Diện tích giảm
Các tỉnh phía Bắc gồm Bắc Trung bộ trở ra năm 2014 có tổng diện tích gieo cấy lúa lai thương phẩm là 644.200 ha, năm 2015 giảm còn 605.600 ha, năm 2016 còn 531.600 ha, năm 2017 còn 479.300 ha và năm 2018 còn 458.000 ha. Khu vực Duyên hải Nam Trung bộ và Tây Nguyên diện tích hàng năm khoảng 10-15 ngàn ha, Đồng bằng sông Cửu Long trên đất lúa tôm khoảng 7.000-10.000 ha. Như vậy từ những năm đầu diện tích lúa lai thương phẩm đạt trên 700.000 ha, thì diện tích lúa lai giảm đáng kể vào 3-4 năm gần đây.
Lý do được phân tích ở đây là: 1- Hiện tại bộ giống lúa thuần có không ít giống cho năng suất không thua kém lúa lai nhiều. 2- Sự thay đổi và chuyển dịch nhanh chóng cơ cấu các giống lúa thơm, lúa hạt dài gạo trắng, cơm mềm, dẻo đủ tiêu chuẩn xuất khẩu; vùng ĐBSH chuyển mạnh từ 25-30% cơ cấu giống lúa chất lượng cao trước đây nay nhiều địa phương tỷ lệ này 60-65%. 3- Giá giống lúa lai nhập nội hiện nay khá cao, do mặt bằng giá bên Trung Quốc cao, nếu trước đây chỉ 15-20 nhân dân tệ/kg thì hiện nay có giống 50-60 nhân dân tệ, trong khi chúng ta vẫn phải nhập 65-70% nhu cầu giống lúa lai hàng năm và lúa lai phần lớn chỉ chất lượng khá, chưa có nhiều giống lúa lai thơm. 4- Nguồn cung hạt lúa lai đơn điệu do các doanh nghiệp có thiên hướng chuyển kinh doanh giống lúa thuần có bản quyền, lợi nhuận cao hơn và chủ động nguồn cung, kiểm soát được chất lượng.
Sản xuất hạt giống lúa lai ở Việt Nam
Với chương trình khuyến nông hàng năm, chương trình giống Quốc gia, ngân sách nhà nước đầu tư hỗ trợ cho việc nghiên cứu, nhân dòng bố mẹ và sản xuất hạt lai những năm qua. Kết quả thực hiện dự án, đến 2017, Việt Nam đã sản xuất được hơn 70 tấn dòng mẹ với các dòng TGMS và CMS. Năng suất bình quân các dòng TGMS đạt 2,6 tấn/ha, dòng bố 3,4 tấn/ha, các dòng CMS năng suất dòng mẹ đạt 1,5 tấn/ha, dòng bố 3,6 tấn/ha. Lượng hạt giống bố mẹ có thể sản xuất được 2.000 ha hạt giống F1. Theo đánh giá và tổng kết của dự án các giai đoạn 2015-2017 và 2017-2019, hạt giống bố mẹ phục vụ sản xuất hạt lai trong nước chúng ta đã tự túc được gần 80%.
Các dòng A, B, R, các tổ hợp mới được các viện, trung tâm nghiên cứu, hoàn thiện với mục tiêu tạo giống chất lượng, thơm và có mang các gen chống chịu với bạc lá, đạo ôn...
Về sản xuất hạt giống F1. Từ 2015-2017, bình quân hàng năm Việt Nam sản xuất từ 2.450-2.600ha, năng suất bình quân của các tổ hợp gồm cả 3 dòng và 2 dòng 2,5-2,7 tấn/ha, sản lượng 6.200-6.500 tấn, giai đoạn này mới đáp ứng được 30% diện tích gieo cấy (600.000ha cần gần 20 ngàn tấn giống). Giai đoạn 2017-2020, diện tích sản xuất hạt lai giảm chỉ còn 2.100-2.200 ha, sản lượng hàng năm khoảng 5.500 tấn, Việt Nam vẫn phải nhập 10-12 ngàn tấn hạt giống lúa lai.
Các tổ hợp sản xuất trong nước chủ yếu gồm TH3-3, Th3-5, CT16, Việt lai 20, LC25, Nhị ưu 838.
Vùng sản xuất hạt lai F1 tập trung diện tích lớn ở Quảng Nam, và Đăk Lăk, Nam Định, Hải Phòng, Thanh Hóa (Yên Định).
Chúng ta cơ bản làm chủ được công nghệ sản xuất hạt lai, từ việc tự sản xuất dòng A (dòng mẹ), B (dòng duy trì), R (dòng bố) với chất lượng khá đến công nghệ gieo cấy, sử dụng hóa chất điều tiết như GA3, các biện pháp điều chỉnh để trổ trùng khớp, gạt phấn...
