| Hotline: 0983.970.780

Xót xa cảnh chồng ung thư, vợ mù lòa

Thứ Bảy 14/07/2018 , 07:15 (GMT+7)

Đó là hoàn cảnh đáng thương của vợ chồng cụ Trần Văn Tình (SN 1938) và Trần Thị Tính (SN 1935), thôn Nguyễn Huệ, xã Mỹ Tiến, huyện Mỹ Lộc, Nam Định.

Trong một lần về Nam Định tác nghiệp, tôi được một người bạn giới thiệu về hoàn cảnh đáng thương của vợ chồng cụ Tình. Hình ảnh đầu tiên đập vào mắt tôi là ngôi nhà cấp bốn xập xệ của 2 cụ được chắp vá, sửa đi sửa lại nhiều lần. Căn nhà ấy, rộng chừng 15m2, tường vữa vôi bị ẩm mốc, bong tróc. Trên tường nhà có gắn dòng chữ đỏ đã nhạt màu theo thời gian “Nhà đại đoàn kết”.

14-13-35_nh_1
Ngôi nhà cấp bốn xuống cấp của gia đình cụ Tình

Hỏi ra mới biết, căn nhà của 2 cụ được xây dựng cách đây đã khoảng 20 năm. Khi đó, Nhà nước ủng hộ 2 cụ số tiền là 5 triệu đồng, khoản còn lại gia đình và bản thân 2 cụ tự bỏ ra.

Bước vào căn nhà, chúng tôi không khỏi xót xa khi tận mắt chứng kiến hình ảnh cụ bà dáng người nhỏ thó, đôi mắt mù lòa, mồm ú ớ, chân tay gầy gò đang nằm trên giường, tay trái cầm chiếc cái quạt nan phe phẩy nhẹ nhàng. Cạnh đó, cụ ông ngồi thẫn thờ, tay ôm mặt với vẻ đau đớn, đôi chân gầy trơ xương.

Tôi ghé sát vào tai cụ ông hỏi thăm sức khỏe nhưng cụ lắc đầu, giơ tay lên chỉ vào tai và nói: “Tai tôi bị nặng rồi, không nghe thấy gì nữa”. Thấy vậy, tôi chỉ tay vào vết sưng trên má cụ, cụ bảo: “Má trái tôi sưng mấy hôm nay rồi, đau lắm chú à”. Quan sát kỹ, tôi thấy vết sưng trên má cụ to hơn qủa trứng vịt, khiến khuôn mặt cụ biến dạng sang một bên.

Thấy khách lạ, chị Trần Thị Tư, con dâu thứ của 2 cụ chạy sang tiếp chúng tôi. Chị bảo, bố mẹ chồng chị sinh được 5 người con, 4 trai, 1 gái. Cuộc sống khó khăn nên các con cháu của 2 cụ cũng không giúp 2 cụ được nhiều.

Trong 5 người con, 2 người con trai là anh Trần Văn Hữu và Trần Văn Tâm đã ra đi mãi mãi vì căn bệnh hiểm nghèo. “Bác cả và bác hai mất cách đây 4 năm vì căn bệnh hiểm nghèo. Cuộc sống anh chị em chúng tôi cũng khó khăn nên cũng chỉ phụ bữa cơm rau cháo qua ngày cho 2 cụ”, chị Tư buồn bã nói.

Ngồi thất thần một lúc, chị Tư nói tiếp, chồng tôi là con trai thứ 3 của 2 cụ. Vừa rồi, bị tai nạn lao động, ngã từ tầng 3 xuống đất, bị chấn thương nặng vùng chân, tay, sức khỏe yếu, không làm được việc nặng, chỉ nằm im một chỗ. Từ khi chồng bị mất sức lao động, chị trở thành trụ cột của gia đình, chị vừa đi làm kiếm tiền nuôi con, nuôi chồng, vừa phải chăm bẵm bố mẹ chồng.

14-13-35_nh_2
Cụ ông Trần Văn Tình và cụ bà Trần Thị Tính

Chị Tư chia sẻ thêm, cô con gái và con trai út của 2 cụ cũng ốm yếu triền miên. Quanh năm chỉ bán mặt cho đất, bán lưng cho trời, kinh tế cũng không được khá giả. Hôm nào rảnh rỗi thì ai thuê gì làm nấy, lương ba cọc ba đồng, cũng chỉ đủ nuôi bản thân và các con.

Nói về hoàn cảnh của bố mẹ chồng, chị Tư cho biết, cụ Tính (mẹ chồng chị Tư) bị mù lòa gần 30 năm nay. Do bị mù lòa, không làm được việc gì nên cụ chỉ loanh quanh trong nhà ngoài ngõ, còn hàng ngày cụ ông đi làm đồng rồi tranh thủ về nhà cơm nước cho cụ bà.

Mấy năm trở lại đây, cụ Tình sức khỏe yếu nên phần cơm nước được con cháu trong nhà phụ giúp 3 bữa. Gần nửa năm nay, cụ Tình lại mắc bệnh ung thư máu nên sức khỏe yếu đi nhiều, mọi công việc trong nhà 2 cụ phải nhờ đến con cháu.

“Cụ ông đang mắc bệnh ung thư máu. Vừa rồi, gia đình đưa cụ ông lên bệnh viện chữa trị, nhưng được mấy hôm thì phía bệnh viện trả về vì kết quả không khả quan nên gia đình đành đưa cụ về nhà chăm sóc”, chị Tư cho hay.

Khi được hỏi về tiền hỗ trợ hàng tháng của 2 cụ, chị Tư bảo, hiện chỉ có cụ bà được hỗ trợ 500 nghìn đồng/tháng, còn cụ ông vừa rồi gia đình mới hoàn thiện giấy tờ liên quan đến hưởng chế độ nên đang chờ ngày được hưởng. Chưa biết khi nào mới có.

Theo chị Tư, với số tiền 500 nghìn đồng cũng chỉ đủ chi tiêu rau cháo hàng tháng cho 2 cụ. Mỗi khi trái gió trở trời, cụ ông lại đau nhức người, gia đình lại phải bỏ tiền túi thuốc thang cho cụ.

Hoàn cảnh gia đình cụ Tình rất mong nhận được sự giúp đỡ của bạn đọc gần xa. Mọi sự giúp đỡ xin gửi về cụ Trần Văn Tình ở thôn Nguyễn Huệ, xã Mỹ Tiến, huyện Mỹ Lộc, Nam Định; hoặc Tuần san Kiến thức gia đình (số 14 Ngô Quyền, Hà Nội, ĐT: 024.38256492 - 0983.970780), chúng tôi sẽ chuyển giúp quý vị.

(Kiến thức gia đình số 28)

Xem thêm
Phụ nữ Hàn Quốc 'giả bệnh' trước kì nghỉ lễ Trung thu

Áp lực khi phải chuẩn bị cỗ bàn, chiều lòng các thành viên trong gia đình chồng, nhiều phụ nữ Hàn Quốc giả bệnh trước kì nghỉ lễ Trung thu.

Chúng ta ở quãng nào?

Nhiều người vẫn chép miệng tiếc nuối 'Sao thời xưa nghèo mà yên thế?'. Có thể họ muốn nói đến thời bao cấp chăng?

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm