| Hotline: 0983.970.780

Dịch lan khắp tỉnh, vẫn "kiên quyết" không công bố!

Thứ Tư 05/10/2011 , 10:07 (GMT+7)

Cơ quan Thú y Vùng VI hôm qua, 4/10 cho biết, lãnh đạo tỉnh Tây Ninh đang vi phạm nghiêm trọng Pháp lệnh Thú y khi “kiên quyết” không công bố dịch tai xanh.

Cơ quan Thú y Vùng VI hôm qua, 4/10 cho biết, lãnh đạo tỉnh Tây Ninh đang vi phạm nghiêm trọng Pháp lệnh Thú y khi “kiên quyết” không công bố dịch tai xanh. Việc làm sai luật này đang dẫn đến hậu quả khó lường, đặc biệt là “kích thích” dân bán chạy heo bệnh…

Trao đổi với NNVN, ông Nguyễn Xuân Bình – Giám đốc Cơ quan Thú y Vùng VI cho biết, trong bối cảnh “nước sôi lửa bỏng”, phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm đang rất khẩn cấp nhưng thái độ của nhiều lãnh đạo địa phương chưa nghiêm túc, vi phạm nghiêm trọng Pháp lệnh Thú y về phòng chống dịch.

Theo ông Bình, 3 xã trong một huyện có dịch thì huyện đó phải công bố dịch; 3 huyện trong một tỉnh có dịch thì toàn tỉnh đó phải công bố dịch. Thủ tục thực hiện là Chi cục Thú y phải nhanh chóng đề nghị Sở NN-PTNT và Sở phải đề nghị lên tỉnh để đề nghị công bố dịch. Nhưng thật khó hiểu là tỉnh Tây Ninh đã có tới 160 hộ dân trong 17 xã của 5 huyện Châu Thành, Tân Biên, Gò Dầu, Tân Châu, Bến Cầu phát dịch từ lâu nhưng tỉnh kiên quyết không công bố dịch toàn tỉnh (hiện mới chỉ công bố dịch trên địa bàn xã Thạnh Đức, huyện Gò Dầu). 

Vacxin và thiết bị phòng chống dịch Trung ương chuẩn bị sẵn sàng, nhưng Tây Ninh “kiên quyết” không công bố dịch để nhận hỗ trợ!

“Chúng tôi cùng Cục trưởng Cục Thú y đã trực tiếp xuống kiểm tra và đề nghị lãnh đạo tỉnh công bố dịch ngay, bản thân Phó Chủ tịch tỉnh hôm đó đi khảo sát cùng cũng quán triệt với địa phương là sẽ thực hiện; nhưng không hiểu tỉnh còn đang khúc mắc điều gì mà đến giờ vẫn chưa thấy. Chiều hôm qua (3/10) tôi có gọi điện cho anh Mấy (Chi cục trưởng Chi cục Thú y Tây Ninh) thì được biết lãnh đạo tỉnh Tây Ninh có họp chiều 3/10 và mới chỉ nghe đề nghị công bố dịch chứ chưa thấy quyết định gì!” – ông Bình nói.

Việc làm trái luật của tỉnh Tây Ninh đang dẫn đến những hậu quả rất khó lường, đặc biệt là công tác chống dịch sẽ thiếu hiệu quả, người chăn nuôi sẽ ồ ạt bán chạy heo bệnh để gỡ gạc khi các chính sách hỗ trợ theo quy định chưa rõ ràng. Theo ông Bình, muốn Trung ương cấp vacxin phòng chống dịch thì tỉnh đó phải công bố dịch; muốn có chính sách giải quyết chế độ cho địa phương, cho người chăn nuôi và đưa nhanh các giải pháp kỹ thuật vào khống chế thì tỉnh cũng phải công bố dịch.

