| Hotline: 0983.970.780

Sống khổ trên mỏ vàng

Thứ Năm 06/09/2012 , 14:19 (GMT+7)

Người dân xóm 135, thôn Nhật Tân xã Yên Lập (huyện Chiêm Hóa tỉnh Tuyên Quang) “thề” độc rằng: Không bao giờ sống gần nơi có vàng sa khoáng nữa.

Người dân xóm 135, thôn Nhật Tân xã Yên Lập (huyện Chiêm Hóa tỉnh Tuyên Quang) “thề” độc rằng: Không bao giờ sống gần nơi có vàng sa khoáng nữa. Lý do? Tệ nạn ma túy, mại dâm, cờ bạc, nhà cửa tan hoang, chồng con xa lìa cũng từ vàng mà ra cả. 

Bỏ làng

Xóm 135 có khoảng 41 hộ dân. Quê cũ của họ là thôn Cốc Táy (xã Yên Lập huyện Chiêm Hóa). Nơi những năm 1986 của thế kỷ trước bị tàn phá bởi những người mang giấc mộng đổi đời nhờ đào vàng. Các cụ cao niên ở xóm 135 kể lại: Ngày ấy, cái tin Cốc Táy có vàng đã kéo dân khắp nơi tìm đến đãi vàng rầm rầm, rộ rộ. Chỉ sau một thời gian ngắn, các khe núi ở Cốc Táy bị các phu vàng khoét rỗng tìm vàng sa khoáng. Hết núi đến nương, thậm chí những nơi đất bằng phẳng mà người dân trồng ngô lúa cũng bị các phu vàng quần thảo tới tung. Không còn đất trồng ngô lúa, nhiều người dân Cốc Táy phải bỏ lên rừng, kiếm được cái gì ăn cái đó.

Trước thực trạng người dân Cốc Táy bị mất đất sản xuất vì nạn khai thác vàng sa khoáng, năm 1999 chính quyền tỉnh Tuyên Quang đã dùng vốn từ Chương trình 135 của Chính phủ để thực hiện hỗ trợ di dời các hộ dân (chủ yếu là người Dao) ở Cốc Táy về định cư tại thôn Nhật Tân xã Yên Lập. Được sự giúp đỡ vật chất ban đầu, các hộ dân đã đoàn kết, chung tay góp sức lập nên một xóm mới, lấy tên của chính chương trình của Chính phủ: xóm 135. Cái tên này với bà con vô cùng ý nghĩa, họ hy vọng rằng Quyết định 135 của Chính phủ sẽ giúp người dân làm lại từ đầu.

Hạ sơn, các hộ dân đều được chia ruộng đất, mỗi khẩu khoảng 200 m2 để trồng ngô và hơn 100 m2 đất ruộng trồng lúa. Tuy không giàu có, nhưng so với những năm tháng “chặt cây hái ngọn” trên ngọn núi cao mỗi mùa măng nứa, thì cuộc sống nơi đây đã ổn định hơn nhiều. Các hộ ra sức khai phá đất hoang, bờ thửa được chăm sóc hàng ngày nên từng góc ruộng, vườn ngô đẹp như tranh vẽ.

Hơn 12 năm ở vùng đất mới, người dân đang sống yên ổn bên dòng suối Khuổi Luông lúc nào cũng trong xanh thì nỗi ám ảnh từ đại họa vàng lại kéo đến. Năm 2007, một số người ở nơi khác nhăm nhe đến dòng suối Khuổi Luông đào vàng, dân xóm 135 nhất quyết bảo vệ. Nhiều lần kháng cự những nhóm khai thác vàng ở Khuổi Luông thành công, đến tháng 10/2011 người dân xóm 135 đành bất lực. Đó là khi ông Nguyễn Tiến Vinh (thường trú tại thị trấn Vĩnh Lộc, huyện Chiêm Hóa) đưa 6 chiếc máy xúc và hàng loạt sàng tuyển vàng đến khu Cốc Chủ đãi vàng. Khi tàn phá xong khu Cốc Chủ, tháng 2/2012 nhóm ông Vinh lại đưa máy xúc, sàng tuyển đến bãi soi Cột Cọ. Đây là bãi soi rộng 1,5ha là đất trồng ngô và chăn thả gia súc của dân xóm 135. Nơi được dân xóm 135 ví như “nồi cơm” chung của 41 hộ gia đình. Vàng tặc đến phá, dân trong xóm cùng nhau kêu cứu lên xã, lên huyện nhưng chờ mãi chẳng ai đến giải quyết. Mất ruộng, mất nương đã đành, người dân còn bức xúc vì chính quyền địa phương lại đi “bênh” những người vi phạm.

