| Hotline: 0983.970.780

Về kỹ thuật đốn cây cà phê

Thứ Hai 13/07/2009 , 09:34 (GMT+7)

Một cán bộ công tác tại Viện Khoa học Kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên - WASI (Viện Nghiên cứu Cà phê trước đây) có ý kiến trao đổi thêm về kỹ thuật đốn cây cà phê của TS Lê Xuân Đính.

Tôi là một cán bộ công tác tại Viện Khoa học Kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên - WASI (Viện Nghiên cứu Cà phê trước đây) đã có một thời gian khá dài (25 năm) nghiên cứu về cây cà phê và có hiểu biết ít nhiều về kỹ thuật canh tác loại cây này.

Sau khi đọc bài báo "Kỹ thuật đốn cây cà phê" của TS Lê Xuân Đính đăng trên Báo Nông nghiệp Việt Nam số120 (3228) ra ngày 17/06/2009, bản thân có một vài ý kiến cần trao đổi với tác giả như sau:

1. Về vấn đề "Kỹ thuật đốn phớt", "Kỹ thuật đốn đau" cho cà phê

Đối với cây cà phê thuật ngữ "Đốn phớt", "Đốn đau" là không có bất cứ trong một tài liệu nào về kỹ thuật canh tác cà phê trên thế giới và Việt Nam từ trước đến nay. Căn cứ vào đặc điểm sinh lý cũng như quy luật ra cành, quy luật ra hoa, đậu quả của cây cà phê, đặc biệt là cà phê vối, các nhà khoa học đã nghiên cứu biện pháp kỹ thuật để đảm bảo cho cây cà phê có bộ tán cân đối, số cành mang quả phân bố đều trong không gian nhằm đảm bảo năng suất cao, ổn định và kéo dài chu kỳ khai thác của cây. Đó là kỹ thuật tạo hình cho cà phê. Trên thế giới hiện nay có 2 hệ thống tạo hình khác nhau: hệ thống tạo hình đa thân và đơn thân. Tạo hình đơn thân có mục đích khai thác năng suất từ hệ thống cành thứ cấp. Tạo hình đa thân khai thác năng suất chủ yếu từ cành cơ bản của mỗi thân.

Ở Việt Nam, kết quả nghiên cứu của WASI đã khuyến cáo đối với cây cà phê vối trồng ở Tây Nguyên nên áp dụng kỹ thuật tạo hình đơn thân có hãm ngọn để khai thác tối đa sản lượng quả từ hệ thống cành thứ cấp vào những năm sau. Đồng thời với kỹ thuật này thì kết hợp với việc cắt tỉa cành 2 lần/năm. Lần 1 sau khi thu hoạch và lần 2 vào giữa mùa mưa nhằm duy trì hệ thống cành thứ cấp hợp lý để cho quả ở vụ sau với mục đích là đảm bảo năng suất cao, ổn định. Thông thường, cành thứ cấp phát sinh trong cùng một năm thì khả năng phân hoá mầm hoa thấp nên năng suất không cao, nên chắc chắn việc "đốn phớt" hàng năm, năm sau luôn ở vị trí cao hơn và xa hơn đối với cây cà phê sẽ không mang lại hiệu quả thiết thực, thiếu căn cứ khoa học.

Qua nhiều năm khai thác, tuỳ thuộc vào trình độ canh tác của nông dân, trong đó có kỹ thuật tạo hình thì cây cà phê bắt đầu giảm năng suất do hệ thống cành cơ bản phía dưới gốc cây bị rụng dần, WASI khuyến cáo cưa đốn phục hồi để khai thác chu kỳ 2. Đến lúc cây cà phê quá già được biểu hiện bằng sinh trưởng, hệ thống rễ phát triển kém, năng suất thấp, không hiệu quả thì nhổ bỏ và trồng tái canh. Toàn bộ kết quả nghiên cứu về kỹ thuật tạo hình cho cà phê của WASI đã được công nhận là tiến bộ kỹ thuật và đã biên soạn thành quy trình, các tài liệu kỹ thuật, tài liệu tập huấn từ năm 1995 và có bổ sung, cập nhật liên tục cho tới nay. Kỹ thuật tạo hình cho cà phê vối đã được đại đa số người trồng cà phê áp dụng, đã góp phần quan trọng trong việc tăng năng suất cà phê so với trước đây khoảng 250 - 300% và kéo dài chu kỳ kinh doanh của cây cà phê.

Như vậy nếu căn cứ vào đặc điểm sinh lý cũng như quy luật ra cành, ra hoa đậu quả của cà phê thì việc áp dụng kỹ thuật "đốn phớt" hàng năm cho cà phê là hoàn hoàn không phù hợp và sẽ chỉ thu được lá là chủ yếu chứ không phải là quả như mục đích trồng trọt của cây cà phê. Ngoài ra theo tác giả bài báo thì "việc đốn đau nên chọn vị trí có nhiều cành chính (cành cơ bản) để từ đó có đủ số cành cho quả cần thiết..." cũng không thực tế và không có cơ sở khoa học bởi vì đặc điểm của cây cà phê vối là sau một thời gian canh tác thì hệ thống cành cơ bản ở sát gốc sẽ bị rụng và chỉ còn một số cành ở phía trên (ở độ cao từ 1,0-1,4 m so với mặt đất) thì việc "đốn đau" là hoàn toàn không thực hiện được.

Vì vậy thuật ngữ "Đốn phớt", "Đốn đau" chỉ dùng đối với các cây công nghiệp dài ngày khai thác sản phẩm là lá, chồi non ví dụ như cây chè. Tất nhiên đối với cây chè để đề xuất được kỹ thuật "Đốn phớt", "Đốn đau" thì các nhà khoa học cũng đã nghiên cứu dựa vào đặc điểm sinh lý, sinh hoá, ra cành, ra lá của cây chè để có những kết luận và khuyến cáo áp dụng trong sản xuất.

2. Về vấn đề "trẻ hoá" phần rễ cà phê

Tác giả đặt vấn đề "còn việc trẻ hoá rễ cây có cần thiết không và nên làm như thế nào? Đây là một câu hỏi xưa nay chưa ai đặt ra và chưa ai biết nên làm thế nào". Vấn đề này tôi có ý kiến như sau: Từ những năm 1995 - 2000 WASI đã nghiên cứu giải quyết về vấn đề cải tạo (hay trẻ hoá) hệ thống rễ đối với cây cà phê. Kết quả nghiên cứu đã được công nhận là tiến bộ kỹ thuật khuyến cáo cho sản xuất. Ép xanh là một trong những kỹ thuật vừa cải tạo hệ thống rễ hút rất tốt, vừa kết hợp bón tàn dư thực vật cho cà phê; hoặc cày giữa 2 hàng cà phê là biện pháp cải tạo hệ thống rễ hút; hoặc khi cưa đốn phục hồi cà phê để khai thác chu kỳ 2 thì biện pháp cải tạo rễ là một biện pháp bắt buộc.

Do đặc điểm sinh lý của cây cà phê vối là hệ thống rễ hút dinh dưỡng, hút nước chủ yếu tập trung ở tầng 0 - 30 cm, sau một thời gian cây sinh trưởng và phát triển thì hệ thống rễ này bị già cỗi dần, các chức năng hút nước cũng như dinh dưỡng bị hạn chế thì việc cải tạo hệ thống rễ này là vấn đề cần thiết. Tuy nhiên việc trẻ hoá phần rễ cà phê của tác giả nêu ra trong bài báo còn quá mơ hồ và không có cơ sở khoa học vì 6 lý do sau đây:

Thứ nhất là vị trí cải tạo hệ thống rễ chắc chắn phải là giữa 2 hàng cà phê, hoặc theo tán cà phê bởi vì cây cà phê có đặc điểm là tán tới đâu là hệ thống rễ hút ra tới đấy, chứ không cần xác định vị trí gì cả.

Thứ hai là chỉ cải tạo hệ thống rễ ở độ sâu khoảng từ 0 - 30 cm.

Thứ ba là việc cải tạo rễ chỉ thực hiện ở hệ rễ hút (rễ tơ) và thực hiện khoảng 2 - 3 năm một lần. Nếu năm nào cũng thực hiện "trẻ hoá rễ" thì vườn cây sinh trưởng rất kém do hệ rễ bị tổn thương chưa kịp hồi phục.

Thứ tư là chỉ nên cải tạo khoảng 50% hệ thống rễ hút và tiến hành luân phiên. Nếu cải tạo toàn bộ hệ thống rễ một lần thì sẽ làm cho cây bị vàng do không hút nước và dinh dưỡng được.

Thứ năm việc cải tạo rễ không thể thực hành theo kiểu "đốn phớt và đốn đau" như tác giả đề nghị vì nếu làm như vậy thì hệ thống rễ liên tục bị tổn thương rất nặng và có nguy cơ bị nhiễm các loại bệnh hại từ đất làm cho cây sinh trưởng kém và bị chết.

Thứ sáu là thời điểm cắt rễ được thực hiện sau khi thu hoạch là không có cơ sở bởi vì sau thu hoạch cây cà phê đã bị suy yếu về mặt sinh lý và là giai đoạn bước vào mùa khô thì không thể tiến hành "cắt rễ" được. Nếu "cắt rễ" (ngay cả khi cắt từng phần) thì cây sẽ bị "sốc sinh lý" và dễ bị kiệt sức dẫn đến có thể bị chết mặc dù có bón phân, nhưng cây không hấp thu được do bộ rễ bị ảnh hưởng. Vả lại vào lúc này cây cà phê đang ở giai đoạn phân hoá mầm hoa để chuẩn bị ra hoa, đậu quả ngay sau khi tưới nước đợt 1. Nếu gây tổn thương hệ thống rễ thì khả năng ra hoa, nở hoa và đậu quả bị ảnh hưởng trầm trọng dẫn đến năng suất bị giảm.

Nói tóm lại thông tin trong bài báo "Kỹ thuật đốn cây cà phê" đăng trên báo Nông nghiệp Việt Nam số 120, ngày 17/06/2009 hoàn toàn không thể vận dụng để áp dụng trong thực tiễn tạo hình, tỉa cành và trẻ hoá cây cà phê vối ở Việt Nam.

Xem thêm
Màu đỏ may mắn của giống gà Mía số 1

Trong lịch sử mảng gà lông màu tại Việt Nam, chưa khi nào gam màu xám dài đến vậy, người chăn nuôi hy vọng, thất vọng rồi hy vọng và lại thất vọng...

Còn 400 cơ sở giết mổ nhỏ lẻ, Bình Định lên lộ trình nâng cấp

Ngành chức năng Bình Định yêu cầu các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ phải đảm bảo vệ sinh thú y để cung cấp nguồn thịt sạch cho thị trường ngày Tết.

Triển vọng kinh tế xanh từ phế phụ phẩm ngành sắn

TÂY NINH Tây Ninh là thủ phủ cây sắn của cả nước, các phế phụ phẩm ngành sắn đang được địa phương này tận dụng triệt để, hướng tới kinh tế xanh và tuần hoàn, bền vững.