| Hotline: 0983.970.780

Đất của người chết bao vây đất của người sống

VII. Địa chính xã bị dí dao vì nhắc xây tường bao khu mộ

Thứ Ba 28/03/2023 , 07:54 (GMT+7)

Ở nghĩa trang thôn, họ đang cải tạo lại khuôn viên khu mộ, chị Lan xuống nhắc nhở không được lấn ra dòng chảy thủy lợi liền bị cầm dao đe: “Tao chém chết mày”.

Bị đe dọa, chửi bới là chuyện thường

“Họ còn định đánh, định tát chị nữa cơ, may có đoàn công tác của UBND xã đến kịp để can ngăn. Còn chuyện người dân cho chúng tôi “ăn tiết canh” là rất thường xuyên (tức câu chửi bậy, ăn máu này, máu nọ - PV). Tôi với đồng chí Lan nhiều khi cũng cảm thấy rất khó khăn, vất vả khi phải đương đầu với những vấn đề đất đai ở nghĩa trang”, anh Nguyễn Đình Mạnh - Phó Chủ tịch UBND xã Nguyên Xá, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình kể trước khi chị Nguyễn Thị Lan - cán bộ địa chính xã dẫn tôi ra thực địa.

Chiếc flycam cất cánh, bốc thẳng lên trời. Bay trên nghĩa trang Bắc Lạng cho tôi một cảm giác như bay trên một ngôi làng giàu có với “nhà cửa” san sát, mái ngói đỏ au hay là mái đá xanh xám cao hai, ba tầng lầu. Những ngôi mộ cứ trùng trùng, điệp điệp nối tiếp nhau như thế, khoe lên trời xanh những hoa văn được các nghệ nhân đục, chạm, khắc trên đá rất công phu, tỉ mỉ.

Clip nhìn từ trên cao nghĩa trang Bắc Lạng. Clip: Dương Đình Tường.

Lắm cái còn dựng cả cổng hai bên trang hoàng hoành phi câu đối, phía trước trồng những hàng cây đại hay cây cau làm cảnh, nhưng nhiều khu vẫn chỉ là đất hoang, cỏ bên trong mọc xanh rì. Cạnh nghĩa trang, sát với khu hung táng là bãi rác của xã Phong Châu ngày đêm nghi ngút những cụm khói độc bốc lên tựa như đám mây đen của một ngày giông bão.

Chị Lan cho biết, năm 2015 khi xây dựng nông thôn mới địa phương đã kiên quyết đóng cửa 2 nghĩa trang cũ là các gò, đống không đủ theo tiêu chí nên giờ chỉ có 2 cái là nghĩa trang Bắc Lạng và Đà Giang. Việc xây quây thành các khu mộ gia đình diễn ra mạnh dăm bảy năm về trước, trên phần đất nguồn gốc gồm cả của công lẫn của dân. Mỗi khu xây quây như thế rộng trung bình 30 - 40m2, một số 50 - 70m2, thậm chí xấp xỉ 100m2, phần đã đặt mộ, phần còn trống để giữ chỗ chờ cho nhiều đời con cháu trong gia đình hay dòng họ.

Theo quy hoạch, nghĩa trang Bắc Lạng rộng 3ha nhưng thực tế hiện khoảng 5ha hoặc 6ha, còn nghĩa trang Đà Giang quy hoạch 1ha, thực tế rộng hơn 2ha. Việc quản lý là rất khó khăn bởi cán bộ làm trong giờ hành chính nhưng dân thì lén xây vào thứ bảy, chủ nhật, thậm chí cả ban đêm.

Empty

Một khu mộ đá ở nghĩa trang Bắc Lạng. Ảnh: Dương Đình Tường.

“Thuê công thợ đêm trả cao gấp rưỡi, gấp đôi ban ngày, cứ soi đèn mà xây. Giờ có dịch vụ bê tông tươi, chỉ đổ một tí buổi đêm là xong móng. Họ lấn từng bước một, khi chuyển từ khu hung táng sang, đặt tiểu xuống họ không xây quây ngay mà đợi yên yên rồi mới hoàn thiện thành khu nghĩa trang gia đình.

Xây thủ công thì lâu, sợ chính quyền đến lập biên bản, xử phạt, nên họ chỉ làm móng xong rồi lắp ráp đá. Những khu lăng mộ lớn bằng đá chuyển từ Ninh Bình sang tuy đắt tiền nhưng hoàn thiện rất nhanh. Xã làm barie ở đầu con đường mới dẫn vào nghĩa trang để chặn xe quá tải, có những cái chở tới vài chục tấn đá thì người dân lại cho rằng chúng tôi đang gây khó khăn.

Nguyên Xá có 461ha đất tự nhiên, trong đó đất ở 38ha, đất nghĩa trang 10ha. Quản lý đất của người chết khó hơn đất của người sống nhiều, bởi khi một ngôi mộ được đặt xuống, dù là trái phép mà cưỡng chế là không thể. Trong khi đó, đất nông nghiệp mà xây dựng nhà ở trái phép thì chính quyền đập luôn được”, chị Lan cho biết.

