| Hotline: 0983.970.780

Hồi ức nhà văn Thái Vũ

Văn Cao trình bày bìa tác phẩm của Thái Vũ

Thứ Ba 13/06/2023 , 14:31 (GMT+7)

Tôi biết và quen khá thân với anh Văn Cao từ năm 1955, khi tôi còn ở Trường Đại học Sư phạm Văn học sau khi hòa bình lập lại...

'Đường vô Huế' do Văn Cao vẽ bìa.

“Đường vô Huế” do Văn Cao vẽ bìa.

Tuy ở đại học, nhưng tôi thường dự sinh hoạt bên Hội Văn nghệ Việt Nam, là thành viên của Hội Nhà văn Việt Nam từ những ngày đầu khi Đại hội thành lập Hội Nhà văn Việt Nam chính thức khai mạc vào tháng 4/1957 ở Câu lạc bộ Đoàn Kết, gần Nhà hát Lớn thủ đô. Những năm đó, đa số anh em trẻ đều từ quân đội về, riêng tôi đang là cán bộ giảng dạy của trường đại học cũng từ chiến trường Liên khu 5 ra.

Lúc đó, tôi rất quý và phục các anh Nguyễn Đình Thi, Nguyễn Huy Tưởng và Văn Cao. Đến sinh hoạt Hội (theo giấy mời), tôi thường tản bộ nói chuyện (để học tập nghề viết văn) với anh Văn Cao và anh Nguyễn Huy Tưởng, chịu ảnh hưởng nhiều từ hai anh.

Rồi anh Nguyễn Huy Tưởng mất quá trẻ (1960), còn anh Văn Cao mãi đến những năm sơ tán chống Mỹ, tôi cũng không được gặp. Năm 1967, tôi bắt đầu viết tiểu thuyết lịch sử Cờ nghĩa - Ba Đình, đồng chí Trần Huy Liệu đã đọc, góp ý kiến rồi đưa nhà xuất bản Quân đội Nhân dân in. Qua năm 1968, chiến dịch Mậu Thân của ta nở rộ trên khắp chiến trường từ Huế vô Sài Gòn.

Ngày đó, trên chiến trường Bình - Trị - Thiên, chỉ có vài ba bài báo chứ chưa có một tác phẩm văn học viết về Mậu Thân 1968 ở Huế, dù là ở thể ký. Vậy là qua Giám đốc Nhà xuất bản Quân đội Nhân dân, Đại tá Mạc Ninh và Trưởng phòng biên tập văn nghệ, Trung tá (lúc đó) Trần Kư, Thiếu tá Đỗ Gia Hựu gặp tôi (vì biết tôi gốc Huế), đề nghị viết 1 cuốn theo thể ký về Mậu Thân 1968 ở Huế.

Tôi cũng phân vân, vì xa Huế từ 1946, lại không dự Mậu Thân 1968 ở Huế, dù đồng chí Đỗ Gia Hựu đã “cấp tư liệu” cho tôi. Vì nhớ Huế từ thời còn học sinh, lại nhớ má (đã mất), nên tôi nhận lời “đi chợ muộn” - lời anh Trần Kư - bắt đầu viết từ năm 1972. Tháng 5/1972 đã đưa in.

Nhưng còn bìa? Quả thật, mấy anh ở Nhà xuất bản Quân đội Nhân dân đâu đã biết Huế. Anh Minh Giang, biên tập viên đề nghị để anh Văn Cao vốn đã sống ở Huế một thời gian, trình bày bìa.

Khi Minh Giang đưa tôi bìa tập Đường vô Huế vào giữa năm 1972, tôi rất cảm động nhưng không gặp được anh Văn Cao vì đang thời gian “sơn tán lại”, sau khi Mỹ phá vỡ Hội nghị Paris (tháng 12/1972, Mỹ ném bom Hải Phòng, Hà Nội) ngày 24 tháng 12 năm 1972. Tôi cầm cuốn Đường vô Huế từ sơ tán ở Gạch - Hà Tây về đi qua phố Khâm Thiên bị bom Mỹ hủy diệt, cảnh người chết, bị thương, cả khu phố đổ nát, càng căm thù giặc Mỹ.

Tháng 11 trước đó, sách in xong, nộp lưu chiểu. Cuốn sách đầu tiên của tôi do Nhà xuất bản Quân đội Nhân dân in, bìa do anh Văn Cao trình bày. Vì cuộc tổng tiến công nổi dậy Mậu Thân năm 1968 giữa ta và địch xảy ra ác liệt ở bờ Bắc sông Hương, nên anh đã trình bày khối hình thành cổ màu tím Huế trên nền trắng. Đúng ra chỉ có một màu tím Huế đầy ý nghĩa.

Nhạc sĩ Văn Cao.

Nhạc sĩ Văn Cao.

Ngày đó, trước 1975, đang những năm chống Mỹ cứu nước, lương cơ bản chỉ trên 30 đồng/tháng, cán bộ có trình độ đại học chỉ trên 60 - 70 đồng/tháng. Một số họa sĩ như Bùi Xuân Phái, Trần Đình Thọ, cả anh Văn Cao, tác giả Quốc ca, đều phải vẽ thêm bìa sách và minh họa báo chí để có thêm thu nhập. Các họa sĩ trẻ, ít tên tuổi, trình bày 1 bìa sách chỉ khoảng 10 -15 đồng/bìa, còn nhuận bút 1 bài văn, truyện ngắn thường chỉ 3 - 5 đồng/bài. Giá 1 bát phở ngon (tư nhân) là 1 đồng, mậu dịch là 0,5 đồng, bánh mì 1 hào, rau muống 2 xu/ bó to. Nhà xuất bản Quân đội Nhân dân trả anh Văn Cao từ 30 – 50 đồng/bìa là rất cao, ưu ái, kính trọng anh.

Anh Văn Cao còn minh họa cho tuần báo Văn nghệ, báo Độc lập. Tôi có mấy truyện ngắn đăng báo Độc lập, anh Ngô Quân Miện cũng đưa anh Văn Cao minh họa. Nếu trình bày bìa, anh vẽ theo hình khối, với những nét đặc trưng tiêu biểu, thì các minh họa, nét bút khỏe và cô đọng, hàm chứa nội dung chính của chủ đề truyện ngắn, như họa sĩ thủy mặc cầm bút lông chấm phá. Anh ký tên Văn.

Cuốn tiểu thuyết lịch sử Cờ nghĩa - Ba Đình trên 1.000 trang, phải in làm 2 tập. Để chuẩn bị cho chiến trường giải phóng miền Nam, năm 1974 mọi sách và tài liệu đều in hướng về miền Nam cho đến ngày 30/4/1975. Do đó tập 1 Cờ nghĩa - Ba Đình mới được in xong đầu năm 1976. Lần này anh Văn Cao lại trình bày bìa cả 2 tập.

Tôi đến gặp anh Văn Cao tại căn gác hẹp của anh ở phố Yết Kiêu. Lúc này anh Văn Cao còn trình bày “phôn màn” cho sân khấu, nên anh Trần Bảng thường đến uống rượu tại nhà anh Văn Cao. Còn nghèo, hai anh thù tạc bên chén rượu trắng với một khoanh giò lụa, cắt mỏng như cái tăm. Hai anh rất vui, tình cảm. Anh Văn Cao nói với tôi: “Vẽ bìa cho người khác, mình chỉ vẽ mẫu một lần là xong, mặc họ. Với cậu, mình vẽ 3 mẫu, tùy cậu chọn”.

Nhưng không đến nỗi thế. Cờ nghĩa - Ba Đình in 2 tập, nên tên sách cũng được tách làm 2: Tập 1 - Cờ nghĩa, anh trình bày chắc khỏe trên một khối màu vàng chiếm 2/3 chiều cao bìa, với một mũi tên màu đỏ, cũng là mũi lao đầy ý nghĩa chiến đấu và quyết thắng; Tập 2 - Ba Đình, đúng là tiếng trống khởi nghĩa từ Ba Đình lịch sử của vùng đất Nga Sơn, Thanh Hóa với các lãnh tụ Đinh Công Tráng, Trần Xuân Soạn, Phạm Bành, Hoàng Bật Đạt. Anh đã vẽ một mặt trống tượng trưng, cũng là một mặt chiêng với khối tròn màu nâu đất, ở giữa là một vòng tròn như điểm xoáy tụ nghĩa, cách quãng trên khoảng 2/3 chiều cao bìa là hình nửa khung giá treo trống màu đỏ…

Anh Văn Cao không phải là danh họa, nhưng mỗi mảng bìa với khối màu và khối hình đơn giản, anh đã nói với tôi: “Cứ cắt quãng suy nghĩ để hình thành mặt bìa nhập “hồn” với nội dung tác phẩm của cậu, mình mất nửa tháng, có lẽ hơn nữa, vì mình hẹn cậu trong vòng 1 tháng”.

Công phu trình bày một mảng bìa tiểu thuyết của họa sĩ, nhà thơ, nhạc sĩ, tác giả bài Quốc ca là thế. Anh mất đi, bao kỷ niệm bên anh, để không thể quên và mai một theo thời gian, tôi ghi lại những dòng này, tạ ơn anh… Ở đây xin tạ lỗi cùng anh, tôi không kể những chuyện riêng tư, tâm sự từ năm 1958 đến những năm gần đây, những năm 1990, anh vào Sài Gòn được bạn bè đón tiếp nồng hậu.

Xem thêm
Câu chuyện thứ tám: Tầm nhìn mua bán

Muốn sản phẩm khởi nghiệp, OCOP vươn ra thế giới phải hiểu thế giới về đặc định từng thị trường, quy định an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc, câu chuyện mong muốn gửi gắm để người tiêu dùng biết đến,…

Na sầu riêng gai to, trái nặng đến 3kg

Cần Thơ Một nông dân xã Trung Thạnh (huyện Cờ Đỏ) phát triển cây na sầu riêng mới lạ, trái nặng đến 3kg, giá cao, nông dân thu ‘trái ngọt’ trên vùng lúa kém hiệu quả.

Đầu tư nuôi đông trùng hạ thảo bởi một 'chữ duyên'

QUẢNG NINH Để nuôi cấy đông trùng hạ thảo, Mai Phương đã chi cả tỷ đồng để đầu tư dây chuyền, thiết bị hiện đại và tiếp nhận chuyển giao công nghệ từ chuyên gia đầu ngành.

Hà Lan thành công nghiên cứu giống chuối kháng bệnh Panama

Các nhà khoa học lai tạo ra giống chuối Yelloway One có thể kháng lại dịch bệnh Panama được mệnh danh là ‘kẻ hủy diệt’ chuối hàng loạt.