“Tất cả mọi thứ từ tài chính cho đến vacxin, trang thiết bị hỗ trợ phòng chống dịch Trung ương đều chuẩn bị sẵn sàng, nhưng địa phương cứ im ỉm không công bố thì làm sao chống dịch hiệu quả? Đây là vấn đề liên quan đến pháp lý, địa phương không thể tùy tiện thích công bố dịch hay không; Trung ương cũng không thể tùy tiện xuất tiền và thiết bị chống dịch trong khi địa phương không công bố đúng thủ tục pháp lý” – ông Bình nhấn mạnh. 

Không công bố dịch đúng luật chẳng khác nào kích thích người dân bán chạy heo bệnh!

Tại Trại heo giống của tỉnh Sóc Trăng, dịch tai xanh xuất hiện với tổng đàn 930 con, hiện đã tiêu hủy 415 con. Ngày 3/10, Cục Thú y tiếp tục xuống kiểm tra và nhận thấy số heo còn lại vẫn đang tiếp tục dính bệnh. Lãnh đạo Cục đã yêu cầu tiếp tục đưa vacxin vào xử lý nhằm phân loại số heo khỏe, hy vọng “vớt vát” một phần đàn heo giống chủ lực của tỉnh. Còn tại Long An, ngoài Châu Thành thì hiện dịch tai xanh đã lây lan thêm 3 huyện, TP là Đức Hòa, Bến Lức và Tân An.

Liên quan đến nguồn vacxin phòng chống dịch, Cơ quan Thú y Vùng VI cho biết, vacxin tai xanh đang sử dụng là loại nhược độc của Trung Quốc (JXA1-R) phòng và chống dịch rất hiệu quả. Vacxin này có thể đưa thẳng vào ổ dịch, nếu con nào bị nhiễm bệnh mà không biết (ủ bệnh) thì sau một tuần sẽ phát bệnh để phân loại xử lý tiêu hủy, ngược lại sau từ 1 – 3 tuần heo không có triệu chứng bệnh sẽ để nuôi tiếp.

Về cúm gia cầm, Cơ quan Thú y Vùng VI khẳng định đến ngày 4/10 các tỉnh phía Nam chưa phát hiện virus H5N1 loại biến chủng, vì thế vacxin loại cũ (H5N1-Re5) vẫn có hiệu lực với ổ dịch vừa phát hiện tại Long An. Cụ thể, mẫu bệnh phẩm xét nghiệm của Cơ quan Thú y Vùng VI cho thấy, đàn gia cầm 3.000 con của một hộ chăn nuôi tại xã An Lục Long, huyện Châu Thành, Long An dương tính với virus H5N1 (không thuộc dòng biến chủng). Cơ quan Thú y Vùng VI đã phối hợp với cơ quan chức năng địa phương tiến hành tiêu hủy đàn gia cầm này và tạm thời khống chế chưa để dịch lây lan sang các xã xung quanh. Hiện tỉnh Long An còn 300.000 liều vacxin cúm gia cầm (H5N1-Re5) để sẵn sàng tiêm khống chế dịch trên toàn huyện Châu Thành.

Xem thêm
Vịt Xiêm lai Pháp thích hợp cho chăn nuôi nhỏ lẻ

ĐBSCL Tại ĐBSCL, mô hình nuôi vịt Xiêm lai Pháp được bà con nông dân đánh giá mang lại hiệu quả cao, thích hợp cho hình thức chăn nuôi nhỏ lẻ, truyền thống.

Kiểm dịch tôm giống còn gặp khó

Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp trên tôm nuôi mà một phần nguyên nhân do tôm giống gây ra, ngành chức năng đã siết chặt công tác kiểm dịch.

Quảng Ngãi xây dựng mô hình cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất lúa

Các đơn vị đã phối hợp tổ chức gieo sạ bằng máy sạ cụm 12 hàng trên diện tích 5.000m2 tại mô hình ở cánh đồng lúa xã Đức Chánh (Mộ Đức, Quảng Ngãi).