Trong những năm qua, cà phê luôn là cây trồng có vị trí rất quan trọng trong cơ cấu kinh tế nông, lâm nghiệp của các tỉnh Tây Nguyên. Tuy nhiên ngành cà phê của Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều thách thức đến từ tác động của biến đổi khí hậu toàn cầu và sức ép cạnh tranh của thị trường cà phê thế giới.
Việt Nam là một trong những nước xuất khẩu cà phế đứng đầu thế giới về khối lượng nhưng hầu như cà phê Việt Nam lại chưa có thương hiệu trên thị trường quốc tế. Do đó, để nâng cao vị thế của loại nông sản chủ lực này cần hình thành và phát triển các liên kết theo chuỗi giá trị. Trong đó việc hình thành liên kết chuỗi cần lấy người nông dân trồng cà phê làm gốc.
Dựa trên tinh thần này, 5 năm qua Dự án Chuyển đổi nông nghiệp bền vững tại Việt Nam (VnSAT) đã có nhiều hoạt động hỗ trợ thiết thực nhằm nâng cao năng lực sản xuất, quản trị và phát triển thương hiệu cho các HTX trồng cà phê thuộc 5 tỉnh Tây Nguyên gồm các nội dung: Đào tạo tập huấn nâng cao năng lực sản xuất và tái canh cà phê bền vững thích ứng biến đổi khí hậu. Hỗ trợ nâng cấp cơ sở hạ tầng và đầu tư máy móc, trang thiết bị cho các tổ chức nông dân. Hỗ trợ đầu tư xây dựng bộ nhận diện thương hiệu và truy xuất nguồn gốc sản phẩm cho các tổ chức nông dân, HTX. Kết nối các tổ chức nông dân, HTX với các doanh nghiệp bao tiêu và chế biến cà phê để hình thành các chuỗi liên kết vững mạnh trên địa bàn 5 tỉnh Tây Nguyên
Ông Lê Văn Hiến, Trưởng ban Quản lý các dự án Nông nghiệp (Bộ NN-PTNT), Giám đốc Ban Quản lý Dự án VnSAT cho biết: Với 4 hoạt động cụ thể, thiết thực được triển khai dưới sự chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo Bộ NN-PTNT, hoạt động xây dựng các tổ chức nông dân mạnh và liên kết chuỗi bền vững đã đạt được những kết quả nổi bật. Đến nay có 182 HTX đươc nâng cao năng lực sản xuất và quản trị chất lượng sản phẩm. 30 HTX được đào tạo chuyên sâu về thị trường, xây dựng thương hiệu và cấp mã Qr Code truy xuất nguồn gốc sản phẩm. 22 HTX ký kết được hợp đồng bao tiêu ổn định với doanh nghiệp. 5 HTX được trang bị đầy đủ năng lực để tham gia chuỗi giá trị cà phê thương hiệu bao gồm: Đào tạo đội ngũ nhân lực quản lý, nâng cao năng lực sản xuất, đầu tư cơ sở hạ tầng và máy móc trang thiết bị, xây dựng website, hồ sơ năng lực, Poster, bao bì sản phẩm, phim quảng bá và hỗ trợ chương trình truyền thông quảng bá thương hiệu, xúc tiến liên kết chuỗi.
Hoạt động liên kết chuỗi của dự án VnSAT đã thu hút sự tham gia của nhiều doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu thu mua lớn như: Cty Cổ phần Vinacafe Biên Hòa, Cty TNHH Sinh học Tự nhiên Phú Quốc, Cty TNHH Vĩnh Hiệp, Cty TNHH ĐakMan Việt Nam, Cty TNHH MTV Cà phê Nguyên Huy Hùng... tổng diện tích cà phê được bao tiêu lên đến hơn 5.000 ha.
Tại hội nghị cũng diễn ra lễ ký kết thỏa thuận hợp tác bao tiêu niên vụ cà phê 2020 – 2021 giữa Cty TNHH Vĩnh Hiệp với HTX Sản xuất nông nghiệp TM-DV Minh Toàn Lợi; Cty TNHH Cà phê TROPICO Tây Nguyên với HTX Sản xuất TM-DV-DL & NN Ia Mơ Nông; Cty TNHH MTV Cà phê Nguyên Huy Hùng với HTX Nông nghiệp Công Bằng Pô Ko.