Biến đổi khí hậu (BĐKH) là thách thức lớn đối với cuộc sống của con người và môi trường, không chỉ tác động riêng tới một quốc gia, một khu vực, mà tác động đến toàn cầu. BĐKH gây ra các loại hình thiên tai mang tính cực đoan đã xảy ra nhiều hơn đã ảnh hưởng không nhỏ tới đời sống của con người và sự phát triển kinh tế xã hội, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp.
Việt Nam là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề của thiên tai và BĐKH. Bão, ngập lụt, sạt lở đất, lũ quét, rét hại, hạn hán và nhiều thiên tai khác đã và đang gây trở ngại cho sự phát triển của đất nước. Đặc biệt, những năm gần đây, thiên tai mang tính cực đoan đã xảy ra nhiều hơn, gây thiệt hại nhiều hơn về người và ảnh hưởng đáng kể đến nền kinh tế. Thiên tai có nhiều loại hình, mỗi loại hình gây những tác động và ảnh hưởng khác nhau đối với sản xuất và đời sống con người.
Ông Lê Quốc Thanh, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cho biết, Việt Nam là một trong những quốc gia chịu tác động lớn của BĐKH. Hội nghị là dịp để đại biểu các tỉnh, thành chia sẻ bài học kinh nghiệm, các giải pháp căn cơ cho cộng đồng phòng, chống hiệu quả, lựa chọn hình thức sản xuất phù hợp để chung sống và phát triển bền vững trức BĐKH; bàn bạc các giải pháp hiệu quả để cùng cộng đồng xây dựng các kế hoạch hành động phù hợp; giúp cộng đồng dân cư tự nhận diện được các loại hình thiên tai cùng với cán bộ khuyến nông, ngành nông nghiệp xây dựng được chiến lược sản xuất phù hợp.
Thời gian qua, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đã đưa ra nhiều giải pháp về kỹ thuật giúp nông dân thích ứng, giảm nhẹ tác động của các loại hình thiên tai đối với sản xuất nông nghiệp. Các giải pháp đã được đưa ra và triển khai tại nhiều địa phương như chủ động bố trí cơ cấu sản xuất né tránh thiên tai; áp dụng các biện pháp kỹ thuật canh tác phù hợp; chuyển đổi cơ cấu cây trồng, thời vụ; áp dụng kỹ thuật tưới nước hợp lý, tiết kiệm; áp dụng các biện pháp kỹ thuật thích hợp….
Đại biểu trung tâm khuyến nông các tỉnh tham gia diễn đàn cũng đã chia sẻ nhiều kinh nghiệm trong việc xây dựng các mô hình thích ứng với BĐKH và nêu những khó khăn cũng như nguyện vọng để thời gian tới, công tác xây dựng các mô hình được thuận lợi hơn.
Tại địa bàn tỉnh Quảng Trị, đã có nhiều mô hình sinh kế thích ứng với BĐKH, khắc phục hậu quả thiên tai trong sản xuất nông nghiệp giúp nông dân vùng bị ảnh hưởng có các giải pháp phát triển sinh kế phù hợp, bền vững và hiệu quả, điển hình như mô hình chăn nuôi bò, dê, lợn, gà vịt; chuyển đổi đất lúa thiếu nước vụ hè thu sang trồng ngô sinh khối; nuôi tôm 2 giai đoạn, nuôi xen ghép…
Thời gian tới, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia sẽ tiếp tục triển khai nhiều giải pháp giúp nông dân giảm thiểu các rủi ro do thiên tai gây ra. Trong đó, chú trọng vào công tác dự báo, phòng ngừa, chủ động ứng phó. Các cấp chính quyền cần phối hợp thực hiện hiệu quả đồng thời 2 mục tiêu ứng phó, giảm thiểu tác động của thiên tai và thích ứng đối với BĐKH.
Các cơ chế, chính sách, hướng dẫn cần được hoàn thiện để phát triển sản xuất nông nghiệp nhằm giảm thiểu rủi ro thiên tai tại cộng đồng. Trong đó, việc ứng dụng, chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật, công nghệ để xây dựng và nhân rộng mô hình phát triển sinh kế bền vững, giảm thiểu rủi ro thiên tai tại cộng đồng là một trong những yếu tố hết sức quan trọng.