| Hotline: 0983.970.780

Xây dựng thương hiệu lúa gạo Thái Bình chinh phục thị trường thế giới

Thứ Sáu 03/03/2023 , 11:28 (GMT+7)

Muốn nâng cao giá trị ngành hàng lúa gạo Thái Bình, không cách nào khác ngoài việc phải xây dựng thương hiệu lúa gạo 'quê hương 5 tấn'.  

"Trồng lúa thành nghệ thuật"

Theo ông Đinh Vĩnh Thụy, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Thái Bình, hiện nay, nông nghiệp tỉnh Thái Bình đang đẩy mạnh việc cơ cấu lại ngành lúa gạo theo hướng nâng cao hiệu quả và phát triển bền vững đáp ứng đầy đủ nhu cầu tiêu dùng nội địa và xuất khẩu, nâng cao thu nhập của nông dân và lợi ích cho người tiêu dùng.

Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình Nguyễn Khắc Thận phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Phạm Huy.

Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình Nguyễn Khắc Thận phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Phạm Huy.

Bên cạnh đó, tỉnh Thái Bình đã có những chuyển biến tích cực theo hướng thực hiện quy trình sản xuất lúa tiên tiến được ứng dụng ở nhiều địa phương như việc giảm lượng giống, giảm thuốc bảo vệ thực vật và giảm phân bón nhưng vẫn tăng năng suất, tăng hiệu quả kinh tế và tăng chất lượng sản phẩm

Cơ giới hóa trong nông nghiệp cũng đã được quan tâm đúng tầm, qua đó giải quyết được vấn đề nhân công lao động và giảm chi phí đầu vào cho khâu sản xuất.

Hiện nay 100% diện tích trồng lúa được cơ giới hóa trong khâu làm đất, 15% diện tích được cấy bằng máy, 80% được gặt máy. Từ năm 2021, khâu sấy sản phẩm đã được quan tâm và bắt đầu chuyển giao ở nhiều HTX và doanh nghiệp, từ đó từng bước giải quyết bài toàn tổn thất sau thu hoạch.

Năm 2022, Thái Bình vẫn là tỉnh có diện tích gieo cấy lúa lớn thứ hai khu vực Đồng bằng sông Hồng với diện tích khoảng 155.000 ha/năm, luôn đi đầu trong việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật nên năng suất lúa nhiều năm trở lại đây đều đạt trên 130 tạ/ha/năm, đây là năng suất cao so với mức trung bình cả nước.

“Sản xuất lúa gạo của tỉnh đã đảm bảo đủ tiêu dùng nội địa và đáp ứng được các yêu cầu của thị trường trong nước và xuất khẩu. Thái Bình trồng lúa đã thành nghệ thuật, nông dân trồng lúa là những nghệ nhân”, ông Đinh Vĩnh Thụy nhận định.

Để có thể đưa sản xuất lúa gạo của tỉnh Thái Bình phát triển bền vững, có thương hiệu trên thị trường trong nước và xuất khẩu trong thời gian tới, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Thái Bình cho rằng cần phải đánh giá tiềm năng lợi thế về sản xuất lúa của từng địa phương với các phân khúc của thị trường trong nước hoặc xuất khẩu để đảm bảo phát huy tốt nhất lợi thế về vùng miền với các sản phẩm gạo Thái Bình.

"Ngoài ra, cần phân vùng nguyên liệu sản xuất lúa đặc sản, lúa chất lượng cao, lúa chế biến đảm bảo ổn định về sản lượng, đồng đều về chất lượng bảo đảm sự phát triển bền vững và hiệu quả, phù hợp với định hướng phát triển thương hiệu gạo quốc gia”, ông Đinh Vĩnh Thụy kiến nghị.

Các đại biểu tham quan gian hàng trưng bày những sản phẩm lúa gạo Thái Bình tại Hội nghị. Ảnh: Phạm Hiếu.

Các đại biểu tham quan gian hàng trưng bày những sản phẩm lúa gạo Thái Bình tại Hội nghị. Ảnh: Phạm Hiếu.

Ông Nguyễn Quý Dương, Phó cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN-PTNT), cho rằng, để có thể phát triển thị trường cho ngành hàng lúa gạo, tỉnh Thái Bình cần yếu tố tiên quyết là sản phẩm phải đạt được chất lượng tốt nhất.

Bên cạnh đó, trong xúc tiến thương mại, bán sản phẩm là phải bán cả câu chuyện, giá trị văn hóa đi theo sản phẩm đó. Ngoài ra, cần chú trọng đến tính đồng đều của sản phẩm, vấn đề này có thể được giải quyết bằng cơ giới hóa trong sản xuất lúa gạo.

“Hiện nay, sản phẩm lúa gạo Thái Bình cần bắt nhịp xu hướng dòng sản phẩm dinh dưỡng, đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng, đặc biệt là giảm nguy cơ bệnh tiểu đường. Đây là một hướng phát triển tiềm năng mà địa phương có thể phối hợp với Nhật Bản, một thị trường rất khắt khe, để nâng cao giá trị thương hiệu lúa gạo Thái Bình”, ông Dương kiến nghị.

Tổng công suất chế biến trên 200.000 tấn/năm

Theo ông Trần Huy Quân, Giám đốc Sở Công thương tỉnh Thái Bình, hiện nay, trên địa bàn toàn tỉnh có khoảng 200 cơ sở xay xát chế biến lúa gạo, trong đó có 20 công ty, 4 HTX có quy mô vừa và lớn, áp dụng dây truyền hiện đại, tự động hóa trong xay xát; 170 cơ sở sơ chế, chế biến quy mô hộ gia đình. Tổng công suất chế biến trên 200.000 tấn/năm.

Thái Bình đã hỗ trợ xây dựng và phát triển được trên 35 nhãn hiệu và đang tập trung triển khai xây dựng thương hiệu lúa gạo Thái Bình.

Thái Bình đã hỗ trợ xây dựng và phát triển được trên 35 nhãn hiệu và đang tập trung triển khai xây dựng thương hiệu lúa gạo Thái Bình.

"Thái Bình đã hỗ trợ xây dựng và phát triển được trên 35 nhãn hiệu và đang tập trung triển khai xây dựng thương hiệu lúa gạo Thái Bình. Đây là cơ hội, lợi thế để lúa gạo Thái Bình tiếp tục nâng cao chất lượng sản phẩm, mẫu mã, quy cách sản phẩm và bao gói để thâm nhập và mở rộng thị trường cả trong và ngoài nước, tận dụng các cơ hội từ 17 Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết tham gia để mở rộng thị trường”, ông Trần Huy Quân chia sẻ.

Trong những năm qua, Sở Công thương đã phối hợp với các đơn vị, hợp tác chặt chẽ với các tổ chức xúc tiến của các tỉnh bạn, các cơ tổ chức, doanh nghiệp liên quan, triển khai các chương trình xúc tiến thương mại, mở rộng cả kênh phân phối truyền thống và hiện đại, củng cố và đẩy mạnh phát triển thị trường trong nước, đẩy mạnh xuất khẩu, đa dạng hóa thị trường.

Tới nay, các mặt hàng gạo của Thái Bình đã có mặt trên kệ hàng của hệ thống Siêu thị Go/Big C, Winmart... đồng thời được các doanh nghiệp cung cấp đến tay người tiêu dùng thông qua các cửa hàng bán lẻ của doanh nghiệp hoặc các đối tác là các cửa hàng tiện lợi, cửa hàng kinh doanh tổng hợp, bếp ăn công nghiệp…

Trên địa bàn toàn tỉnh Thái Bình có khoảng 200 cơ sở xay xát chế biến lúa gạo. Ảnh: Phạm Hiếu.

Trên địa bàn toàn tỉnh Thái Bình có khoảng 200 cơ sở xay xát chế biến lúa gạo. Ảnh: Phạm Hiếu.

Đối với thị trường xuất khẩu, hiện nay trên địa bàn tỉnh Thái Bình có 4 doanh nghiệp đã được Bộ Công thương cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo. Một số mặt hàng gạo của Thái Bình đã được xuất khẩu trực tiếp sang các thị trường như Trung Quốc, Đài Loan và một số nước, vùng lãnh thổ khác.

Ông Nguyễn Khắc Thận, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình, cho biết, từ những lợi thế và truyền thống trong sản xuất nông nghiệp, tỉnh Thái Bình đã xác định nông nghiệp là trụ cột phát triển chính với sự tập trung vào ngành hàng lúa gạo.

“Trong bối cảnh năng suất đã kịch trần, giá trị chưa cao, chắc chắn sẽ không thể thu hút được người dân gắn bó với đồng ruộng. Bài toán cũng như yêu cầu bức thiết đặt ra là phải nâng cao thu nhập cho người dân và phát triển, nâng cao giá trị ngành hàng lúa gạo địa phương. Do đó không cách nào khác ngoài việc phải xây dựng thương hiệu lúa gạo Thái Bình để tiếp cận được nhiều thị trường hơn”, ông Nguyễn Khắc Thận nhấn mạnh.

Xem thêm
Nuôi bò thịt VietGAHP gắn với liên kết tiêu thụ

THÁI NGUYÊN Nuôi bò thịt VietGAHP gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm cho hiệu quả kinh tế tăng 15 - 20% so với phương pháp truyền thống.

Tắm nước ngọt định kỳ để phòng dịch bệnh cho cá lồng bè trên biển

HẢI PHÒNG Để phòng dịch bệnh cho cá biển nuôi lồng bè vào thời điểm giao mùa, người dân ở Cát Bà thường tắm nước ngọt từ 3-4 lần mỗi tháng và mang lại hiệu quả cao.

Cú hích cho nông nghiệp công nghệ cao ở Mộc Châu

SƠN LA Chuyên gia của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO) đánh giá cao sự cầu tiến của các hộ trong dự án ‘Nông nghiệp thông minh vì thế hệ tương lai’.