| Hotline: 0983.970.780

Việc nhà, ai làm?

Thứ Bảy 05/01/2019 , 14:05 (GMT+7)

Ngày nay, phụ nữ không chỉ quẩn quanh trong ngưỡng cửa gia đình mà họ cũng đi làm ngoài xã hội như nam giới thì dĩ nhiên công việc ở nhà cũng phải chia đều cho cả hai vợ chồng...

Con số điều tra trong 150 gia đình ở Hà Nội mà cả hai vợ chồng đều đi làm đã chứng tỏ mỗi ngày phụ nữ phải làm việc nhà trung bình là 2 giờ 28 phút, trong khi nam giới chỉ mất trung bình 32 phút, nghĩa là chồng làm việc nhà ít hơn vợ chừng 4 lần. Đó là chưa kể còn có khoảng 8% đàn ông hầu như không hề mó tay vào việc nội trợ. Thế mà nhiều phụ nữ vẫn hoàn thành xuất sắc việc cơ quan, vẫn làm công tác quản lý, lãnh đạo hay nghiên cứu khoa học có hiệu quả.

chong-chm-chi161514345
Ảnh minh họa

Nếu dùng một hình ảnh sinh động, có thể nói, trong khi nam giới được tạo dựng sự nghiệp bằng cả hai tay thì chị em phụ nữ cũng tạo dựng sự nghiệp chẳng kém gì họ, nhưng chỉ bằng có một tay.

Không ít đàn ông ngày nay vẫn cho rằng, từ xưa các cụ đã phân chia việc đàn ông, việc đàn bà. Tục ngữ có câu: “Đàn bà không biết nuôi heo là đàn bà nhác. Đàn ông không biết buộc lạt là đàn ông hư”. (Thời xưa buộc lạt là việc kỹ thuật còn nuôi lợn là việc giản đơn). Nếu phân chia như thế trong thời đại ngày nay sẽ là bất hợp lý. Bởi vì, cái gọi là “việc đàn ông” trong cơ chế thị trường đã giảm đi rất nhiều. Không mấy ai còn tự làm lấy những việc như sửa xe máy, ti-vi, máy bơm, xây bể nước… mà hầu hết gọi thợ chuyên môn giải quyết.

Vậy chẳng lẽ đàn ông ngày nay chỉ ngồi chờ xem máy móc trong nhà có cái gì hư hỏng thì nhắc điện thoại gọi thợ đến sửa thôi sao? Trong khi đó “việc đàn bà” lại tăng lên rất nhiều. Chẳng hạn nấu ăn bây giờ phức tạp hơn vì nhiều thực phẩm hơn. Quét dọn nhà cửa cũng vất vả hơn vì diện tích ở rộng hơn. Quần áo cũng phải giặt nhiều hơn. Rõ ràng phân chia hai loại việc như vậy không còn hợp lý nữa. Vậy nên phân chia như thế nào?

Trong thực tế, đa số phụ nữ vẫn phải làm việc nhà nhiều hơn, vất vả hơn. Song nhiều phụ nữ lại cho rằng vất vả khó khăn cũng chẳng quản, miễn sao chồng con cảm thấy hạnh phúc là mình hạnh phúc, không cần phải so bì tị nạnh với chồng. Trong khi ông chồng ngồi vắt chân xem ti-vi, đọc báo, hay trò chuyện với bạn bè thì vợ luôn chân luôn tay, đầu tắt mặt tối. Đến khi làm hết mọi việc thì người đã mệt lử, mắt díp lại vì buồn ngủ, chẳng thiết đọc báo, xem ti-vi.

Sau hàng chục năm như thế, có những chị lạc hậu về mọi mặt, thậm chí ngơ ngác chẳng hiểu biết gì. Rồi đến một ngày chính chồng con chị chê là “quê một cục”. Có người vợ biến thành   ô-sin của chồng lúc nào không biết. Và ai biết được, khi chị không còn xứng là bạn đời của chồng nữa, liệu anh ta có đi tìm “tri kỷ” ở bên ngoài gia đình không?

Cho nên, những người vợ trẻ thời nay, không dại gì ôm lấy tất cả công việc trong nhà, chiều chồng một cách vô lý. Phải làm sao để chồng cùng chia sẻ việc nhà với mình. Nhưng có chị lại nói, chẳng may vớ phải chồng lười thì biết làm thế nào? Đi sâu vào tìm hiểu những trường hợp này, các chuyên gia tâm lý gia đình nhận thấy đa số đàn ông thời nay không phải bản chất lười. Bằng chứng là khi đến cơ quan, anh ta vẫn được mọi ngườì khen là tích cực. Có anh còn là cán bộ gương mẫu là khác. Vậy tại sao ở nhà anh ta lại lười?

Một người đàn ông tâm sự: "Tôi không muốn làm việc nhà bởi vì làm việc gì vợ cũng chê. Thổi cơm chê không nuốt nổi. Rửa bát chê bẩn, phải rửa lại. Quét dọn nhà cửa cũng chê không kỹ, trông ngứa mắt. Vì thế chán chẳng muốn làm mà vợ tôi cũng cho rằng thà cô ấy làm rốn một lúc còn hơn”.

Bất cứ người đàn ông nào rơi vào cảnh này mấy năm dù chăm cũng thành lười. Phụ nữ nên biết rằng, đàn ông dù là lớn tuổi vẫn thích được khen. Nếu không ai thích khen thì Nhà nước làm các loại giấy khen, huân huy chương để làm gì? Nhưng nhiều khi kiếm được một lời khen của vợ là hoang tưởng. Chỉ thấy các bà vợ chê chồng là nhiều. Biết đâu rằng chính sự chê bai ấy làm cho họ chán nản, ngại việc và lâu dần thành người lười.

Bởi vì hàng nghìn năm nay, người đàn ông trong xã hội cũ luôn lấy cái gọi là "nam quyền" để áp đảo phụ nữ, khiến vợ phải “nâng khăn sửa túi” cho mình. Chỉ mấy chục năm gần đây phụ nữ mới được giải phóng và bình đẳng với nam giới. Vì vậy đa số đàn ông vẫn theo gương các bậc cha anh, coi việc vợ phục vụ chồng là chuyện dĩ nhiên. Cho nên, muốn cho chồng chia sẻ việc nhà với mình, phụ nữ không thể chỉ mơ ước hay kêu ca, chì chiết mà chủ yếu là phải “đào tạo” họ thành những ông chồng chăm chỉ, coi việc cùng vợ làm mọi việc trong nhà là một niềm vui, là hạnh phúc.

Nói tóm lại, phân chia công việc trong mỗi gia đình không thể dựa vào một đạo luật, cũng không thể gò ép nhau một cách căng thẳng mà phải có nghệ thuật. Đó là sự mềm dẻo, biết khen ngợi, động viên chồng làm cho chồng hào hứng xắn tay áo lên. Đó mới là nghệ thuật làm vợ của thời hiện đại.

(Kiến thức gia đình số 1)

Xem thêm
Phụ nữ Hàn Quốc 'giả bệnh' trước kì nghỉ lễ Trung thu

Áp lực khi phải chuẩn bị cỗ bàn, chiều lòng các thành viên trong gia đình chồng, nhiều phụ nữ Hàn Quốc giả bệnh trước kì nghỉ lễ Trung thu.

Chúng ta ở quãng nào?

Nhiều người vẫn chép miệng tiếc nuối 'Sao thời xưa nghèo mà yên thế?'. Có thể họ muốn nói đến thời bao cấp chăng?