| Hotline: 0983.970.780

Quanh vụ NNVN bị xử thua: Bạn đọc bức xúc

Thứ Ba 02/11/2010 , 22:06 (GMT+7)

"Tòa phúc thẩm TAND TP Hà Nội đang bảo vệ ai? Bảo vệ các nhà báo dũng cảm đấu tranh chống tham nhũng bảo vệ đất đai tài sản của Nhà nước, bảo vệ pháp luật xã hội của chúng ta, hay bảo vệ những người có chức có quyền đang làm trái pháp luật,..."

>> Kết thúc phiên tòa phúc thẩm xét xử vụ Cty ICC kiện NNVN: Công lý đã thất bại!

Ông Huỳnh Nghĩa, Phó trưởng đoàn ĐB QH TP Đà Nẵng, Uỷ viên Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội: Sẽ đề nghị Ủy ban Tư pháp của QH giám sát vụ việc 

Trong những ngày qua đọc các Báo NNVN, báo Người cao tuổi, Báo Cựu chiến binh… nêu vụ việc nhà báo Nghiêm Thị Hằng cùng báo NNVN kiên cường đấu tranh trong 6 năm qua đề nghị UBND TP Hà Nội phải đấu giá 6.720m2 đất giao cho Cty ICC không đấu giá quyền sử dụng đất trái với các nghị định của Chính phủ và các quyết định của UBND TP Hà Nội, làm thất thoát ngân sách gần 700 tỷ đồng; tôi đánh giá cao tinh thần dũng cảm của nhà báo Nghiêm Thị Hằng và các tòa soạn báo.

Việc nhà báo đã nộp cho tòa gần 300 tài liệu chứng cứ để chứng minh không chỉ bài viết của mình là đúng pháp luật mà còn vạch ra đường dây tham nhũng bao che cho Cty ICC, tạo ra các văn bản có nội dung trái pháp luật, hợp lý hóa việc chuyển giao đất đai tài sản của nhà nước cho tư nhân nhưng không được tòa xem xét. Những ý kiến của luật sư bị đơn tranh tụng với nguyên đơn cũng khá rõ ràng, phía nguyên đơn không đưa ra được các văn bản bác bỏ chứng cứ của bị đơn, sự thực rõ ràng như vậy mà tòa án vẫn bỏ qua thì làm sao có bản án trung thực?

Những chi tiết bất bình thường tại TAND TP Hà Nội đã được báo Người Cao Tuổi đặt vấn đề từ giữa năm 2008, như bài viết trên đây.

Đọc NNVN ngày 2/11/2010 về kết quả phiên tòa phúc thẩm xét xử vụ Cty ICC kiện báo NNVN, tôi thấy công lý đã thất bại, người chống tham nhũng, bảo vệ tài sản nhà nước thua cuộc, từ một bộ hồ sơ “bị rút ruột” đến một bản án bất công, rồi ý kiến 3 luật sư Trần Đình Triển, Nguyễn Hồng Bách, Phạm Hồng Hải, sau khi nghe phiên tòa tuyên án phải thốt lên rằng “Quá đau buồn vì công lý bị bẻ cong”, rồi “Tòa đè lên pháp luật”, rồi “Một bản án trái luật”, còn gì để nói về phiên tòa này, một kỳ án giữa Thủ đô giữa những ngày QH đang họp bàn về  pháp luật. 

Tôi thấy bức xúc và với trách nhiệm của một ĐBQH, tôi sẽ đề nghị Ủy ban Pháp luật của QH tổ chức giám sát  việc UBND TP Hà Nội giao đất cho Cty ICC có trái luật như báo chí nêu đúng không và nếu thực tại việc giao đất cho Cty này đã 6-8 năm vẫn không triển khai dự án  thì không có lý gì không thu hồi theo Luật Đất đai. Còn chuyện nguyên đơn tự ý rút tới 104 tài liệu của bút lục 775, một người làm chánh án lâu năm như tôi cũng phải giật mình chưa từng có chuyện này ở Việt Nam. Tự ý rút bút lục làm sai lệch hồ sơ vụ án là phạm vào tội làm sai lệch vụ án. Đã làm sai lệch vụ án thì làm sao có sự phán xử công minh. Thật lạ lùng ngay giữa Thủ đô lại diễn ra một phiên tòa với bản án trái pháp luật như vậy.

Tòa phúc thẩm TAND TP Hà Nội đang bảo vệ ai? Bảo vệ các nhà báo dũng cảm đấu tranh chống tham nhũng bảo vệ đất đai tài sản của Nhà nước, bảo vệ pháp luật xã hội của chúng ta, hay bảo vệ những người có chức có quyền đang làm trái pháp luật, biến tài sản của nhà nước thành tài sản của tư nhân nhằm trục lợi cho một nhóm cùng lợi ích? Tôi nghĩ cả 2 nội dung trên sẽ được chúng tôi trình và đề nghị Ủy ban Pháp luật của QH sẽ giám sát tập thể vụ việc này. 

Kĩ sư Nguyễn Đình Võ (PCT Hội KHKT Lâm nghiệp Nghệ An): Thật khâm phục chị Hằng

Chúng tôi là bạn đọc thường xuyên có thâm niên của quý báo. Chúng tôi rất hoan nghênh quý báo đã có nhiều bài báo phanh phui những tiêu cực trong xã hội, đặc biệt là đất đai, tài nguyên rừng, khoáng sản. Hoan nghênh quý báo có những phóng viên dũng cảm, kiên trì và tài năng.

Chúng tôi đã đọc 7 bài báo của chị Nghiêm Thị Hằng và nhóm PV của quý báo viết về vụ tiêu cực đất đai của Cty ICC. Những tưởng cơ quan có trách nhiệm đã giải quyết, xử lý kịp thời nhưng không ngờ báo NNVN và nhà báo Nghiêm Thị Hằng lại trở thành bị đơn, hầu tòa sơ thẩm và phúc thẩm Hà Nội mà nguyên đơn lại là ICC và ông Hoàng Kim Đồng, người liên quan trực tiếp.

Chúng tôi đã theo dõi và nghiên cứu kỹ vụ việc và thấy rằng nhà báo Nghiêm Thị Hằng đã thể hiện là một đảng viên ưu tú, nhà báo ưu tú, tài năng, một cựu chiến binh bộ đội Cụ Hồ, phát huy được truyền thống Trường Sơn anh hùng, dũng cảm đấu tranh, không khuất phục trước cường quyền để bảo vệ lẽ phải, bảo vệ tài sản của đất nước, rất đáng được khen thưởng. Chúng tôi rất khâm phục chị.

Qua tài liệu tranh tụng và ý kiến của các luật sư chúng tôi thấy đủ điều kiện đưa vụ án này sang cơ quan điều tra hình sự giải quyết. Hiện nay, các vụ việc tiêu cực, đặc biệt các vụ lớn xảy ra trong xã hội ta đều do một số đường dây cánh hẩu của các nhóm “chung lợi ích” trong các cơ quan nhà nước móc ngoặc với bọn tội phạm bên ngoài, mang danh nghĩa là nhà đầu tư, doanh nghiệp để lấy của nhà nước, của nhân dân chia nhau.

Những nhóm này khá phổ biến trong cơ quan có chức có quyền lập, xét duyệt và ký văn bản. Họ không những đứng đằng sau bao che mà còn tạo điều kiện cho bọn tội phạm chạy án, đánh lại đối phương là người tố cáo, các nhà báo. Đề nghị Báo NNVN tiếp tục bảo vệ tài sản của nhà nước và nhân dân. 

Bùi Văn Sự (Thạch Thất, Hà Nội): Công lý đã chết

Tôi là người nông dân áo vải thực thụ, thích đọc báo mà đặc biệt là Báo NNVN. Qua theo dõi vụ Cty ICC kiện Báo NNVN và nhà báo Nghiêm Thị Hằng, tôi cảm thấy sởn tóc gáy, bởi không biết tin vào công lý ở đâu mà người dũng cảm đấu tranh chống tiêu cực bảo vệ tài sản của nhà nước, quyền lợi của nhân dân như Báo NNVN và nhà báo Nghiêm Thị Hằng lại bị coi như người có tội, pháp luật không bảo vệ. Tất cả đã thể hiện qua diễn biến các phiên tòa mà TAND TP Hà Nội xét xử.

Thời gian này không chỉ cá nhân tôi mà nông dân khắp vùng quê cảm thấy hoang mang. Mong Đảng, Chính phủ quan tâm tới vấn đề này. 

Ông Nguyễn Công Tạn, nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ: Tôi thất vọng

Sau khi nghe tin tòa phúc thẩm TAND TP Hà Nội y án sơ thẩm, xử oan cho nhà báo Nghiêm Thị Hằng và NNVN, tôi không thể tin lại có một phiên tòa như vậy, làm sao còn có được lòng tin của dân vào TAND TP Hà Nội khi tòa đứng ra bênh vực cho nhóm người lợi dụng chức quyền, dùng con dấu của các cơ quan nhà nước ban hành các văn bản trái luật biến đất đai, tài sản của nhà nước thành tài sản của tư nhân?

Tôi rất thất vọng với với bản án này. Chính tôi đã gọi điện động viên nhà báo Nghiêm Thị Hằng hãy kiên định tiếp tục đấu tranh. Công luận đã biết việc này, nhân dân và công lý ủng hộ chị, ủng hộ NNVN.

Xem thêm
Sai phạm ở loạt dự án liên quan đại gia Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ

PHÚ THỌ Trong hàng loạt dự án liên quan ông Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ, có nhiều dự án Báo Nông nghiệp Việt Nam và cơ quan chức năng chỉ rõ sai phạm.

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm