| Hotline: 0983.970.780

Cần giải cứu sông Cánh Hòm

Thứ Sáu 11/01/2013 , 10:50 (GMT+7)

Vùng Đông sông Cánh Hòm thuộc huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị, nằm cuối của các hệ thống thủy lợi Kinh Môn, Hà Thượng, Trúc Kinh, nên nguồn nước về rất yếu.

Vùng Đông sông Cánh Hòm thuộc huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị, nằm cuối của các hệ thống thủy lợi Kinh Môn, Hà Thượng, Trúc Kinh, nên nguồn nước về rất yếu. Nông dân Nguyễn Văn Tuân ở xã Gio Thành cho biết: Lâu nay, bà con chúng tôi thường sử dụng nguồn nước sông Cánh Hòm tưới tiêu phục vụ SX nhưng sông Cánh Hòm đã bị bồi lấp, chia thành nhiều đoạn nên không còn khả năng cung cấp đủ nguồn nước tưới, tiêu.

Sông cạn kiệt do bồi lấp

Cánh Hòm là con sông đào, dài 19,5 km, chảy qua địa bàn huyện Gio Linh, nối từ sông Thạch Hãn đến sông Bến Hải và hệ thống phụ lưu của sông có chiều dài 5,6 km. Sông có nhiệm vụ bổ sung nguồn nước tưới cho 1.070 ha lúa nước, cây nông nghiệp và nuôi trồng thuỷ sản của các xã Trung Hải, xã Gio Phong, xã Gio Mỹ, xã Gio Thành, xã Gio Mai thuộc vùng phía Đông huyện Gio Linh.

Trên sông Cách Hòm đã xây dựng đập ngăn mặn Xuân Hoà ở xã Trung Hải và đập ngăn mặn Mai Xá ở xã Gio Mai, nhằm trữ nguồn nước của sông và các nhánh phụ lưu của sông cũng như nguồn nước hồi quy từ 3 hệ thống thủy lợi Kinh Môn, Hà Thượng, Trúc Kinh.

Nhưng hiện sông Cánh Hòm đã bồi lấp khá lớn, vào mùa hè hoặc khí hậu hanh khô trong vòng 10 ngày thì sông đã cạn kiệt và dòng chảy tự nhiên của sông bị đứt thành nhiều đoạn, đáy sông bị bít lại và thu hẹp do cát lấp. Khả năng trữ nước chống hạn và tưới không có, nên vào các năm 2005, 2008, 2009 hạn đã đe doạ đến tình hình SX của các địa phương vùng Đông Gio Linh. Đặc biệt đoạn qua xã Gio Phong, xã Gio Mỹ và xã Gio Thành lòng sông đã cạn, đáy sông cao nên không thể tận dụng dự trữ các nguồn nước hồi quy và dẫn nước về bổ sung cho các trạm bơm trong vùng.


Sông Cánh Hòm bị bồi lấp không còn khả năng cung cấp nước tưới

Ông Nguyễn Quang Trinh, Phó chủ tịch huyện Gio Linh, cho biết, do thiếu nước tưới nên vụ SX Hè-Thu ở các xã vùng Đông huyện Gio Linh ruộng đồng luôn bị khô cháy, tổng diện tích đất nông nghiệp bị bỏ hoang do hạn hán vụ Hè-Thu năm 2010 là 365 ha. Trong đó, xã Gio Mai 75 ha, xã Gio Thành 125 ha, xã Gio Mỹ 95 ha, Thị Trấn Gio Linh 45 ha, xã Trung Hải 25 ha. Ngoài ra, ảnh hưởng của sự biến đổi khí hậu làm gần 1.070 ha lúa nước, hoa màu và các cây nông nghiệp trong vùng Đông không có đủ nguồn nước để đảm bảo sự sinh trưởng, tình trạng mất mùa thường xuyên xảy ra, đe dọa đời sống người dân của huyện Gio Linh.

Về mùa mưa lũ, lượng nước từ các nơi tập trung đổ về vùng Đông Gio Linh và thoát lũ qua sông Cánh Hòm. Do lòng sông bị bồi lắng nên gây ngập úng cho vùng. Vì vậy, cần phải nạo vét, khơi thông dòng chảy sông Cánh Hòm nhằm thoát nước trong mùa mưa lũ ra Sông Thạch Hãn và Sông Bến Hải.

Cần nạo vét

Ông Nguyễn Duy Thông, TGĐ Cty TNHH MTV Quản lý Khai thác công trình Thuỷ lợi Quảng Trị, cho biết: “Nguyện vọng thiết tha của nhân dân cũng như chính quyền huyện Gio Linh cần có nguồn nước phục vụ cho SX. Nên việc nạo vét, khơi thông dòng chảy sông Cánh Hòm nhằm trữ nước, bổ sung nguồn nước tưới cho SXNN, nuôi trồng thuỷ sản và thoát lũ cho vùng Đông Gio Linh là hết sức cấp bách và thiết thực. Tổng kinh phí đầu tư cần đến gần 100 tỉ đồng”.

Theo ông Thông, dự kiến công trình thực hiện gồm nạo vét sông Cánh Hòm kết hợp đầu tư một số hạng mục nhằm tăng khả năng trữ và dẫn nước, cung cấp, bổ sung nguồn nước chống hạn phục vụ nông nghiệp cho vùng Đông huyện Gio Linh. Bên cạnh đó, tận dụng lượng nước hồi quy của các hệ thống thuỷ lợi Kinh Môn, Hà Thượng, Trúc Kinh cung cấp nước cho các trạm bơm hiện có trong vùng vào các tháng mùa khô, cải tạo môi sinh môi trường, đồng thời tăng khả năng thoát lũ.

Ngoài ra, công trình còn dự kiến mở tuyến kênh mới N6A nối từ kênh chính Hà Thượng để cấp nước cho 100 ha đất lúa xã Gio Mỹ và hơn 350 ha đất canh tác SXNN thuộc các xã nằm dọc bờ sông Cánh Hòm. Ngoài ra, còn nâng cấp, kéo dài tuyến kênh N0-8 với tổng chiều dài kênh hơn 800 m, xây dựng mới cầu máng dẫn nước qua sông Cánh Hòm phục vụ tưới cho vùng diện tích lúa hơn 85 ha của xã Gio Mai, huyện Gio Linh.

Với giải pháp nạo vét mở rộng mặt cắt lòng sông trung bình 50 m, hạ thấp cao trình đáy sông xuống thêm 1 m đến 1,5 m, tăng chiều sâu cột nước trong sông lên từ 3 m đến 3,5 m. Nếu được nạo vét, lượng nước trữ của sông được tăng thêm ước tính 2 triệu m3 nước/năm, việc dẫn nước về các trạm bơm sẽ được dễ dàng và hiệu quả.

Khi hoàn thành công trình, nước từ các hồ đập được dẫn về bổ sung cho các trạm bơm hiện có trong vùng, đảm bảo cung cấp nguồn nước cho SXNN và nuôi trồng thủy sản của các xã vùng Đông Gio Linh, góp phần nâng cao đời sống về vật chất và tinh thần, góp phần xoá đói giảm nghèo cho người dân. Về mùa lũ sẽ thoát úng cho 3.500 ha đồng ruộng và dân cư vùng ngập úng. Dự án sau khi hoàn thành đảm bảo cấp nước cho 1.070 ha lúa khỏi bị hạn hán...

Xem thêm
Sai phạm ở loạt dự án liên quan đại gia Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ

PHÚ THỌ Trong hàng loạt dự án liên quan ông Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ, có nhiều dự án Báo Nông nghiệp Việt Nam và cơ quan chức năng chỉ rõ sai phạm.

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Đường lớn làm chưa xong, tỉnh lộ đã nát bét

Xe trọng tải lớn chở vật liệu thi công tuyến đường thành phố Bắc Kạn đi hồ Ba Bể chạy rầm rập ngày đêm 'cày' nát đường tỉnh 257B.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm