| Hotline: 0983.970.780

Khai thác cát rầm rộ, đê Thiệu Hợp bị đe dọa

Thứ Năm 06/03/2014 , 09:55 (GMT+7)

Với cường độ khai thác rầm rộ, nguy cơ dòng chảy vỗ thẳng vào chân đê gây sạt lở, ảnh hưởng đến cuộc sống người dân là khó tránh khỏi.

Mỏ cát số 2 thuộc xã Thiệu Tân, huyện Thiệu Hóa được UBND tỉnh Thanh Hóa cấp phép cho khai thác nhằm khơi thông dòng chảy tiêu thoát lũ cho sông Chu. Tuy nhiên, với cường độ khai thác rầm rộ của doanh nghiệp như hiện nay, nguy cơ dòng chảy vỗ thẳng vào chân đê gây sạt lở, ảnh hưởng đến cuộc sống người dân là khó tránh khỏi.

Mỏ cát này đã được UBND tỉnh Thanh Hóa cấp phép cho DN Hùng Mạnh (xã Thiệu Giao, huyện Thiệu Hóa) khai thác từ năm 2012. Ngay sau khi được cấp phép đơn vị này tiến hành khai thác, nhưng khoảng gần một tháng trở lại đây tần suất khai thác cát rất mạnh, có nguy cơ ảnh hưởng trực tiếp đến tuyến đê Thiệu Hợp.

Bà T, một người dân ở làng Quảng Xá, xã Thiệu Hợp lo lắng: "Gần đây khu vực bãi bồi xã Thiệu Tân ngày nào cũng có từ 20 đến 30 chiếc thuyền hút cát liên tục 24/24 giờ, có ngày cao điểm tôi đếm được 50 đến 60 chiếc. Việc khai thác rầm rộ đã gây sạt lở nhiều phần đất bãi bồi chúng tôi từng trồng xoan, nếu cứ đà này thì chẳng bao lâu nữa bãi bồi cũng thành lòng sông". Theo bà T, bãi đất bồi có diện tích khoảng 15 ha, thực chất là của xã Thiệu Tân quản lý, song do địa hình cách trở (phải đi qua sông canh tác) nên người dân xã Thiệu Tân đã cho dân Quảng Xá mượn để trồng xoan và trồng dâu nuôi tằm.

13-17-29_anh4
Nhiều diện tích đất SX của người dân bị sạt lở

"Khoảng hai chục năm về trước, đoàn cán bộ của Trung ương  về khảo sát sau đó cho kè đê nhằm tách dòng chảy đảm bảo an toàn cho người dân 2 xã ven sông Thiệu Tân và Thiệu Hợp mỗi khi lũ về, từ đó chúng tôi an tâm sinh sống, SX. Nhưng bây giờ cấp trên lại cho khai thác hết bãi bồi đi thì có khác gì dòng sông sẽ trở về hiện trạng ban đầu. Rồi nước lại chảy sát chân đê, mùa lũ lại nơm nớp lo vỡ đê”, bà T nói.

Cùng chung nỗi lo lắng như bà T, ông Hoàng một người dân cùng xã nhấn mạnh: "Chúng tôi không biết mỏ cát này được phép khai thác đến đâu, nhưng nhìn bằng mắt thường cũng thấy rõ nhiều diện tích bãi bồi đã mất hẳn và đang tiến sát vào chân đê rồi. Chúng tôi hi vọng chính quyền các cấp cân nhắc khi để DN tiếp tục hút cát, đảm bảo an toàn cho đê và cũng là bảo vệ tính mạng cho người dân".

Trao đổi với ông Lê Xuân Tuệ, Phó chủ tịch UBND xã Thiệu Tân và ông Lê Hồng Lan, Chủ tịch UBND xã Thiệu Hợp, cả 2 vị lãnh đạo đều khẳng định, việc khai thác cát ở mỏ số 2 sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến chân đê, nhất là vào mùa mưa lũ.

"Không hiểu các cấp chính quyền khảo sát và nghĩ gì mà lại cấp phép cho DN này khai thác cát như vậy. Bãi bồi trên vốn là một tấm lá chắn của đoạn cua tay áo sông Chu, nếu nó mất đi thì dòng chảy sẽ đâm thẳng vào chân đê..., gây lo lắng cho người dân ít nhất là 5 xã Thiệu Hợp, Thiệu Duy, Thiệu Quang, Thiệu Giang và Thiệu Thịnh”, ông Lan nói. Được biết, trong một số hội nghị giao ban, ông Lan đã trực tiếp đề nghị với huyện không nên tiếp tục cấp phép cho đơn vị Hùng Mạnh khai thác cát vì dòng chảy nằm sát chân đê và ảnh hưởng trực tiếp tới 7.600 nhân khẩu của xã.

Còn ông Tuệ cho hay, hiện nay tình trạng khai thác cát ở mỏ số 2 rất khó quản lý vì một ngày có đến 60 đến 70 thuyền ra vào. Mặc dù xã Thiệu Tân có một đội quản lý trực 24/24h nhưng mới đây tổng kiểm tra lại thì bên hữu sông Chu (địa phận thuộc xã) bị mất 1.000 m2 đất bãi bồi (khu vực không được phép khai thác-PV).

Ông Lê Xuân Đoàn, Trưởng phòng TN-MT huyện Thiệu Hóa cho biết, mỏ cát số 2 là do UBND tỉnh cấp phép, phòng TN-MT huyện chỉ có chức năng tham mưu, đánh giá quỹ đất, đất thuộc phạm vi địa giới của xã nào, mỏ có cát hay không… mà thôi. "Đến thời điểm này phòng chúng tôi chưa nhận được văn bản phản ánh nào của địa phương cũng như người dân về việc khai thác cát ảnh hưởng đến chân đê. Nhưng qua ý kiến của anh chị báo chí, chúng tôi sẽ tham mưu cho UBND huyện, để huyện có ý kiến với các cơ quan chức năng cấp trên về kiểm tra, thẩm định, nếu có hiện tượng trên sẽ kịp thời có biện pháp ngăn chặn”, ông Đoàn nói.

Ông Nguyễn Trọng Hải, Chi cục trưởng Chi cục đê điều Thanh Hóa: Việc cấp phép mỏ số 2 là để mở rộng lòng sông, tạo dòng chảy thuận cho việc tiêu thoát lũ. Trước khi cấp mỏ chúng tôi đã tham mưu cho Sở TN-MT phải dành lại một phần diện tích bãi bồi để làm lá chắn bảo vệ đê.

Nhưng quá trình khai thác Sở TN-MT và chính quyền địa phương cần phải giám sát, quản lý chặt chẽ, bởi nếu khai thác cát vượt quá mức thì sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến đê. Hiện chúng tôi chưa nhận được phản ánh của Hạt quản lý đê điều Thiệu Hóa và chính quyền địa phương nhưng nếu có báo cáo từ cấp dưới chúng tôi sẽ có văn bản đề nghị các đơn vị liên quan có phương án xử lý, ngăn chặn kịp thời.

 

Xem thêm
Sai phạm ở loạt dự án liên quan đại gia Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ

PHÚ THỌ Trong hàng loạt dự án liên quan ông Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ, có nhiều dự án Báo Nông nghiệp Việt Nam và cơ quan chức năng chỉ rõ sai phạm.

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm