Đất giao cho người này, nhưng lại công nhận do người khác khai hoang
Liên quan tới vụ mua bán đất rừng có dấu hiệu trái phép tại thị xã Nghi Sơn, mới đây, bà Lê Thị Nghiệm (nguyên quán phường Tĩnh Hải, thị xã Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa) vừa tìm thấy bằng chứng khẳng định ông Lê Văn Ấn (chồng bà, đã mất) được UBND huyện Tĩnh Gia (nay là thị xã Nghi Sơn) giao 1,7ha đất rừng lâm nghiệp để trồng rừng, kèm theo biên bản bàn giao đất sản xuất kinh doanh trên thực địa.
Theo đó, tại Quyết định số 02/QĐ ngày 25/8/1992, của Chủ tịch UBND huyện Tĩnh Gia (nay là thị xã Nghi Sơn, Thanh Hóa), ông Lê Văn Ấn được giao diện tích đất lâm nghiệp để phát triển sản xuất lâm nghiệp và lập vườn kinh tế gia đình diện tích 1,7 ha đất trồng rừng. Quyết định do ông Lê Văn Hoạt, Phó Chủ tịch UBND huyện Tĩnh Gia (nay là thị xã Nghi Sơn) ký.
Quyết định giao đất lâm nghiệp cho ông Ấn căn cứ vào chính sách giao đất giao cho hợp tác xã và hộ gia đình quản lý kinh doanh lâm nghiệp của UBND tỉnh Thanh Hóa; căn cứ phân vùng quy hoạch, sử dụng đất và phân bổ lao động của huyện, thị xã được duyệt; căn cứ đơn xin nhận đất, nhận rừng của ông Lê Văn Ấn.
Quyết định cũng nêu rõ, Chủ tịch UBND huyện Tĩnh Gia ủy quyền cho Chủ tịch UBND xã và Hạt Kiểm lâm tổ chức bàn giao rừng và đất rừng sau khi lập đủ thủ tục, quyết định của nhà nước.
Tại biên bản giao nhận đất rừng để sản xuất kinh doanh, đại diện Hạt Kiểm lâm Tĩnh Gia, đại diện chính quyền địa phương (bên giao) đã thực hiện giao đất trên thực địa cho ông Ấn (bên nhận). Theo đó, vị trí đất của ông Ấn thuộc khu vực bãi cát (xã Tĩnh Hải). Phía Bắc giáp ông Trịnh; phía Đông giáp biển; phía Nam giáp hộ anh Dằn; phía Nam giáp đồng làng.
Ngoài ra, nhiều hộ dân tại tổ dân phố Liên Vinh (phường Tĩnh Hải, thị xã Nghi Sơn) cũng xác nhận, thời điểm đầu những năm 1990, ông Lê Văn Ấn được cấp đất lâm nghiệp và cùng một số hộ dân khác trồng phi lao chắn sóng tại vị trí đất được UBND huyện Tĩnh Gia giao. Bên cạnh đó, tại sổ cấp phát lương thực cấp cho ông Lê Văn Ấn (chồng bà Nghiệm, hiện nay đã mất) thể hiện rõ, từ năm 1992-1995, gia đình bà Nghiệm nhiều lần nhận lương thực để trồng rừng trên khu đất được giao.
Trước đó, tại Quyết định giải quyết khiếu nại số 55/QĐ-UBND ngày 30/4/2023, UBND phường Tĩnh Hải khẳng định: Không có căn cứ thực hiện thủ tục giao đất lâm nghiệp cho gia đình bà Nghiệm bởi các thửa đất nói trên được các con trong gia đình ông Lê Trí Trạch khai hoang, bắt đầu sử dụng từ năm 1999 đến nay. Đồng thời lãnh đạo phường khẳng định, không tìm thấy hồ sơ giao đất cho ông Lê Văn Ấn tại sổ lưu tại công sở.
Lãnh đạo phường Tĩnh Hải cố tình "không hiểu" luật?
Sau khi phường Tĩnh Hải công nhận diện tích đất nói trên là đất khai hoang của 7 cá nhân khác trong xã (nằm trong phần đất được nhà nước giao cho ông Lê Văn Ấn), các dấu hiệu cho thấy, một số hộ dân đã chuyển nhượng phần đất của mình cho người khác để thu lợi số tiền lớn.
Về việc này, Luật sư Phạm Hùng Thắng, Giám đốc Công ty Luật TNHH Thắng Hoàng Gia (Thanh Hóa) cho rằng, việc bà Nghiệm có các giấy tờ liên quan (quyết định giao đất và biên bản bàn giao đất trên thực địa) là cơ sở pháp lý quan trọng để khẳng định rằng, hộ gia đình này có đủ căn cứ xác lập vai trò quản lý, sử dụng diện tích đất nói trên.
“Đất đã giao cho bà Nghiệm thì về nguyên tắc muốn giao hoặc cộng nhận cho người khác phải phát sinh sự kiện pháp lý (thu hồi giao lại cho người khác, hoặc chuyển nhượng đất). Trong trường hợp này, bà Nghiệm (hàng thừa kế thứ nhất) hoàn toàn có căn cứ để khởi kiện người đang chiếm giữ diện tích đất rừng nói trên để đảm bảo quyền lợi và lợi ích hợp pháp tại khu đất được giao”, Luật sư Phạm Hùng Thắng cho biết.
Cũng theo Luật sư Phạm Hùng Thắng, trong quá trình giải quyết vụ việc tranh chấp dân sự giữa các bên, bà Nghiệm có quyền yêu cầu tòa án hủy bỏ cả quyết định giải quyết khiếu nại của UBND phường Tĩnh Hải trong đó có nội dung công nhận phần đất trên là đất khai hoang của 7 hộ gia đình khác. Bên cạnh đó, bà Nghiệm có quyền yêu cầu tòa án hủy các giao dịch mua bán, giao dịch bất hợp pháp tại khu đất được giao cho ông Ấn.
Luật sư Phạm Hùng Thắng nhấn mạnh thêm, việc UBND phường Tĩnh Hải ban hành quyết định giải quyết khiếu nại đối với đơn của bà Nghiệm là không đúng quy định.
“Theo quy định, cấp xã không có thẩm quyền giải quyết khiếu nại. Trong quá trình phát sinh các vấn đề tranh chấp giữa các hộ dân, cấp xã chỉ có thẩm quyền hòa giải. Trường hợp phát sinh yêu cầu của công dân thì cấp xã có trách nhiệm xác định thời điểm và nguồn gốc sử dụng đất quy định tại Điểm a, Khoản 2, Điều 70, Nghị định 43 năm 2014 (hướng dẫn thi hành Luật Đất đai 2013), chứ không có thẩm quyền giải quyết khiếu nại hoặc công nhận đất cho người này hoặc người kia”.
Luật sư Trần Đức Phượng nói thêm: "Điều 188, Luật Đất đai năm 2013, quy định điều kiện thực hiện các quyền chuyển nhượng, trong đó phải có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Việc Chủ tịch UBND cấp xã xác nhận vào hồ sơ có tính chất chuyển nhượng nêu trên là không đúng quy định. Với trường hợp này, người dân có quyền trình báo cơ quan có thẩm quyền, đề nghị vào cuộc xử lý, hoặc khởi kiện ra Tòa án để yêu cầu tuyên bố hợp đồng chuyển nhượng vô hiệu".
Trước đó, bà Lê Thị Nghiệm (nguyên quán phường Tĩnh Hải, thị xã Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa) cho biết, năm 1992, gia đình bà được Ban quản trị PAM 4304 tỉnh Thanh Hóa cấp sổ lương thực để trồng, chăm sóc, bảo vệ khu rừng chắn sóng, chắn cát ven biển thôn Liên Vinh (nay là tổ dân phố Liên Vinh), diện tích 4,2ha (thực tế chỉ có 1,7ha). Sổ cấp phát lương thực cấp cho ông Lê Văn Ấn (chồng bà Nghiệm, hiện nay đã mất) thể hiện rõ, từ năm 1992-1995, gia đình bà Nghiệm nhiều lần nhận lương thực để trồng rừng. Tuy nhiên, đầu năm 2022, gia đình bà Nghiệm tá hỏa khi nhận được thông tin một phần diện tích đất rừng tại khu vực gia đình bà được giao trồng, chăm sóc hiện đã đứng tên người khác và có dấu hiệu việc chuyển nhượng, mua bán. Bà có tới UBND xã để làm rõ sự việc, nhưng không nhận được câu trả lời thỏa đáng
Bà Nghiệm khẳng định, từ năm 1992 đến năm nay, gia đình bà quản lý và bảo vệ khu rừng này và không có tranh chấp hay mâu thuẫn với cá nhân nào. Khu vực đất rừng nói trên gia đình vẫn đang trực tiếp trông coi, bảo vệ và chưa nhận được bất kỳ thông báo, quyết định thu hồi nào liên quan tới diện tích đất rừng gia đình bà trồng từ những năm 1992.