôn của vùng.

Vì vậy ngay từ đầu vụ lúa đông xuân 2022 - 2023, ngành nông nghiệp các địa phương vùng ÐBSCL cần khuyến cáo người dân giảm lượng phân bón, lúa giống để giảm chi phí vậu tư đầu vào, giảm giá thành sản xuất, đảm bảo lợi nhuận sau thu hoạch.

Ðặc biệt, các địa phương trong vùng cần đẩy nhanh biện pháp ứng dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất nhằm đảm bảo hiệu quả canh tác, giảm giá thành và nâng cao chất lượng sản phẩm. Trong đó cần chú ý các giải pháp tăng cường kiểm tra, ổn định giá cả vật tư nông nghiệp để người dân an tâm canh tác vụ lúa đông xuân, góp phần đảm bảo mục tiêu an ninh lương thực và thế mạnh về xuất khẩu gạo của vùng ÐBSCL.

Để đảm bảo sản xuất vụ lúa đông xuân có lời, nông dân cần thực hiện đồng bộ các giải pháp kỹ thuật tiên tiến vào đồng ruộng nhằm kéo giảm chi phí sản xuất, trong đó, sự hỗ trợ từ các doanh nghiệp, chính quyền các địa phương trong vùng và các bộ ngành là vô cùng cần thiết.

Xem thêm
Trại cầy vòi mốc lớn nhất miền Bắc thu hàng chục tỷ mỗi năm

Gần 20 năm gắn bó với cầy vòi mốc, anh Phạm Văn Hùng ở huyện Lục Nam, Bắc Giang đang thu được hàng chục tỷ đồng mỗi năm nhờ tâm huyết với loài vật này.

Hơn 200 đơn vị tham gia Triển lãm công nghệ, dịch vụ cho thú cưng

TP.HCM Triển lãm Quốc tế chuyên ngành công nghệ, sản phẩm, dịch vụ chăm sóc thú cưng tại Việt Nam - Petfair Vietnam và Livestock Vietnam 2024 được tổ chức tại SECC, quận 7, TP.HCM.

Tháo gỡ 2 điểm nghẽn chính

Ngành mía đường có những điểm nghẽn cần phải giải quyết để phát triển ổn định, bền vững, đó là chia sẻ của TS Cao Anh Đương, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Mía đường (SRI).

Bình luận mới nhất