| Hotline: 0983.970.780

Phú quý sinh lễ nghĩa

Chủ Nhật 30/11/2014 , 14:24 (GMT+7)

Phú quý sinh lễ nghĩa, nhà người ta là nhà phú quý mấy đời, kệ đi cháu. Còn phải thi thoảng làm dâu và lúc ấy mới rất cần sự cẩn trọng miền Bắc của cháu đó.

Cô Dạ Hương kính mến!

Rất bức xúc khi viết lá thư này cho cô. Cháu không nghĩ mọi thứ đều suôn sẻ, chỉ khi đám cưới được khởi động thì chuyện rắc rối như thế mới xảy ra.

Cháu là cô gái Bắc lập nghiệp ở Sài Gòn, một thân một mình. Nhờ có ngoại hình và bằng kinh tế tử tế, cháu xin việc không khó, vị trí thích hợp, thu nhập khá cao.

Ban đầu gặp anh cháu không ấn tượng mấy, anh là đối tác của công ty cháu. Cao to, trắng trẻo, nói theo ngôn ngữ trong này là bảnh trai. Và anh là con trai miền Tây cũng lên Sài Gòn học rồi ở lại, công việc ổn định sớm hơn cháu. Ba mẹ anh vẫn ở miền Tây và anh đã có căn hộ nhỏ ở thành phố này.

Đúng là nằm mơ cũng không ngờ cháu tốt số như thế. Nhưng hai nhà cách trở, cháu không ở Hà Nội mà còn phải đi hàng trăm cây số nữa mới tới thủ đô. Chúng cháu đã vượt qua lo lắng của bố mẹ hai bên, yêu nhau ngót 5 năm trời. Giờ T đã xấp xỉ ba mươi chứ trẻ gì nữa.

Nhà gái miễn cho nhà trai một lễ hỏi. Cho giản tiện và tiết kiệm nữa cô. Dự định đám cưới diễn ra như sau: Ba mẹ nhà trai sẽ ở khách sạn, dự đám cưới với nhà gái, sau đó rước dâu về khách sạn. Hôm sau đại diện của nhà gái sẽ cùng nhà trai đi xe đến Hà Nội cùng bay vào TP. HCM, từ đó sẽ có xe thuê chờ sẵn về miền Tây.

Ai nghe qua cũng thấy lích kích đúng không cô? Bố mẹ cháu cứ than phiền sao không ngắn gọn hơn nhưng thâm tâm cháu cũng thấy, vì cả hai đều xa, phải có hai chặng xe thì mới đến được hai sân bay ở hai đầu đất nước và về nhà trai chứ.

Việc ấy không phải xin cô tư vấn cho. T bảo cháu như thế nào thì nhà anh mới làm vậy cho xứng đáng với cháu chứ.

Mẹ chồng cháu ra cái lệnh cháu hết hồn luôn: Khi ở khách sạn sau lễ cưới của nhà gái, chúng cháu không được ở chung một phòng. Có nghĩa là cháu ở với bố mẹ cháu, T ở với ba mẹ T. Chính T cũng thắc mắc sao cưới xong mà chúng cháu vẫn không được ở chung một phòng?

Gia đình T rất nhiều vườn, khá giả từ thời ông cố ông nội, ngày trước gọi là điền chủ đó cô. Không có chuyện dừng đám cưới nhưng cháu vẫn thấy ức, như thể nhà gái nghèo hơn nên bị áp đặt.

Mẹ T lý giải là khi cháu chưa làm lễ ở bàn thờ gia tiên nhà T, đám cưới vẫn chưa diễn ra ở nhà trai, thì coi như cháu chưa là vợ T, chưa là dâu chính thức của nhà chồng.

Cô cho cháu mấy lời khuyên cháu nên như thế nào đi cô?

----------------------

Cháu thân mến!

Đây là lần đầu tiên cô biết một đám cưới lặn vặn như vậy. Cô phải đọc đi đọc lại thư và hình dung. Rất thương các cháu hai quê xa nhau quá. Và phải nói rằng thương cho bố mẹ hai bên phải đánh đường ra vào, phải tốn kém quá mức.

Trước tiên khen cho các cháu hôn nhân hai miền mà không bỏ cuộc. Yêu nhau bấy nhiêu năm là nhiều và kết thúc bằng cái đám cưới quyết tâm. Chỉ còn một chút nữa thì mọi sự sẽ tốt đẹp, hoàn hảo.

Gia đình của T ở trong Nam này người ta gọi là nhà giàu miệt vườn. Văn hóa dân tộc được nối dài rất đậm trong những gia đình như vậy.

Đừng tưởng miền Bắc gần gốc dân tộc mà còn giữ được nếp nhà xưa. Hình như thời cách mạng, chiến tranh, bao cấp và nhiều thứ đã làm cho phía đó bị xáo trộn hơn nhiều.

Một gia đình nói thẳng là còn quan niệm phong kiến thì đêm tân hôn của đôi vợ chồng trẻ phải được ở ngay trong nhà ba mẹ chồng, sau khi đã làm lễ gia tiên và ra mắt họ nhà trai. Điều đó đúng và đẹp, rất đẹp.

Ba mẹ chồng cháu đã rất công phu với đám cưới của đứa con trai mà chắc là họ rất tự hào này, trai tài gái sắc. Âu là nên thông cảm cho họ. Đi ra Bắc dự cưới với nhà gái, xe cộ kéo nhau lên khách sạn Hà Nội, rồi sân bay Nội Bài – Tân Sơn Nhất, rồi lại xe cộ về miền Tây, bầu đoàn thê tử rất nhiêu khê, tốn kém đó.

Về mặt thủ tục cưới, cô cho như vậy là rườm rà, bởi đón dâu xa, đi tàu bay, đi xe đường dài, đủ cả. Nhưng họ đã cố gắng thì mình cũng phải cố gắng, suy cho cùng, tất cả cũng chỉ là thủ tục thôi mà.

Vì mẹ chồng đã “ra lệnh” thì đêm khách sạn ở Hà Nội, nàng dâu phải ngủ với bố mẹ ruột vì chưa cưới ở nhà chồng. Cũng nên đả thông nhau, chỉ một đêm, để khi về nhà trai thì các cháu sẽ có lễ cưới vui tươi và đêm tân hôn đích thực của đời mình.

Một đêm không dài, cháu đã bị việc cưới ở nhà mình hành cho mệt nhọc, rồi lại đi đường, lại sắp bay vào Sài Gòn, nghỉ dưỡng và riêng tư một lần cuối với bố mẹ mình cũng đáng chứ cháu.

Thôi nhé, đường còn xa, đời còn dài, dài lắm. Rồi sau cưới, hai cái đám liền ở hai đầu đất nước như vậy, các cháu sẽ có một kỳ trăng mật thoải mái, đúng không?

Phú quý sinh lễ nghĩa, nhà người ta là nhà phú quý mấy đời, kệ đi cháu. Còn phải thi thoảng làm dâu và lúc ấy mới rất cần sự cẩn trọng miền Bắc của cháu đó.

Xem thêm
Phụ nữ Hàn Quốc 'giả bệnh' trước kì nghỉ lễ Trung thu

Áp lực khi phải chuẩn bị cỗ bàn, chiều lòng các thành viên trong gia đình chồng, nhiều phụ nữ Hàn Quốc giả bệnh trước kì nghỉ lễ Trung thu.

Cưới người đã ba đời chồng

Nhung đã trải qua ba đám cưới. Cũng còn may cuối cùng cô đã có chốn dừng chân. Và có được đấng phu quân mới lấy vợ lần đầu.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm