| Hotline: 0983.970.780

Huyện vượt quyền tỉnh trong vụ cho thuê đất trái pháp luật ở Tân Lập

Thứ Ba 11/04/2017 , 08:51 (GMT+7)

Việc vi phạm pháp luật đã rõ như ban ngày, nhưng cho đến nay, UBND huyện Đan Phượng (thuộc tỉnh Hà Tây cũ, nay thuộc TP Hà Nội) vẫn không chịu thừa nhận, vẫn hết sức quanh co.

Theo đơn tố cáo của ông Nguyễn Hữu Lễ, thương binh 4/4, bệnh binh 2/3, hiện là Bí thư Chi bộ cụm 13, xã Tân Lập (huyện Đan Phượng, thuộc tỉnh Hà Tây cũ, nay thuộc TP Hà Nội), thì từ cuối năm 2000 đến đầu năm 2002, khi UBND tỉnh Hà Tây cũ chưa có các quyết định phê duyệt quy hoạch chi tiết cụm công nghiệp Tân Lập, thu hồi đất, phê duyệt giá đền bù giải phóng mặt bằng... thì UBND huyện Đan Phượng đã ký các quyết định cho 7 doanh nghiệp vào xã Tân Lập thuê đất làm nhà xưởng.

07-29-33_ong-nguyen-huu-le-bi-thu-chi-bo-cum-13-x-tn-lp
Ông Nguyễn Hữu Lễ, Bí thư Chi bộ cụm 13 xã Tân Lập

Huyện Đan Phượng cũng ra “quyết định phê duyệt giá đền bù giải phóng mặt bằng (GPMB)” cho dân, với giá đền bù 12 triệu đồng/sào Bắc bộ (360m2) đất nông nghiệp, dù quyết định phê duyệt giá đền bù là thẩm quyền của UBND tỉnh.

Thực hiện sự chỉ đạo của UBND huyện Đan Phượng, UBND xã Tân Lập, mà trực tiếp là Phó Chủ tịch UBND xã Nguyễn Hữu Tiến, đã ký rất nhiều văn bản trái luật, tự ý soạn các bản “đơn thỏa thuận” rồi cho người đến từng hộ dân, ép họ phải ký giấy thỏa thuận giao đất cho doanh nghiệp với giá 12 triệu đồng/sào.

Những người dân không chấp nhận đều bị UBND xã “mời” lên để “giải quyết”, hoặc bị đe dọa là sẽ cưỡng chế. Do sợ hãi, bà con đều phải chấp nhận giá đền bù do UBND huyện Đan Phượng áp đặt, và giao đất cho doanh nghiệp.

Mãi đến năm 2003, UBND tỉnh Hà Tây mới ra quyết định thu hồi đất, và ban hành quyết định phê duyệt giá đền bù GPMB tại cụm công nghiệp Tân Lập. Giá đền bù do UBND tỉnh Hà Tây phê duyệt là 25,6 triệu đồng/sào.

Đến lúc đó, những người dân xã Tân Lập có đất bị thu hồi, đã nhận tiền theo quyết định phê duyệt giá đền bù của UBND huyện Đan Phượng, mới ngã ngửa ra rằng mình đã bị cướp trắng mất hơn một nửa số tiền, trên cùng một đơn vị diện tích đất. Tính ra, tổng số tiền thiệt hại của họ lên đến cả chục tỷ đồng.

Biết được sự thật đó, những người dân xã Tân Lập có đất bị thu hồi đã phản ứng quyết liệt, dẫn đến việc khiếu kiện kéo dài. Cuối cùng, hai doanh nghiệp là Cty TNHH Hóa Dệt Hà Tây và Cty TNHH Hóa chất Bộ Quốc phòng đã buộc phải chi trả thêm cho các chủ sử dụng đất bị thu hồi tổng cộng 1,282 tỷ đồng. 5 doanh nghiệp còn lại, đến nay vẫn “án binh bất động”.

Trong văn bản trả lời bà con xã Tân Lập về vụ việc trên đề ngày 7/8/2014, ông Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ TN-MT, đã khẳng định: “Quá trình UBND huyện Đan Phượng quyết định cho các tổ chức kinh tế thuê đất và quyết định mức bồi thường cho người bị thu hồi đất tại xã Tân Lập, huyện Đan Phượng trước khi UBND tỉnh Hà Tây có quyết định thu hồi đất và quyết định phê duyệt mức bồi thường là hoàn toàn trái với Luật Đất đai thời bấy giờ, trái hoàn toàn với nghị định 22/1998/NĐ-CP về việc đền bù thiệt hại khi Nhà nước thu hồi đất để sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh, lợi ích công cộng...".

Theo ông Đặng Hùng Võ, việc vi phạm pháp luật ở đây thể hiện ở 3 điểm quan trọng.

Thứ nhất, pháp luật đất đai của Việt Nam từ 15/10/1993 đến nay chưa bao giờ trao thẩm quyền cho UBND cấp huyện được quyết định cho thuê đất, giao đất cho các tổ chức kinh tế.

Thứ hai, cũng theo pháp luật đất đai của Việt Nam từ 15/10/1993 đến nay, chưa bao giờ có quy trình ngược là quyết định cho thuê đất rồi mới quyết định thu hồi đất.

Thứ ba, giá trị đền bù về đất do UBND cấp huyện quyết định thấp hơn mức quy định đền về đất của UBND cấp tỉnh.

Đây là 3 vi phạm pháp luật rất nghiêm trọng, trái với những nguyên lý cơ bản của quản lý đất đai nói chung, và làm thiệt hại tới quyền và lợi ích hợp pháp của những người nông dân có đất bị thu hồi ở xã Tân Lập.

Việc vi phạm pháp luật đã rõ như ban ngày, nhưng cho đến nay, UBND huyện Đan Phượng vẫn không chịu thừa nhận, vẫn hết sức quanh co. Và thay vì bảo vệ những người dân có đất bị thu hồi, bằng cách yêu cầu các doanh nghiệp phải trả tiền đền bù cho dân cho bằng giá phê duyệt của tỉnh, thì trái lại, UBND huyện lại bảo vệ các doanh nghiệp, nên đã 14 năm nay, nhiều người dân có đất bị thu hồi ở Tân Lập vẫn chưa được hưởng mức đền bù theo quyết định phê duyệt của UBND tỉnh Hà Tây cũ.

Không chỉ thế, UBND huyện còn lấy 322 triệu đồng trong số tiền đền bù của dân trả cho bà Nguyễn Thị Mai, chủ Cty Vĩnh Lợi (một trong 7 doanh nghiệp được UBND huyện cho thuê trái pháp luật tại Tân Lập), người không có một mét vuông đất nào bị thu hồi. Việc làm này càng khiến người dân xã Tân Lập bức xúc.

 

Xem thêm
Sai phạm ở loạt dự án liên quan đại gia Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ

PHÚ THỌ Trong hàng loạt dự án liên quan ông Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ, có nhiều dự án Báo Nông nghiệp Việt Nam và cơ quan chức năng chỉ rõ sai phạm.

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Đường lớn làm chưa xong, tỉnh lộ đã nát bét

Xe trọng tải lớn chở vật liệu thi công tuyến đường thành phố Bắc Kạn đi hồ Ba Bể chạy rầm rập ngày đêm 'cày' nát đường tỉnh 257B.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.

Bình luận mới nhất