Những người phản đối các kế hoạch xây 5 đập trên sông Nộ Giang nói họ đã cảm nhận được mùi chiến thắng sau hơn một thập kỷ đấu tranh.
Nộ Giang chảy dọc biên giới Trung Quốc, Myanmar. Độ dốc lớn của con sông rất thích hợp làm thủy điện. Chính phủ Trung Quốc thậm chí đã lên kế hoạch xây tới 5 con đập trên con sông này.
Trong hơn một thập kỷ qua, các nhà hoạt động vì môi trường đã chống lại một công ty thủy điện thuộc sở hữu nhà nước xây những con đập khổng lồ trên dòng sông duy nhất của Trung Quốc chưa có nhà máy thủy điện, theo tờ Christian Science Monitor.
Tín hiệu mới
Những người phản đối thủy điện nói họ đã cảm nhận được chiến thắng và đưa ra mấy lý do: Thứ nhất, nền kinh tế phát triển chậm lại dẫn đến nhu cầu về điện giảm. Thứ hai, chính quyền cũng thấy e ngại trước những cảnh báo của các nhà địa chất về nguy cơ động đất ở gần những khu vực dự kiến xây đập. Và thứ ba, các nhà lãnh đạo cấp cao của Trung Quốc có vẻ đã phát đi những tín hiệu cho thấy họ đã bắt đầu quan tâm đến môi trường.
“Rõ ràng chính phủ hiện nay cảnh giác với các vấn đề môi trường hơn những người tiền nhiệm”, Mã Quân, một nhà đấu tranh cho môi trường kỳ cựu ở Bắc Kinh nói và lấy ví dụ về những nỗ lực ngăn chặn ô nhiễm không khí và khí thải carbon trong thời gian gần đây của chính quyền.
Nộ Giang, con sông chảy tự nhiên cuối cùng của Trung Quốc đi qua một khu vực đã được đề cử là Di sản thế giới ở tình Vân Nam. UNESCO mô tả khu vực này là “vùng giàu tính đa dạng sinh học bậc nhất Trung Quốc và có thể là thế giới”, nơi sinh sống của các loài động vật quý hiếm như gấu trúc đỏ hay chim khướu đốm trắng.
Cả chính phủ lẫn nhà đầu thầu xây đập, công ty Hoa Điện, chưa công khai đánh giá tác động môi trường cho dù luật yêu cầu.
Sông Nộ Giang chảy qua một số vùng có phong cảnh thuộc dạng đẹp và hùng vĩ nhất Trung Quốc với những hẻm núi, các ngọn núi tuyết phủ, những thảm cỏ thoai thoải lưng chừng núi khi sông chảy về đất Myanmar, nơi nó được gọi là Salween, rồi từ đó chảy ra biển Andaman.
Các công ty thủy điện từ lâu đã thèm muốn Nộ Giang. Nhưng năm 2004, giữa các áp lực từ xã hội, bao gồm cả biểu tình công khai, Chính phủ Trung Quốc gác lại kế hoạch ban đầu cho xây 13 đập trên Nộ Giang. Tuy nhiên, năm 2013, chính quyền Trung Quốc âm thầm cho công ty Hoa Điện lên kế hoạch xây 5 đập, bao gồm cả đập Songta ở Tây Tạng.
Trong những tuần gần đây, Bí thư tỉnh Vân Nam Lý Kỷ Hằng đã mang lại những hy vọng mới cho các nhà hoạt động về môi trường khi ban lệnh cấm các dự án thủy điện nhỏ trên các nhánh của Nộ Giang. Ông cũng công bố ý định của chính quyền chỉ định một khu vực có hẻm núi của con sông làm công viên quốc gia, động thái cho thấy du lịch được ưu tiên chứ không phải thủy điện.
“Nộ Giang sẽ trở thành một điểm đến tầm cỡ thế giới trong 5-10 năm tới”, Bí thư Lý nói trên đài phát thanh quốc gia Trung Quốc tháng trước. “Dự án này sẽ thành công, thậm chí sẽ vượt qua Grand Canyon (khu du lịch Mỹ nổi tiếng)”.
“Đây là dấu hiệu tốt”, Stephanie Jensen-Cormier, Giám đốc chi nhánh Trung Quốc của tổ chức Các dòng sông Quốc tế, nói. “Nó khiến khả năng chính phủ cho dừng các dự án thủy điện lớn là rất lớn”, bà nói thêm cho dù nhấn mạnh rằng chưa có quyết định nào cụ thể được đưa ra. Các quan chức Trung Quốc tỏ ra rất kín miệng về chuyện này. Quyết định cuối cùng thuộc về Ủy ban Phát triển và Cải cách (tương tự Bộ Kế hoạch - Đầu tư của Việt Nam) và chính phủ ở Bắc Kinh.
Tuy nhiên, những quan điểm của ông Lý Kỷ Hằng khiến người dân địa phương rất vui mừng. Một người kiếm sống bằng nghề dẫn khách du lịch leo núi nói: “Nếu làm công viên quốc gia thì không thể xây đập. Làm sao phát triển du lịch với những con đập khổng lồ?”
Ở xa cũng hưởng lợi
Nếu kế hoạch xây đập bị hủy bỏ, không chỉ dân cư bản địa mà nông dân sống cách xa vài ngàn km ở Myanmar, Thái Lan, sống dựa vào dòng Salween, cũng rất vui mừng.
Một nông dân đang làm nương ở tỉnh Vân Nam, xa xa là dòng Nộ Giang hùng vĩ (ảnh New York Times)
Chính phủ Trung Quốc đã từ chối ký một công ước Liên Hợp quốc đưa ra năm 1997 về việc chia sẻ nguồn nước và đã cho xây nhiều đập trên các con sông quốc tế mà không thèm quan tâm đến ý kiến của các nước hạ du. Nhưng đầu tháng 3/2016, lần đầu tiên, Bắc Kinh tuyên bố trước là họ sẽ xả nước từ đập Cảnh Hồng trên sông Mekong.
Trung Quốc từ lâu đã bộc lộ ý đồ dựa vào thủy điện để giải cơn khát điện năng và cũng để giảm các hoạt động phát thải khí carbon. Tuy nhiên môi trường chính trị đang thay đổi, nhà cầm quyền có vẻ bớt ưu ái các đập thủy điện hơn trước. Nhu cầu điện giảm đi cùng với tốc độ phát triển chậm lại của nền kinh tế và chiến lược lâu dài hơn của Chính phủ Trung Quốc là chuyển đổi từ nền kinh tế lấy công nghiệp làm trọng điểm sang nền kinh tế chú trọng dịch vụ, lấy dịch vụ làm chủ đạo cũng hạ nhiệt bớt cơn sốt thủy điện (công nghiệp tiêu thụ 80% tổng sản lượng điện của Trung Quốc).
“Đã có hiện tượng thừa điện trên thị trường điện năng Trung Quốc, vì thế các công ty phát điện không hào hứng với chuyện đầu tư thêm”, Trương Bố, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thủy điện Trung Quốc, nói. “Áp lực từ thị trường lớn hơn áp lực từ các tổ chức môi trường, tổ chức phi chính phủ”, ông cho biết thêm. “Có thể chính thị trường sẽ giết chết các dự án trên sông Nộ Giang”.