| Hotline: 0983.970.780

Ứng phó sớm nguy cơ sâu bệnh vụ đông xuân 2023 - 2024

Thứ Hai 04/12/2023 , 14:36 (GMT+7)

Vụ đông xuân 2023 - 2024 dự báo thời tiết sẽ ấm hơn mọi năm, vì vậy các địa phương phía Bắc cần sớm sẵn sàng các giải pháp ứng phó nguy cơ sâu bệnh.

Cẩn trọng bùng phát nhiều dịch hại

Mùa đông xuân 2023 - 2024, Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia dự báo trong khoảng 3 tháng (từ tháng 12/2023 đến hết tháng 2/2024), El Nino tiếp tục duy trì, sau đó suy giảm dần và đạt trạng thái trung tính trong nửa cuối năm 2024. Đồng thời, mùa đông 2023 - 2024, không khí lạnh hoạt động yếu hơn trung bình nhiều năm; rét đậm, rét hại có thể xuất hiện muộn và ít hơn so với các năm trước.

Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật Nguyễn Quý Dương (phải) kiểm tra tình hình dịch hại trên lúa vụ đông xuân 2022 - 2023. Ảnh: Bảo Thắng.

Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật Nguyễn Quý Dương (phải) kiểm tra tình hình dịch hại trên lúa vụ đông xuân 2022 - 2023. Ảnh: Bảo Thắng.

Tại khu vực Tây Nguyên và Nam bộ, nắng nóng có khả năng xuất hiện từ tháng 2/2024. Từ tháng 3, nắng nóng có thể lan rộng sang Tây Bắc và Trung bộ, rồi mở rộng từ tháng 4/2024. Khu vực Đông Bắc bộ, nắng nóng dự báo xuất hiện muộn hơn các khu vực khác và tập trung nhiều vào tháng 5 - 6/2024. Đặc biệt, số ngày nắng nóng có khả năng nhiều hơn trung bình nhiều năm khiến nhiệt độ trung bình trên hầu khắp cả nước phổ biến cao hơn từ 0,5 - 1,5 độ C.

Nhìn chung, xu thế khí hậu nửa đầu năm 2024 sẽ là rét đậm, rét hại ít, nắng nóng xuất hiện sớm, nhiều đợt và gay gắt hơn trung bình nhiều năm. Mùa mưa bão có khả năng đến muộn hơn so với bình thường.

Trên cơ sở dự báo khí hậu mùa đông xuân 2023 - 2024, ông Nguyễn Quý Dương, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (BVTV) đề nghị chi cục trồng trọt và bảo vệ thực vật các địa phương phía Bắc thực hiện tốt công tác điều tra, phát hiện và dự báo chính xác khả năng phát sinh, mức độ gây hại của các sinh vật gây hại, tham mưu biện pháp phòng trừ kịp thời, có hiệu quả trên cây lúa trong vụ đông xuân 2023 - 2024. Đồng thời bám sát cơ sở, theo dõi chỉ đạo phòng trừ dịch hại có nguy cơ phát sinh gây hại trên diện rộng, nhất là bệnh đạo ôn, chuột, sâu cuốn lá nhỏ, rầy nâu, rầy lưng trắng...

“Cán bộ địa phương cần tích cực vận động nông dân tăng cường áp dụng IPM, IPHM, SRI trong sản xuất lúa, vừa tạo điều kiện cho lúa sinh trưởng phát triển khỏe, tăng sức chống chịu với sâu bệnh hại, đặc biệt là bệnh đạo ôn, khô vằn, bạc lá...; rầy nâu, rầy lưng trắng”, ông Dương nói.

Vụ đông xuân 2023 - 2024 tại các tỉnh phía Bắc dự báo sẽ gặp nhiều bất lợi do thời tiết. Ảnh: Tâm Phùng.

Vụ đông xuân 2023 - 2024 tại các tỉnh phía Bắc dự báo sẽ gặp nhiều bất lợi do thời tiết. Ảnh: Tâm Phùng.

Lãnh đạo Cục BVTV cũng đề nghị hệ thống BVTV các tỉnh, thành phố phía Bắc phối hợp chặt chẽ với các cơ quan thông tin đại chúng, các ban ngành liên quan trong việc hướng dẫn, chỉ đạo cơ sở và bà con nông dân thực hiện tốt công tác phòng trừ sinh vật gây hại, kịp thời dập tắt các loại dịch hại, không để lây lan trên diện rộng. Trong đó có việc phát động phong trào diệt chuột ngay từ đầu vụ đông xuân tại vùng gò bãi, mương máng... bằng nhiều biện pháp, ưu tiên sử dụng thuốc sinh học, hạn chế sử dụng thuốc hoá học. Ngoài ra, cần kết hợp diệt chuột ngoài đồng, ven làng với việc diệt trừ chuột trong khu dân cư. Chú trọng hai đợt phát động diệt chuột chính cho mỗi vụ là trước gieo trồng 10 - 20 ngày và giai đoạn trước làm đòng.

Với cây ngô, rau màu, Cục BVTV đề nghị tăng cường công tác điều tra, phát hiện, hướng dẫn nông dân phòng trừ kịp thời những diện tích nhiễm sâu keo mùa thu hại ngô có mật độ cao; theo dõi và chỉ đạo nông dân quản lý sâu keo mùa thu theo Quy trình kỹ thuật phòng, chống sâu keo mùa thu mà Cục BVTV đã ban hành, đảm bảo hiệu quả và vệ sinh an toàn thực phẩm.

Trên cây sắn, các địa phương cần tiếp tục công tác điều tra, phát hiện bệnh khảm lá, rệp sáp bột hồng hại sắn, bệnh chổi rồng tại các tỉnh trong vùng, đặc biệt lưu ý đến những vùng đã xuất hiện rệp sáp bột hồng để chủ động trong chỉ đạo phòng, chống. Cùng với đó, đẩy mạnh công tác phòng chống bệnh khảm lá virus hại sắn; chủ động hướng dẫn phòng trừ rệp sáp bột hồng hại sắn.

Đối với vụ hè thu – vụ mùa 2024, bệnh lùn sọc đen có khả năng tiếp diễn, nguy cơ hại tăng, đặc biệt nếu vụ đông xuân có nguồn bệnh cao; bệnh bạc lá nguy cơ gây hại diện rộng vùng ven biển và khu vực Đồng bằng sông Hồng.

Cục BVTV đề nghị các địa phương phía Bắc tích cực vận động nông dân tăng cường áp dụng IPM, IPHM, SRI trong sản xuất lúa. Ảnh: Lê Bền.

Cục BVTV đề nghị các địa phương phía Bắc tích cực vận động nông dân tăng cường áp dụng IPM, IPHM, SRI trong sản xuất lúa. Ảnh: Lê Bền.

Ông Nguyễn Quý Dương, Phó Cục trưởng Cục BVTV nhận định, trong vụ đông xuân 2023 - 2024, bệnh lùn sọc đen có nguy cơ gây hại tăng, nhất là tại các tỉnh như Nghệ An, Thanh Hóa, Nam Định, Thái Bình, Hải Phòng, Ninh Bình; bệnh đạo ôn cổ bông hại diện rộng, nặng trên giống nhiễm ở những các địa phương như Hà Tĩnh, Nghệ An, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Hải Phòng, Hưng Yên, Hải Dương; sâu cuốn lá nhỏ, rầy phát sinh diện rộng, các lứa sâu có thể kéo dài tại các tỉnh ven biển.

Hà Nội "lên dây cót" trước nguy cơ khó khăn về nước

Ông Nguyễn Mạnh Phương, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT cho biết, từ tháng 11/2023 đến tháng 4/2024, lượng nước về các hồ chứa khu vực miền Bắc dự báo tiếp tục thiếu hụt so với trung bình nhiều năm.

Cụ thể, từ tháng 11/2023 đến tháng 1/2024, lượng nước về các hồ chứa lớn trên lưu vực sông Đà thiếu hụt từ 10 - 25%, trên lưu vực sông Gâm và sông Chảy thiếu hụt từ 20 - 30%. Từ tháng 2 đến tháng 4/2024, lượng nước về các hồ trên lưu vực sông Đà thiếu hụt từ 5 - 20%, lưu vực sông Gâm và sông Chảy từ 10 - 20%. “Với dự báo này, công tác đảm bảo cấp nước cho sản xuất nông nghiệp cũng như cung ứng điện những tháng cuối năm 2023 và năm 2024 sẽ gặp nhiều khó khăn”, ông Phương chia sẻ.

Hà Nội dự báo sẽ gặp nhiều khó khăn về nguồn nước tưới trong vụ đông xuân 2023 - 2024. Ảnh: Minh Phúc.

Hà Nội dự báo sẽ gặp nhiều khó khăn về nguồn nước tưới trong vụ đông xuân 2023 - 2024. Ảnh: Minh Phúc.

Dựa trên chỉ đạo của Bộ NN-PTNT và các đơn vị chuyên môn, TP Hà Nội cho biết sẽ lên kế hoạch gieo cấy trà lúa xuân chính vụ với trên 80% diện tích, gieo tập trung từ 20/1 đến 4/2/2024. Ngành nông nghiệp Thủ đô cũng sẽ triển khai các giải pháp chủ động chống rét cho mạ; thực hiện che phủ nilon 100% diện tích mạ đúng kỹ thuật. Khi thời tiết rét đậm, rét hại kéo dài, cán bộ các trạm trồng trọt và BVTV sẽ hướng dẫn người dân giữ đủ ẩm, bón thêm tro bếp, phân lân, tuyệt đối không bón đạm cho mạ. Đồng thời, có kế hoạch gieo mạ dự phòng với tỷ lệ 5 - 10% bằng các giống lúa ngắn ngày để ứng phó kịp thời nếu gặp rét đậm, rét hại.

Về thời vụ gieo cấy vụ đông xuân 2023 - 2024, ông Phương thông tin, Thành phố sẽ chỉ đạo cấy tập trung từ 4/2 đến 29/2/2024, gieo sạ tập trung từ 12/2 đến 24/2; không gieo mạ hoặc cấy vào những ngày rét đậm, rét hại, nhiệt độ không khí dưới 15 độ C. Ngoài ra, Hà Nội sẽ tiếp tục mở rộng diện tích làm mạ khay - cấy máy, mở rộng diện tích gieo trồng lúa có áp dụng hệ thống canh tác lúa cải tiến SRI.

Lãnh đạo Sở NN-PTNT Hà Nội cam kết cường đôn đốc, hướng dẫn người dân tại những khu vực có tập quán cấy muộn như Hoài Đức, Đan Phượng, Quốc Oai, Thanh Trì, Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm… đẩy sớm lịch thời vụ gieo cấy vụ xuân 2024, phấn đấu toàn Thành phố cơ bản hoàn thành gieo cấy lúa xuân xong trước ngày 29/2/2024.

Có vị trí đặc biệt quan trọng nên ngành nông nghiệp Hà Nội luôn xác định đẩy mạnh sử dụng các giống lúa chất lượng cao, tập trung các giải pháp nâng cao năng suất, giảm chi phí sản xuất, hạ giá thành sản phẩm, nâng cao giá trị gia tăng, phục vụ xuất khẩu.

Hà Nội cam kết cường đôn đốc, hướng dẫn người dân tại những khu vực có tập quán cấy muộn đẩy sớm lịch thời vụ gieo cấy vụ xuân 2024. Ảnh: Lê Bền.

Hà Nội cam kết cường đôn đốc, hướng dẫn người dân tại những khu vực có tập quán cấy muộn đẩy sớm lịch thời vụ gieo cấy vụ xuân 2024. Ảnh: Lê Bền.

Bên cạnh việc hướng dẫn người dân thực hiện đúng cơ cấu giống, thời vụ, Hà Nội sẽ tăng cường giới thiệu các mô hình sản xuất có hiệu quả, kỹ thuật thâm canh, những giống cây trồng mới, đảm bảo vấn đề an toàn thực phẩm, thông tin thị trường, các vấn đề phát sinh trong quá trình sản xuất và biện pháp khắc phục.

“Với nông dân, đầu ra sản phẩm luôn là ưu tiên hàng đầu. Do đó, Hà Nội sẽ tập trung hướng dẫn bà con tham gia nhiều hơn vào các chuỗi liên kết, đồng thời tuyên truyền, hướng dẫn nông dân kỹ thuật canh tác tiên tiến, sử dụng phân bón cân đối và phòng trừ sâu bệnh hại kịp thời để sản phẩm đáp ứng đúng, đủ với yêu cầu của thị trường trong nước và quốc tế”, ông Nguyễn Mạnh Phương nhấn mạnh.

Xem thêm
Người nuôi lợn trang trại, gia trại được gỡ nút thắt

QUẢNG BÌNH Tâm lý ngại dịch bệnh, thua lỗ, ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi lợn được tháo gỡ khi mô hình chăn nuôi lợn hữu cơ có đệm lót phát huy hiệu quả.

Số hóa quản lý chó, mèo để phòng, chống bệnh dại

Để công tác phòng, chống bệnh dại có hiệu quả, chó, mèo nuôi ở các địa phương cần được quản lý chặt chẽ, nhất là thông qua việc áp dụng số hóa.

Cần chế biến sâu cho 'tứ đại danh dược'

HÀ TĨNH Nhung hươu là một trong 'tứ đại danh dược' (sâm, nhung, quế, phụ), tuy nhiên giá trị gia tăng từ chế biến sâu sản phẩm nhung hươu hiện đang bị bỏ ngỏ.

Bình luận mới nhất