Cán bộ xã về cơ bản chấp hành tốt các quy định, nhưng người dân vẫn còn có tình trạng bao chiếm đất, xây quây khu mộ của gia đình rộng.

Empty

Những khu mộ vây tường bao rất rộng. Ảnh: Dương Đình Tường.

Người sống có gì, người chết có nấy

Ở trong làng phân hóa giàu nghèo của mỗi gia đình thế nào thì ra nghĩa trang hệt như thế. Cách đây ngót 20 năm, hồi kinh tế còn eo hẹp thì Nguyên Xá đã có phong trào “bán lúa non lấy tiền xây mộ”. Nay đời sống phát triển, nhiều nhà đua nhau dựng lăng đá, mộ đá, nghĩa trang gia đình bằng đá, cái xây sau thường không chịu kém cạnh cái xây trước. Trong khi nhiều hộ xây quây được một khu rộng mênh mông thì vẫn có những nhà chậm chân thành ra không có đất, khi người thân khuất núi đành phải làm đơn để xin xã.

Anh Nguyễn Đình Mạnh cho biết làng Nguyễn quê mình là cái nôi sản xuất bánh kẹo với khoảng trên 200 hộ làm nghề. Một phần nhờ đó mà tổng giá trị sản xuất tất cả các ngành nghề năm 2022 của xã ước đạt trên 900 tỷ đồng, thu nhập bình quân đầu người đạt 64 triệu. Khi thế hệ con cháu làm ăn phát đạt đều chăm lo tới chuyện tâm linh của các cụ. Những khu mộ xây to, chưa đúng quy định hầu hết là của các gia đình hay dòng họ huy động đóng góp theo đầu đinh, đặc biệt là ở Bắc Lạng:

Empty

Anh Nguyễn Đình Mạnh - Phó Chủ tịch UBND xã Nguyên Xá

“Khi thôn phát hiện ra sai phạm, báo cho UBND xã, chúng tôi thành lập ngay đoàn đoàn công tác gồm địa chính, công an, quân sự, tổng cộng 5 - 7 người cộng với trưởng thôn, bí thư thôn đến để lập biên bản vi phạm, đình chỉ. Nhưng có những người dân cố tình không hiểu, bảo rằng họ đã mua đất thì được phép xây. Từ tháng 8 âm lịch đến tháng 1 - 2 năm sau là thời gian chúng tôi bận rộn nhất.

Như cán bộ địa chính đang còn con nhỏ mà thứ bảy, chủ nhật khi có việc khẩn vẫn phải gửi sang bà, vẫn nguyên quần áo ở nhà chỉ khoác tạm áo chống nắng là đi. Mồng 1, mồng 2 vẫn bị ăn chửi, bị đe dọa là chuyện thường. Vất vả quá nên đồng chí ấy xin chuyển sang lĩnh vực khác nhưng chưa được đồng ý.

Do xã làm mạnh, xử phạt hành chính một số trường hợp nên từ năm 2019 - 2020 đã bắt đầu ngăn được việc xây khu mộ lấn rộng ra. Tình hình bây giờ nói chung tạm ổn, không phát sinh thêm những cái mới.

Không ảnh nghĩa trang Bắc Lạng nhìn từ trên cao. Ảnh: Dương Đình Tường.

Không ảnh nghĩa trang Bắc Lạng nhìn từ trên cao. Ảnh: Dương Đình Tường.

"Việc tham mưu của cán bộ chuyên môn rất tốt, xã chỉ đạo đúng nghị quyết, chủ trương, cơ sở thôn vào cuộc nhưng một số người dân cố tình không hiểu", anh Nguyễn Đình Mạnh - Phó Chủ tịch UBND xã Nguyên Xá.

Vấn đề liên quan đến tâm linh nhiều khi chúng tôi rất khó xử lý. Khi họ đặt một ngôi mộ, để một bát hương xuống là không thể làm gì được nữa. Có thể họ đã đưa mộ giả, đặt tiểu giả, thắp hương giả đấy nhưng chúng tôi cũng không xác định được chắc chắn việc đó là có hay không nên không dám cưỡng chế. Mỗi nghĩa trang hiện có một quản trang nhưng do không có chế độ gì nên hiệu quả công việc còn hạn chế.

Những năm trước, lãnh đạo địa phương đã có ý tưởng hỗ trợ 1 triệu/ca hỏa táng để giảm tải diện tích đất chôn cất. Bởi xã không có kinh phí nên phải huy động nhà tài trợ, thực hiện được 1 - 2 năm rồi họ lại thôi. Bài toán nan giải của chúng tôi là có 8.000 dân mà chỉ có 2 nghĩa trang được quy hoạch, quỹ đất rất hạn chế.

Chúng tôi phải động viên, tuyên truyền trong đội ngũ cán bộ, đảng viên khi có người thân qua đời nên hỏa táng để tiết kiệm đất. Như vợ nguyên Bí thư thôn Đà Giang bị đột tử đã được đưa đi hỏa táng là một ví dụ. Dù trên mạng xã hội vẫn đưa tin nơi này nơi kia xây mộ to chúng tôi cũng không để ý. Đất không đẻ ra mà người chết mỗi ngày một nhiều, nếu mỗi trường hợp hung táng thì phải tốn mất mấy m2 đất.

Chúng tôi đang đề xuất trong chương trình nông thôn mới nâng cao, huyện, tỉnh giúp xã xây dựng một nghĩa trang kiểu mẫu, ở đó mỗi ngôi mộ chỉ được xây dựng theo đúng quy định của nhà nước về diện tích, kích cỡ để tiện cho việc quản lý…”.

Empty

Những khu nghĩa trang gia đình tại Bắc Lạng được xây quây để chờ nhiều đời thế hệ con, cháu. Ảnh: Dương Đình Tường.

Cũng như nhiều tỉnh ở đồng bằng Bắc Bộ việc tang lễ ở Thái Bình trước đây rất bảo thủ. Truyền thống là hung táng rồi mấy năm sau lại bốc mộ. Truyền thống là mỗi làng một nghĩa trang, thậm chí dân làng này chết không được đưa qua làng khác để chôn. Truyền thống là cứ chọn chỗ gò đất cao mà táng.

Điều đó nảy sinh nhiều hệ lụy. Thứ nhất là mất vệ sinh môi trường vì nhiều nghĩa trang ở gần làng. Thứ hai là không đảm bảo mỹ quan. Thứ ba là tốn diện tích. Cách đây hơn 10 năm Thái Bình đã coi quy hoạch và quản lý nghĩa trang nhân dân là một tiêu chí quan trọng trong đánh giá về đích nông thôn mới.

Chỉ thị của UBND tỉnh đã cụ thể hóa Nghị định 23 năm 2016 của Chính Phủ, trong đó quy định diện tích mỗi phần mộ hung táng và chôn cất một lần tối đa không quá 5m2, phần mộ cát táng tối đá không quá 3m2, chiều cao mộ không quá 2m. Công khai quy hoạch nghĩa trang nhân dân và cắm mốc chỉ giới. Chủ tịch UBND huyện, thành phố chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh về việc quy hoạch, xây dựng và quản lý sử dụng nghĩa trang nhân dân trên địa bàn.  

Thái Bình cũng là tỉnh tiên phong ban hành Nghị quyết chuyên đề về xây dựng khu dân cư nông thôn kiểu mẫu đi kèm khu nghĩa trang nhân dân kiểu mẫu và hỗ trợ 200 triệu cho mỗi xã để thực hiện quy hoạch. Trên cơ sở đó, các xã xây dựng nội quy, quy chế quản lý nghĩa trang, thành lập ban quản trang. Nhờ đó, có sự chuyển biến tích cực ở rất nhiều xã, huyện nhất là ở những nơi cấp ủy, chính quyền vào cuộc quyết liệt. Tuy nhiên điều tồn tại là tỷ lệ hỏa táng của toàn tỉnh nói chung còn thấp, vẫn còn đây đó một số xã quản lý chưa tốt, để xảy ra bao chiếm, quây khu nghĩa trang gia đình, xây mộ to, cao…

Khi nghe về “cuộc cách mạng mồ mả” tại một giáo họ mà ở đó giáo dân đã thay đổi quan niệm từ nhiều đời rằng “đào sâu, chôn chặt”, tự nguyện di dời toàn bộ mộ của thân nhân mình để chuyển vào chỗ mới theo hàng, theo lối, tôi đã rất tò mò tìm đến.  

Xem thêm
Thái Nguyên thông qua nghị quyết sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã 2023-2025

Đây là 1 trong 10 nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội được thông qua tại Kỳ họp thứ 18 của HĐND tỉnh Thái Nguyên khóa XIV, nhiệm kỳ 2021-2026.

Syngenta tập huấn kỹ thuật, sử dụng drone an toàn, hiệu quả tại ĐBSCL

Vĩnh Long Ngày 26/4, tại Vĩnh Long, Công ty TNHH Syngenta Việt Nam tổ chức tập huấn cho 230 người điều khiển máy bay phun thuốc BVTV, cách sử dụng an toàn và hiệu quả tại ĐBSCL.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Vụ học sinh Khánh Sơn ngộ độc: Phát hiện rong biển cơm cuộn có vi khuẩn

Cơ quan chức năng tỉnh Khánh Hòa đã kết thúc điều tra, chỉ ra nguyên nhân 29 học sinh ở huyện Khánh Sơn bị ngộ độc thực phẩm sau khi ăn cơm cuộn.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm