| Hotline: 0983.970.780

Vì sao nhiều cây chịu hạn hiệu quả cao, nhưng khó mở rộng?

Thứ Tư 09/08/2023 , 17:15 (GMT+7)

NGHỆ AN Có nhiều cây trồng chịu nắng hạn tốt, chi phí đầu tư thấp, ngắn ngày và cho hiệu quả cao như vừng, lạc, đậu đỗ... Mặc dù vậy diện tích lại ngày càng giảm mạnh.

Nghệ An không hiếm những cây trồng có khả năng chống chịu hạn rất tốt, đem lại hiệu quả sản xuất cao trong điều kiện thời tiết nắng nóng gay gắt, hạn hán nghiêm trọng và nhất là biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp và khó lường như hiện nay.

Lạc là cây trồng truyền thống của Nghệ An, cho lợi nhuận cao nhưng diện tích lại ngày càng giảm. Ảnh: Hồng Diện.

Lạc là cây trồng truyền thống của Nghệ An, cho lợi nhuận cao nhưng diện tích lại ngày càng giảm. Ảnh: Hồng Diện.

Nhiều cây chịu hạn tốt

Nghệ Tĩnh nói chung, Nghệ An nói riêng từ xưa đã nổi tiếng là cái nôi sản sinh và nuôi dưỡng nhiều giống cây trồng chống chịu hạn hán tốt. Bởi chính nơi đây phần lớn thời gian trong năm là nắng nóng, khô hạn và gió Tây Nam (gió Lào) thổi mạnh, những tháng cuối năm thường có mưa to, gió bão và ngập úng…

Với đặc thù khí hậu như vậy, từ xưa, nông dân Nghệ An đã tìm kiếm, chọn lọc ra những cây trồng chống chịu hạn tốt để đưa vào sản xuất trên quy mô lớn như cây lạc, vừng, đậu đỗ, dứa quả… Đặc điểm chung của những cây trồng chống chịu nắng nóng và hạn hán tốt là những cây có bản lá nhỏ; thân và lá có nhiều lông tơ hoặc gai nhỏ; trong thân, lá, củ, quả, hạt có chứa chất dầu, tinh dầu hoặc nhựa (mủ); rễ cây có nốt sần… Phần lớn những cây trồng này trong vụ hè thu, vụ mùa có thời gian sinh trưởng ngắn: Vừng 55 - 60 ngày, đậu đỗ 75 - 80 ngày, lạc 85 - 90 ngày và đều là những cây trồng góp phần cải tạo đất rất tốt.

Những giống cây có lá nhỏ, lá kim, thân và lá có nhiều lông tơ hoặc gai nhỏ… đều là những cây trồng có khả năng giữ nước tốt, ít thoát hơi nước qua thân, lá nên ít bị ảnh hưởng khi gặp thời tiết nắng nóng và khô hạn.

Thiếu cơ giới hóa, mất nhiều công lao động trong canh tác và thu hoạch là nhược điểm khiến cây trồng cạn chịu hạn khó bung ra sản xuất ở Nghệ An. Ảnh: Hồng Diện.

Thiếu cơ giới hóa, mất nhiều công lao động trong canh tác và thu hoạch là nhược điểm khiến cây trồng cạn chịu hạn khó bung ra sản xuất ở Nghệ An. Ảnh: Hồng Diện.

Đối với những cây trong thân, lá, củ, quả, hạt có chứa chất dầu, tinh dầu thì càng chống chịu nắng nóng, hạn hán, giá rét rất tốt, bởi khi gặp nắng nóng, nhiệt độ không khí cao thì chất dầu trong cây loãng ra để hạn chế giảm phát thải nước trong thân, lá ra ngoài. Nếu gặp thời tiết giá rét thì chất dầu trong cây trồng co đặc lại làm tăng khả năng chống rét rất tốt. Nhờ những đặc điểm nói trên nên cây lạc, vừng, đậu, dứa quả… ít khi bị chết khi gặp nắng nóng, khô hạn, giá rét.

Cho hiệu quả cao

Diễn Châu là địa phương có diện tích vừng nhiều nhất tỉnh Nghệ An. Cây vừng trồng chống chịu hạn tốt nhất, ngắn ngày nhất, cho thu nhập khá. Vì vậy nông dân thường nói vừng là cây trồng “làm chơi ăn thật”.

Đầu tư sản xuất 1ha vừng chỉ cần 6 - 7kg hạt giống, 400 - 500kg phân NPK loại 3-9-6 và khoảng 20 ngày công làm đất, vệ sinh đồng ruộng, thu hoạch. Tổng chi phí sản xuất 1ha vừng chỉ hết khoảng 10 triệu đồng. Trong khi đó, năng suất vừng thu về bình quân khoảng 900kg/ha, bán với giá hiện tại từ 45 - 50 ngàn đồng/kg (hạt vừng khô) cho thu nhập từ 40 - 45 triệu đồng/ha, lãi từ 35 - 39 triệu đồng, cao gấp nhiều lần so với các cây trồng khác.

Đối với cây đậu xanh, hiện được gieo trồng nhiều ở vùng đất bãi ven sông và ven biển ở các huyện Nam Đàn, Thanh Chương, Anh Sơn, Tân Kỳ, Nghi Lộc…

Được xem là cây 'làm chơi ăn thật' nhưng cây vừng ở Nghệ An cũng ngày càng teo tóp diện tích. Ảnh: Xuân Hoàng.

Được xem là cây "làm chơi ăn thật" nhưng cây vừng ở Nghệ An cũng ngày càng teo tóp diện tích. Ảnh: Xuân Hoàng.

Bà Bùi Thị Oanh - Trưởng phòng NN-PTNT huyện Nam Đàn cho biết, đậu xanh là cây trồng rất phổ biến ở Nam Đàn trong vụ hè thu bởi vừa chịu hạn, vừa ngắn ngày, sản phẩm đậu xanh dễ tiêu thụ, có giá trị kinh tế cao. Vụ hè thu năm nay, toàn huyện gieo trồng hơn 800ha, năng suất đạt bình quân 4,5 - 5 kg/sào (9 - 10 tạ/ha), giá bán hiện không dưới 45.000 đồng/kg. Như vậy, bình quân 1ha đậu xanh cho thu nhập ít nhất từ 40 triệu đồng, chi phí đầu tư không đáng kể, chỉ mất công đi thu hoạch nhiều lần.

Riêng cây lạc, vụ hè thu năm nay do nắng hạn đến sớm nên diện tích gieo trồng bị hạn chế. Tuy vậy, vẫn có nhiều HTX tranh thủ khi đất còn đủ ẩm để gieo trồng và vẫn cho kết quả khá. Điển hình như ở HTX Nông nghiệp Nghi Văn (huyện Nghi Lộc), HTX Nông nghiệp Tây Phú (huyện Diễn Châu)… đã gieo trồng từ 25 - 30ha lạc trên đất lúa không chủ động nước.

Ông Nguyễn Bá Tâm, Giám đốc HTX Nông nghiệp Tây Phú cho biết, thông thường năng suất lạc trong vụ hè thu bình quân từ 1,2 - 1,3 tạ/sào (24 - 26 tạ/ha). Vụ hè thu năm nay nắng hạn đến sớm nên làm đất không kịp, đất khô quá nên diện tích lạc được gieo chỉ có 12ha, năng suất dự kiến đạt bình quân 85 - 90 kg/sào (17 - 18 tạ/ha), nhưng bán được với giá từ 38 - 40 ngàn đồng/kg (lạc khô), cao hơn các vụ trước từ 2 - 3 ngàn đồng/kg. Tính ra, 1ha lạc cho thu nhập từ 32 - 34 triệu đồng sau khi đã trừ hết các chi phí, cao gấp 3 lần trồng lúa trong vụ này.

Ngoài 3 cây trồng ngắn ngày, chịu hạn nói trên, ở Nghệ An còn có cây dứa cũng rất được nông dân ở các vùng đất đồi vệ thấp, quanh năm khô hạn đưa vào trồng rất tốt.

Dứa là cây trồng rất thuận lợi phát triển ở Nghệ An, nhưng nông dân cũng nhiều lần dính thua lỗ vì rớt giá. Ảnh: Việt Hùng.

Dứa là cây trồng rất thuận lợi phát triển ở Nghệ An, nhưng nông dân cũng nhiều lần dính thua lỗ vì rớt giá. Ảnh: Việt Hùng.

Ông Phan Văn Thành ở xã Tân Thắng, huyện Quỳnh Lưu cho biết, gia đình ông trồng được 2,5ha dứa, chủ yếu là giống dứa Cayenne, đầu tư ban đầu hết 75 - 80 triệu đồng/ha. Dứa năm nay quả to, đều, năng suất bình quân 38 - 40 tấn quả/ha, giá bán tại chỗ bình quân chung 5.000 đồng/kg, trừ hết chi phí còn lãi gần 120 triệu đồng/ha.

Bà Vũ Thị Bích Hằng, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Quỳnh Lưu cho biết, toàn huyện có vùng chuyên canh dứa 1.100ha, tập trung ở các xã Quỳnh Thắng, Tân Thắng, Quỳnh Châu… Riêng xã Tân Thắng có tới 800ha. Vụ dứa năm nay được mùa, được giá, năng suất dứa bình quân 35 - 40 tấn quả/ha, bán với giá từ 5.000 - 6.000 đồng/kg, thu về từ 110 - 120 triệu đồng/ha sau khi đã trừ hết chi phí.

Vì sao giảm diện tích, khó mở rộng?

Những năm gần đây, diện tích cây trồng chống chịu hạn tốt ở Nghệ An không những không tăng mà còn có xu thế giảm dần, cụ thể:

Vụ hè thu năm 2010, toàn tỉnh gieo trồng được hơn 5.100ha đậu xanh, đến năm 2022 chỉ còn chưa đầy 2.000ha và vụ hè thu năm nay còn lại 1.500ha. Tương tự, cây vừng từ gần 5.470ha năm 2010, đến năm 2022 còn lại 2.780ha và vụ hè thu năm nay chỉ có 2.200ha. Cây lạc trong vụ hè thu càng giảm mạnh, từ 1.785ha năm 2010, đến năm 2022 còn lại hơn 460ha và vụ hè thu năm nay chỉ gieo trồng được 530ha. Cây dứa quả từ xấp xỉ 2.000ha, nay chỉ còn lại hơn 1.200ha.

Sản xuất nhỏ lẻ, manh mún cũng là khó khăn khi đưa cơ giới hóa vào sản xuất cây trồng cạn chịu hạn.

Sản xuất nhỏ lẻ, manh mún cũng là khó khăn khi đưa cơ giới hóa vào sản xuất cây trồng cạn chịu hạn.

Trong khi đó, diện tích đất cao cưỡng, đất không chủ động nước tưới tiêu, đất khô hạn quanh năm có thể chuyển sang trồng cây chịu hạn rất lớn, nhất là trong vụ hè thu, vụ mùa. Riêng vùng đất ven biển (đất bãi ngang) từ TP Vinh, xuống Cửa Lò, đến Nghi Lộc, ra Diễn Châu, Quỳnh Lưu và thị xã Hoàng Mai có khoảng 8.000 - 9.000ha. Vùng đất bãi ven sông Lam, sông Hiếu có từ 6.000 - 7.000ha và còn có khoảng 6.000 - 6.600ha đất cao cưỡng không chủ động nước tưới để gieo cấy lúa trong vụ hè thu nằm rải rác ở các địa phương.

Câu hỏi đặt ra là tại sao có nhiều cây trồng chịu hạn, có nhiều đất để gieo trồng, có nhiều kinh nghiệm sản xuất… mà không mở rộng được diện tích. Câu trả lời chung nhất của nhiều người, từ bà con nông dân, cán bộ quản lý các HTX đến cán bộ kỹ thuật ở một số phòng NN-PTNT đều cho rằng:

Thứ nhất: Ở nông thôn hiện nay lực lượng lao động trẻ khoẻ đa phần đi làm ăn xa, còn lại phần lớn là lao động nữ, người nhiều tuổi Nên việc gieo trồng các loại cây ngắn ngày, chịu hạn như lạc, vừng, đậu xanh… yêu cầu phải làm kịp thời vụ, làm khi đất còn đủ ẩm rất khó thực hiện. Đó là chưa kể khi thu hoạch phải mất khá nhiều công, như đậu xanh phải đi thu hái 4 - 5 lần, lạc phải rứt ra từng củ trước hoặc sau khi phơi… Vì vậy, chỉ có đưa được cơ giới hóa đồng bộ vào sản xuất mới giải quyết được khó khăn này.

Đậu xanh có thị trường tiêu thụ rất lớn, lợi nhuận cao, song khó mở rộng sản xuất do mất nhiều công thu hoạch. Ảnh: TL.

Đậu xanh có thị trường tiêu thụ rất lớn, lợi nhuận cao, song khó mở rộng sản xuất do mất nhiều công thu hoạch. Ảnh: TL.

Thứ hai: Trên địa bàn tỉnh có quá ít nhà máy, cơ sở chế biến cũng như doanh nghiệp liên kết với nông dân để sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Vì vậy, việc sản xuất ra nhiều có thể khó tiêu thụ, phải bán với giá rẻ, nhất là khi được mùa khó tránh khỏi mất giá. Điển hình như năm 2013, giá lạc vỏ khô chỉ có 25 - 26 ngàn đồng/kg, giá vừng đen 30 - 31 ngàn đồng/kg, giá dứa quả chưa được 1 ngàn đồng/kg…

Ngành nông nghiệp tỉnh và các địa phương đều có chủ trương khuyến khích bà con nông dân chuyển đổi mạnh cơ cấu cây trồng chịu hạn vào gieo trồng ở các vùng đất cao cưỡng, khô hạn, vùng không chủ động nước tưới. Nhưng việc tuyên truyền và tổ chức chỉ đạo thực hiện chưa quyết liệt, chưa đủ mạnh nên đâu lại vào đấy, không thể tạo thành phong trào.

Xem thêm
Chăn nuôi hướng đến hiệu quả bền vững tại Sóc Trăng

Gói giải pháp chăn nuôi toàn diện từ con giống, thức ăn, thuốc thú y và hỗ trợ kỹ thuật của nhà phân phối Bích Phúc giúp nhiều nông hộ đạt lợi nhuận tốt.

Số hóa quản lý chó, mèo để phòng, chống bệnh dại

Để công tác phòng, chống bệnh dại có hiệu quả, chó, mèo nuôi ở các địa phương cần được quản lý chặt chẽ, nhất là thông qua việc áp dụng số hóa.

Cần chế biến sâu cho 'tứ đại danh dược'

HÀ TĨNH Nhung hươu là một trong 'tứ đại danh dược' (sâm, nhung, quế, phụ), tuy nhiên giá trị gia tăng từ chế biến sâu sản phẩm nhung hươu hiện đang bị bỏ ngỏ.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm