| Hotline: 0983.970.780

Hải Dương làm ngơ cho cát tặc, đất tặc hoành hành?

Thứ Tư 21/03/2018 , 09:21 (GMT+7)

Cát tặc, đất tặc, tiếp tục lộng hành ở thị xã Chí Linh, Hải Dương, trong khi chính quyền địa phương liên tiếp hứa “sẽ xử lý”.

Mua bán như chỗ không người

“Tôi đảm bảo không có chuyện bao che, làm ngơ cho cát tặc gây xáo trộn cuộc sống người dân. Tôi sẽ yêu cầu chính quyền địa phương xử lý rốt ráo”, ông Lưu Văn Bản, Bí thư thị xã Chí Linh, nói với phóng viên từ đầu tháng 3.

18-20-40_2
Bãi tập kết cát được cho là có giá hàng chục tỷ đồng ở xã Văn Đức, thị xã Chí Linh

Hôm 8/3, ông Bản nói kết quả xử lý sẽ có sau một tuần. Song khi PV NNVN tới làm việc vào ngày 19/3, Bí thư thị xã Chí Linh lại hẹn “cần vài tuần nữa”.

“Chúng tôi có vô số việc phải xử lý, chứ đâu phải mỗi cái chuyện cát tặc”, ông Bản giải thích khi PV đề cập đến việc xử lý bãi cát rộng hàng trăm m2 của ông Đồng Thế Toàn, tại xã Văn Đức, thị xã Chí Linh.

Ông Bản thừa nhận hiện tượng cát tặc lộng hành gây ảnh hưởng cuộc sống người dân. Bến bãi này do ông Toàn thuê của chính quyền địa phương, song đã hết hạn từ ngày 10/6/2016. Tuy nhiên, đến nay bến này vẫn là điểm khai thác, tập kết cát.

Anh K., cư dân xã Văn Đức, phản ánh rằng dù Bí thư thị xã hứa sẽ giải quyết, song nạn cát tặc vẫn liên tục diễn ra, thậm chí ngay giữa ban ngày. Dân xã Văn Đức nói họ không dám phản đối mạnh bởi sợ bị... trả thù. Toàn được cho là đối tượng xã hội đen, trước kia hoạt động ở Quảng Ninh, sau đó "dạt" về Hải Dương làm ăn.

Cư dân địa phương nói bãi cát của Toàn dù bỏ rẻ theo giá thị trường cũng lên tới vài chục tỷ đồng. Do đó, nhiều ý kiến cho rằng có hiện tượng “bảo kê”, dẫn đến việc bến bãi trái phép của ông Toàn ngang nhiên hoạt động gần hai năm nay.

Trao đổi với chúng tôi, Bí thư thị xã Chí Linh phủ nhận việc “bảo kê”, song thừa nhận có hiện tượng “buông lỏng quản lý, thậm chí có thể làm ngơ” của chính quyền cấp cơ sở, cụ thể là xã Văn Đức.

Trong khi đó, Chủ tịch xã Văn Đức, ông Nguyễn Văn Tuấn, giải thích rằng “lực lượng mỏng, thiếu thốn phương tiện”, và “chỗ dân địa phương” nên khó xử lý. Tất cả những việc chính quyền xã Văn Đức đã làm là ba lần lập biên bản, chưa xử phạt đồng nào. Trong khi đó, dân địa phương ước tính bãi cát của ông Toàn luôn có ít nhất 50.000m3, tàu thuyền tấp nập ra vào mua bán như chỗ không người. Theo tìm hiểu của chúng tôi, giá thị trường hiện dao động từ 80.000 đồng đến 100.000 đồng mỗi mét khối, mua tại Văn Đức.
 

Múc đất ruộng đem bán

Không chỉ nạn cát tặc, dân các phường Cộng Hòa, Hoàng Tân, và xã Hoàng Tiến, đều thuộc thị xã Chí Linh, còn phàn nàn về việc nạn đất tặc lộng hành.

18-20-40_1
Nhiều mảnh ruộng nay biến thành điểm khai thác đất ở phường Cộng Hòa, thị xã Chí Linh

“Mùa mưa, xe chở đất quá tải nghênh ngang đi qua làng, cày nát đường liên thôn, liên xã. Nắng thì bụi mịt mù. Mưa, đất đọng thành gờ quanh hai bên đường, dày nửa gang tay”, anh N., một người dân ở Hoàng Tân, kể với giọng bức xúc.

Nhiều người dân địa phương dẫn chúng tôi đi dọc các điểm thuộc phường Cộng Hòa, nơi được cho là nạn đất tặc hoành hành nhiều nhất. Ghi nhận của PV tại hiện trường, nhiều mảnh ruộng đã bị biến thành ao, xe ủi, xe tải chở đất hoạt động nhộn nhịp.

“Nhiều nhà thấy bán đất lợi hơn làm ruộng nên đem đi bán đấy. Giá đất đen vào khoảng 60.000 đồng mỗi mét khối, còn đất trắng chứa đất sét, giá cao hơn, khoảng 160.000 đồng”, bà H., dân phường Cộng Hòa, kể.

Tại thôn Đọi Xá, phường Hoàng Tân, gia đình ông Tuấn, thuê 15,9ha, với giá 8 triệu đồng/năm, để nuôi trồng thủy sản. Tuy nhiên, ông Tuấn đã lợi dụng việc này để múc đất đem bán.

Trao đổi với chúng tôi về việc này, ông Tuấn và cả đại diện chính quyền thị xã Chí Linh đều lấp lửng “có làm thì có sai”, không trả lời trực tiếp việc có hay không chuyện bán đất như phản ánh.

“Ông Tuấn được chúng tôi phê duyệt cho nuôi trồng thủy sản. Nếu ông Tuấn có lợi dụng việc này để bán đất cho các nhà máy gạch ở địa phương thì chúng tôi chưa biết”, Bí thư thị xã Chí Linh nói, đồng thời khẳng định sẽ “kiểm tra ngay” việc này. Về thông tin ông Tuấn bán đất suốt cả năm qua, ông Bản nói sẽ cho địa phương xác minh và lập phương án xử lý.


[clip] Bãi cát trái phép của Đồng Thế Toàn.

Xem thêm
Sai phạm ở loạt dự án liên quan đại gia Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ

PHÚ THỌ Trong hàng loạt dự án liên quan ông Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ, có nhiều dự án Báo Nông nghiệp Việt Nam và cơ quan chức năng chỉ rõ sai phạm.

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Đường lớn làm chưa xong, tỉnh lộ đã nát bét

Xe trọng tải lớn chở vật liệu thi công tuyến đường thành phố Bắc Kạn đi hồ Ba Bể chạy rầm rập ngày đêm 'cày' nát đường tỉnh 257B.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm