| Hotline: 0983.970.780

Xã cấm ruộng, dân treo niêu

Thứ Năm 21/02/2013 , 09:57 (GMT+7)

Hàng chục ha đất “bờ xôi ruộng mật” của nông dân xã Mai Phụ, huyện Lộc Hà (Hà Tĩnh) bỗng dưng bị lãnh đạo xã này ra thông báo cấm không cho dân SX trên đất cũ.

Hàng chục ha đất “bờ xôi ruộng mật” của nông dân xã Mai Phụ, huyện Lộc Hà (Hà Tĩnh) bỗng dưng bị lãnh đạo xã này ra thông báo cấm không cho dân SX trên đất cũ, trong khi đất mới thì chưa được giao.

Dù phẫn uất đến tột cùng nhưng những người nông dân thấp cổ bé họng chỉ biết làm theo, để rồi xót xa khi nhìn những cánh đồng lúa biến thành đồng cỏ bỏ hoang. Nguy cơ người thiếu đói, gia súc không có rơm rạ ăn khi mùa giáp hạt đến.

Bỗng dưng bị cấm

Chúng tôi về xã Mai Phụ, một xã “nghèo điển hình” của huyện trẻ Lộc Hà đúng vào dịp bà con nông dân toàn huyện đang tập trung ra đồng gieo cấy vụ đông xuân. Thế nhưng trên 100 ha đất ruộng ở Mai Phụ không một bóng người, cũng chẳng có cảnh tấp nập kẻ cày người cấy như các xã lân cận, thay vào đó là cảnh ruộng đồng hoang phế, cỏ mọc tứ tung.

Thấy chúng tôi ngạc nhiên, một người dân đi bên đường dừng lại cho hay: “Ruộng của bà con trong xã để hoang là do UBND xã cấm SX để thực hiện chuyển đổi ruộng đất. Thấy bảo không được SX trên đất cũ nhưng đất mới thì chưa có. Chính quyền xã làm thế chẳng khác gì cấm nông dân chúng tôi không được ra đồng nữa”.

Biết chúng tôi là nhà báo, rất nhiều người dân đã tập trung lại để bày tỏ nỗi phẫn uất họ kìm nén bấy lâu nay.

Chị Phan Thị Tú (50 tuổi, xóm Sơn Phú) bức xúc: Chúng tôi là nông dân không làm ruộng thì biết lấy gì ăn? Nhà nào cũng có đến 5-6 khẩu, dựa vào ruộng cả. Thế mà cả 2 vụ SX vừa qua, xóm và xã cấm chúng tôi SX trên ruộng cũ, chờ chuyển đổi xong mới được SX. Nếu cố ý vi phạm thì sẽ bị xử lý. Dân chúng tôi thấp cổ bé họng, kêu mãi không thấu trời đành phải ngậm đắng nuốt cay nhìn đất ruộng của mình bỏ hoang xót xa.

Theo chị Tú, rất nhiều người dân trong xã bức xúc với cách làm trái khoáy này của UBND xã nhưng chẳng biết than thở với ai. “Mùa giáp hạt sắp đến, không biết cả nhà lấy gì để ăn đây, khi mùa vụ vừa qua không được làm. Rồi thì rơm rạ cho trâu bò nữa”, chị Tú lo lắng.


Đồng ruộng để hoang ở Mai Phụ

Cùng chung nỗi bức xúc như chị Tú, người dân xóm Hợp Tiến đã “vây” phóng viên lại để phản ánh cho bằng được nỗi thống khổ khi phải nhìn hàng chục ha đất vàng nằm trơ gan cùng tuế nguyệt suốt hơn một mùa vụ. Từ khi bị cấm SX, tất cả lao động trong xã phải chạy mỗi người mỗi ngả để kiếm kế sinh nhai. Nhưng điều khiến họ bức xúc nhất là ý kiến của họ không được những “cán bộ độc đoán” tiếp thu.

Điều oái oăm hơn là mặc dù cấm ruộng SX nhưng “theo kế hoạch” hằng năm, những người nông dân xã này bắt buộc vẫn phải đóng “thuế” sản lượng. Bà Hoàng Thị Tửu (66 tuổi) khóc dở mếu dở: “Ruộng đồng thì để hoang cho cỏ mọc, dân tình treo niêu, không có cái ăn thế mà đến hẹn lại lên, cán bộ xóm vẫn đi thu sản lượng. Nếu mà không nộp thì đừng hòng lên xã mà xin dấu hay làm gì”. 

Giọt nước mắt trên ruộng cỏ

Chánh Văn phòng UBND xã Phan Đình Đào thông tin rằng, thời điểm tháng 5/2012, do xã thực hiện “đề án lớn” chuyển đổi ruộng đất giai đoạn 2 nên đành phải “có chủ trương”, các xóm thông báo cho dân không được SX trên ruộng cũ.

Đưa câu chuyện trên trao đổi với ông Nguyễn Xuân Bắc, Phó Bí thư, Chủ tịch HĐND xã thì được biết, xã có thông báo không được SX trên đất cũ, chứ chuyện nếu vi phạm sẽ bị xử lý thì ông không được biết. Theo ông Bắc, chủ trương trên không phải do HĐND xã ban ra. Còn việc không cho dân SX nhưng vẫn thu sản lượng, do đó là kế hoạch từ đầu năm nên bắt buộc phải thu cả vụ hè thu.

Sau khi những bức xúc của dân được phản ánh lên lãnh đạo xã thì nhiều đồng ruộng đã được phép làm lại. Tuy nhiên, lúc này đây lại phát sinh chuyện mới. Đó là những cánh đồng bát ngát đã bị cỏ xâm chiếm, cao tới đầu gối. Để SX trở lại không phải là điều dễ.

Đang cặm cụi nhổ kéo từng tấm cỏ trên ruộng, chị Lê Thị Lý, xóm Sơn Phú uất ức nói: Các anh xem đó, ruộng bỏ hoang gần năm trời nay biến thành đồng cỏ rồi. Chờ mãi chẳng thấy chuyển đổi gì, không có cái ăn nên chúng tôi phải ra để vỡ ruộng. Cỏ mọc um tùm, làm mãi mà chỉ mới được một mảnh nhỏ. Không biết khi nào SX lại được đây.

Cùng chung nỗi bức xúc khi phải bỏ hàng chục công lao động để làm cỏ, chị Toả tâm sự: Nhà chị có gần 1 mẫu ruộng, mùa vụ hè thu vừa qua mà làm cũng được gần tấn thóc. Thế mà giờ chả có hạt nào. Giờ nhìn đồng cỏ mà ngao ngán. Dùng thuốc diệt cỏ thì sợ ảnh hưởng lâu dài, nhưng bỏ sức người thì không biết khi nào mới xong được.

“Hàng trăm tấn lúa thất thu khi ruộng bị cấm. Hàng chục ha ruộng hoang để cỏ mọc. Ai sẽ là người chịu trách nhiệm trước tổn thất to lớn đó của dân?”, cựu chiến binh Trần Đức Quý, xóm Đông Thắng bức xúc.

Được biết, xã Mai Phụ có 5 xóm thuần nông với khoảng 400 hộ dân. Những năm trước khi vụ hè thu SX bình thường, hầu hết người dân nơi đây không phải chạy vạy từng bữa ăn như hiện nay. (còn nữa)

Xem thêm
Sai phạm ở loạt dự án liên quan đại gia Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ

PHÚ THỌ Trong hàng loạt dự án liên quan ông Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ, có nhiều dự án Báo Nông nghiệp Việt Nam và cơ quan chức năng chỉ rõ sai phạm.

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Đường lớn làm chưa xong, tỉnh lộ đã nát bét

Xe trọng tải lớn chở vật liệu thi công tuyến đường thành phố Bắc Kạn đi hồ Ba Bể chạy rầm rập ngày đêm 'cày' nát đường tỉnh 257B.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm