| Hotline: 0983.970.780

Việc trở lại sở làm hay nghỉ hẳn là tùy cháu

Thứ Sáu 28/04/2017 , 06:50 (GMT+7)

Lúc mới siêu âm, chồng cháu đã tính cháu sẽ nghỉ làm để ở nhà nuôi con. Cháu tưởng mình nghe sấm. Sao lại có chuyện đó được?

Thưa cô,

Cháu sinh con thứ hai khó khăn hơn đứa đầu lòng nhiều. Năm năm trước con so đẻ thường, đau bụng lâu nhưng đẻ dễ, do em bé nhỏ, chỉ có 3 ký. Nhưng đứa con trai nầy khiến cháu lên bờ xuống ruộng từ khi nghén đó cô. Ăn gì cũng ói, tới tháng thứ 5 cháu mới ăn được cơm, còn ngủ thì toàn ngủ võng.

Cháu phải đẻ mổ. Mẹ chồng người Bắc ở xa, nhưng mẹ cháu thì gần, chung thị xã, ba cháu nói đùa “không ly dị mà mất vợ”, vì mẹ cháu hầu như ở bên nhà vợ chồng cháu suốt. Cô xem, con nghén không ăn được thì tìm cách nuôi nó như nuôi bệnh, lúc ăn được còn phải tẩm bổ cho cháu với cho đứa nhỏ trong bụng.

Lúc mới siêu âm, chồng cháu đã tính cháu sẽ nghỉ làm để ở nhà nuôi con. Cháu tưởng mình nghe sấm. Sao lại có chuyện đó được? Như mọi người, cháu sẽ thuê giúp việc và vẫn đến sở làm. Lẽ nào vì một đứa con trai mà cái giá đánh đổi lớn như vậy sao?

Cô ơi, hồi cháu mới mổ, mẹ chồng cháu có vào thay cho mẹ cháu một tuần. Bà có thể ở lâu hơn với con trai với cháu nội nhưng chồng cháu thấy cách nuôi của hai bà ngược nhau quá nên nói khéo cho bà nội ra. Cô biết không, bà nội chỉ cho sản phụ ăn canh rau ngót với thịt nạc kho, chấm hết, cả một tuần liền.

Đứa con trai nầy phải nói nó hành cháu từ trong bụng cho đến nay, đã đầy năm. Ban đêm nó khóc dạ đề, ra tháng vẫn khóc đêm, rất ít ngủ, lông mày hay nhíu lại, ít cười. Cháu đã nghỉ không lương 6 tháng nay, thấy lời sấm của chồng càng ngày càng hiện thực. Nhưng hình dung nữa con lớn mà mình nằm dài ở nhà cháu tiếc lắm. Tốt nghiệp đại học bằng giỏi, gắn bó với cơ quan đã gần 10 năm nay, nghỉ hẳn thì tiếc như mình đánh mất cả quê hương thứ hai và một cộng đồng tốt đẹp.

Cháu muốn lời khuyên từ cô, cô giúp cháu nhé.

--------------------

Cháu thân mến!

Hồi trước, cô cũng nghĩ phụ nữ phải có sự nghiệp xã hội. Dù là làm nhân viên quèn, vẫn hơn người phụ nữ ôm con, nội trợ. Cách nghĩ ấy không sai, có lúc nó rất hợp thời, nhà nước hô hào giải phóng phụ nữ, nữ quyền, bình đẳng, hiện đại…

Giờ cô vẫn nghĩ, phụ nữ tài nên xông ra xã hội để gánh vác. Vẫn đúng nhưng chưa đúng hẳn. Vậy gia đình và con cái ai lo? Làm sao để tình mẫu tử không chênh với nghĩa vụ công dân, với khát vọng cống hiến? Người ta nói phía sau người đàn ông thành đạt luôn có hình bóng người phụ nữ. Vậy nên phụ nữ cũng xông ra để thành đạt nữa thì nhà có êm, bếp có ấm không?

Con gái một của cô học giỏi, thông minh nhưng học sư phạm xong không đi làm, ở nhà nuôi con. Cả họ cô ức chứ không riêng gì cô. Chồng nó lăn ra thương trường, nếu vợ đi làm thì phó mặc con cho ô-sin sao? Đẻ đứa thứ hai nó không còn mơ đi làm và nay thì cả họ khen nó sướng. Ở nhà làm vợ làm mẹ, chu toàn hết thì người đàn ông của mình sẽ có cả hai thứ “giàu vì bạn sang vì vợ”.

Người miền Bắc vẫn có quan niệm con trai là nhất. Mẹ chồng cháu vào nuôi cháu nội, cháu thấy rồi đó, cách nuôi ấy thể hiện nếp nghĩ của họ. Ăn rau ngót để xổ lòng, và rau ngót tốt cho cả em bé. Nhưng ăn liền cả tháng (chứ không mỗi 1 tuần đâu) là cực đoan, chả lẽ người Nam không ăn suốt rau ngót thì em bé trong này kém à?

Chồng cháu cầm chắc có máu gia trưởng mà cháu không kể ra hoặc không định nghĩa được đấy thôi. Con trai phải đội, cậu ấy hình dung con mình bị bỏ bê nếu cháu thuê người và đi làm. Ngay khi cháu nghén mà đã nghĩ vậy rồi. Cậu ấy không thích đối thoại, tự quyết định, vậy là gia trưởng còn gì.

Việc trở lại sở làm hay nghỉ hẳn là tùy cháu. Có thể mang con đến gửi bà ngoại được không? Rồi con đi mẫu giáo, như mọi đứa trẻ trên đời. Công việc đã gần 10 năm, bỏ rất uổng, không như con gái của cô, ở nhà ngay từ đầu. Con cái sẽ lớn, sẽ tung bay như những cánh chim, khi đó chính cháu chứ không phải chồng cháu tiếc đứt ruột công sở và việc làm mà cháu đang phân vân đây. Thuyết phục chồng thu xếp 2 năm thôi, con đi mẫu giáo là sẽ đâu vào đó. Chồng gia trưởng thì mình tranh đấu lại, không chịu lép, nhớ, đừng chịu lép dù ở nhà ôm con.

Xem thêm
Phụ nữ Hàn Quốc 'giả bệnh' trước kì nghỉ lễ Trung thu

Áp lực khi phải chuẩn bị cỗ bàn, chiều lòng các thành viên trong gia đình chồng, nhiều phụ nữ Hàn Quốc giả bệnh trước kì nghỉ lễ Trung thu.

Cưới người đã ba đời chồng

Nhung đã trải qua ba đám cưới. Cũng còn may cuối cùng cô đã có chốn dừng chân. Và có được đấng phu quân mới lấy vợ lần đầu.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm