| Hotline: 0983.970.780

Giữa cánh rừng vàng

Trải nghiệm Yok Đôn

Thứ Ba 02/05/2023 , 13:30 (GMT+7)

Vườn quốc gia Yok Đôn với nhiều điều bí ẩn, kỳ thú, với thiên nhiên hoang sơ, độc đáo để ai đó đã 'lỡ' đến một lần, lại muốn đến lần nữa, và lần nữa…

Mùa rừng khộp thay lá ở Vườn quốc gia Yok Đôn. Ảnh: Đăng Lâm.

Mùa rừng khộp thay lá ở Vườn quốc gia Yok Đôn. Ảnh: Đăng Lâm.

Kỳ vỹ Yok Đôn

Bài liên quan

Hẹn với Giám đốc Vườn Quốc gia Yok Đôn, anh Phạm Tuấn Linh là sáng hôm sau xuống vườn. Tuy nhiên ngay từ chiều hôm trước, khi vừa đến thành phố Buôn Ma Thuột, tôi đã alô và… "xin" anh bữa cơm chiều tại vườn.

“Có thế chứ! Đến Vườn Quốc gia Yok Đôn mà không ngủ lại một đêm, nó… phí lắm”, anh Linh vui vẻ nhận lời tôi.

Vậy là đêm nay, chúng tôi ở lại với Yok Đôn, với thiên nhiên hoang dã và với những con người nhiệt huyết với rừng.

Vườn quốc gia Yok Đôn nằm trên địa bàn 2 tỉnh Đắk Nông và Đắk Lắk, cách thành phố Buôn Ma Thuột khoảng 40km về phía Tây. Vườn có diện tích 115.545ha, đây là Vườn có diện tích rừng lớn thứ hai trong hệ thống các Vườn Quốc gia ở Việt Nam.

Với địa hình tương đối bằng phẳng, trong đó nổi trội lên là 2 ngọn núi Yok Đôn và Reheng, rừng nơi đây chủ yếu là rừng tự nhiên với 96% diện tích là rừng khộp, đây cũng là nơi duy nhất ở Việt Nam có bảo tồn loại rừng đặc biệt này.

Theo khảo sát của các nhà khoa học thì hiện nay, Yok Đôn có 63 loài động vật có vú, 196 loài chim, 40 loài bò sát, 30 loài lưỡng cư và có 464 loài thực vật, đặc biệt nơi đây còn có sự tồn tại của các loại động vật quý hiếm như voi rừng, trâu rừng, bò tót khổng lồ…

Được biết, ở Đông Dương hiện có 56 loài động vật quý hiếm thì riêng ở Yok Đôn đã có 38 loài, trong đó có 17 loài được ghi trong sách đỏ thế giới như voi rừng, trâu rừng, bò sừng xoắn, hươu sao, sơn dương, phượng hoàng,… Sở dĩ nơi đây tồn tại nhiều động vật như thế vì rừng ở đây 90% là rừng nguyên sinh- là một môi trường sống lý tưởng cho các loài động, thực vật.

Kỳ vỹ Sêrêpôk. Ảnh: Đăng Lâm.

Kỳ vỹ Sêrêpôk. Ảnh: Đăng Lâm.

Là khu bảo tồn hệ sinh thái rừng khộp duy nhất tại Việt Nam, Vườn Quốc gia Yok Đôn có tính đa dạng sinh học cao với 1.006 loài thực vật, 650 loài động vật, trong đó có nhiều loài động vật, thực vật đặc hữu, nguy cấp, quý hiếm như voi, bò tót, các loài thú móng guốc, các loài cây gỗ quý. Vườn Quốc gia Yok Đôn được đánh giá là nơi có tiềm năng cung cấp các dịch vụ phục vụ cho công tác nghiên cứu khoa học, học tập và tham quan du lịch.

Ngoài ra, với sự tồn tại đa dạng về văn hoá bản địa lâu đời của đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống ở vùng đệm, Vườn Quốc gia Yok Đôn còn được được ghi nhận là trung tâm du lịch về văn hoá của vùng Tây Nguyên. Đây cũng là Vườn Quốc gia duy nhất có mô hình du lịch thân thiện với voi nhà và voi hoang dã trong môi trường sống tự nhiên của chúng, hàng năm, thu hút được nhiều đoàn khách du lịch trong nước và quốc tế đến tham quan.

Kỳ thú du lịch ở Yok Đôn

Điểm nhấn của Vườn Quốc gia Yok Đôn- nếu không nói quá thì đó chính là dòng sông Sêrêpôk- con sông chảy ngược duy nhất giữa đại ngàn. Dòng sông trở thành điểm đến không thể bỏ qua nếu bạn đã “lỡ” đặt chân đến.Theo tiếng địa phương Sêrêpôk được gọi là Srêpôk hay Xrê Pôc, từ “sê” trong tiếng bản địa là “sông”, do đó để gọi đúng địa danh này phải là Sêrêpôk. Là một trong những phụ lưu quan trọng của sông Mekong, Sêrêpôk khởi nguồn từ tỉnh Đăk Lăk chảy qua Đăk Nông rồi đổ xuống các tỉnh lận cận của Campuchia.

Khách du lịch trải nghiệm cùng bầy voi ở VQG Yok Đôn. Ảnh: Đăng Lâm.

Khách du lịch trải nghiệm cùng bầy voi ở VQG Yok Đôn. Ảnh: Đăng Lâm.

Với chiều dài 406km, Sêrêpôk mải miết xuyên qua và gần như chia đôi diện tích của Vườn Quốc gia Yok Đôn. Trải dài với những thác ghềnh hùng vĩ và còn rất hoang sơ, Sêrêpôk với những cái tên được du khách đặc biệt yêu thích như: Thác Gia Long, thác Trinh Nữ, thác Đray Sáp,… Ghé thăm sông Sêrêpôk bất kể mùa nào trong năm cũng có thể cảm nhận những đặc trưng riêng của từng mùa khí hậu, của từng thảm thực vật đa dạng và độc đáo.

Sêrêpôk không chỉ được thiên nhiên biệt đãi với vẻ đẹp hùng vĩ, nơi đây còn hội tụ vô số các loài cá lớn nhỏ, góp phần tạo nên nét đặc sắc, đa dạng sinh học nơi đây.

Đến với Yok Đôn, khách du lịch còn có thể tham gia, trải nghiệm các hoạt động mà chỉ riêng ở mảnh đất Tây Nguyên này mới có, đó là hoạt động ngắm voi, cho voi ăn hay chơi đùa cùng bầy voi dưới tán rừng hay cùng voi băng qua các dòng suối; đạp xe dưới tán rừng khộp, ngồi thuyền độc mộc, hay đi bộ đường dài, leo núi,.. và rất nhiều các hoạt động thú vị khác.

Du khách cũng có thể đến chiêm ngưỡng các danh lam thắng cảnh nơi đây như thác Bảy Nhánh. Đây cũng là nơi duy nhất dòng sông Sêrêpốk chia thành 7 nhánh  ra những hướng khác nhau. Hay nếu muốn ngắm nhìn toàn cảnh khu rừng khộp thì hãy chinh phục đỉnh Yok Đôn- ngọn núi cao nhất ở đây. Ngọn núi này được bao phủ bởi thảm rừng xanh giữa muôn trùng rừng khộp, tạo nên một không gian hoàn hảo và tuyệt mỹ. Đặc biệt, nơi đây tương truyền một câu truyện rất thú vị rằng, nếu trước khi leo núi mà mang theo những ý định xấu như: Săn bắt thú, chặt phá rừng thì người đó sẽ bị lạc đường và không tìm được lối về.

Ngoài ra, Vườn Quốc gia Yok Đôn còn lưu giữ rất nhiều giá trị văn hóa đặc sắc của các dân tộc Tây Nguyên, nơi đây vẫn bảo tồn được các kiến trúc nhà sàn truyền thống với những chạm khắc tuyệt đẹp, công phu qua bàn tay khéo léo và óc sáng tạo đỉnh cao của người dân bản địa. Đến thăm các buôn làng, bạn cũng có cơ hội được thưởng thức những món ăn truyền thống, giao lưu cồng chiêng với dân làng và cảm nhận tình người nồng thắm, hiếu khách của con người ở đây.

Y Quynh Bkrông, nhân viên Trạm bảo vệ rừng số 5 - Vườn Quốc gia Yok Đôn có thâm niên 29 năm tham gia giữ rừng Yok Đôn. Con trai của ông vừa tốt nghiệp Đại học Lâm nghiệp, cũng về làm việc ở Vườn, cùng với cha và các chú, các anh tham gia giữ rừng quê hương. “Rừng Yok Đôn là máu, là thịt, là những gì rất đỗi thiêng liêng của người dân nơi đây. Vậy nên, giữ rừng Yok Đôn là nghĩa vụ chung của mỗi người, mỗi cộng đồng làng ở vùng rừng đặc biệt này”, Y Quynh chia sẻ.

Những nỗ lực giữ rừng

Hiện nay, Ban Quản lý Vườn Quốc gia Yok Đôn đang có rất nhiều nỗ lực trong việc quản lý bảo tồn đa dạng sinh học của vườn, đặc biệt là bảo tồn các loài động vật quý hiếm. Bên cạnh đó, Ban Quản lý Vườn cũng đang phối hợp với ngành du lịch địa phương để phát triển thêm về các loại hình du lịch, nghiên cứu và tham quan thám hiểm ở đây.

Theo báo cáo của Vườn Quốc gia Yok Đôn, xung quanh vườn có 7 xã vùng đệm thuộc 2 tỉnh Đăk Lăk và Đắk Nông, với dân số lên tới hơn 12.000 hộ và trên 50.000 nhân khẩu, chưa kể số dân di cư tự do từ nơi khác đến làm ăn sinh sống. Đặc biệt, trong vùng lõi của Vườn có  buôn Đrang Phốk có 135 hộ với 519 nhân khẩu sinh sống, thu nhập chủ yếu của người dân là sản xuất nông nghiệp (canh tác ruộng, rẫy, chăn nuôi gia súc, gia cầm và một số hộ buôn bán nhỏ).

Một buổi tuần tra rừng ở Yok Đôn. Ảnh: Đăng Lâm.

Một buổi tuần tra rừng ở Yok Đôn. Ảnh: Đăng Lâm.

Thực hiện Nghị định của Chính phủ về cơ chế, chính sách bảo vệ và phát triển rừng, gắn với chính sách giảm nghèo nhanh, bền vững và hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2015-2020, từ năm 2017 đến năm 2020, hàng năm Vườn đã tổ chức giao khoán bảo vệ 17.500 ha rừng cho 19 cộng đồng thôn/buôn vùng đệm với 9.715 lượt hộ dân tham gia, tổng kinh phí thực hiện là 22,133 tỷ đồng. Năm 2021, Vườn thực hiện giao khoán 17.500 ha rừng cho 19 thôn/buôn thuộc 4 xã vùng đệm với tổng số hộ 2.434 hộ (đối tượng nhận khoán là hộ đồng bào dân tộc thiểu số và hộ kinh nghèo). Kinh phí là 3,5 tỷ đồng (giao trong 6 tháng cuối năm), với mức khoán 400.000 đồng/ha/năm, thu nhập bình quân khoảng 1.400.000 đồng/hộ/6 tháng. Năm 2022 do nguồn kinh phí về muộn nên từ đầu năm 2023, vườn đã thực hiện giao khoán hơn 30.000 ha cho các hộ dân nằm trong vùng đệm.

Ông Nguyễn Hữu Tạo, Hạt phó Hạt kiểm lâm Vườn Quốc gia Yok Đôn, cho biết: Việc triển khai thực hiện chính sách giao khoán bảo vệ rừng, hỗ trợ cộng đồng vùng đệm đã tạo được việc làm, tăng thêm thu nhập, cải thiện đời sống cho một bộ phận người dân, đặc biệt là các hộ đồng bào dân tộc thiểu số. Công tác giao khoán bảo vệ rừng đã được cải thiện, các trường hợp vi phạm Luật Lâm nghiệp từ các cộng đồng nhận khoán đã giảm so với thời kỳ trước. Nhận thức, ý thức, trách nhiệm của cộng đồng nhận khoán trong công tác bảo vệ rừng được nâng lên đáng kể, người dân vùng đệm đã nhận thức rõ tầm quan trọng của rừng.

“Trong quá trình phối hợp tuần rừng, lực lượng kiểm lâm luôn kết hợp tuyên truyền, nhằm nâng cao nhận thức của người dân. Sau thời gian giao khoán, người dân quay lại phối hợp với lực lượng kiểm lâm bảo vệ rừng. Theo đó, từ nhiều năm nay, mức độ vi phạm liên quan đến rừng giảm rõ rệt. Những trường hợp trước đây tham gia phá rừng, nay chuyển về nhận khoán bảo vệ rừng, kết hợp sản xuất nông nghiệp. Việc này giúp cho rừng tại Vườn được giữ vững”, ông Tạo nói.

Ông Y Zen Byă, ngụ xã Ea Wer, huyện Buôn Đôn cho biết: Nhóm cộng đồng của ông nhận giao khoán từ hơn 5 năm trước. Từ khi nhận bảo vệ rừng, nhóm đã phối hợp với lực lượng kiểm lâm tổ chức tuần tra thường xuyên. “Khi nhận giao khoán người dân được trả công. Từ khi nhận giao khoán chúng tôi không tham gia phá rừng như trước mà thay vào đó là sản xuất nông nghiệp. Những hộ tham gia nhận khoán rất nhiệt tình trong công tác tham gia tuần tra cũng như ý thức bảo vệ rừng”, ông Y Zen nói.

Giám đốc Vườn Quốc gia Yok Đôn, ông Phạm Tuấn Linh, cho biết: Cái khó nhất trong việc giữ rừng ở đây, đó là diện tích rộng với gần 400km bao quanh Vườn, trong đó có trên 70km đường biên. Hàng ngày có trên 3.000 con trâu, bò được người dân chăn thả trong Vườn nên rất khó quản lý số người chăn thả này. “Việc giao khoán rừng đến cộng đồng giúp người dân ý thức được rằng, giữ rừng không phải là giữ cho Vườn, cho cán bộ, mà là giữ cho chính cộng đồng của mình, cho các thế hệ mai sau”, ông Linh chia sẻ.

Xem thêm
Ông Đinh Thế Huynh nhận huy hiệu 50 năm tuổi Đảng

Trao quyết định và tặng hoa, ông Trần Cẩm Tú chúc mừng ông Đinh Thế Huynh đón nhận Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng - phần thưởng cao quý của Đảng.

Khánh thành nhà máy chiếu xạ hiện đại tại tỉnh Hậu Giang

Ngày 24/11, Công ty Cổ phần Hạnh Nguyên Logistics (đặt tại Cụm công nghiệp tập trung Phú Hữu A, huyện Châu Thành) chính thức khánh thành nhà máy chiếu xạ công suất 1.000 tấn/ngày đêm.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Mưa lớn, nhiều nơi ở Quảng Ngãi bị ngập sâu, chia cắt

Mưa lớn, nước từ thượng nguồn đổ về khiến nước các con sông ở tỉnh Quảng Ngãi dâng cao, gây ngập lụt một số khu dân cư và chia cắt giao thông.