| Hotline: 0983.970.780

Xuân về nghe điệu cồng chiêng người S’tiêng

Chủ Nhật 06/02/2022 , 10:42 (GMT+7)

Nếu rượu cần là linh hồn văn hóa ẩm thực, thì cồng chiêng được xem là ngôn ngữ để người S’tiêng giao tiếp thần linh và thiên nhiên.

Lưu giữ truyền thống

Những ngày này, đồng bào S'Tiêng ở tỉnh Bình Phước nói chung và Bù Đốp nói riêng đang đón một mùa xuân Nhâm Dần 2022 vui tươi hạnh phúc. So với năm trước, đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào nơi đây được nâng lên một bước bởi nhà nào cũng có trâu, bò, dê, tiêu, điều, cao su được mùa được giá, không khí đón Tết "xôm" và rộn rã hơn.

Già làng Điểu Chơn (áo đỏ) truyền dạy điệu cồng chiêng cho bà con trong thôn, sóc. Ảnh: Trần Trung.

Già làng Điểu Chơn (áo đỏ) truyền dạy điệu cồng chiêng cho bà con trong thôn, sóc. Ảnh: Trần Trung.

Sau vài ly trà nóng hàn huyên, dắt chúng tôi vào buồng để chiêm ngưỡng bộ cồng chiêng đen bóng màu thời gian, đôi mắt lấp lánh vẻ tự hào, già làng Điểu Chơn thôn Thiện Cư, xã Thiện Hưng tự hào cho biết, dân tộc S’tiêng có nhiều loại nhạc cụ truyền thống lắm, như trống, đàn bầu, sáo... nhưng cồng chiêng là nhạc cụ tiêu biểu và linh thiêng nhất. Với người S’tiêng, cồng chiêng là tài sản vô giá, là nét văn hóa mang đậm dấu ấn thời gian và không gian, biểu tượng cho sức mạnh vật chất lẫn sức mạnh tinh thần.

Theo già Chơn, một bộ cồng (có núm ở giữa) gồm 5 chiếc và một bộ chiêng (đòn là) gồm 6 chiếc, những chiếc cồng hoặc chiêng trong một bộ có kích cỡ từ nhỏ đến lớn và cũng tạo ra âm thanh, âm điệu khác nhau. Số lượng cũng như chủng loại, chất lượng bộ cồng chiêng sẽ phản ảnh mức độ giàu có của những gia đình người S’tiêng.

Một bộ cồng (có núm ở giữa) của đồng bào S'tiêng gồm 5 chiếc, số lượng cũng như chủng loại, chất lượng bộ cồng chiêng sẽ phản ảnh mức độ giàu có của những gia đình người S’tiêng. Ảnh: Trần Trung.

Một bộ cồng (có núm ở giữa) của đồng bào S'tiêng gồm 5 chiếc, số lượng cũng như chủng loại, chất lượng bộ cồng chiêng sẽ phản ảnh mức độ giàu có của những gia đình người S’tiêng. Ảnh: Trần Trung.

“Cồng chiêng là cầu nối để con người gửi tâm tư, nguyện vọng đến Trời Đất, các vị thần, cầu mong những điều tốt lành cho cuộc sống gia đình hạnh phúc, sức khỏe tốt, mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu... Vì vậy, không đơn thuần là một loại nhạc cụ truyền thống, cồng chiêng là “món ăn tinh thần”, là “tôn giáo” không thể thiếu trong suốt “bánh xe” cuộc đời của người S’tiêng, từ lúc chào đời, lao động, cưới hỏi... đến khi về với tổ tiên”, già làng Điểu Chơn tự hào nói.

Cầm trên tay một chiếc chiêng gần 100 năm tuổi, già làng Chơn cho biết thêm, hiện nay, nhiều nhạc cụ truyền thống đang bị giới trẻ lãng quên. Các loại hình văn hóa hiện đại xâm nhập tận ấp, sóc. Để bảo tồn và phát huy bản sắc dân tộc, từ bao đời nay, những già làng như ông vẫn giữ niềm đam mê, nhiệt huyết với nhịp điệu cồng chiêng. Ngoài mang tiếng nhạc cho đời, các già cũng không quên “truyền lửa” cho các thế hệ con cháu trong thôn, sóc.

Chiếc cồng 100 năm tuổi đang được đồng bào S'tiêng thôn Thiện Cư gìn giữ phát huy. Ảnh: Trần Trung.

Chiếc cồng 100 năm tuổi đang được đồng bào S'tiêng thôn Thiện Cư gìn giữ phát huy. Ảnh: Trần Trung.

Anh Điểu Cần, Trưởng thôn Thiện Cư và là một trong những người được truyền dạy giai điệu cồng chiêng chia sẻ, anh tham gia đội cồng chiêng của sóc từ khi mười mấy tuổi, lúc chưa lập gia đình, nay đã ngót nghét 40 năm biết đánh cồng chiêng. Lúc nhỏ, anh được các già làng hướng dẫn rồi đam mê, gắn bó với cái cồng cái chiêng từ đó đến giờ. Giờ anh lại cố gắng truyền lại cảm hứng, kỹ thuật đánh và ý thức giữ gìn cồng chiêng cho lớp trẻ.

