| Hotline: 0983.970.780

Giữa cánh rừng vàng

Đắm say non nước Phong Nha - Kẻ Bàng

Thứ Hai 01/05/2023 , 13:30 (GMT+7)

QUẢNG BÌNH Từ năm 2003, Tổ chức Giáo dục, khoa học và văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) đã công nhận Phong Nha - Kẻ Bàng ở là Di sản Thiên nhiên thế giới.

Thiên nhiên tuyệt đẹp của di sản Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng. Ảnh: PN.KB.

Thiên nhiên tuyệt đẹp của di sản Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng. Ảnh: PN.KB.

Tôi đã có dịp cùng ông Phạm Hồng Thái, Giám đốc Ban Quản lý Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng  ngắm núi rừng Di sản từ trên cao, dưới cánh quạt của chiếc trực thăng màu đỏ ớt. Ông Phạm Hồng Thái trầm trồ: “Núi rừng đan xen như một bức tranh mê hoặc và có những điều kỳ thú hơn khi bước chân vào lòng Di sản”.

“Vương quốc hang động” và liên tiếp những phát hiện mới…

Bài liên quan

Từ  năm 2003, Tổ chức Giáo dục, khoa học và văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) đã công nhận Phong Nha - Kẻ Bàng ở tỉnh Quảng Bình là Di sản Thiên nhiên thế giới ở tiêu chí địa chất địa mạo. Đến năm 2015, UNESCO tiếp tục vinh danh Di sản Thiên nhiên thế giới lần 2 với các tiêu chí hệ sinh thái và đa dạng sinh học. Suốt nhiều năm qua, các hãng thông tấn, báo chí quốc tế lớn như The New York Times, The Guardian, The Mirror, The Huffington Post... và hơn 50 tạp chí trên thế giới đã liên tục có bài viết ca ngợi.

Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng nằm ở khu vực tây bắc tỉnh Quảng Bình, dọc trên biên giới Việt - Lào, với diện tích vùng trung tâm trên 123.300ha và gần 217.700ha vùng đệm. Vườn nằm trong địa phận 13 xã thuộc 3 huyện Minh Hóa, Bố Trạch và Quảng Ninh.

Nói đến Phong Nha - Kẻ Bàng, người ta sẽ nghĩ đến những dãy núi đá vôi nối nhau trùng điệp. Nhìn từ trên cao, những dãy núi đá vôi thành hình thẳng đứng. Trên vách đá dựng đứng ấy, như có một người khổng lồ kẻ vạch những đường ngang dọc hằn sâu. Đến gần nhìn mà cứ ngỡ là hình thù của một thành quách thời La Mã cổ đại.

Theo khảo sát của giới địa lý, khối núi đá vôi Phong Nha rộng lớn đến 10.000km2 (lớn nhất bán đảo Đông Dương), nằm vắt trên dãy Trường Sơn hùng vĩ. Các nhà khoa học lý giải, cách đây hơn 460 triệu năm, những quả đồi bát úp khổng lồ nằm dưới đáy biển sâu qua quá trình biến đổi địa chất và nhô lên đã tạo nên sinh cảnh đặc thù cho Di sản Thiên nhiên thế giới VQG Phong Nha - Kẻ Bàng.

Hai khoáng chất hòa tan là canxi và các bon trong vỏ sinh vật biển, kết hợp tự nhiên với nước biển tạo thành một khoáng chất mới là canxi cacbonat. Trải qua hàng trăm triệu năm kiến tạo địa chất của vỏ trái đất đẩy những lớp trầm tích này nhô lên từ đáy biển và tạo thành những núi đá vôi sừng sững tại Phong Nha.

Hang Sơn Đoòng - hang động lớn nhất thế giới. Ảnh: PN-KB.

Hang Sơn Đoòng - hang động lớn nhất thế giới. Ảnh: PN-KB.

Nước mưa thấm vào những kẽ nứt, khe hở của đá vôi, theo trọng lực chảy xuống cho đến khi gặp tầng phân lớp trầm tích thấp hơn. Quá trình này tiếp diễn không ngưng nghỉ, làm mòn để những khe nứt trở nên rộng hơn và hình thành ra những hang động khổng lồ. Rồi cũng chính nhờ nước khi gặp vật cản trong quá trình lưu thông sẽ để lại những khoáng chất bên trong tại một điểm.

Anh Phạm Hồng Thái nói với tôi: “Các nhà khoa học đã khẳng định, quá trình này diễn ra bền bỉ liên tiếp đã tạo nên những khối thạch nhũ lớn nhỏ, đủ hình hài. Tất cả đó dần tạo nên những kỳ quan tráng lệ như hang Sơn Đoòng, hệ thống hang Hổ, động ướt Phong Nha, động khô Thiên Đường, hang Én... Từ đó đến nay, gần trăm hang động lớn nhỏ khác cũng đã được các nhà thám hiểm Hoàng gia Anh tìm ra. Vì vậy, vương danh “Vương quốc hang động” dành cho Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng mà khó nơi nào trên thế giới có được”.

Đến hiện tại, chưa ai có thể tính đếm nổi hang động ở Phong Nha - Kẻ Bàng dừng lại con số bao nhiêu. Nhưng, riêng số lượng các chuyên gia khảo sát được tính đến năm 2023 đã là gần 500 hang động. Tất cả đều lộng lẫy, kỳ vĩ như những tác phẩm điêu khắc bằng nhũ đá từ một bàn tay màu nhiệm tạo ra để sẵn sàng làm say đắm những ai muốn khám phá.

Những “quần thể” nổi tiếng làm giật mình giới khoa học…

Anh Phạm Hồng Thái nói, vào năm trước, một phát hiện mới làm “chấn động” các nhà khoa học khi phát hiện ra ở rừng Phong Nha - Kẻ Bàng đang “nuôi nấng” một loài động vật mà giới khoa học cho là đã… tuyệt chủng. Loài nghi ngờ tuyệt chủng này chính là chuột đá Lào (loài được khẳng định là đã tuyệt chủng 11 triệu năm trước), được Tổ chức Bảo tồn động thực vật hoang dã quốc tế (FFI) và một nhóm điều tra Việt Nam phát hiện vẫn sống trong rừng Phong Nha. Đó là những bí ẩn cần được khoa học thế giới công nhận và khẳng định cho Phong Nha - Kẻ Bàng.

Đàn voọc Hà Tĩnh trong rừng di sản Phong Nha. Ảnh: PN-KB.

Đàn voọc Hà Tĩnh trong rừng di sản Phong Nha. Ảnh: PN-KB.

Phong Nha - Kẻ Bàng cũng tự hào khi trong cuốn Bảo tồn đa dạng sinh học dãy Trường Sơn (do Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam biên soạn), khẳng định có hệ tự nhiên đa dạng nhất trong tất cả các vườn quốc gia và khu dự trữ sinh quyển thế giới. Thực vật trên núi đá vôi là dạng thực vật điển hình với sắc thái rừng nhiệt đới xanh ẩm, rậm cao 800m so với mặt biển. “Ở đây, chúng tôi xác định tỷ lệ che phủ đến 93,6% và rừng nguyên sinh chiếm đến trên 83,7%. Do vậy, Phong Nha - Kẻ Bàng có rất nhiều loài thực vật đặc trưng riêng khó nơi nào có được”, anh Phạm Hồng Thái chia sẻ.

Nhiều công trình nghiên cứu khoa học đã chỉ ra rằng, tồn tại trong sinh cảnh Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng là một hệ thực vật đồ sộ với sự có mặt của 2.951 loài thuộc 1.006 chi, 198 họ, 62 bộ, 11 lớp, 6 ngành. Trong đó, có nhiều quần thể thực vật lớn, đặc biệt quý hiếm. Anh Phạm Hồng Thái cho hay: "Chúng tôi đã tìm kiếm, phát hiện và đưa vào bảo vệ nghiêm ngặt 34 vùng rừng có tập trung những cây bách xanh cổ thụ có tuổi đời hàng trăm năm. Mỗi vùng có diện tích đến hàng trăm ha với cả ngàn cây bách cổ cao lớn. Có những cây đường kính gốc gần 2m và cao hàng chục mét, sừng sững giữa trời”.

Rừng núi của Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng cũng là “ngôi nhà” lớn của nhiều động vật hoang dã. Đây là nơi sinh sống của 154 loài thuộc 90 giống, 32 họ, 11 bộ (nổi bật nhất là hổ và bò tót - loài bò rừng lớn nhất thế giới); 303 loài chim; có 151 loài bò sát; 295 loài bướm; 215 loài cá. Hàng trăm loài trong hệ động, thực vật này có tên trong Sách Đỏ Việt Nam, Sách Đỏ thế giới và hàng chục loài đặc hữu của Việt Nam. Đặc biệt, cộng đồng linh trưởng ở Phong Nha - Kẻ Bàng được ghi nhận phong phú bậc nhất Đông Nam Á với 10 loài, “tinh túy” trong số này là voọc Hà Tĩnh.

Quần thẻ cây bách xanh trong rừng Phong Nha - Kẻ Bàng. Ảnh: N.Tâm.

Quần thẻ cây bách xanh trong rừng Phong Nha - Kẻ Bàng. Ảnh: N.Tâm.

Gần đây, nhiều loài động, thực vật mới đã được phát phát hiện như 2 loài bọ cạp  sống trong hang động không ánh sáng mặt trời, chim chích trên núi đá vôi, dương xỉ trong hang động, bách xanh đá, các loại lan hài, 10 loài cá mới, 1 loài cá lạ có thể bơi ngược thác mạnh, 4 loài bò sát tái phát hiện sau 50 năm loài rắn lục sừng…

Bản Đoòng giữa lòng di sản

Mấy chục năm trước, một nhóm người dân tộc Bru - Vân Kiều sống du canh du cư đã đặt chân đến vùng đất Phong Nha - Kẻ Bàng. Thấy vùng đất an lành, họ hạ trại làm nhà và định cư ở đó cho đến ngày hôm nay. Đó là bản Đoòng (thuộc địa phận xã Tân Trạch, huyện Bố Trạch), nằm biệt lập giữa vùng lõi Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng. Với 5 hộ dân ban đầu, với cuộc sống tự cung tự cấp, sau hơn 3 thập kỷ, bản Đoòng giờ như một nốt nhạc vui giữa núi rừng bao la trùng điệp.

Cửa động Phong Nha. Ảnh: PN-KB.

Cửa động Phong Nha. Ảnh: PN-KB.

Đến nay, bản Đoòng đã có 11 hộ dân, nằm giữa thung lũng bao quanh là những dãy núi đá. Tôi ngồi uống nước lá rừng với  ông Nguyễn Soái Trắc - trưởng bản. Ông Trắc được người dân của bản gọi bằng cái tên con trai là già Tòa. “Bản Đoòng bữa nay khang trang lắm rồi đấy. Bản không còn ai đói nữa mô, con em lớn lên được đi học từ mầm non đến cấp 2 tại trường lớp rất đẹp ở bản luôn nờ. Vinh dự hơn nữa là bản đã thành lập được Chi bộ Đảng”, giọng ông Tòa rổn rảng trong ngôi nhà sàn.

Trước đây, chính quyền tỉnh Quảng Bình nhiều lần có phương án di dời bản Đoòng ra khỏi vùng lõi của di sản Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng vì lo ngại đến vấn đề bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường cho di sản bởi phong tục săn bắt phá rừng làm rẫy của bà con khó mà cấm được.

Vậy mà, như có phép màu, bà con bản Đoòng lại bắt tay vào việc giữ gìn di sản. Già Tòa thủng thẳng kể chuyện: “Việc đầu tiên là bà con không nuôi nhiều đàn chó nữa. Khi còn đi săn thú thì mỗi nhà có đàn chó  5 - 7 con. Mỗi lần đi săn, chúng đuổi, bao vây thì không có con thú nào thoát được. Chúng khôn lắm, biết dồn ép con thú chạy vào cửa bẫy mà bà con giăng sẵn”. Vậy là dân bản thực hiện “lời hứa” với trưởng bản giảm đàn chó, không mang chó vào rừng. Số lượng đàn chó săn giảm dần theo việc bà con giảm việc vào rừng săn thú cho đến khi “phường săn” và đàn chó được giải tán. Mọi người trong “phường săn” chỉ vào rừng để làm nhiệm vụ bảo vệ rừng hay đi hái lá thuốc thôi.

Ông Nguyễn Văn Đại, Bí thư Đảng ủy xã Tân Trạch thật sự vui mừng khi nói về sự thay đổi tư duy, thay đổi cuộc sống của dân bản Đoòng. Vẫn thủy chung gắn bó với rừng, sống dựa vào rừng, nhưng cư dân bản Đoòng giờ vững lòng hơn khi được Nhà nước giao khoanh nuôi, bảo vệ 800ha rừng. “Nuôi rừng để rừng nuôi - nguồn thu nhập mang lại từ việc giữ gìn màu xanh của rừng đã nâng cao đời sống người dân, là sinh kế bền vững của cư dân bản này”, ông Đại nhìn nhận.

Đường vào bản Đoòng. Ảnh: N.Tâm.

Đường vào bản Đoòng. Ảnh: N.Tâm.

Thay đổi tư duy của người dân bản Đoòng là như “giấc mơ có thật”. Từ thời kỳ săn bắt, phá rừng làm rẫy, bà con chuyển sang làm lúa nước, làm thủy lợi đưa nước về tưới để mở rộng diện tích trồng lúa nước nhằm có đủ lương thực dự trữ ăn quanh năm. Khi có hạt lúa rồi, già Tòa kéo đám thanh niên đi theo vượt qua nấy lần dãy núi đá để ra thị trấn Phong Nha xem người ta xay xát lúa bằng máy. Đám thanh niên thích lắm, ao ước có được cái máy như vậy cho bản. Già Tòa không do dự, phẩy tay: “Mua về cho dân bản dùng”. Đám thanh niên cử người quay về gọi thêm nhân lực ra thị trấn để khiêng cái máy xay xát về. Hai ngày sau, giàn máy xay xát màu đỏ tươi được bố trí ngay tại nhà chòi sát bên căn nhà sàn của trưởng bản. Đó là cái máy của thời kỳ đổi mới được đưa về trong sự trầm trồ, hiếu kỳ của người dân bản khi mà họ chưa một lần vượt núi ra đến thị trấn Phong Nha. Cũng phải nói thêm rằng, vào thời gian đó, chưa hẳn ở vùng quê dưới xuôi nào cũng có được giàn máy xay xát lúa chạy bằng dầu như ở bản Đoòng.

Sau lúa nước, máy xay xát gạo là đến chuyện người dân bản Đoòng làm du lịch. Khi Công ty du lịch Oxalis đưa tuyến thám hiểm hang động Sơn Đoòng vào khai thác thì bản trở thành điểm trung chuyển của du khách vào ra. Người dân bản Đoòng bắt nhịp nhanh với hình thái đón khách mới mẻ này. Du lịch phát triển, bản Đoòng không chỉ là điểm dừng chân lý tưởng của du khách trong nước mà còn là những điều khám phá kỳ lạ của khách nước ngoài. Bản vẫn duy trì bản sắc văn hóa riêng biệt và còn nhiều điều “lạ hóa thành quen” khi được  kết nối với thế giới…

Tiếng gầm của “ông Ba mươi”…

Ông Phạm Hồng Thái - Giám đốc Ban quản lý Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng nói với chúng tôi: “Phương châm “phòng là chính, bảo vệ rừng tại gốc” là hành lang rộng để chúng tôi giữ được tốt rừng Di sản”. Ông Hoàng Văn Tâm, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng thì cho hay: “Kiểm lâm Vườn luôn duy trì 13 tổ chốt, trực 24/24h tại cửa rừng và các vùng xung yếu. Bình quân mỗi năm chúng tôi triển khai khoảng 2.300 đợt tuần tra, kiểm soát rừng với quãng đường từ 17.000 - 20.000km”.