Lúa ưu thế lai trong những năm tới
Mặc dù diện tích giảm, song lúa lai vẫn được nhiều bà con nông dân đánh giá cao và chấp nhận với các lý do:
- Lúa ưu thế lai chống chịu khá tốt với ngoại cảnh, đặc biệt càng ở những vùng đất khó khăn, đất có yếu tố hạn chế như mặn, phèn, ngập úng... lúa ưu thế lai vượt trội hẳn so với lúa thuần. Bằng chứng là các vùng đất thung lũng, chân các dãy núi, vùng đất phèn các tỉnh phía Bắc, vùng đất các huyện miền núi của Thanh Hóa, Nghệ An nông dân vẫn thích gieo cấy lúa lai. Những đánh giá và tổng kết kỹ thuật qua các vụ đông xuân ấm và rét ở miền Bắc, lúa ưu thế lai có tính ổn định và bền vững cao hơn, nếu giai đoạn phân hóa hoặc thụ phấn thụ tinh, gặp rét dưới ngưỡng tối thích với sinh lý cây lúa thì lúa lai ít bị tác động hơn so với lúa thuần. Trong bối cảnh biến đổi khí hậu, rõ ràng lựa chọn lúa ưu thế lai là một giải pháp hiệu quả.
- Hầu hết các giống lúa ưu thế lai chống chịu khá tốt với đạo ôn và một số sâu bệnh hại chủ yếu khác. Lúa lai có bộ rễ phát triển khỏe, đẻ nhánh khỏe, chống đổ tốt, mặc dù giá giống cao nhưng lượng giống sử dụng thấp, hiệu quả trội về năng suất và giảm chi phí thuốc bảo vệ thực vật nên vẫn được nông dân chấp nhận.
- Hiện cả trong nước cũng như Trung Quốc, đã và sẽ có các giống lúa lai được cải tiến, chọn tạo bằng ứng dụng công nghệ gen, kiểu hình lý tưởng, chất lượng cơm gạo đáp ứng nhu cầu thị trường cả trong nước và xuất khẩu, giống lai thơm như HQ19, HYT135, HYT124, LY2099, LP1601, LP1603... và đặc biệt khả năng chuyển các gen mục tiêu chống chịu tốt với ngoại cảnh và sâu bệnh sẽ ngày càng gia tăng ưu thế của hạt ưu thế lai. Và chắc chắn công nghệ sản xuất hạt lai sẽ được khắc phục nhằm nâng cao năng suất hạt lai, giảm giá thành hạt giống.
Với vị trí, ưu thế của lúa ưu thế lai, trong bối cảnh đất lúa giảm do mục đích chuyển đổi, sản xuất lúa cần được ổn định về sản lượng, chuyển hướng canh tác bền vững, thuận thiên, hướng canh tác hữu cơ ở những vùng đặc thù, việc có cơ chế chính sách hỗ trợ cho nghiên cứu, phát triển và sản xuất hạt giống lúa lai là cần thiết trong những năm tới.
Các ưu tiên gồm: 1. Nghiên cứu chọn tạo lúa lai có chất lượng cơm gạo tốt, lúa lai thơm đáp ứng nhu cầu cao của thị trường nội địa lẫn xuất khẩu. 2. Nghiên cứu cải tiến các dòng CMS và TGMS để có các dòng mẹ khỏe, vòi nhụy to, góc nở hoa rộng, nhận phấn tốt, đi đôi với chọn dòng R khỏe, năng suất và kết hợp tốt cho ưu thế lai cao; cải tiến công nghệ sản xuất hạt lai để tiết kiệm chi phí hơn. 3. Tiếp tục hỗ trợ sản xuất hạt giống lai F1 từ các dự án khuyến nông và chương trình giống cây trồng vật nuôi 2020-2030.
Đòi hỏi một thế hệ lúa lai chất lượng cao
Thực tế đòi hỏi một thế hệ lúa lai mới năng suất cao và chất lượng gạo cao. Hiện nay các giống lúa lai có phẩm cấp gạo ngon (LY2099, Lai thơm 6, MCH2, VT404, Nghi hương…) đều không đủ giống cho sản xuất. Điểm yếu căn bản đối với giống lúa lai chất lượng là khó sản xuất hạt lai F1 vì thế giá giống còn đắt.
Nhà nước cần ưu tiên đầu tư tiếp nối chương trình phát triển lúa lai, mở ra một giai đoạn mới:
+ Đầu tư phát triển lúa lai là đầu tư cho vùng khó khăn. Vùng miền núi thời tiết khắc nghiệt, miền Trung khô hạn, các vùng ven biển đất nhiễm mặn, lúa - tôm… người dân cần lúa lai vì ưu thế lúa lai ở những vùng này là vượt trội so lúa thuần.
+ Đầu tư nghiên cứu lúa lai là đầu tư cho tương lai. Chuẩn bị nguồn gen, vật liệu, dự phòng trong những điều kiện khí hậu, môi trường biến đổi.
+ Cần một chiến lược mang tính quốc gia nghiên cứu lúa lai chất lượng, tăng sức cạnh tranh, mở ra một giai đoạn mới.
+ Cần quy hoạch các vùng sản xuất hạt lai F1 cơ giới hóa đồng bộ, tay nghề cao, chuyên nghiệp.
+ Cần sự hợp tác giữa các viện nghiên cứu với doanh nghiệp trong SX hạt lai F1, tận dụng quỹ đất của các viện, tăng thu nhập.
Trần Cao