| Hotline: 0983.970.780

Lập cơ sở dữ liệu hỗ trợ sinh kế cho hộ nông thôn ĐBSCL

Thứ Sáu 08/09/2023 , 10:17 (GMT+7)

Trên 5.000 hộ gia đình nông thôn ở ĐBSCL được điều tra phân tích, làm cơ sở dữ liệu để đánh giá hiện trạng và có giải pháp hỗ trợ chuyển đổi sinh kế.

Một cuộc điều tra và phân tích sinh kế hộ gia đình nông thôn ĐBSCL đã được thực hiện nhằm đánh giá hiện trạng về việc làm, thu nhập, di cư, rủi ro của người dân đồng bằng trước thách thức biến đổi khí hậu (BĐKH).

Hoạt động này nằm trong khuôn khổ Dự án hỗ trợ kỹ thuật cho Dự án vay vốn Chống chịu khí hậu tổng hợp và sinh kế bền vững ĐBSCL (gọi tắt là Dự án GEF-ICRSL) với nguồn vốn không hoàn lại từ Quỹ Môi trường toàn cầu (GEF). Dự án do Ban quản lý trung ương các Dự án Thủy lợi chủ trì thực hiện.

Đại diện một số địa phương ĐBSCL góp ý cho dự thảo báo cáo điều tra và phân tích sinh kế hộ gia đình nông thôn ĐBSCL. Ảnh: Kim Anh.

Đại diện một số địa phương ĐBSCL góp ý cho dự thảo báo cáo điều tra và phân tích sinh kế hộ gia đình nông thôn ĐBSCL. Ảnh: Kim Anh.

Ông Nguyễn Khải Hoàn, Phó Giám đốc Dự án GEF-ICRSL cho biết, sau hơn 12 tháng thực hiện và lấy ý kiến một số đơn vị, nhóm tư vấn đã hoàn thành bản dự thảo báo cáo cuối cùng. Đây sẽ là cơ sở dữ liệu khách quan, tin cậy và quan trọng về hộ gia đình nông thôn và sinh kế của người dân nông thôn ĐBSCL. Dựa vào đó, các địa phương trong vùng ĐBSCL cũng như cơ quan liên quan sẽ có những đề xuất, định hướng và giải pháp phát triển sinh kế cho người dân theo hướng bền vững, thích ứng với BĐKH.

Thông qua hội thảo tham vấn dự thảo báo cáo điều tra và phân tích sinh kế hộ gia đình nông thôn ĐBSCL, các chuyên gia và ngành nông nghiệp một số địa phương ĐBSCL kiến nghị, báo cáo cần đề cập đến những điểm nghẽn về chi phí logistics, tác động của BĐKH cũng như giải pháp định hướng cụ thể về hỗ trợ sinh kế cho từng tiểu vùng ở ĐBSCL.

Thông qua hình thức phỏng vấn chuyên sâu 5.160 hộ dân tại 430 xã ở 3 tiểu vùng sinh thái của vùng ĐBSCL cho thấy, trên 90% lao động nông thôn từ 15 tuổi trở lên trong vùng không được đào tạo nghề, cao hơn 3% so với mức trung bình cả nước. Tuy nhiên, tỷ lệ dân số nông thôn trong độ tuổi từ 18 – 25 học cao đẳng, đại học ở ĐBSCL đã tăng lên đáng kể.

Bên cạnh đó, qua điều tra, nhóm tư vấn nhận thấy, việc trang bị các loại máy móc nông nghiệp cũng ghi nhận tốc độ gia tăng. Điển hình là máy kéo lớn có công suất từ 35CV trở lên đạt trên 13.000 máy vào năm 2016 (so với năm 2011 chỉ hơn 6.100 máy). Hay máy gieo sạ cũng tăng trên 4.500 máy, máy gặt đập liên hợp tăng hơn 1.600 máy trong vòng 5 năm (2011 – 2016).

Về thu nhập bình quân hộ nông thôn ở ĐBSCL, năm 2014 là 67,7 triệu đồng/hộ, đến năm 2022 tăng lên 94,8 triệu đồng/hộ. Tuy nhiên trong năm 2022 có sụt giảm nhẹ do dịch Covid-19 ảnh hưởng tới đời sống, sản xuất của người dân.

Các hoạt động sinh kế hộ nông thôn tại ĐBSCL tập trung chủ yếu ở lĩnh vực nông nghiệp, chiếm 60%. Chủ yếu là hoạt động nuôi trồng, đánh bắt thủy sản, chăn nuôi, trồng trọt.

Một số giải pháp nâng cao năng lực tạo sinh kế cho hộ nông thôn vùng ĐBSCL được đề xuất như: Đẩy mạnh công tác đào tạo nguồn nhân lực; xây dựng mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp; tuyên truyền sâu rộng các mô hình sinh kế tiêu biểu, chất lượng, có hiệu quả kinh tế để đa dạng hóa nguồn thu nhập; tiếp tục cập nhật kịch bản BĐKH chi tiết cho từng tiểu vùng và địa phương. Đặc biệt là khuyến khích người dân tham gia các tổ chức xã hội, hiệp hội ngành nghề, hiệp hội doanh nghiệp trong và ngoài nước...

Mô hình chuyển đổi sinh kế từ khai thác hải sản ven bờ sang nuôi trồng thủy sản dưới tán rừng do Dự án WB9 hỗ trợ cho người dân huyện Cù Lao Dung, tỉnh Sóc Trăng. Ảnh: Kim Anh.

Mô hình chuyển đổi sinh kế từ khai thác hải sản ven bờ sang nuôi trồng thủy sản dưới tán rừng do Dự án WB9 hỗ trợ cho người dân huyện Cù Lao Dung, tỉnh Sóc Trăng. Ảnh: Kim Anh.

Người dân tham gia chuyển đổi hoạt động sinh kế cần tìm hiểu mô hình sản xuất phù hợp, tham gia đào tạo, nâng cao năng lực về sản xuất nông nghiệp bền vững. Về phía doanh nghiệp, nhóm tư vấn cũng khuyến khích tập trung đầu tư khoa học công nghệ, nghiên cứu thị trường, phát triển các hình thức liên kết sản xuất. Nhà nước sẽ hoàn thiện các hệ thống chính sách trong hỗ trợ chuyển đổi sinh kế, nghiên cứu ban hành quy hoạch phù hợp để tạo điều kiện cho hộ dân nông thôn thực hiện chuyển đổi sinh kế.

Ban quản lý trung ương các Dự án Thủy lợi được Bộ NN-PTNT giao nhiệm vụ chủ Dự án Chống chịu khí hậu tổng hợp và sinh kế bền vững ĐBSCL (WB9), vốn vay Ngân hàng Thế giới (WB). Dự án WB9 được thực hiện từ năm 2016 đến nay và sẽ kết thúc vào tháng 6/2024, đến nay tiến độ đã đạt khoảng 90%.

Xem thêm
Thành lập hợp tác xã để nâng tầm giá trị cầy vòi hương

QUẢNG NAM Từ một hộ ban đầu, đến nay, mô hình nuôi cầy hương đã lan rộng ra toàn xã với hàng trăm hộ nhờ giá trị kinh tế cao mà loài vật này mang lại.

Giao mặt nước biển để quy hoạch đối tượng nuôi thủy sản phù hợp

Nhà nước cần sớm ban hành quy hoạch không gian biển để giao mặt nước biển cho các vùng nuôi trồng thủy sản, từ đó lựa chọn đối tượng nuôi, mật độ nuôi phù hợp.

Trồng thành công giống sâm quý trên núi Kim Nọi

YÊN BÁI Mô hình trồng sâm Ngọc Linh và một số cây dược liệu ở Mù Cang Chải thành công bước đầu đang mở ra hi vọng tạo sinh kế mới cho người dân vùng cao.

Nhiều giống cây trồng và công nghệ mới phục vụ nông nghiệp đô thị

TP.HCM Nhiều giống cây trồng đã được Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Nông nghiệp công nghệ cao nghiên cứu, lai tạo thành công, chuyển giao cho nhiều đơn vị tại TP.HCM và các tỉnh.