Ảo tưởng nhà máy thép hàng đầu Đông Nam Á?
Năm 2007, Công ty THH Vạn Lợi (có địa chỉ tại Hà Nội) được UBND tỉnh Bắc Kạn chấp thuận cho đầu tư Khu liên hợp gang thép công suất 250.000 tấn/năm và Nhà máy nung tuyển quặng sắt công suất 600.000 tấn/năm với tổng mức đầu tư là hơn 1.030 tỷ đồng. Dự án được xây dựng tại Khu công nghiệp Thanh Bình, huyện Chợ Mới với diện tích được cấp là hơn 17,7ha.
Trên các phương tiện thông tin đại chúng thời điểm đó, đại diện của doanh nghiệp quảng cáo xây dựng nhà máy tại Bắc Kạn và sẽ đưa thương hiệu thép Vạn Lợi lên hàng đầu Việt Nam và khu vực Đông Nam Á, hướng tới xuất khẩu thép ra thị trường nước ngoài. Ngoài ra khi hoạt động sẽ đảm bảo việc làm ổn định cho khoảng 1.200 công nhân địa phương.
Mặc dù doanh nghiệp thiếu kinh nghiệm về đầu tư, hồ sơ cấp Giấy chứng nhận đầu tư cả 2 dự án không thể hiện rõ năng lực tài chính, nhưng đối với một địa phương khát khao phát triển công nghiệp như tỉnh Bắc Kạn, doanh nghiệp lách những kẽ hở về mặt pháp lý cơ chế thu hút đầu tư của tỉnh, nên Bắc Kạn đã chấp thuận cho 1 dự án “bánh vẽ”.
Chính vì không thận trọng, rước phải một nhà đầu tư "rởm", chỉ đến để vay vốn ngân hàng và bỏ lại cục nợ khổng lồ mà đến bây giờ các cấp lãnh đạo tỉnh Bắc Kạn vẫn chưa giải quyết xong.
Trong quá trình hoạt động tại tỉnh Bắc Kạn, năm 2010 Công ty TNHH Vạn Lợi chuyển nhượng hai dự án cho Công ty CP Khoáng sản và Luyện kim Vạn Lợi - Bắc Kạn. Điều này được Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bắc Kạn chấp thuận về chủ trương, UBND tỉnh Bắc Kạn đã ban hành Công văn số 343/UBND-TH1 đồng ý việc chuyển đổi chủ dự án từ Công ty TNHH Vạn Lợi sang Công ty CP Khoáng sản và Luyện kim Vạn Lợi - Bắc Kạn.
Công ty CP Khoáng sản và Luyện kim Vạn Lợi - Bắc Kạn do ông Trần Mạnh Hùng là Chủ tịch HĐQT; các ông Nguyễn Cao Bằng, Vũ Hiền, Nguyễn Văn Thông, Phạm Hồng Phúc là thành viên. Tháng 12/2010, HĐQT Công ty đã bổ nhiệm bà Phạm Minh Hương làm Giám đốc thay thế ông Lê Quốc Thắng.
Năm 2014, Công ty CP Khoáng sản và Luyện kim Vạn Lợi - Bắc Kạn đổi tên thành Công ty CP Khoáng sản và Gang thép Kim Sơn (Công ty Kim Sơn). Nhưng dù là với cái tên nào đi nữa, Dự án thép Vạn Lợi vẫn chỉ là dự án trên giấy, nhưng sự thật là ngân hàng phải ôm đống nợ ngàn tỷ là bãi đất toàn lau sậy và một nhà xưởng bỏ hoang.
Xin mỏ để thế chấp ngân hàng
Sau khi có được Giấy chấp thuận đầu tư của tỉnh Bắc Kạn, Công ty Vạn Lợi đã lập dự án đầu tư Khu liên hợp gang thép công suất 250.000 tấn/năm và Nhà máy nung tuyển quặng sắt công suất 600.000 tấn/năm như đã nói ở trên. Đích nhắm đến của doanh nghiệp này là rút được tiền từ các ngân hàng như BIDV, Vietcombank, VDB... Không chỉ thế chấp dự án, Công ty Vạn Lợi cũng đem luôn mỏ sắt Sỹ Bình đi thế chấp vay vốn ngân hàng,mMặc dù mỏ sắt này, tỉnh Bắc Kạn cấp cho Công ty Vạn Lợi với mục đích làm nguồn nguyên liệu để vận hành nhà máy thép.
Sau khi đã có những khoản vay ngân hàng, Công ty Vạn Lợi đã bước vào giai đoạn chuyển giao dự án, chuyển giao đại diện pháp luật và dần dần biến mất mọi hoạt động ở tỉnh Bắc Kạn. Công ty Vạn Lợi được biến đổi thành Công ty CP Khoáng sản và Gang thép Kim Sơn, những người là lãnh đạo của doanh nghiệp này như ông Trần Mạnh Hùng (Chủ tịch HĐQT), ông Nguyễn Cao Bằng (cổ đông lớn nhất chiếm 18% vốn điều lệ)… đã được thay thế bằng những cái tên khác là bà Phạm Minh Hương (Giám đốc) và ông Nguyễn Gia Thiều (Người đại diện pháp luật).
Doanh nghiệp này dần dần dừng hoạt động, nhưng để lại cho các ngân hàng cục nợ khổng lồ là dự án có giá trị hơn 1.000 tỷ đồng. Tuy nhiên tài sản thế chấp mà ngân hàng đang quản lý chỉ là 1 nhà xưởng và một dãy nhà hoang khoảng hơn 100m2, còn phần lớn diện tích khu đất hơn 17,7ha là cỏ dại, lau sậy mọc cao cả chục mét và trở thành bãi chăn thả trâu, bò của người dân địa phương.
Theo đại diện Ban Quản lý Các khu công nghiệp Thanh Bình, Dự án gang thép Vạn Lợi do Công ty Kim Sơn là chủ đầu tư bỏ hoang phí được cấp từ năm 2010 đến nay và không có đóng góp cho ngân sách địa phương. Doanh nghiệp này xây dựng 10 hạng mục phụ trong giai đoạn từ năm 2010 - 2015, như tháp nước, nhà bãi liệu, nhà ăn, nhà văn phòng, hàng rào, bể xối xỉ… nhưng chỉ thực hiện được ba công trình theo giấy phép được cấp là tháp nước, nhà bãi liệu và bể xối xỉ.
Tỉnh Bắc Kạn khó giải quyết hậu quả
Dự án thép Vạn Lợi không hoạt động, đồng nghĩa việc không đóng góp được thuế phát sinh về sản xuất, kinh doanh, giá trị gia tăng, hoạt động doanh nghiệp,… cho Nhà nước. Ngay cả nghĩa vụ nộp tiền thuê đất, doanh nghiệp cũng không thể trả nổi và các nghĩa vụ khác với tỉnh Bắc Kạn.
Cụ thể, theo báo cáo của Cục Thuế Bắc Kạn, Công ty CP Khoáng sản và Gang thép Kim Sơn nợ ngân sách Nhà nước là gần 8,37 tỷ đồng, Công ty TNHH Vạn Lợi nợ gần 9,97 triệu đồng. Ngoài ra là 2 khoản tiền khác mà Công ty Kim Sơn còn nợ, đó là tiền sử dụng hạ tầng khu công nghiệp hơn 4,3 tỷ đồng, tiền dịch vụ công ích hạ tầng khu công nghiệp là hơn 7 tỷ đồng.
Ông Hoàng Văn Khởi, Phó Trưởng Ban Quản lý Các khu công nghiệp tỉnh Bắc Kạn thông tin, mặc dù Khu công nghiệp Thanh Bình có nhiều nhà đầu tư đến đăng ký xây dựng nhà máy, nhưng quỹ đất hạn chế nên chưa thể sắp xếp được. Phần đất UBND tỉnh Bắc Kạn đã có quyết định thu hồi của Công ty Kim Sơn từ lâu, nhưng đến nay vẫn không thể giao cho doanh nghiệp khác sử dụng được, do liên quan tới tài sản thế chấp của ngân hàng BIDV.
Trước khi đầu tư tại Bắc Kạn, Công ty TNHH Vạn Lợi đã đăng ký đầu tư và triển khai một loạt nhà máy gang thép tại tỉnh Hà Tĩnh và thành phố Hải Phòng. Số phận của các nhà máy thép đó thì cũng giống như ở Bắc Kạn, đều chỉ là những bãi sắt vụn bỏ hoang đã được thế chấp ngân hàng để vay vốn lên tới hàng ngàn tỷ đồng.
Tại Hà Tĩnh: Tháng 4/2020, Công an tỉnh Hà Tĩnh đã khởi tố vụ án liên quan đến đầu tư dự án Nhà máy liên hợp Gang thép Vạn Lợi tại Khu công nghiệp Vũng Áng, thị xã Kỳ Anh.
Tại Hải Phòng: Nhà máy luyện gang Vạn Lợi được xây dựng tại xã An Hồng, huyện An Dương, đã bị bỏ hoang từ năm 2010.