| Hotline: 0983.970.780

Vùng quê gần 10 năm không có...Tết

Thứ Ba 26/01/2010 , 10:14 (GMT+7)

Suốt gần 10 năm qua, người nuôi tôm ở thôn Huỳnh Giản, xã Phước Hòa (Tuy Phước-Bình Định) chưa từng có 1 cái Tết yên bình.

Suốt gần 10 năm qua, người nuôi tôm ở thôn Huỳnh Giản, xã Phước Hòa (Tuy Phước-Bình Định) chưa từng có 1 cái Tết yên bình. Sau những thất bại liên hoàn do dịch bệnh trên con tôm, mất khả năng trả nợ vay, lãi mẹ đẻ lãi con, gánh nợ oằn trên vai như đá tảng thì còn lòng dạ nào mà vui Tết. Tết này họ đã trút được hòn đá tảng ấy khi được Chính phủ xoá nợ. 

Người dân thôn Huỳnh Giản phấn khởi vì được xóa nợ

Tuy Phước là 1 huyện có phong trào tôm mạnh nhất ở tỉnh Bình Định với hơn 1.000 ha diện tích mặt hồ tập trung tại các xã: Phước Hòa, Phước Sơn, Phước Thuận và Phước Thắng. Những năm cuối thập niên 90, phong trào nuôi tôm công nghiệp tại các địa phương phát triển rầm rộ, nhất là ở xã Phước Hòa. Khi ấy, môi trường nước trong vùng nuôi ở đây chưa bị ô nhiễm, nuôi đâu “thắng” đó. Thế là gần 100% dân Huỳnh Giản (xã Phước Hòa) thi đua nhau nuôi tôm. Không có vốn thì đi vay.

Con tôm đang “thắng” lớn là vậy nên các Ngân hàng, Qũy Tín dụng trên địa bàn luôn sẵn sàng mở “hầu bao” giải ngân . Do đó, chẳng mấy chốc mà khoản dư nợ của những hộ vay nuôi tôm tại Ngân hàng NN-PTNT là gần 18,2 tỷ đồng với 303 hộ vay, Ngân hàng Công thương (Chi nhánh Phú Tài) là hơn 7,1 tỷ đồng với 98 hộ vay. Riêng Qũy Tín dụng nhân dân xã Phước Hòa cũng đã kịp thu hút hàng trăm hộ vay với số tiền hơn 5,5 tỷ đồng.

Mạnh ai nấy nuôi, vùng nuôi lại không được quy hoạch bài bản nên chẳng mấy chốc nguồn nước nuôi tôm ở đây bị ô nhiễm nghiêm trọng và hệ lụy là dịch bệnh đồng loạt tấn công con tôm. Ông Nguyễn Văn Dũng-Phó Phòng NN-PTNT huyện Tuy Phước cho biết: “Năm 2001 có có 300/1.015 ha thả nuôi bị dịch bệnh, năm 2003 diện tích bị dịch bệnh tăng lên 624/979 ha thả nuôi, sang năm 2005 số diện tích hồ tôm bị dịch bệnh triệt tiêu tăng đến 1.646/1.813 ha thả nuôi".

Nguyên nhân do vùng nuôi tập trung đều nằm ven đầm Thị Nại về phía hạ lưu 2 con sông Hà Thanh và sông Côn. Chất thải từ những vùng SX công nghiệp, sinh hoạt ở thượng nguồn đều đổ dồn về đây. Trong khi đó, cửa đầm Thị Nại thông ra biển rất hẹp, chỉ có 400m nên chất thải lắng đọng làm cho môi trường vùng nuôi ngày càng ô nhiễm, phát sinh dịch bệnh khiến người nuôi tôm liên tục thất bại. Khoản vay năm sau chồng lên khoản vay năm trước, nợ mẹ đẻ nợ con. Giai đoạn cao điểm, những hộ nuôi tôm ở 4 xã khu Đông mang số nợ lên đến 20 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Ngọc Sơn-Phó Chủ tịch UBND xã Phước Hòa cho biết cụ thể: “Xã Phước Hòa có 327 ha diện tích nuôi tôm với trên 500 hộ nuôi tập trung tại thôn Huỳnh Giản. Để đầu tư, ngoài những khoản vay tại các Ngân hàng, người nuôi tôm ở thôn Huỳnh Giản còn vay tại Qũy Tín dụng nhân dân xã Phước Hòa. Từ năm 2001 đến 2005 người nuôi tôm ở đây liên tục thất bại, số nợ lên đến 5,5 tỷ đồng. Sau khi người nuôi tôm mất khả năng trả nợ, các Ngân hàng và Qũy Tín dụng cũng hết khả năng cho vay nên đóng sổ".

Cạn vốn, không đủ khả năng đầu tư đắp bờ, họ mua lưới giăng làm bờ để nuôi. Cách nuôi này không thể quản lý dịch bệnh, lại tiếp tục thua. Nợ trong nợ ngoài chồng chất. Hết đường làm ăn, ngày ngày lại nơm nớp lo cán bộ tín dụng đến đòi nợ, người nuôi tôm ở Phước Hòa lâm cảnh bế tắc, đồng loạt tha phương cầu thực, thôn xóm trở nên hoang tàn.

Trên đường về, nhìn những gương mặt rạng rỡ của người dân thôn Huỳnh Giản đang dọn dẹp, quét vôi lại nhà, nhìn những nong kiệu được phơi trước những khoảnh sân, chúng tôi hiểu Tết này người dân Huỳnh Giản sẽ rất vui vì được cởi bỏ cái “danh tánh” là “xứ nợ nần”.

Ông Nguyễn Văn Bình (59 tuổi) ở xóm Huỳnh Sa thôn Huỳnh Giản Bắc buồn bã nhớ lại: “Năm 2000 tôi sang 4.000m2 hồ với giá 17 cây vàng để nuôi tôm. Bắt tay vào nuôi là thất bại liên tục cho đến khi vỡ nợ. Vốn liếng tiêu tùng hết đã đành, khi “phủi tay” giải nghệ còn nợ Qũy Tín dụng Phước Hòa 36 triệu đồng. Vay nóng bên ngoài 2,5 cây vàng với lãi suất “bạc mười” nuôi thêm vài vụ nữa cũng thua luôn, số vàng ấy trả dần chục năm nay vẫn chưa hết. Thất nghiệp, 7 đứa con lâm cảnh nheo nhóc, ngày nào cũng đối mặt với chủ nợ, vợ tôi lo buồn đến phát bệnh rồi chết. Từ đó đến nay mặc dù cha con tôi rời xa quê hương đi làm ăn để mưu sinh nhưng không lúc nào không bị cái nợ ám ảnh. Bây giờ nghe tin Chính phủ xoá nợ mừng quá”.

Ông Võ Mười càng phấn khởi hơn vì số nợ của ông còn “dính” đến hơn 150 triệu: “Lúc đầu tôi vay 50 triệu. Sau khi mất khả năng trả nợ, lãi mẹ đẻ lãi con đến nay số nợ của tôi đã lên đến hơn 150 triệu đồng. Nếu không được Chính phủ xóa nợ chắc gia đình tôi suốt đời phải “ôm” khoản nợ này”.

Thôn trưởng thôn Huỳnh Giản Huỳnh Ngọc Châu tiếp lời: “Trước tình cảnh dân trong thôn suốt ngày lo trốn nợ đến cả gạo cũng không có ăn phải nhờ vào trợ cấp của Nhà nước, con cái lang thang thất học hàng loạt. Năm 2006 tôi cùng bà Trịnh Thị Tám mang đơn xin xóa nợ của dân khăn gói ra tận Hà Nội để nộp cho Văn phòng Chính phủ. Sau đó các hộ vay được 2 lần xóa nợ tại NH NN-PTNT và NH Công thương khoản tiền đến 15 tỷ đồng. Riêng khoản nợ mà dân thôn Huỳnh Giản vay tại Qũy Tín dụng Nhân dân xã Phước Hòa hơn 5,5 tỷ đồng dây dưa mãi đến nay mới được xóa. Nay nợ được xóa, dân Huỳnh Giản chúng tôi như trút được quả bom tấn trên đầu”.

Xem thêm
Tây Ninh phấn đấu là nơi đáng sống và động lực tăng trưởng vùng

TÂY NINH Với thiên thời, địa lợi, nhân hòa, 'nóc nhà Đông Nam bộ' đặt mục tiêu trở thành nơi đáng sống và động lực tăng trưởng cho vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Mỗi hợp tác xã cần có thương hiệu

TRÀ VINH Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng cần xây dựng thương hiệu cho HTX. Làm sao mỗi nhà các thành viên HTX đều có bảng thông tin về HTX của mình để họ yêu quý, chăm chút cho HTX.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Điện Biên đưa cửa khẩu thành mũi nhọn phát triển kinh tế

Mường Nhé bây giờ vẫn là một trong những huyện nghèo, chậm phát triển bậc nhất trong cả nước, nhưng người Mường Nhé không thể chấp nhận điều ấy trong 10, 20 năm nữa.