Để ghi nhận nhịp sống người dân, công nhân trồng cao su, trong tiết trời se lạnh của những ngày giáp Tết, PV NNVN đã có dịp đến thăm các nông trường cao su miền Đông Nam bộ. Xen lẫn giữa bạt ngàn rừng cao su đang mùa thay lá, chúng tôi dễ dàng bắt gặp đội ngũ công nhân cao su, bà con nông dân tiểu điền tất bật khơi dòng nhựa trắng trong không khí hân hoan khi giá mủ đang lên.
Hy vọng thưởng Tết xứng đáng…
Chúng tôi có mặt tại nông trường 5 (Công ty cao su L.N) vào lúc tờ mờ sáng, khi mặt trời còn chưa thức. Dưới ánh trăng mơ màng, hàng trăm công nhân cùng với chiếc đèn pin đội đầu soi rõ từng nhát cạo, dòng nhựa trắng tuôn trào men theo lối dẫn mủ chảy vào các chén đã được nẹp sẵn theo từng thân cây, hòa cùng những giọt mồ hôi ướt đẫm trên lưng người thợ cạo. Tiếng côn trùng, tiếng dao cạo sột soạt tạo thành một bản hòa ca tình xuân ấm áp, xé toang không gian tĩnh lặng về đêm.
Anh Nguyễn Văn Thang (50 tuổi) công nhân khai thác Đội 2, Nông trường 5, khi được hỏi thăm về tình hình thu nhập hiện nay, bỗng dưng mắt anh Thang như lóe lên niềm hạnh phúc. Anh Thang chia sẻ đã gắn bó với nghề hơn 20 năm, chưa khi nào anh thấy giá mủ lại nhiều biến động như năm nay. May mắn là đến những tháng cuối năm 2020 đến nay, giá mủ đã quay đầu đi lên, từ đó, lương công nhân cũng được cải thiện và hứa hẹn có thêm một khoản tiền thưởng tết kha khá để gia đình có được cái Tết đủ đầy.
“Chỉ cách đây hơn 4 tháng, khi giá mủ quá thấp, lương chỉ dao động chưa tới 6 triệu đồng/tháng, thì nay mức lương của chúng tôi được nhận từ 7,5 đến 10 triệu đồng/tháng, anh em công nhân ai cũng vui mừng phấn khởi” anh Thang hồ hởi nói.
Đang khẩn trương cạo mủ cách đó không xa, công nhân Phùng Minh Tuấn cho biết thêm, hầu hết người dân địa phương đều là công nhân cạo mủ cho các nông trường. Hiện giá mủ tăng đúng vào dịp cuối năm, cận kề Tết nên chắc chắn mọi người có được khoản thưởng khá để bù đắp cho những ngày lương thấp vừa qua.
“Trong thời điểm giá thấp, có những lúc tiền lương không đủ để trang trải chi phí sinh hoạt hàng ngày, thế nhưng, hầu hết anh em công nhân đều bám trụ với nghề. Hiện giá mủ đang phục hồi, chúng tôi hy vọng phía Công ty có phần thưởng Tết xứng đáng để chúng tôi có thêm điều kiện trang trải cuộc sống”, anh Tuấn chia sẻ.
Còn tại Nông trường Tân Lập những ngày này, không khí làm việc nhộn nhịp, hối hả hơn hẳn. Chị Phạm Thị Tuyết Vân có hơn 20 năm làm công nhân cho nông trường cho biết: Thời điểm mủ xuống thấp, chị từng xin nghỉ ra ngoài làm, nhưng chỉ sau hơn 1 năm công việc không phù hợp nên chị xin về lại nông trường tiếp tục cạo mủ.
“Lúc ấy, nhiều người nói đi làm công nhân khu công nghiệp đỡ cực hơn nên tôi nghe theo. Tuy nhiên, thấy công việc không phù hợp, giờ giấc gò bó, đôi khi phải tăng ca đến khuya, với lại thu nhập cũng không cao hơn nên tôi quay trở lại nông trường xin cạo mủ. Dù lương thấp nhưng chắt chiu vẫn đủ sống, khi mủ lên chúng tôi cũng sẽ có chút của ăn của để”, chị Vân nói.
Bà con tiểu điền hồ hởi đón Xuân
Bên cạnh đội ngũ công nhân cao su làm việc tại các nông trường, bà con nông dân trồng cao su tiểu điền cũng hồ hởi, phấn khởi ra mặt vì giá cao su đi lên.
Chỉ trồng gần 2.000 cây cao su nhưng mỗi tuần, gia đình bà Nguyễn Thị Liên ở xã Thiện Hưng (Bù Đốp) thu về gần 10 triệu đồng. Đang khẩn trương thu gom số mủ vừa khai thác được để kịp giao cho thương lái, bà Liên phấn khởi cho biết: Những năm trước, do giá mủ xuống thấp nên gia đình gần như bỏ bê vườn cây vì thu không đủ bù chi, cuộc sống gia đình vì thế gặp nhiều khó khăn. “Bước vào vụ khai thác cuối năm nay, giá mủ liên tục tăng, tôi sẽ cố gắng chăm sóc, đầu tư cho vườn cây để tăng sản lượng. Mong sao giá mủ cao su tiếp tục giữ được thế này để bà con yên tâm đầu tư sản xuất” bà Liên nói.
Tương tự, gia đình ông Lương Trường Lộc ở gần đó cũng đang sở hữu gần 1 ha cao su đang trong giai đoạn khai thác, ông Lộc chia sẻ: “Mấy năm qua cao su thu về không bao nhiêu, vợ chồng tôi tính thanh lý bán gỗ để trồng cây khác. Nhưng sau khi bàn bạc, nhận thấy mặc dù xuống thấp, với phương châm “lấy công làm lời” sau khi trừ chi phí gia đình vẫn có tiền để chi tiêu. Trong khi đó nếu chuyển đổi phải mất tới 4 năm sau thì mới có lại nguồn thu. Rất may mắn, năm nay giá mủ đã phục hồi kịp thời nên gia đình rất phấn khởi”.
Giá cao su tăng cũng dẫn đến số lượng đơn vị thu mua cũng tăng. Ngoài đưa mủ về các xí nghiệp chế biến của nhà nước, hiện nay do có nhiều nhà máy ép mủ cao su tư nhân ra đời đã giúp cho việc tiêu thụ mủ của tiểu điền trở nên thuận lợi hơn.
Theo bà Lê Thị Ánh Tuyết - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bình Phước, hiện toàn tỉnh có 230 ngàn ha cao su, trong đó hơn 60% diện tích thuộc các công ty nhà nước, còn lại hộ cá thể.
Những năm qua, do giá mủ giảm sâu nên mỗi năm đã có hàng chục ngàn ha cao su già cỗi, cao su đang cho khai thác được thanh lý bán gỗ để trồng mới hoặc chuyển sang trồng các loại cây khác. Thời gian gần đây, giá mủ cao su trên thị trường thế giới và trong nước đang dần hồi phục và khởi sắc, khiến người dân và những doanh nghiệp cao su trên địa bàn tỉnh hết sức phấn khởi.