“Để giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc mình, thuận theo lời kêu gọi của các già làng, ban điều hành thôn đã thành lập đội cồng chiêng. Đội thường tập trung vào những ngày cuối tuần hoặc cuối tháng tại nhà văn hóa để đánh cồng chiêng cũng như trao đổi kinh nghiệm trong đời sống sản xuất. Khi vào các dịp lễ hội như mừng lúa mới, cưới, hỏi… hoặc các cuộc thi liên hoan văn hóa các dân tộc thiểu số, đội sẽ tham gia để vừa duy trì vừa quảng bá văn hóa người S’tiêng đến với công chúng”, anh Cần phấn khởi nói.

Bảo tồn di sản nhân loại

Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Phước, cồng chiêng của Bình Phước là một bộ phận trong không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Trong nhiều năm qua, những người làm văn hóa ở Bình Phước đã khuyến khích các hoạt động văn hóa có sử dụng cồng chiêng; đồng thời, duy trì tổ chức các liên hoan cồng chiêng thường niên ở cấp xã, huyện và tỉnh.

Anh Điểu Cần (áo sọc đen) tự hào truyền thống của đồng bào mình. Ảnh: Trần Trung.

Anh Điểu Cần (áo sọc đen) tự hào truyền thống của đồng bào mình. Ảnh: Trần Trung.

Hiện hầu hết các thôn, sóc người S’tiêng trên địa bàn Bình Phước đều có các đội cồng chiêng phục vụ đồng bào sinh hoạt cộng đồng.  Thông qua các hoạt động, Sở huy động các đội cồng chiêng, các nghệ nhân người S’tiêng tham gia nhằm truyền cảm hứng và góp phần bảo tồn giá trị văn hóa phi vật thể cồng chiêng. Bên cạnh đó, tại các trường dân tộc nội trú cũng được khuyến khích đưa môn cồng chiêng vào truyền dạy cho các bậc học sinh người đồng bào dân tộc S’tiêng.

Theo ông Đỗ Minh Trung, Phó Giám đốc Sở VH-TT-DL Bình Phước, vào ngày lễ, Tết, hình ảnh quen thuộc bên ngọn lửa thiêng, những vòng người say sưa nhún nhảy theo tiếng cồng chiêng vang dội. Âm thanh cồng chiêng còn là chất men lôi cuốn gái trai vào những điệu múa hào hứng của cả cộng đồng trong những ngày lễ hội. Đó là một bộ phận không thể thiếu trong đời sống tinh thần của đồng bào S’tiêng.

Điệu cồng chiêng được tái hiện trong Lễ hội mừng lúa mới của người đồng bào S'tiêng. Ảnh: Trần Trung.

Điệu cồng chiêng được tái hiện trong Lễ hội mừng lúa mới của người đồng bào S'tiêng. Ảnh: Trần Trung.

"Để bảo tồn và phát huy nét đẹp, truyền thống của văn hóa S’tiêng nói chung và nghệ thuật cồng chiêng đồng bào S’tiêng nói riêng, cần có sự quan tâm đúng mức, ưu tiên các nguồn lực cho công tác bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa; có chính sách hỗ trợ để cộng đồng có môi trường và không gian văn hóa rộng mở để bảo tồn di sản", ông Đỗ Minh Trung nhận định.

Từ bao đời nay, cồng chiêng gắn bó mật thiết trong đời sống cộng đồng, nghi lễ, lễ hội truyền thống của đồng bào dân tộc S’tiêng nói chung và Bình Phước nói riêng. Vì vậy, việc bảo tồn và phát huy văn hóa cồng chiêng luôn được các cấp, ngành tại địa phương này rất quan tâm, chú trọng. Các già làng tại các thôn, sóc vẫn âm thầm “giữ và truyền lửa”. Qua đó, góp phần gìn giữ giá trị truyền thống tốt đẹp của người S’tiêng trên đất Bình Phước.

Xem thêm
Quốc hội phê chuẩn bổ nhiệm Bộ trưởng Bộ Tài chính, Bộ trưởng Bộ GTVT

Hôm nay (28/11), Quốc hội bỏ phiếu phê chuẩn bổ nhiệm nhân sự Bộ trưởng Bộ Tài chính và Bộ trưởng Bộ GTVT và tiến hành bầu Tổng Thư ký Quốc hội mới.

Tầm nhìn xanh bền vững: [Bài 1] Cuộc cách mạng trên đồng ruộng Mộc Châu

SƠN LA Mộc Châu chuyển mình mạnh mẽ nhờ ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp, nâng cao giá trị nông sản và đặt nền móng vững chắc cho phát triển nông nghiệp bền vững.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Sạt lở nghiêm trọng trên tuyến đường Hồ Chí Minh đoạn qua Quảng Nam

Lượng lớn đất đá tràn xuống tuyến đường Hồ Chí Minh đoạn qua huyện Phước Sơn (Quảng Nam) sau mưa lớn đã khiến giao thông khu vực này bị ách tắc.