| Hotline: 0983.970.780

Vì sao diện tích nuôi tôm của Kiên Giang lớn nhưng sản lượng thấp?

Chủ Nhật 19/11/2023 , 16:22 (GMT+7)

Diện tích nuôi tôm của Kiên Giang đứng thứ 2 nhưng sản lượng đứng thứ 4 khu vực ĐBSCL do đầu tư nuôi tôm còn nhiều bất cập, nuôi công nghiệp còn ít.

Nuôi tôm công nghiệp chậm phát triển

Sáng 18/11, tại huyện Kiên Lương, Hội Thủy sản tỉnh Kiên Giang phối hợp với Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Kiên Giang tổ chức Hội thảo khoa học “Hiện trạng và giải pháp phát triển nuôi tôm công nghiệp hướng đến hiệu quả, bền vững tại tỉnh Kiên Giang”. Hội thảo có sự tham gia của các doanh nghiệp, hộ nuôi tôm tại các huyện vùng Tứ giác Long Xuyên, gồm: Kiên Lương, Giang Thành và TP Hà Tiên…

Kiên Giang có diện tích thả nuôi tôm lớn nhưng chủ yếu là nuôi quảng canh; tôm nuôi thâm canh công nghiệp chậm phát triển, dẫn đến sản lượng đạt thấp. Ảnh: Trung Chánh.

Kiên Giang có diện tích thả nuôi tôm lớn nhưng chủ yếu là nuôi quảng canh; tôm nuôi thâm canh công nghiệp chậm phát triển, dẫn đến sản lượng đạt thấp. Ảnh: Trung Chánh.

Ông Phù Vĩnh Thái, Phó Chủ tịch Hội Thủy sản tỉnh Kiên Giang cho biết, năm 2023, tổng diện tích nuôi tôm nước lợ của tỉnh ước đạt trên 136.000ha, chủ yếu là nuôi tôm - lúa (hơn 106.000ha), quảng canh cải tiến (25.600ha), sản lượng thu hoạch khoảng 121.000 tấn. Là tỉnh có diện tích nuôi tôm nước lợ lớn, đứng thứ 2 trên toàn quốc, nhưng diện tích nuôi tôm công nghiệp – bán công nghiệp tại tỉnh Kiên Giang lại phát triển chậm, xếp thứ 7 trong các tỉnh ĐBSCL.

Toàn tỉnh có 10 doanh nghiệp nuôi tôm công nghiệp, nhưng từ đầu năm đến nay mới chỉ thả nuôi được 464/755 ha theo kế hoạch. Nhu cầu tiêu dùng các sản phẩm thủy sản trên thế giới giảm, nhất là đối với mặt hàng tôm nươc lợ, nên sản lượng tồn kho lớn, các đối tác ngưng nhập khẩu thủy sản. Do vậy, các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản trong nước gặp nhiều khó khăn trong tìm kiếm đơn hàng, ảnh hưởng bất lợi cho sản xuất thủy sản, đặc biệt là ngành tôm nuôi.

Ông Hứa Hoàng Vũ, hộ nuôi tôm ở xã Bình Trị, huyện Kiên Lương, lo ngại về tình trạng thiếu tôm giống chất lượng phục vụ người nuôi, nguồn tôm giống nhập tỉnh thì ngành chức năng kiểm tra ngẫu nhiên tỷ lệ nhiễm bệnh khá cao. Hơn nữa, do trong cùng khu vực nuôi có cả hộ nuôi công nghiệp và hộ nuôi quảng canh, nên môi trường không được đảm bảo, dễ lây lan dịch bệnh.

Thiếu hụt nguồn con giống chất lượng

Nhu cầu tôm giống thả nuôi tại Kiên Giang lến đến hơn 10 tỷ con, trong đó nuôi công nghiệp – bán công nghiệp khoảng 7,5 tỷ con, nhưng năng lực sản xuất tôm giống nội tỉnh còn khá khiêm tốn. Năm 2023, tôm giống sản xuất trong tỉnh đạt hơn 4 tỷ con. Trong đó,  Công ty TNHH Thuỷ sản Công nghệ cao Việt Nam - Chi nhánh 1 tại Kiên Giang và Trung tâm giống Hải sản Phú Quốc - Chi nhánh Công ty CP thực phẩm BIM tại Kiên Giang trung bình hàng năm đã cung ứng ra thị trường khoảng 3 – 3,5 tỷ con. Tuy nhiên, lượng giống xuất sang các tỉnh khác (Bến Tre, Bạc Liêu...) khoảng 1,5 tỷ con, số còn lại chỉ đáp ứng được khoảng 26% nhu cầu tôm giống của người nuôi.

