| Hotline: 0983.970.780

Xu hướng tiêu dùng thực phẩm hữu cơ ngày càng phổ biến

Thứ Sáu 28/01/2022 , 11:07 (GMT+7)

Giống như nhiều thanh niên trẻ ở nhiều vùng nông thôn Thái Lan từng ly hương tìm việc, anh Amnuay hiện đã hồi hương để làm nông nghiệp sạch sản xuất thực phẩm hữu cơ.

 Nhu cầu thực phẩm hữu cơ vượt xa nguồn cung

Thái Lan đặt mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu các sản phẩm hữu cơ ​​10% mỗi năm trong vài năm tới. Ảnh: Getty

Thái Lan đặt mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu các sản phẩm hữu cơ ​​10% mỗi năm trong vài năm tới. Ảnh: Getty

Giờ đây, Amnuay đã là một nhân tố tích cự của một phong trào nhỏ nhưng đang phát triển mạnh nhằm thúc đẩy các sản phẩm được trồng theo phương pháp hữu cơ, không chỉ ở Thái Lan mà còn ở các nước láng giềng Campuchia, Lào, Myanmar và Việt Nam.

Giới chuyên gia nhận định xu hướng làm nông nghiệp sạch chính là một nỗ lực mới, nhằm nâng cao thu nhập của nông dân bằng cách đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng về thực phẩm lành mạnh. Và lợi ích lớn nhất của nông nghiệp hữu cơ là môi trường.

Thái Lan là một trong những quốc gia từng sử dụng nhiều hóa chất nông nghiệp nhất thế giới. Nếu tưới bón không đúng cách, phân bón sẽ làm hỏng đất và các loại hóa chất này có thể phát thải ra oxit nitơ, một trong những loại khí nhà kính độc hại nhất với khả năng lưu giữ nhiệt lớn hơn gần 300 lần so với cacbon đioxit.

Hầu hết lượng khí thải nitơ đến từ phân bón nông nghiệp, được sử dụng quá mức và thường không hiệu quả ở Tiểu vùng sông Mekong mở rộng (GMS), bao gồm Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan, Việt Nam và tỉnh Vân Nam và Khu tự trị Choang Quảng Tây (Trung Quốc). Ước tính, GMS chiếm tới 18% lượng khí thải nitơ oxit toàn cầu từ hoạt động sử dụng phân bón.

Trong khi những rủi ro về khí hậu đang ở mức đáng báo động, thì những rủi ro về sức khỏe do hóa chất nông nghiệp gây ra cũng đang thúc đẩy nhu cầu tiêu dùng đối với sản phẩm hữu cơ. Khi thu nhập tăng ở các nước trong tiểu vùng Mekong, nhu cầu về lương thực cũng tăng theo, do người dân nhận thức được những rủi ro sức khỏe liên quan đến hóa chất nông nghiệp.

Suwanna Langnamsank, giám đốc điều hành của Lemon Farm, một siêu thị hữu cơ nổi tiếng với các cửa hàng xung quanh thủ đô Bangkok, cho biết: “Các gia đình ở Thái Lan không thực sự nấu ăn ở nhà nữa, họ ăn ở ngoài nhà hàng. Chúng tôi muốn nâng cao nhận thức hơn nữa về việc ăn uống và nấu ăn ngon”.

Nhu cầu về thực phẩm hữu cơ vượt xa nguồn cung ở hầu hết các nước GMS. Thách thức giờ đây chính là thuyết phục nông dân chuyển đổi từ các sản phẩm được nuôi trồng bằng hóa chất khi nhiều nông dân đang “mắc kẹt” do nợ nần vì nông sản ế ẩm và chi phí phân bón và thuốc bảo vệ thực vật cao. Họ thiếu cả tiền lẫn kiến ​​thức để có được chứng nhận sản phẩm hữu cơ chính thức.

Thời gian qua, Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) và Quỹ Nông nghiệp Hữu cơ Thái Lan đã triển khai các dự án thử nghiệm ở sáu quốc gia GMS khuyến khích nông dân canh tác không sử dụng hóa chất và sử dụng nitơ hiệu quả hơn. Các khóa tập huấn cung cấp các kỹ thuật như ủ phân hữu cơ, than sinh học, thuốc trừ sâu sinh học, luân canh cây trồng, canh tác lúa ít mêtan, quản lý đất bền vững, thu hoạch lượng mưa và kỹ thuật tiết kiệm nước, kinh phí lên tới hàng chục triệu USD.

Mục tiêu chính là xây dựng lộ trình cho một chính sách trên toàn khu vực GMS nhằm điều chỉnh việc sử dụng phân đạm, từ đó tăng khả năng chống chịu với tác động của biến đổi khí hậu đồng thời giúp nông dân có thu nhập cao hơn thông qua các sản phẩm giá trị gia tăng.

Pimwalan Pinthuprapha, một nhà thiết kế đồ họa ở Bangkok trước khi từ bỏ cuộc sống thành phố để về quê trồng các sản phẩm hữu cơ phục vụ khách sạn của cô gần thành phố Chiang Mai nói: “Tôi đã 50 tuổi, khi chuyển sang một cuộc sống khác. Tôi có một trang trại trồng lúa và trái cây để bán tại khách sạn của gia đình”.

Đầu tàu Thái Lan

Bộ Nông nghiệp và Hợp tác xã Thái Lan cho biết, trong năm nay cơ quan này được nguồn ngân sách 851 triệu bạt để quảng bá các sản phẩm thực phẩm hữu cơ.

Thái Lan là quốc gia gần như đi tiên phong trong lĩnh vực nông nghiệp hữu cơ ở khu vực Đông Nam Á. Ảnh: Getty

Thái Lan là quốc gia gần như đi tiên phong trong lĩnh vực nông nghiệp hữu cơ ở khu vực Đông Nam Á. Ảnh: Getty

Chantanon Wannakejohn, người phát ngôn của Bộ Nông nghiệp và Hợp tác xã kiêm Tổng thư ký Văn phòng Kinh tế Nông nghiệp Thái Lan, cho biết số tiền này sẽ được dùng để hỗ trợ 94 dự án liên quan đến các sản phẩm thực phẩm hữu cơ. Theo đó một nguồn ngân sách lên tới 176,8 triệu bạt sẽ được dành cho 48 dự án liên quan đến nghiên cứu và phát triển, đổi mới, chuyển giao dữ liệu và kiến ​​thức cho nông dân.

Ngoài ra, 552 triệu bạt sẽ được dành cho 21 dự án nhằm phát triển sản xuất thực phẩm hữu cơ và quản lý nông nghiệp hữu cơ và 122,2 triệu bạt sẽ dành cho 25 dự án cải thiện tiếp thị, dịch vụ và tiêu chuẩn canh tác hữu cơ.

Ông Chantanon cho biết, trong 5 năm qua, khoảng 342 dự án đã được triển khai để phát triển nông nghiệp hữu cơ. Năm ngoái, khoảng 1,51 triệu rai (2,4 triệu ha) đất canh tác trên khắp cả nước được dành cho sản xuất nông nghiệp hữu cơ, với tổng số 95.752 nông dân tham gia.

Tổng lượng xuất khẩu thực phẩm hữu cơ của Thái Lan đã tăng trưởng trung bình 31,5% hàng năm và giá trị xuất khẩu thực phẩm hữu cơ đã tăng 44,4%/năm, với Mỹ, Hồng Kông, Ý và Việt Nam là những thị trường chính.

Từ tháng 1 đến tháng 11 năm ngoái, xuất khẩu thực phẩm hữu cơ của Thái Lan đạt giá trị 1,23 tỷ bạt, tương đương 32 triệu USD. Trong đó riêng sản phẩm gạo hữu cơ chiếm 878,64 triệu bạt và các sản phẩm hữu cơ khác như trái cây tươi và trái cây đông lạnh đạt trị giá 360,3 triệu bạt.

Theo đánh giá của các chuyên gia Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), việc Thái Lan đi đầu trong lĩnh vực phát triển các sản phẩm hữu cơ khiến nước này trở thành một trung tâm tiềm năng cho một thị trường toàn khu vực. Supara Sekajarn, Giám đốc Xúc tiến Thương mại của ADB tại Chiang Mai cho biết: “Ngày nay mọi người đã sẵn sàng trả tiền để mua thực phẩm an toàn. Đặc biệt khi tầng lớp trung lưu ngày càng tăng ở Campuchia, Myanmar và Lào... Đó chính là thị trường mà chúng tôi muốn tiếp cận”.

(BKP; ADB)

  • Tags:
Xem thêm
Ông Đinh Thế Huynh nhận huy hiệu 50 năm tuổi Đảng

Trao quyết định và tặng hoa, ông Trần Cẩm Tú chúc mừng ông Đinh Thế Huynh đón nhận Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng - phần thưởng cao quý của Đảng.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Xúc tiến, quảng bá, kết nối du lịch Đồng bằng sông Cửu Long

Đồng bằng sông Cửu Long từ lâu đã nổi tiếng là vùng đất bình yên của những người dân chất phác, thân thiện với phong cảnh thiên nhiên hữu tình, thơ mộng.

Hơi ấm cộng đồng giúp người dân Lục Yên gượng dậy sau bão

Yên Bái Vượt qua những đau thương, mất mát do thiên tai càn quét, những ngày này chính quyền và người dân ở huyện Lục Yên đang gượng dậy khôi phục sản xuất, dựng lại nhà ở.