| Hotline: 0983.970.780

Xuất khẩu tôm tăng trưởng bất chấp Covid-19

Thứ Hai 31/08/2020 , 07:10 (GMT+7)

Xuất khẩu tôm đang tăng trưởng tốt trong bối cảnh ngành thủy sản bị ảnh hưởng lớn bởi Covid-19. Xuất khẩu tôm liệu có tiếp tục tăng trong những tháng cuối năm?

Xuất khẩu tôm tăng trưởng tốt trong 7 tháng đầu năm nay. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Xuất khẩu tôm tăng trưởng tốt trong 7 tháng đầu năm nay. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Điểm sáng ngành thủy sản

Theo Tổng cục Hải quan, tháng 7 vừa qua, xuất khẩu tôm đạt 388,5 triệu USD, tăng 16,3% so với tháng 7/2019. Như vậy, trong 7 tháng đầu năm nay, xuất khẩu tôm đã đạt 1,9 tỷ USD, tăng 7,7% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong bối cảnh sụt giảm chung về giá trị xuất khẩu của ngành thủy sản (đạt 4,4 tỷ USD trong 7 tháng đầu năm, giảm 6% so cùng kỳ 2019) do ảnh hưởng từ dịch bệnh Covid-19, thì sự tăng trưởng nói trên của mặt hàng tôm là rất ấn tượng.

Tôm cũng là một trong những điểm sáng hiếm hoi về tăng trưởng xuất khẩu của ngành thủy sản (nhóm hàng tăng trưởng còn lại là cua, ghẹ và giáp xác), trong khi cá tra giảm tới 31,5% trong 6 tháng đầu năm, cá ngừ giảm 20,5%, cá các loại khác giảm 2,3%…

Chính nhờ sự tăng trưởng của tôm nên xuất khẩu thủy sản trong 7 tháng qua đã không bị giảm quá nhiều về giá trị.

Sự tăng trưởng của xuất khẩu tôm trong năm nay, chủ yếu dựa vào tôm thẻ chân trắng. Trong 7 tháng, xuất khẩu tôm thẻ chân trắng tăng 12% về giá trị so với cùng kỳ 2019, trong khi giá trị xuất khẩu tôm sú giảm 14%. Tôm thẻ chân trắng tăng trưởng tốt là do phù hợp hơn với nhu cầu, khả năng tiêu dùng trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, bởi giá của tôm thẻ chân trắng ở mức vừa phải, không cao như giá tôm sú.

Theo TS Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Thực phẩm Sao Ta, thời buổi khó khăn khiến người tiêu dùng chỉ chấp nhận những sản phẩm có giá cả vừa phải.

Ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký VASEP, cho biết, dịch bệnh Covid-19 đã làm cho nhu cầu tiêu thụ các mặt hàng thủy sản, trong đó có tôm, giảm mạnh ở khu vực nhà hàng hoặc các hoạt động ngoài trời. Tuy nhiên, tại các hệ thống bán lẻ ở các thị trường lớn, nhu cầu tiêu thụ tôm vẫn ổn định.

Từ lâu nay, tôm đã trở thành thực phẩm phổ biến, thiết yếu ở nhiều thị trường. Nên nhìn chung nhu cầu tiêu thụ tôm chưa bị ảnh hưởng nhiều bởi dịch bệnh Covid-19.

Nhu cầu sử dụng tôm tại nhà tăng lên, cũng là cơ hội lớn cho các sản phẩm tôm chế biến sâu so với sản phẩm tươi/sống/đông lạnh. Mà ngành tôm Việt Nam hiện đã đạt trình độ cao về chế biến tôm trên thế giới.

Nhờ vậy, trong khi tổng giá trị xuất khẩu tôm sú giảm 14% thì riêng sản phẩm tôm sú chế biến lại tặng tới 34%. Giá trị xuất khẩu tôm thẻ chân trắng chế biến cũng tăng tới 21%.

Dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng lớn tới nguồn cung từ Ấn Độ, Ecuador… cũng tạo cơ hội cho sự tăng trưởng của xuất khẩu tôm Việt Nam vốn có sự ổn định lại về sản xuất nhanh hơn sau Covid-19. Theo VASEP, trong 6 tháng đầu năm nay, xuất khẩu tôm của Ấn Độ giảm 9% xuống mức thấp nhất kể từ 2016.

Ấn tượng thị trường Mỹ

Trong sự tăng trưởng của xuất khẩu tôm, Mỹ là thị trường đóng vai trò quan trọng nhất. Trong tháng 7 vừa rồi, xuất khẩu tôm Việt Nam sang Mỹ tăng rất mạnh, tới 45,3% so với tháng 7/2019. Trước đó, trong tháng 6, xuất khẩu tôm sang Mỹ cũng tăng tới 41%.

Từ đầu năm đến nay, Mỹ là một trong số ít những thị trường quan trọng mà xuất khẩu tôm luôn tăng trưởng dương. Nhờ đó, trong 7 tháng qua, xuất khẩu tôm sang Mỹ đạt 435,2 triệu USD, tăng tới gần 33% so với cùng kỳ năm ngoái. Hiện Mỹ đang là thị trường lớn nhất của tôm Việt Nam khi chiếm gần 22,8% tổng giá trị xuất khẩu.

Trong bối cảnh của dịch bệnh Covid-19, nhu cầu nhập khẩu tôm của Mỹ vẫn tăng. Theo VASEP, trong 6 tháng đầu năm 2020,  Mỹ đã nhập khẩu 309.317 tấn tôm, trị giá 2,6 tỷ USD, tăng 3% về khối lượng và 4% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái.

Cả năm liệu có tăng?

Theo nhận định của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), trong các tháng cuối năm nay, xuất khẩu tôm của Việt Nam sẽ tiếp tục tăng so với cùng kỳ năm 2019. Tính chung cả năm 2020, xuất khẩu tôm có thể tăng 7,7% về lượng và tăng 5,82% về trị giá so với năm 2019, đạt 415,2 nghìn tấn và 3,52 tỷ USD.

Tuy nhiên, ông Trương Đình Hòe cho rằng, những diễn biến mới của dịch bệnh Covid-19, khiến cho rất khó dự báo về xuất khẩu tôm trong những tháng còn lại của năm nay. Do đó, các doanh nghiệp cần nắm chắc, theo dõi sát tình hình thị trường, tận dụng thời cơ giao hàng nhanh, luôn đảm bảo cung ứng đủ hàng cho đối tác nước ngoài với giá hợp lý …

Còn theo TS Hồ Quốc Lực, hiện nay tôm nuôi đang bị dịch bệnh hoành hành (bệnh vi bào tử trùng EHP) khiến người nuôi giảm thả giống. Cho nên những tháng cuối năm sẽ thiếu hụt tôm nguyên liệu. 7 tháng đầu năm nay, xuất khẩu tôm đang tăng trưởng về giá trị nhưng xuất khẩu cả năm có thể chỉ ngang ngửa với năm 2019.

TS Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Thực phẩm Sao Ta

TS Hồ Quốc Lực.

TS Hồ Quốc Lực.

Xuất khẩu tôm sẽ duy trì tốt ít nhất 8 tháng đầu năm. Nguyên nhân là dù gặp nhiều khó khăn do do tác động của Covid-19, người tiêu dùng trên thế giới vẫn có nhu cầu sử dụng tôm. Do đó, trong khi nguồn tôm đi vào các dịch vụ ăn uống bị giảm, thì tôm vào các hệ thống bán lẻ lại tăng nhờ sức mua tăng hơn bình thường khi người tiêu dùng chuyển thói quen từ ăn ở nhà hàng, quán ăn sang ăn tại nhà.

Song song với đó, việc các cường quốc tôm như Ấn Độ, Ecuador gặp khó khăn bởi Covid-19, dẫn tới nguồn cung giảm, đã giúp cho tôm Việt thuận lợi hơn về tiêu thụ.

Hiệp định EVFTA đã có hiệu lực là một thuận lợi hết sức to lớn cho xuất khẩu tôm Việt Nam vào EU. Tuy nhiên, tận dụng thời cơ này không dễ. Trước tháng 8/2020, tôm Việt Nam xuất sang EU đã được hưởng ưu đãi thuế quan theo Hệ thống ưu đãi phổ cập GSP (có GSP các dòng thuế tôm giảm khoảng một nửa), nên thị phần tôm Việt ở đây đã khá cao.

Với Hiệp định EVFTA, tôm chế biến phổ biến sẽ có thuế bằng 0%. Tôm chế biến sâu (chiên, luộc, bao bột...) giảm về 0% theo lộ trình 5 - 7 năm.

Tuy nhiên, các hệ thống phân phối cao cấp ở EU đòi hỏi sản phẩm phải được kiểm soát suốt quá trình hình thành. Cụ thể tôm nuôi phải có chứng nhận quốc tế ASC. Ở Việt Nam, diện tích nuôi tôm đạt chứng nhận này rất thấp, khoảng 6%. Nguyên nhân là do tôm nuôi của ta đa phần nhỏ lẻ, các hộ nuôi không kham nổi chi phí chứng nhận, chỉ có trang trại nuôi lớn mới đáp ứng được.

Nếu tôm Việt không thể vào hệ thống phân phối cao cấp ở EU (đây là sở trường các doanh nghiệp tôm Việt do đạt trình độ chế biến cao của thế giới), thì sẽ làm giảm ưu thế của EVFTA. Bởi nếu chỉ vào được hệ thống cấp thấp, ít đòi hỏi tiêu chuẩn ASC, thì giá tôm sẽ không cao, nên doanh nghiệp không có lợi nhuận tốt để chia sẻ với người nuôi tôm.

Xem thêm
Làng nghề sản xuất bột gạo Sa Đéc rộn ràng mùa Tết

Đồng Tháp TP Sa Đéc có hơn 180 hộ, cơ sở và doanh nghiệp, với hơn 2.000 lao động tham gia sản xuất bột và các sản phẩm sau bột.

Trao quyết định bổ nhiệm Tổng Giám đốc Vinachem cho ông Nguyễn Hữu Tú

Vinachem tổ chức lễ công bố bổ nhiệm ông Nguyễn Hữu Tú làm Tổng Giám đốc, đánh dấu bước ngoặt phát triển mới trong ngành hóa chất Việt Nam.

Phê duyệt Quy hoạch phân khu xây dựng Khu công nghiệp Yên Sơn

UBND tỉnh Bắc Giang ban hành Quyết định phê duyệt quy hoạch phân khu xây dựng Khu công nghiệp Yên Sơn, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang, tỷ lệ 1/2000.

Thu ngân sách hơn 1,8 triệu tỷ đồng, vượt 6,3% dự toán

Qua 11 tháng, tổng thu ngân sách Nhà nước ước đạt 1.808,5 nghìn tỷ đồng, bằng 106,3% dự toán, tăng 16,1% so cùng kỳ 2023; trong đó, thu ngân sách trung ương vượt hơn 10%.

Bình luận mới nhất