Từ đầu năm đến nay, lượng tôm giống nhập tỉnh Kiên Giang lên đến hơn 7 tỷ con, chủ yếu là từ các tỉnh miền Trung và một số tỉnh lân cận như Cà Mau, Bạc Liêu. Ảnh: Trung Chánh.

Từ đầu năm đến nay, lượng tôm giống nhập tỉnh Kiên Giang lên đến hơn 7 tỷ con, chủ yếu là từ các tỉnh miền Trung và một số tỉnh lân cận như Cà Mau, Bạc Liêu. Ảnh: Trung Chánh.

Theo Chi cục Chăn nuôi - Thú y tỉnh Kiên Giang, trong năm 2023 tổng số lượng tôm giống nhập tỉnh hơn 6,8 tỷ con tôm thẻ chân trắng (từ Cà Mau, Bạc Liêu, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Bà Rịa Vũng Tàu) và hơn 656 triệu cont tôm sú (từ Cà Mau, Tiền Giang, Ninh Thuận, Bình Thuận).

Dịch bệnh trên tôm nuôi cũng là yếu tố khiến nông dân e ngại đầu tư thả nuôi. Theo Chi cục Chăn nuôi - Thú y tỉnh Kiên Giang, từ đầu năm đến nay toàn tỉnh đã ghi nhận tổng diện tích nuôi tôm nước lợ bị thiệt hại là 1.096ha. Trong đó, thiệt hại do dịch bệnh là 357ha, còn lại là thiệt hại do các yếu tố môi trường biến động bất lợi.  

Đối với diện tích nuôi tôm bị thiệt hại do dịch bệnh, ngành thú y đã cử cán bộ trực tiếp hướng dẫn các hộ nuôi tôm khoanh vùng, dập dịch, hướng dẫn không xả nước, chất thải từ ổ dịch ra ngoài môi trường. Đối với các hộ nuôi có tôm bị thiệt hại do bệnh, Trạm Chăn nuôi - Thú y huyện đã hỗ trợ miễn phí hóa chất sát trùng Chlorine cho người dân để tiêu hủy ổ dịch. Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh đã hỗ trợ 26.520kg Chlorine cho 104 hộ nuôi tôm để phòng, chống dịch.

Năm nay, phần lớn người nuôi tôm ở Kiên Giang chỉ thả nuôi cầm chừng. Nguyên nhân, do các tháng đầu năm, giá tôm nguyên liệu xuống thấp, dưới giá thành sản xuất, dẫn đến các doanh nghiệp, người nuôi tôm gặp rất nhiều khó khăn để tái đầu tư sản xuất.

Xem thêm
Lĩnh 9 tháng tù treo vì khai thác thủy sản bất hợp pháp

QUẢNG NINH Mặc dù đã bị xử phạt hành chính nhưng Nguyễn Văn Téc vẫn tiếp tục sử dụng kích điện trên tàu cá để khai thác thủy sản tại vùng lõi vịnh Hạ Long.

Nghêu sạch vào nhà máy, ra siêu thị

Năm 2023, HTX thu hoạch nghêu thịt hơn 950 tấn, trong đó cung cấp nghêu sạch cho nhà máy đạt 120 tấn, tổng doanh thu gần 19 tỷ đồng.

Chuyện ghi bên phá Tam Giang [Bài 3]: Những làng chài vắng bóng thanh niên

THỪA THIÊN - HUẾ Về những làng quê bên phá Tam Giang bây giờ, hầu như nhà nào cũng chỉ toàn người già, con trẻ. Hỏi mới biết rằng, thanh niên lớn lên đều tìm đường làm ăn xa.