Trong thế giới của các máy bay thương mại lớn nhất thế giới, nổi lên hai “hảo thủ” là Boeing 747 và Airbus A-380. Nhưng mặc dù ra đời sau, to lớn hơn, chiếc A-380 được thông báo là sẽ ngừng sản xuất, do nhu cầu không như kỳ vọng của hãng Airbus.
Trong khi đó, chiếc Boeing, ra đời từ năm 1969, vẫn tỏ ra sung sức và chưa hẹn ngày “về hưu” dù 50 năm đã trôi qua, với nhiều phiên bản 747 ra đời.
Một trong hai chiếc Air Force One của Tổng thống Mỹ |
Ngày 3/8/1970, chiếc 747 của hãng hàng không Pan Am với tên gọi “Clipper Victor,” cất cánh từ sân bay JFK ở New York bay đến thành phố San Juan ở Puerto Rico, mang theo 359 hành khách và 19 thành viên phi hành đoàn. Trên chuyến bay mang số hiệu 299 này có tiếp viên Esther de la Fuente. Một người đàn ông thấp người, có râu quai nón, đội mũ beret tiến đến chỗ cô Fuente. “Tôi muốn đi Cuba”, anh ta nói. Esther nghĩ anh ta nói đùa nên đáp lại vui vẻ: "Không, hãy tới Puerto Rico thôi. Thời điểm này ở đó nhiều trò vui lắm”.
Nhưng rồi gã đàn ông rút súng ra, và vụ không tặc đầu tiên trên máy bay Boeing 747 bắt đầu.
Cơ trưởng Augustus Watkins thông báo tình trạng khẩn cấp và đổi hướng máy bay về phía thủ đô Havana của Cuba.
Chuyến bay 299 hạ cánh xuống sân bay Jose Marti lúc 5h31 sáng. Trước sự ngạc nhiên của hành khách, Watkins rời máy bay cùng kẻ không tặc. Và đây là lần đầu tiên, Chủ tịch Cuba Fidel Castro, lúc ấy là thủ tướng, nhìn thấy “gã khổng lồ” Boeing 747, theo New York Times.
“Tôi gặp Fidel và đưa ông ấy đi tham quan một vòng quanh máy bay. Ông ấy hỏi rất nhiều câu hỏi, về sức chứa của máy bay, tốc độ. Ông ấy đặc biệt quan tâm tới việc máy bay có thể cất cánh từ sân bay của Cuba hay không. Tôi nói đó không phải là vấn đề”, cơ trưởng Watkins kể với New York Times. Theo lời Watkins, Thủ tướng Castro đã xem xét chiếc máy bay trong 30-40 phút và rồi sau 52 phút, cho phép máy bay cất cánh.
“Tên không tặc (R.Campos, người Chile hoặc Peru) muốn lấy hành lý xuống khỏi máy bay trước khi chúng tôi cất cánh và tôi phải giải thích với anh ta và ông Castro rằng không thể làm được điều đó nếu không có thiết bị dỡ hàng chuyên dụng”, viên phi công nói. Sau khi hứa sẽ giám sát việc hành lý của tên không tặc sẽ được chuyển tới Havana bằng một chuyến bay khác, ông Castro ra lệnh dọn đường cho máy bay cất cánh, bay trở lại lãnh thổ Mỹ, cách đó nửa giờ bay.
Sự ra đời của “con voi” 747
5 năm trước khi cơ trưởng Watkins bị buộc phải hạ cánh xuống Cuba, Chủ tịch Pan Am Juan Trippe yêu cầu CEO của hãng Boeing Bill Allen cho thiết kế một chiếc máy bay kích cỡ gấp đôi dòng máy bay Boeing 707 nhằm giải quyết nạn thiếu cổng tiếp nhận ở nhiều sân bay. Nhà thiết kế Joe Sutter đã đưa vào phác thảo của mình những chi tiết kế thừa từ chương trình sản xuất máy bay vận tải khổng lồ C-5 Galaxy của hãng Lockheed.
“Ý tưởng ban đầu là một chiếc máy bay có vẻ ngoài tương tự như máy bay Airbus A-380 ngày nay”, nhà sử học của Boeing Michael Lombardi kể với tạp chí Popular Mechanics. “Họ bỏ ý tưởng này bởi không thể di tản người trên máy bay đủ nhanh ở mức cần thiết trong trường hợp khẩn cấp. Sau đó các nhà thiết kế nghiêng về phương án “đặt hai khung thân máy bay cạnh nhau để tạo ra một thân máy bay với hai lối đi”..
Và đây chính là ý tưởng ban đầu dẫn đến sự ra đời của các máy bay thân rộng mà Boeing 747 là dòng máy bay đầu tiên.
|
Những chiếc Boeing đời đầu |
Ngày nay, trong thế giới của những chiếc máy bay thân rộng, bao gồm cả chiếc A-380, người ta lắm lúc quên rằng lúc ra đời, kích cỡ của 747 được xem là khổng lồ (kể cả ngày nay, cũng chỉ A-380 là lớn hơn nó, trong số các máy bay vận tải dân dụng). Báo chí gọi 747 là “gã khổng lồ”. Chiếc 747 -100 lớn gấp rưỡi chiếc 707 và có thể chuyên chở 440 hành khách, trong khi máy bay phổ biến ở Mỹ trước 747 là 707 chỉ chở được 189 hành khách. Có thể nói, đó là thay đổi một trời một vực. Vì kích cỡ to lớn của 747, Boeing phải xây dựng nhà máy mới ở Everett, bang Washington, chỉ để phục vụ khâu lắp ráp và cho đến nay nhà máy này vẫn là tòa nhà lớn nhất thế giới tính theo diện tích sàn.
Cái “lưng gù” đặc trưng của 747 xuất phát từ suy tính của hãng Boeing rằng các máy bay siêu âm, lúc đó cũng đang được phát triển tại các cơ sở nghiên cứu của hãng, sẽ thống lĩnh các đường bay quốc tế. 747 được thiết kế như một máy bay vận tải với cái lưng gù, một cửa ở mũi máy bay ngay dưới buồng lái và một cửa sau lớn.
Nhưng rồi giấc mơ siêu âm thất bại, 747 trở thành thiết kế mang tính biểu tượng. Cùng với nhiều cải tiến về khí động học, nó là máy bay thương mại đầu tiên áp dụng các động cơ turbo cánh quạt hiệu suất cao, giống như chiếc C-5 Galaxy. Boeing 747 cũng đi tiên phong về công nghệ hạ cánh tự động.
Bởi kích thước rất đồ sộ của chiếc 747, các ông chủ Boeing lo ngại nó sẽ khó vận hành. Nhưng các nhà thiết kế và phi công thử nghiệm đã phối hợp với nhau để biến nó thành cỗ máy dễ điều khiển, cả ở dưới đất cũng như trên trời. Các nhà thiết kế đã phải làm mô hình buồng lái máy bay gắn lên nóc một xe tài cỡ lớn để xem chiếc máy bay to lớn này vận hành trên đường băng như thế nào khi buồng lái cao tới 10,5m so với mặt đất.
Các nỗ lực của Boeing đã được đền đáp. Phi công nói lái 747 nhẹ nhàng như lái một chiếc Piper J-3 Cub, máy bay nhỏ hơn nó 10 lần.
“Khi ra đời, 747 trở thành chiếc máy bay “phải có” đối với nhiều hãng hàng không”, ông Lombardi nói. “Các hãng mua nó bởi họ muốn coi nó thành máy bay “soái hạm”, thậm chí ngay cả khi họ thực sự chưa cần nó”.
Cho đến nay, đã có 8 phiên bản 747 ra đời. Nó là chiếc máy bay thực sự hiện đại hóa việc đi lại bằng đường hàng không. Ông Lombardi nói khả năng chuyên chở lớn của 747 giúp giảm giá vé. Cho dù việc đầu tư nghiên cứu tốn kém và suy thoái kinh tế cộng thêm khủng hoảng dầu mỏ đầu những năm 1970 khiến Boeing suýt phá sản, 747 đã trở thành cỗ máy kiếm tiền dài hạn cho hãng.