| Hotline: 0983.970.780

'Khát' nước cạnh công trình gần 40 tỷ

Thứ Năm 21/12/2017 , 08:47 (GMT+7)

Trong khi hàng nghìn hộ dân tại thị trấn Kim Sơn và các vùng phụ cận của huyện Quế Phong (Nghệ An) đang “khát” nước sạch thì một dự án xây dựng nhà máy nước sạch gần 40 tỷ đồng 5 năm rồi vẫn chưa xong.

Ông Vi Văn Sơn, ở thị trấn Kim Sơn cho biết, lâu nay gia đình ông dùng nước giếng để sinh hoạt, nhưng cứ tầm tháng 2 đến tháng 3 trở đi là thiếu nước. Muốn có nước ông phải đi mua, đi xin mất mấy cây số, còn tắm giặt thì dùng nước khe, suối. Khi NM nước sạch thị trấn khởi công người dân ai nấy đều vui mừng, phấn khởi nhưng chờ mãi không thấy NM đi vào hoạt động.

16-19-27_su_5_nm_xy_dung_nh_my_nuoc_sch_kim_son_vn_chu_di_vo_hot_dong
Sau gần 5 năm xây dựng, NM nước sạch thị trấn Kim Sơn vẫn chưa hoạt động

Theo tìm hiểu, không riêng gì gia đình ông Sơn, ở thị trấn Kim Sơn và một số xã khác, nhiều gia đình cũng rơi vào cảnh tương tự. Ông Lương Văn Phúc ở xã Mường Nọc cho biết, mặc dù đã đào giếng, xây bể dự trữ nước sạch để dùng nhưng mùa mưa đến, gia đình ông và những người dân trong bản vẫn thiếu nước, cuộc sống bị đảo lộn, đi lấy nước ở nơi xa về rất khổ sở.

Dự án NM nước thị trấn Kim Sơn khởi công năm 2012 do UBND huyện Quế phong làm chủ đầu tư, tổng vốn 39 tỷ 845 triệu đồng, gồm các hạng mục như hồ thu nước và tuyến ống dẫn nước từ sông Nậm Giải về hồ lắng; cụm xử lý nước mặt; hồ lắng nước rửa lọc; bể chứa nước sạch; trạm bơm; nhà hóa chất; mạng lưới đường ống; nhà điều hành và các công trình phụ trợ khác; điện động lực và điện chiếu sáng.

Đường ống dẫn nước cấp I và cấp II dài 36.945,5m, cung cấp nước cho thị trấn Kim Sơn và các xã phụ cận như Châu Kim, Mường Nọc, Tiền Phong… NM công suất 1.500 m3/ngày/đêm với dây chuyền thiết bị hiện đại của Đan Mạch, hoạt động khép kín. Nguồn nước thô được lấy từ sông Nậm Giải, dự kiến cấp nước sạch cho hơn 1.000 hộ dân.

Đến nay, sau gần 5 năm triển khai, một số gói thầu đã hoàn thành, riêng gói thầu phần đấu nối đường ống đến các hộ tiêu thụ nước thì vẫn đang loay hoay thực hiện. Theo quan sát, phần bể chứa nước thô, bể lắng lọc nước sạch còn um tùm cây cỏ dại, bên cạnh đó, một số hạng mục xây dựng từ lâu đã có dấu hiệu xuống cấp… Nghĩa là giờ này, NM nước sạch vẫn chưa vận hành cấp nước như dự kiến.

Ông Hoàng Trung Cường, Chủ tịch UBND thị trấn Kim Sơn, cho biết người dân và chính quyền rất mong NM sớm hoàn thiện đưa vào sử dụng, giải quyết việc thiếu nước sạch vào mùa khô. Còn lãnh đạo huyện Quế Phong cho biết, sở dĩ dự án chậm tiến độ là do thiếu vốn đầu tư, việc thu tiền đóng góp của người dùng nước gặp khó khăn.

16-19-27_co_moc_um_tum_trong_be_lng
Cỏ mọc um tùm trong bể lắng

Để giải quyết vướng mắc, UBND huyện Quế Phong đã xin ý kiến UBND tỉnh Nghệ An giao cho huyện lựa chọn đơn vị thi công có đủ năng lực và kinh nghiệm bỏ kinh phí thực hiện đấu nối đường ống đến các hộ tiêu thụ và thu hoàn kinh phí xây dựng trừ vào tiền nước sau khi khai thác vận hành công trình.

Sự chậm trễ, kéo dài nhiều năm, không chỉ ảnh hưởng đến tiến độ dự án, mà cả chất lượng công trình. Đến thời điểm này, phía Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Quế Phong vẫn đang lắp đặt đồng hồ đến các hộ tiêu thụ nước. Hi vọng rằng, chỉ trong thời gian ngắn nữa, người dân thị trấn Kim Sơn và vùng phụ cận sẽ có nước sạch sử dụng như dự tính của chủ đầu tư.

“Ban đầu, dự án thực hiện theo phương châm nhà nước và nhân dân cùng làm; trong đó dân đóng góp 7% nguồn vốn, UBND huyện hỗ trợ một phần. Tuy nhiên, việc huy động không suôn sẻ. Hiện nay, chúng tôi đã xin UBND tỉnh Nghệ An trích tiền trả nhân công của nhà thầu để hoàn thiện công trình, sớm cấp nước sạch cho người dân trước sau đó mới thu của bà con”, ông Lê Văn Giáp, Chủ tịch UBND huyện Quế Phong.

 

Xem thêm
Sai phạm ở loạt dự án liên quan đại gia Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ

PHÚ THỌ Trong hàng loạt dự án liên quan ông Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ, có nhiều dự án Báo Nông nghiệp Việt Nam và cơ quan chức năng chỉ rõ sai phạm.

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Nhiều bến xe 'bỏ thì thương, vương thì tội'

Tiền Giang Trong thời gian dài, bến xe thị xã Cai Lậy (tỉnh Tiền Giang) rất ít phương tiện ra vào đón khách, bốc dỡ hàng hóa, gây lãng phí lớn.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.

Bình luận mới nhất