Cứ mỗi mùa tuyển sinh, tập thể giáo viên trường Dân tộc Nội trú (DTNT) tỉnh Tây Ninh lại lặn lội đi khắp các các phum, sóc người dân tộc thiểu số trong tỉnh, đến từng nhà để thuyết phục gia đình cho con em đến trường. Nhưng, đó mới chỉ là khó khăn nhỏ ban đầu trong hành trình “Chắp cánh ước mơ” cho các em.
GIAN NAN "GOM" HỌC SINH
Một ngày đầu tháng 8, Hiệu trưởng trường DTNT Tây Ninh Nguyễn Văn Ẩn gọi điện thoại cho tôi thông báo: “Trường sắp đi tuyển sinh, các bạn có muốn đi một chuyến không? Vất vả nhưng cũng thú vị lắm đấy”. Tôi quả quyết nhận lời.
VỪA DỌA VỪA... DỖ
Điểm đầu tiên nhà trường chọn đến vận động tuyển sinh là ấp Kà Ốt, xã Tân Đông, huyện Tân Châu. Ấp nằm sát biên giới, phơi mình trong cái nắng quay quắt vùng biên. Con đường đất đỏ dẫn vào ấp trải dài bóng cây thốt nốt và mịt mù bụi. Chiếc xe Matiz cũ nhảy tưng tưng qua những ổ gà, ổ trâu khiến cô bạn đồng nghiệp bắt đầu ngật ngừ say. “Chiếc “xế hộp” này là của một người bạn tốt bụng cho mượn. Thế này là tốt lắm rồi đấy. Chứ mấy năm trước cực hơn nhiều, chúng tôi đi một vòng các địa phương trong tỉnh hết gần cả tuần bằng xe “mui trần 2 bánh” thôi đấy. Sau chuyến đi, về không ai nhận ra. Gian nan lắm!”, thầy Nguyễn Văn Ẩn nói.
Thầy Nguyễn Văn Ẩn - người hết lòng vì thế hệ tương lai
Khi nắng bắt đầu gắt cũng là lúc chúng tôi đến ấp Kà Ốt, thầy Ẩn cho biết, ấp này có đến hơn 90% dân số là người Khmer nên nhà trường rất quan tâm. Hôm chúng tôi đến, một gia đình trong ấp tổ chức tiệc mừng thọ nên bà con tập trung khá đông. Từ trong nhà, Già làng ấp Kà Ốt, ông Nash Chan, chạy ra tận cổng, hồ hởi: “Thầy Ẩn lại vô tận đây, thật tốt quá. Thầy cứ đưa hồ sơ cho tôi, tôi sẽ xuống từng nhà vận động giúp nhà trường. Học sinh được đi học, được nhà nước nuôi, được thầy giáo quan tâm, phải ra lớp học cái chữ thôi”.
Còn ông Danh Ngất, Bí thư Chi bộ ấp cũng tay bắt mặt mừng, kể: “Năm học vừa rồi có 17 học sinh “trốn” trường về. Đến thuyết phục tụi nó trở lại trường thì tụi nó bảo “Không đi học nữa đâu, ở trường nhớ nhà lắm. Muốn ăn muốn ngủ giờ nào cũng không được, cái gì cũng phải đúng giờ”. Biết tụi nhỏ chưa quen sống trong nề nếp, ông Danh Ngất phải dặn mấy học sinh học lớp 10, lớp 11, “canh chừng” tụi nhỏ. Học sinh lớn thì ý thức cũng đã lớn, nên dễ vận động, khổ nhất mấy đứa nhỏ, hễ nhớ nhà là… leo rào trốn trường về, phải vừa dọa vừa dỗ mới chịu đi học. Mấy đứa nhỏ ở ấp thấy vậy cũng không chịu đăng ký về thị xã học”.
Thầy Ẩn cùng các đồng nghiệp đang lặn lội đến từng nhà thuyết phục các em đến trường
Thấy già làng và các thầy giáo đến, nhiều em chạy lại, lễ phép chào thầy rồi ngay sau đó tìm đường… chuồn. Còn người lớn thì lắc đầu quầy quậy: “Còn nghỉ hè mà thầy giáo, tụi nó ở nhà còn phụ cha nó đi chặt mía, nhà có nó là thanh niên thôi”. Cùng đi với đoàn còn có cô Nash Chan Ny, giáo viên trường tiểu học Kà Ốt, người rất quen thuộc của bà con trong xã. Nghe cô phân tích, thuyết phục, họ bảo: “Cả ấp có mình cô giáo Nash Chan Ny học giỏi thôi, tụi nhỏ nói đi làm ruộng dễ hơn đi học chữ, cực lắm cô giáo ơi”.
Gia đình chị Sun Sa Phi có cô con gái tên Khun A Ni, năm nay chuẩn bị vào lớp 6, cô Chan Ny cho biết A Ni học rất giỏi. “Con có muốn đến trường DTNT học để sau này làm cô giáo như cô Chan Ny không?”, tôi hỏi A Ni. Cô bé vừa nựng em trên tay mẹ vừa trầm tư rất…“người lớn” rồi ngập ngừng: “Con thích lắm, nhưng sợ đi lâu nhớ em”. Chị Sa Phi, mẹ A Ni ngập ngừng: “Nó học giỏi lắm đó, tui cũng muốn cho nó ra thị xã học, nhưng nó nhỏ quá, ở một mình ai giặt đồ cho? Để tui nghĩ thêm rồi tính”.
VIỆC HỌC LÀ CỦA... THẦY GIÁO
Rời xã Tân Đông của huyện Tân Châu, chúng tôi lại rong ruổi lên đường đến điểm kế tiếp là ấp Tân Hòa Đông, xã Hòa Hiệp, huyện Tân Biên. Già làng Đốc Sóc Kha ra đón đoàn công tác với tập hồ sơ tuyển sinh trên tay, xúc động nói: “Các thầy vất vả quá, lặn lội vào tận đây để quan tâm, chăm lo cho tụi nhỏ thế này, bà con biết ơn lắm”.
Với các già làng và người lớn trong các sóc, ấp, xã, thầy giáo không chỉ là người quen mà còn là chỗ dựa tinh thần của họ. Chính vì thế, họ đón các thầy giáo bằng cả tấm chân tình và sẵn sàng dốc hết ruột gan để giãi bày. “Tui xem thời sự thấy ở nhiều tỉnh ngoài Bắc, học sinh dân tộc đi học còn cực khổ lắm, phải tự dựng nhà tạm gần trường học. Chưa có nội trú. Tui kể với phụ huynh và mấy đứa nhỏ, nói tỉnh mình quan tâm tới người dân tộc như vậy, thuận lợi như vậy, phải ráng học chớ. Nhưng cũng chưa thuyết phục được hết đâu, tui với mấy anh bên xã còn phải kiên trì dữ lắm”, già làng Sóc Kha tâm sự.
Già làng Đốc Sóc Kha: “Các thầy vất vả vì tương lai tụi nhỏ thế này, bà con xúc động lắm”
Anh Huỳnh Bích, người Khmer, đại biểu HĐND xã Hòa Hiệp, đến gặp thầy Ẩn cùng với một số phụ huynh. Anh Bích cho biết: “Ở đây bà con xem việc học của con em mình là “chuyện của các thầy cô”. Đa số gia đình có suy nghĩ: nhỏ thì chưa quen xa nhà, lớn (từ lớp 9 trở lên) thì lại có thể đi làm kiếm tiền phụ gia đình, có khi là lao động chính, nên gia đình lại không muốn cho các em đi học nội trú”.
Nói về việc phải xuống tận từng buôn, sóc để đi “gom” học sinh, thầy Ẩn cho biết, ở các tỉnh miền núi phía Bắc, địa hình cách trở, đời sống khó khăn, trường học ngăn sông cách núi, các em học sinh đi học rất gian khổ. Vì thế, được học nội trú là nguyện vọng lớn của các em học sinh và gia đình. Còn ở Tây Ninh, đường sá bằng phẳng, thuận lợi, khoảng cách giữa các xã, các huyện khá gần, đi đầu tỉnh đến cuối tỉnh chỉ mất nửa ngày. Chính vì thế, hầu hết các phụ huynh chỉ muốn con em học ở gần nhà để còn phụ giúp gia đình chứ không muốn học nội trú.
Trẻ con người dân tộc thiểu số đã quen với cuộc sống tự do, nên không dễ quen với nề nếp ở trường
“Mỗi kỳ vào vụ mùa, trường nơm nớp lo mất học sinh. Nhiều em học sinh về thăm nhà rồi ở luôn đi làm phụ gia đình. Chỉ cần một ngày đi nhổ mì, chặt mía, các em đã kiếm được hơn 200 ngàn. Nhà trường xuống vận động, phụ huynh thủng thẳng: cho nó ở nhà đi làm mấy bữa nữa, học đâu có ra tiền thầy giáo ơi! Phải kiên trì giải thích, vận động mãi, mới “giành” lại được học sinh”, thầy giáo Trung kể.
Khuôn mặt sạm đen vì nắng gió, bộ quần áo nhàu nát sau những ngày lặn lội về địa phương tuyển sinh, thầy Ẩn nhìn tôi, cười, ánh mắt lấp lánh: “Vất vả thế đấy. Nhưng mà vui”.
“Có một bộ lý lịch của học sinh ghi cha mẹ dân tộc Khmer, con lại dân tộc Kinh. Liên hệ với phụ huynh, họ bảo: “Hồi ra xã làm khai sinh cho nó, cán bộ viết sao thì để y vậy, nó đi học mấy năm ở đây có sao đâu”. Chúng tôi liên hệ xã, nhờ làm lại giấy tờ cho em. Nhưng, xã làm lại hết cả gia đình thành dân tộc Kinh! Mà nếu dân tộc Kinh thì không đúng đối tượng hưởng chế độ ưu tiên. Cuối cùng, chúng tôi phải đích thân xử lý mới xong”, thầy Nguyễn Văn Ẩn, Hiệu trưởng trường DTNT Tây Ninh kể. |