| Hotline: 0983.970.780

Về Đồng Tháp ghé thăm làng nấm Tân Hòa

Thứ Sáu 14/01/2022 , 15:18 (GMT+7)

Về Đồng Tháp làng cũ kề làng mới. Ở Miền Tây sông nước tìm dấu làng xưa có khi khó hơn chỉ dấu xóm Tân Hòa làm nghề trồng nấm rơm từ 30 năm trước.

Nấm rơm - Từ rơm rạ hái ra tiền. Ảnh: HĐ

Nấm rơm - Từ rơm rạ hái ra tiền. Ảnh:

Tân Hòa ngày mới…

Đồng Tháp có làng hoa, làng bột, làng nem và nay là làng du lịch…. Cần Thơ từng có làng nướng. Đời có sự dung dị, chẳng vô khuôn mẫu nào nhưng lại biết cách dắt nhau chạy theo thời gian như ở làng nấm Tân Hòa.

Cận Tết là dân Tân Hòa háo hức lo mùa nấm. Dọc theo sông Hậu là các xã Long Hậu, Tân Phước, Tân Thành… thuộc huyện Lai Vung (Đồng Tháp) đến làng nem, làng quýt hồng, làng hoa Phong Hòa, làng hoa Sadec từng là khôi nguyên của Đông Dương, làng bột Sa Đéc… Đến khi hoàng hôn che phủ thì làng chiếu Định Yên (Lấp Vò, Đồng Tháp)) chuẩn bị họp chợ ma lúc giữa khuya.

Người xưa kể rằng chợ mua bán chiếu giữa khuya thanh vắng và những chiếc đèn dầu đom đóm… àm cho chợ chiếu huyền ảo, vậy mà dân thương hồ miền hạ lại kéo nhau tới đây.

Làng nấm phải dậy sớm, nhưng không phải lúc giữa khuya như chợ ma vì mọi việc phải khớp với người mua hàng chở về thành phố. Mỗi lần ghé làng nấm Tân Hòa là một câu chuyện khác, mới mẽ, cuốn hút từ chuyển đổi cách thức làm ăn tới chợ rơm Tân Hòa ở Lai Vung.

Từ ngoài sông Hậu rẽ vào vàm kinh Bông Súng dòng nước bạc nhẹ nhàng trôi, không có gì gấp gáp. Nguồn nước tưới mát ruộng vườn, tuy không ào ạt như thập niên chưa có những đập lớn trên thượng nguồn nhưng cũng đủ cho những cánh đồng xanh mượt mà, trải rộng mút mắt. Thu hoạch lúa là cơ hội của làng nấm rơm, ghe chở rơm đậu trải dọc theo hai bờ kinh.

Phía sau những dãy nhà, mặt ruộng đã thành sân chất nấm, vô số giồng nấm - lớp lớp, trùng trùng. Nấm rơm đã đem lại cuộc sống mới tươi vui, đầm ấm, công ăn việc làm tiếp nối quanh năm. Nơi đây  nhiều nhà tường ngói đỏ, giàu lên…là những ông chủ cơ sở buôn bán, sơ chế nấm rơm.

Đại dịch Covid-19 gây ra cú sốc chưa từng thấy trong đời người. Dân trồng nấm Tân Hòa bàng hoàng, hụt hẫng khi chợ nấm đang tiêu thụ giá tốt, bình ổn mỗi ký nấm tươi với mức cao trên 40-50 ngàn đồng thì mấy ngày “đứt gãy” vận chuyển hàng hóa, giá nấm rơi từ trên trời xuống dưới 15 ngàn đồng mỗi ký. Trong khi chợ đầu mối TP HCM, giá nấm 120-150 ngàn đồng/kg, nhưng không có hàng. Dân hái nấm vội vàng, lo âu, gõ cửa mối lái kêu bán, nhưng tất cả điểm thu mua đóng cửa im ỉm, thưa vắng nhân công sơ chế vì sợ dịch… cho đến khi sức mua mạnh trở lại khi mở “luồng xanh”.

Chỉ sau 5-6 ngày, chợ nấm rơm nhanh chóng phục hồi. Nấm tươi chạy chợ, nấm muối chế biến xuất khẩu mối lái đặt hàng tới tấp cho tới cận kề ngày giáp Tết. Dân làng nấm lại gọi nhau qua điện thoại mua bán, đặt hàng. Nào là bao nhiêu rơm, meo, ước lượng số ký nấm tươi, phải giao hàng sáng sớm. Mọi thỏa thuận giá cả hay thanh toán từ hôm trước nên rút kết giao dịch thật gọn gàng. Nấm rơm nỡ ra đầy giồng, đắt hàng như tôm tươi.

Nấm rơm bốn mùa

Chiều cuối năm, một nhóm thân hữu già nghề ngồi cùng nhau quanh bàn trà. Ông Mười Hai (Nguyễn Văn Mười Hai) tức ấm ách khi nhớ lại: Phải chi lúc nấm tuột giá sát đáy (tụt giá) giữa mùa Covid-19 anh em tụi mình làm gan mở cửa trại sơ chế, thu mua vào số lượng nhiều thì nay trúng giá đậm rồi.

Việc sơ chế, phân loại nấm rơm đem lại công ăn việc làm cho lao động nông thôn. Ảnh: HĐ

Việc sơ chế, phân loại nấm rơm đem lại công ăn việc làm cho lao động nông thôn. Ảnh:

Ông bạn già ngồi cạnh bên, cải lý: Có ai biết dịch giã kéo dài ra sao, rồi nhân công không thể đi lại, cơ sở tìm ai phân loại, sơ chế, chế biến… làm cho lắm nhưng  ai mua? Giống như một cơn gió độc thổi qua, ai nấy ngồi khoanh tay bó gối, tính nát nước, bởi chưa bao giờ giá nấm sát đáy như vậy.

Dân thâm niên trong nghề như ông Mười Hai, ông Nhớ, ông Trung… là lớp nông dân đầu tiên mở lối đi cho làng nấm ở Tân Hòa. Những năm đầu (1986-1987), đất nước mở cửa, đổi mới, Liên doanh Meko đầu tiên của cả nước đầu tư 7 xí nghiệp chuyên doanh, chế biến nông sản xuất khẩu ở vùng ĐBSCL. Trong đó, Xí nghiệp chế biến thực phẩm Meko tiên phong mở mũi khuyến nông trồng và thu mua nấm rơm đóng hộp xuất khẩu.

“Hồi đó nhờ có Meko làm nền phát triển ra nghề trồng nấm ngày nay lan rộng ra khắp nơi trong vùng”, ông Mười Hai nhớ lại. Hồi đó đường sá đi lại còn khó khăn, đò giang cách trở, điện thoại liên lạc khó khăn, chưa có di động cầm tay quẹt quẹt báo tin giá cả nhanh chóng, tiện lợi như bây giờ… Dân trồng nấm phải lọ mọ thắp đèn từ đầu hôm để hái nấm cho kịp trước khi trời sáng. Mấy chiếc vỏ lãi bất kể mưa giông, vượt sóng gió băng qua sông Hậu bán nấm còn tươi. Gian nan, cơ cực nhưng đó là cơ hội giúp nhiều nhà thoát nghèo, con cái tới trường học hành cũng nhờ nấm.

Tân Hòa có 5 ấp với hơn 2.300 hộ thì có đến 80% hộ làm nghề trồng nấm rơm quanh năm. Chỉ cần siêng năng, dân nghèo không đất cũng có thể thuê đất mặt ruộng làm sân chất nấm. Chợ nấm luôn có nơi bao tiêu nên chẳng ai trồng nấm rơm chịu lỗ lã bao giờ.

Bình minh trên sông Hậu

Từ rơm rạ hái ra tiền là thật. Rơm thời nay quý như vàng. Sau mỗi vụ lúa lượng rơm rạ vùng ĐBSCL nhiều vô kể.

Ngày xưa, gặt hái xong là mùa đốt đồng. Nay, rơm được tận dụng làm nấm. Vì nấm, có chợ rơm Tân Hòa thu hút hàng chục ghe rơm làm dịch vụ từ các nơi chở tới. Dân trồng nấm suy nghĩ cũng khác trước, đầu tiên tưởng nấm rơm là nghề nghề phụ thì nay trở thành nghề có thu nhập chính, chuyên nghiệp.

Làng nấm rơm vào mùa ra chợ Tết. Ảnh: HĐ

Làng nấm rơm vào mùa ra chợ Tết. Ảnh:

Ăn nên làm ra nhờ cái nghề bất kể mùa mưa hay nắng đều có thể chất nấm, hái nấm bán quanh năm. Có hai cách giữ vững nguồn cung nấm: Mỗi cơ sở phải liên kết với hơn 20-50 hộ trồng nấm chuyên nghiệp, đầu tư vốn trước để mua rơm, meo nấm. Với chiều dài giồng nấm tầm hơn 5-6 ngàn mét mới thu về sản lượng nấm trên 500-600 tấn nấm tươi/ngày. Cơ sở thu mua nấm lo hết phần đặt mua rơm, meo nấm cho tới khâu tiêu thụ sản phẩm. Còn dân trồng nấm thu lợi tới cọng rơm, tới cái phần ít ai ngở tới là rơm mục. Hồi xưa rơm mục chẳng là gì nhưng nay rơm hoai mục làm phân hữu cơ vi sinh, luôn hút hàng - theo trào lưu mới - Nông nghiệp tuần hoàn.      

Tân Hòa ngày nay trồng nấm lan rộng ra khắp huyện Lai Vung. Tới khi sản lượng nấm hàng hóa đủ lớn thu hút giới doanh nhân, thương lái tìm đến. Lai Vung thành tâm điểm chợ cung ứng nấm tươi, nấm muối lớn trong vùng.

Anh Lộc ở thị trấn Lai Vung, anh Trung bên dòng kinh Bông Súng… là những ông chủ chuyên doanh nấm rơm tươi và chế biến nấm nói làng nấm có cùng hơi thở với thị trường nên khi Nghị định 128 được ban hành, dân làng nấm lẹ làng lo vào mùa rơm thơm lúa mới Đông Xuân khắp vùng. Thời giá lúc nầy dân mua bán rơm báo 26 ngàn đồng/cuộn rơm (12 kg), tăng 5-7 ngàn đồng/cuộn so mấy tháng trước mùa  dịch bệnh. Công lao động phân loại, sơ chế nấm rơm 250 ngàn đồng/người, nhưng chỉ trong 6 giờ/ngày….

Câu chuyện làng nấm Tân Hòa không chỉ là nấm, là rơm mà là chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị. Mỗi cơ sở muốn tạo nguồn nguyên liệu ổn định phải liên kết với nông dân trồng nấm.

Dân nhà nghề tiên đoán rằng năm nay có khi dân làng nấm sẽ có câu chuyện mới, có khi là nấm - thực phẩm ra đời trong ống nghiệm - theo một cấu trúc đặc biệt nào đó bên cạnh dòng nấm thể quả truyền thống đang ứng dụng thành công. Hy vọng mới - bình minh bên kia bờ sông Hậu.

Làng ngày xưa là nơi tụ cư truyền thống của người Việt ở thôn quê, có địa vực, cơ sở hạ tầng, cơ cấu tổ chức lo việc làng, có phong tục, tập quán và hương ước hoàn chỉnh theo chiều dài lịch sử. Làng ở vùng ven sông Hậu thật khác, ở đây làng là nơi hội tụ nguồn lực trước một cơ hội, cùng nhau “tạo cấu trúc sinh dưỡng” dấu ấn để đời.

Xem thêm
AgroViet 2024 - Cầu nối mở rộng thương mại nông sản

Ngày 20/11, Hội chợ triển lãm Nông nghiệp Quốc tế lần thứ 24 - AgroViet 2024 được khai mạc tại Trung tâm xúc tiến thương mại Nông nghiệp (Hà Nội).

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam cảnh báo lừa đảo tuyển dụng

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) đưa ra cảnh báo người dân về hiện tượng mạo danh Tập đoàn lừa đảo tuyển dụng nhân sự trên mạng xã hội.

VietinBank giành cú đúp giải thưởng về Báo cáo thường niên tại VLCA 2024

LÂM ĐỒNG VietinBank được vinh danh tại VLCA 2024 với hai giải thưởng quan trọng, khẳng định nỗ lực minh bạch thông tin và phát triển bền vững.

Hà Nội sắp đưa vào sử dụng gần 6.000 căn nhà ở xã hội

Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, gần 6.000 căn hộ tại 11 dự án nhà ở xã hội dự kiến sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng trong giai đoạn 2024 - 2025.