| Hotline: 0983.970.780

Xe chở cát... hành dân

Thứ Ba 01/07/2014 , 08:15 (GMT+7)

Tuyến đường ĐT 638 từ thị trấn Diêu Trì (huyện Tuy Phước) đi lên huyện Vân Canh (Bình Định) mới được sửa chữa cách đây chỉ vài năm, nhưng hiện đã bị “băm nát”.

Theo hàng trăm hộ dân sống hai bên đường thuộc địa bàn xã Canh Vinh (Vân Canh), nguyên nhân là do hoạt động khai thác cát gây ra.

Theo phản ánh của người dân địa phương, mỗi ngày có hàng trăm xe chở cát từ các mỏ khai thác tại khu vực sông Hà Thanh gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, thậm chí còn gây tai nạn giao thông trên tuyến đường mà các xe chở cát chạy qua. 

Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết tại khu vực này hiện có 7 mỏ cát, trong đó 5 mỏ đang hoạt động, 1 mỏ đang xin gia hạn và 1 mỏ đang làm thủ tục chuyển nhượng. Đây đang là mùa xây dựng, trời nắng ráo, thuận lợi cho việc khai thác nên gần hai tháng qua, 5 mỏ cát nói trên hoạt động hết công suất, vượt quy định cho phép.

Những lỗ cát sâu từ 2m đến 6m tạo thành những hố nước sâu hoắm, làm biến dạng hệ sinh thái ở lưu vực sông Hà Thanh. Quanh khu vực các mỏ cát hoạt động khoảng 200m, nước sông hóa thành nước “hắc ín”.

Anh Năm Tiến ở thôn Hiệp Vinh 2, xã Canh Vinh bức xúc: “Trước đây, khi trên sông Hà Thanh chưa có các mỏ cát, nước sông vào mùa này trong leo lẻo, nhiều loài cá sinh sống. Giờ dòng nước trở nên đục ngầu như nước trong mùa lũ khiến lũ cá cũng đi hết”.

Đứng bên cạnh, anh Nguyễn Cảnh Luân, ở cùng địa phương “tố” thêm: “Vì lợi ích riêng, các DN cứ khai thác cát một cách triệt để chứ không nghĩ gì tới chuyện khai thông dòng chảy, dẫn tới hiện tượng đang có khoảng 80% giếng nước trong thôn Hiệp Vinh 2 khô cạn và bị ô nhiễm. Nước giếng đục chẳng khác nước sông, ảnh hưởng lớn đến đời sống sinh hoạt hàng ngày của người dân”.

Không chỉ phá vỡ hệ sinh thái, gây ô nhiễm môi trường, việc khai thác cát bừa bãi ở đây đã cày nát tuyến đường. Cát được vận chuyển không bao phủ kín nên rơi vãi đầy đường. Nước, cát tạo thành bùn biến con đường mùa khô mà trơn lầy như đang mùa mưa.

Trước tình trạng hàng trăm xe cát “cày bừa” cả ngày, đoạn đường mới được sửa chữa đẹp tinh tươm giờ đã bị băm nát tạo thành nhiều ổ voi, ổ gà gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông.

“Đầu năm 2014 đến nay, lực lượng kiểm tra gồm Phòng TN-MT và CA huyện Vân Canh cùng Phòng Cảnh sát đường thủy (CA tỉnh Bình Định) đã tiến hành 3 đợt kiểm tra, ra quyết định tạm đình chỉ hoạt động của 1 đơn vị vì đã vi phạm các quy định về khai thác cát.
Trong thời gian tới, Phòng TN-MT huyện Vân Canh tiếp tục phối hợp với các ban ngành, cơ quan chức năng và chính quyền địa phương tăng cường các biện pháp kiểm tra rà soát, xử lý nghiêm minh trước pháp luật các công ty, DN vi phạm”, bà Trần Thị Hòa, cho biết.

Nhiều người dân sống hai bên đường ĐT 638 thuộc địa bàn thôn Hiệp Vinh 2, xã Canh Vinh, cho biết thêm: Mỗi ngày, đoạn đường này xảy ra ít nhất 1, 2 vụ TNGT, có tháng xảy ra trên 10 vụ. Có nhà cạnh đường, những người dân ở đây thường xuyên chứng kiến và ra đỡ xe giúp mọi người.

“Đang mùa nắng nóng cao điểm, xe chở cát hoạt động ban ngày, mặt đường ướt, ánh nắng phản chiếu làm người tham gia giao thông lóa mắt, không né tránh được ổ voi, ổ gà trên đường nên bị ngã”, một người dân lý giải.

Có mặt tại km 12, thôn Hiệp Vinh 2, xã Canh Vinh, chúng tôi tận mắt thấy cảnh xe chở cát chạy hỗ độn trên tuyến đường ĐT 638. Cứ khoảng 30 phút có từ 10- 20 chiếc xe chở cát cùng lưu thông. Nhiều đoạn trở nên ách tắc giao thông do xe chở cát quay đầu loạn xạ.

Trao đổi với chúng tôi, bà Trần Thị Hòa, chuyên viên Phòng TN-MT huyện Vân Canh, cho biết: “Theo quy định của ngành chức năng, các đơn vị khai thác phải đảm bảo lấy cát không quá độ sâu 2m so với mặt chuẩn trung bình độ dốc đáy sông tại đoạn khai thác. Các đơn vị khai thác phải đảm bảo giám sát môi trường, lập báo cáo định kỳ mỗi năm 2 lần.

Tuy nhiên, từ khi hoạt động đến nay, chỉ có 2 DN lập báo cáo 1 lần vào năm 2013, các đơn vị khác không thực hiện. Trước phản ánh của người dân, UBND huyện Vân Canh đã chỉ đạo tăng cường công tác kiểm tra”.

Theo bà Hòa, trong tháng 9/2013, lực lượng kiểm tra liên ngành của huyện và tỉnh đã xử phạt hành chính 4 đơn vị do vi phạm quy định khai thác cát, gây ô nhiễm. Tiếp đó, tháng 12/2013, lực lượng liên ngành tiếp tục kiểm tra và nhắc nhở các chủ mỏ phải nghiêm túc chấp hành các quy định về khai thác và vận chuyển cát.

Song tình trạng trên vẫn diễn ra khi không có đoàn kiểm tra, gây phiền hà và nỗi bức xúc cho người dân quanh vùng.

Xem thêm
Đổi đất sau 30 năm thành mất đất

Đổi đất không thông qua chính quyền, bà Nguyễn Thị Tới ở tổ 12, phường Tân Bình, TP Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình được 'chỉ' mảnh đất không có giấy tờ chứng minh...

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Trường học thành nơi tập kết rơm rạ, rác thải

Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Quang Giao (huyện Quảng Xương, Thanh Hóa) bị bỏ hoang nhiều năm, hiện đang xuống cấp nghiêm trọng, gây lãng phí lớn.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.

Bình luận mới nhất