Trở thành cây trồng đa mục tiêu, cây gai xanh AP1 không chỉ mang theo khát vọng, giá trị về kinh tế, mà còn mang đến cho người dân vùng cao con đường mới phát triển nghề dệt thổ cẩm truyền thống.
Huyện miền núi Na Hang, tỉnh Tuyên Quang gần đây đón nhận loại cây trồng mới, cây gai xanh AP1. Chính quyền địa phương đặt nhiều kỳ vọng, người dân địa phương háo hức xen lẫn niềm vui, niềm tin cây gai xanh AP1 sẽ thân thuộc với bà con vùng cao như cây lúa, cây ngô, mang ấm no về với xóm làng.
Khoảng 1 năm trước, khi bà Hoàng Thị Quy lấy giống gai xanh AP1 về mảnh nương của gia đình mình trồng thay cây ngô, cây lúa khiến người dân ở các thôn làng của xã Năng Khả, huyện Na Hang xôn xao. Bởi người dân vốn chỉ quen thuộc với việc đồi thì phải trồng ngô, trồng sắn, ruộng thì phải cấy lúa, nếu không có tiền thì cũng có gạo, có ngô để ăn không lo đói bụng. Nay mang cây gai xanh AP1 về trồng mà không có người mua thì chẳng có gạo, có ngô mà ăn. Nhưng cán bộ bảo với bà Quy rằng, nếu biết chăm sóc và gắn bó thì loài cây này sẽ cho thu nhập ổn định, các hộ gia đình sẽ có tiền. Cán bộ thuyết phục khiến cái đầu của bà Quy đã thông thì việc người làng bàn tán cũng không thể làm bà nản lòng. Và từ đó, gần 8 sào cây gai xanh nhanh chóng được bà Quy phủ xanh trên khu đất của gia đình mình.
Cây gai xanh AP1 là loại cây thân thảo, sống lâu năm, có thể canh tác, thu hoạch quanh năm. Đây là loài cây dễ trồng, có khả năng chụi hạn tốt, khả năng giữ ẩm và cải tạo lý tính của đất. Mỗi năm có thể cho thu hoạch từ 4 -5 vụ tùy điều kiện thổ nhưỡng và khí hậu của từng khu vực. Loài cây này có thể sử dụng tất cả các bộ phận của cây, như thân và vỏ dùng làm sợi dệt vải, lá dùng sử dụng để làm phân bón trực tiếp cho cây rất tốt... Thu nhập từ cây gai xanh đạt khoảng 60 đến 80 triệu đồng/ha, cao hơn rất nhiều so với cây trồng khác. Tuy nhiên, những vụ đầu mới trồng thì hầu hết cây cho sản lượng thu rất ít và hiệu quả kinh tế nhìn thấy chưa rõ rệt. Để dân tin và gắn bó lâu dài với loài cây này, chính quyền địa phương, cán bộ tín dụng của huyện Na Hang, cán bộ kỹ thuật của Tập đoàn An Phước luôn đồng hành, vận động cùng người nông dân trong từng giai đoạn, đảm bảo các điều kiện để cây sinh trưởng, phát triển và cho sản lượng tốt nhất.
Khi nhìn thấy được tiềm năng của cây gai xanh AP1, chính quyền huyện Na Hang xác định, để dân tin, dân nghe, dân làm ngoài việc cán bộ đồng hành cùng người dân bên ruộng nương thì chính quyền cũng cần có chính sách đồng hành. Khuyến khích người dân mở rộng vùng trồng cây gai xanh, chính quyền huyện Na Hang ban hành văn bản thực hiện hỗ trợ vốn vay ưu đãi với khoảng 25% vốn đầu tư giống/ tổng giá trị diện tích; Hội Nông dân và các tổ chức đoàn thể của huyện sẵn sàng hỗ trợ cho bà con vay vốn ưu đãi để mua phân bón đầu tư. Có điểm tựa về chính sách của chính quyền huyện Na Hang, cây gai xanh nhanh chóng lan rộng từ bản làng này sang bản làng khác phủ xanh khắp núi đồi trùng điệp ở các xã của huyện Na Hang. Bởi thế, khi mới triển khai toàn huyện Na Hang chỉ có 10 đến 12 hộ trồng với khoảng 8ha nhưng sau đó nhanh chóng trở thành cây trồng phát triển với diện tích lên đến 50ha và trở thành địa phương dẫn đầu của tỉnh Tuyên Quang về phát triển diện tích trồng cây gai xanh AP1. Tương lai đến năm 2025, cây gai xanh có tiềm năng mở rộng diện tích lên đến 300ha tại huyện Na Hang.
Không chỉ mang theo khát vọng về loài cây cho giá trị về kinh tế, cây gai xanh AP1 còn mang đến cho huyện vùng cao Na Hang khát vọng phát triển nghề dệt thổ cẩm truyền thống từ nguyên liệu sợi gai xanh. Bởi từ bao đời nay, đồng bào người dân tộc Tày ở huyện Na Hang có nghề dệt thổ cẩm. Sản phẩm thổ cẩm không chỉ là sản phẩm gắn bó thân thuộc với người dân mà còn là biểu trưng là một phần không thể thiếu trong tinh hoa văn hóa ngàn đời của người dân tộc Tày. Nghề dệt thổ cẩm ở đây được duy trì để làm trang phục truyền thống, làm chăn ga gối đệm phục vụ trong ngày cưới, trong ngày lễ tết và trong đời sống sinh hoạt. Ngày nay ngoài phục vụ nhu cầu của các hộ gia đình, sản phẩm thổ cẩm còn được bà con người Tày ở Na Hang phát triển thành sản phẩm hàng hóa để bán cho khách du lịch. Sợi gai có độ bền gấp 7 lần so với sợi tơ tằm và 8 lần so với sợi bông nên cây gai xanh được người dân nơi đây kỳ vọng sẽ làm ra sợi thay thế cho các loại sợi bông, sợi đay hay sợi công nghiệp bán trên thị trường. Cây gai xanh cũng mang theo khát vọng phát triển nghề thêu dệt truyền thống của người dân nơi đây; giải quyết việc làm cho nhiều lao động vùng nông thôn; tạo điểm nhấn cho sản phẩm du lịch gắn với việc thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ của huyện Na Hang là đưa du lịch trở thành một trong những ngành kinh tế trọng điểm, mũi nhọn của địa phương.
Ở xã Yên Hoa, huyện Na Hang có một Câu lạc bộ thêu dệt thổ cẩm của phụ nữ người Tày. Từ xa xưa, người dân nơi đây thường lấy sợi bông, sợi đay để dệt thổ cẩm. Từ ngày cây gai xanh mọc nhiều như cây ngô, cây lúa ở các vùng đồi nương của bản làng loài cây này mở ra hi vọng có thể làm sợi dệt vải thay các sợi truyền thống trước đây khiến cái đầu của bà con ai cũng mừng bởi nghề dệt sẽ được phát triển; phía Công ty Cổ phần Nông nghiệp An Phước cũng gợi mở sẽ bao tiêu đầu ra cho sản phẩm thổ cẩm. Như vậy cây gai xanh trở thành cây trồng đa mục tiêu trên vùng đất này, vừa có ý nghĩa thân thiện với môi trường, vừa đảm bảo nguồn thu ổn định cho người nông dân và còn đồng hành cùng ước mơ và khát vọng phát triển rực rỡ nghề dệt thổ cẩm ngàn đời của người Tày.
Những vạt đồi, mảnh nương ở huyện vùng cao Na Hang đang được cây gai xanh AP1 phủ lên xanh rì rào đón gió xuân, mang theo bao hi vọng về một giấc mơ, giấc mơ đổi thay và ấm no cho vùng đất này. Nụ cười của người nông dân bên nương gai xanh, nụ cười của người nông dân bên khung cửi nối dài những niềm vui khi xóm làng được no ấm; nối liền những khát vọng của người dân và chính quyền nơi đây, khát vọng chọn cây gai xanh là chọn con đường xanh để dệt nên ước mơ thổ cẩm; góp phần giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của đồng bào các dân tộc thiểu số đi đôi với đảm bảo sinh kế, mở ra hướng thoát nghèo bền vững.