Du khách nước ngoài giao lưu với người dân bản Đoòng. Ảnh: N.Tâm.

Du khách nước ngoài giao lưu với người dân bản Đoòng. Ảnh: N.Tâm.

Theo ông Thái, ngoài công tác bảo vệ, hoạt động cứu hộ, bảo tồn và phát triển sinh vật cho Di sản Thiên nhiên thế giới Phong Nha - Kẻ Bàng cũng được Ban quản lý Vườn đặc biệt chú trọng. Động thực vật hoang dã là tài nguyên thiên nhiên vô vùng quý giá, góp phần quan trọng tạo nên sự cân bằng sinh thái. Và những cán bộ Trung tâm Cứu hộ, bảo tồn và phát triển sinh vật (thuộc Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng) vẫn đang ngày đêm nỗ lực để thực hiện tốt công tác cứu hộ, bảo tồn các loại động thực vật hoang dã.

Ông Lê Thúc Định - Giám đốc Trung tâm này chia sẻ: “Những người làm nghề cứu hộ, chăm sóc động thực vật hoang dã luôn đối diện với nguy cơ bị các con thú tấn công, nguồn lây nhiễm bệnh tật. Nhưng bằng tình yêu đặc biệt với động thực vật hoang dã, các cán bộ Trung tâm luôn dồn hết tâm lực để cứu hộ, chăm sóc cho động thực vật hoang dã khỏe mạnh, tái hòa nhập với môi trường tự nhiên”.

Đàn hổ đang được nuôi dưỡng tại Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng. Ảnh: N.Tâm.

Đàn hổ đang được nuôi dưỡng tại Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng. Ảnh: N.Tâm.

Núi rừng Phong Nha - Kẻ Bàng như trở mình khi lãnh đạo Vườn quyết định đón nhận và nuôi dưỡng 7 cá thể hổ. Hơn một năm qua, đội ngũ cán bộ ở Trung tâm Cứu hộ, bảo tồn và phát triển sinh vật quên ăn, quên ngủ để chăm nuôi, làm bạn với những “ông Ba mươi” đang ở độ sung sức “tuổi ăn, tuổi lớn”. Những lo lắng ban đầu dần được nhẹ đi khi cả 7 con hổ ngày càng khỏe mạnh, trưởng thành lên.

Ông Phạm Hồng Thái cho hay: “Chúng tôi đã triển khai phần đầu của dự án nuôi dưỡng đàn hổ này. Nghĩa là sau thời gian nuôi nhốt từ hổ con lên hổ trưởng thành. Sau đó, đàn hổ sẽ được chuyển vào khu vực nuôi bán hoang dã. Khi đó, du khách có thể quan sát, xem đàn hổ như đang sống trong môi trường tự nhiên”.

Bây giờ, khi mỗi sáng mặt trời lên hay những khi chiều xuống, lẫn trong tiếng ồn ào của núi rừng là tiếng gầm của những “ông Ba mươi” sung sức. Tiếng gầm như đang đẩy  lên sự linh thiêng của núi rừng Phong Nha hùng vỹ.

Xem thêm
Trao tặng 500 cuốn sách về biển đảo cho Bộ Tư lệnh Vùng 3 Hải quân

500 cuốn sách về biển đảo Việt Nam, khoa học quân sự... được Bộ Thông tin và Truyền thông đồng hành với các đơn vị trao tặng Bộ Tư lệnh Vùng 3 Hải quân.

Xâm nhập mặn mùa khô năm 2025 sẽ cao nhưng không gay gắt

ĐBSCL Dự báo xâm nhập mặn mùa khô năm 2025 tại ĐBSCL cho thấy mức độ xâm nhập sẽ cao hơn trung bình nhiều năm, nhưng không nghiêm trọng như các năm 2016 và 2020.

Xây cầu Kênh Trực Thăng nối đôi bờ Vĩnh Viễn

HẬU GIANG Cầu Kênh Trực Thăng (huyện Long Mỹ) được đầu tư gần 2,5 tỷ đồng để xây dựng, nâng cấp, thúc đẩy phát triển hạ tầng giao thông và cải thiện đời sống người dân.