| Hotline: 0983.970.780

Kỹ thuật chăm sóc lúa cấy mạ khay

Thứ Năm 01/12/2016 , 13:45 (GMT+7)

Mạ khay là một tiến bộ kỹ thuật vượt trội so với phương thức sản xuất mạ khác. Đây là công nghệ tiên tiến của Nhật Bản. Bà con khi cấy bằng máy với cây mạ khay cần lưu ý một số biện pháp kỹ thuật sau đây:

11-46-03_dsc_1775
Nhiều địa phương ở Hà Nội tăng cường trang bị máy cấy phục vụ sản xuất
 

1. Kỹ thuật làm đất: Cần làm đất kỹ, nhuyễn, cày dập vùi gốc rạ để rạ phân hủy tốt với độ sâu đạt từ 15 - 20cm. Xung quanh phát quang bờ, bụi rồi tiến hành bón lót các loại phân trước khi san phẳng mặt ruộng.

2. Kỹ thuật cấy bằng máy: Mạ cấy đã định sẵn hàng x hàng = 30cm còn cây cách cây tùy từng chân đất, giống để chỉnh từ 12-14-16cm cho phù hợp (theo nguyên tắc đất xấu cấy dày hàng con, đất tốt cấy thưa hàng con). Sau khi cấy từ 2 - 3 ngày giữ mực nước từ 2 - 3cm và xử lý thuốc trừ cỏ tiền nẩy mầm (liều lượng theo nhãn mác).

3. Kỹ thuật bón lót: Lót phân chuồng từ 200 - 350kg/sào Bắc Bộ (360m2), phân đạm Phú Mỹ 2,5kg, kali 1,5kg, lân 10 - 15kg. Với đất chua có độ pH < 4 thì bón từ 10 - 15kg vôi bột. Trường hợp không có phân chuồng bà con có thể dung phân vi sinh thay thế (cứ 100kg phân vi sinh = 300kg phân chuồng). Nếu dùng NPK Én đỏ thì bón 8 - 9kg (loại 18:12:6+TE). Bón sâu trước khi bừa san phẳng mặt ruộng.

4. Kỹ thuật bón thúc 1:  8 - 10 ngày sau khi cấy tiến hành bón thúc sớm. Liều lượng đạm Phú Mỹ từ 2 - 3kg/360m2 tùy loại giống (lúa lai 3kg, lúa thuần 2kg), kali 1,5 - 2kg (bón thúc đẻ sớm). Nếu dùng NPK Én đỏ thì bón từ 6 - 7kg/360m2 .

5. Kỹ thuật bón thúc 2: Khi lúa bắt đầu đứng cái, làm đòng bón theo phương pháp so màu lá lúa, thiếu dinh dưỡng bón 1 - 1,5kg đạm Phú Mỹ và số kali còn lại 2 - 3kg/360m2. Nếu màu lá lúa thừa dinh dưỡng thì ngừng bón đạm. Bón vào lúc 16 - 17 giờ khi trời mát và ruộng giữ nước từ 4 - 5cm. Nếu dùng NPK Én đỏ thì bón loại 3A (18:6:15+TE) vói liều lượng 4 - 6kg/360m2.

6. Kỹ thuật tưới nước: Cần tưới tiêu chủ động là tốt nhất. Mực nước tưới khi cấy đạt từ 1-2cm ( săm sắp nước). Không để se mặt ruộng, không cho nước sâu. Thời kỳ lúa đẻ nhánh giữ mực nước từ 2-3cm. Thời kỳ lúa đứng cái tháo nước phơi ruộng từ 5-7 ngày.

7. Công tác BVTV: Hạn chế sử dụng thuốc BVTV 35 ngày sau khi cấy. Giai đoạn này cây lúa có khả năng đền bù rất tốt.

- Giai đoạn phát triển thân lá: Nếu có sâu cuốn lá nhỏ gây hại với mật độ cao có thể dùng thuốc trừ sâu để phun trừ khi sâu tuổi nhỏ. Với diện tích hạn mất nước thường xuyên, trời nắng nóng xuất hiện bọ trĩ cao thì dùng thuốc BVTV để phun trừ.

- Giai đoạn lúa đứng cái làm đòng, trổ bông chú ý các đối tượng: Sâu cuốn lá, sâu đục thân 2 chấm, rầy nâu, bọ xít dài. Khi đến ngưỡng cần phun trừ bằng các loại thuốc đặc hiệu. Chú ý thăm đồng thường xuyên để điều tra phát hiện sớm khi sâu tuổi nhỏ. Nồng độ sử dụng thuốc theo hướng dẫn nhãn mác. Phòng trừ chuột theo phương pháp toàn dân và dùng thuốc vi sinh để bảo vệ môi trường sinh thái.

Xem thêm
Phát hiện cơ sở chuyên xử lý lợn ốm chết ở Vĩnh Phúc

Chủ cơ sở ở Vĩnh Phúc cho biết, lợn thu mua của dân đó đều là các con bị ốm do xuất huyết hoặc yếu do nắng nóng hoặc chết không rõ nguyên nhân.

Kiểm dịch tôm giống còn gặp khó

Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp trên tôm nuôi mà một phần nguyên nhân do tôm giống gây ra, ngành chức năng đã siết chặt công tác kiểm dịch.

Quảng Ngãi xây dựng mô hình cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất lúa

Các đơn vị đã phối hợp tổ chức gieo sạ bằng máy sạ cụm 12 hàng trên diện tích 5.000m2 tại mô hình ở cánh đồng lúa xã Đức Chánh (Mộ Đức, Quảng Ngãi).