Ai bảo kê?

Xót đất sản xuất bị đào bới vô tội vạ, chị Đặng Thị Chiều, một người dân bị mất đất liền gọi chị em trong xóm 135 tìm mọi cách ngăn cản. Thế nhưng, sức phụ nữ yếu ớt chẳng thể ngăn được những người lái máy xúc có khuôn mặt dữ dằn. Họ đành kêu sự việc lên xã thì được UBND xã Yên Lập trả lời: “Phải tạo điều kiện cho việc thực hiện dự án nắn dòng suối”. Nghe thế, người dân xóm 135 chỉ biết “trật tự”, mặc cho đám vàng tặc thỏa sức đào phá đất sông suối và soi bãi đất trồng ngô để đãi lấy vàng.

Ông Phùng Xuân Nhất, Phó trưởng thôn Nhật Tân, bức xúc: “Đất trồng lúa thì ít lắm, cả 41 hộ dân đều sống dựa vào cây ngô trên đất bãi là chính, bây giờ họ làm vàng đã đào rửa hết đất màu, trơ lại sỏi đá và không thể trồng nổi cây gì nữa. Chắc chắn đói nghèo sẽ quay lại với người dân nơi đây”. 

PV NNVN có mặt tại bãi soi vào buổi chiều ngày 30/8. Cánh đồng sản xuất của xóm 135 bây giờ nhìn rất thảm. Dòng suối Khuổi Luông bị đào nham nhở, những hố nước xanh lè, sâu hoắm, nước thải đục ngầu chảy thẳng suối. Một chiếc máy xúc đang miệt mài cuốc sâu xuống lòng suối, múc lên cát sỏi rồi đổ thẳng vào sàng tuyển vàng, tiếng máy nổ ầm ĩ như một đại công trường, vòi nước căng mọng phun ào ào, đất đá văng ra rầm rập, nước đục chảy dài cả cây số...

Cảnh khai thác vàng rất tự nhiên, như chốn không người. Tôi thấy lạ quá, vội hỏi ông Nhất rằng: “Có phải nhóm người này đã được cấp phép khai thác vàng sa khoáng tại nơi đây?”. Ông Nhất phẩy tay: “Nhóm người này không hề có thống kê đền bù cho dân, do đó việc khai thác vàng suốt thời gian qua tại 2 bãi soi Cột Cọ và Cốc Chủ tại suối Khuổi Luông là trái phép”. Cán bộ thôn khẳng định khai thác vàng ở xóm 135 là trái phép, vậy thì ai đã bảo kê cho việc khai thác vàng, làm thiệt hại đất trồng ngô của người dân? Chúng tôi xin chuyển những thông tin này đến các cấp chính quyền tỉnh Tuyên Quang sớm vào cuộc quan tâm, xem xét giải quyết, đáp ứng mong mỏi của các hộ dân.

Xem thêm
Sai phạm ở loạt dự án liên quan đại gia Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ

PHÚ THỌ Trong hàng loạt dự án liên quan ông Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ, có nhiều dự án Báo Nông nghiệp Việt Nam và cơ quan chức năng chỉ rõ sai phạm.

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Đường lớn làm chưa xong, tỉnh lộ đã nát bét

Xe trọng tải lớn chở vật liệu thi công tuyến đường thành phố Bắc Kạn đi hồ Ba Bể chạy rầm rập ngày đêm 'cày' nát đường tỉnh 257B.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm