| Hotline: 0983.970.780

UBND huyện Bình Lục vi phạm Luật Đất đai?

Thứ Tư 26/06/2013 , 10:23 (GMT+7)

Đất đang có tranh chấp nhưng UBND huyện Bình Lục vẫn yêu cầu người mua kê khai để cấp Giấy Chứng nhận quyền sử dụng đất.

Như NNVN đã nhiều lần phản ánh, thửa ao có diện tích 1 mẫu 2 sào 5 thước Bắc bộ (4.440 m2) là tài sản của cụ Phạm Quang Thính (thôn Ngoại, xã Đồng Du, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam), người được Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tặng bằng “Có công với nước”, vì “Đã hăng hái đấu tranh chống đế quốc, tích cực giúp đỡ và bảo vệ cách mạng”.

Tài sản đó được ghi trong “Giấy chứng nhận quyền sở hữu ruộng đất” mang số 134, địa bạ 136, do Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam cấp năm 1955 là “Đất đặc biệt”. Năm 1959, gia đình cụ đã góp 1 mẫu 3 sào Bắc bộ (4.680 m2) đất lúa và đất màu vào HTXNN, còn thửa ao trên và thửa đất ở, có tổng diện tích 5.256 m2, vì là “đất đặc biệt” nên cụ không góp, kể cả năm 1969, khi HTXNN bậc thấp chuyển thành HTXNN bậc cao.

Năm 1973, cụ Phạm Quang Thính mất, cụ bà Lưu Thị Kiến tiếp tục sở hữu tài sản trên. Năm 1976, trước khi chuyển lên Hà Nội ở với con trai là đạo diễn điện ảnh Hoài Linh, cụ Kiến đã gửi hai thửa đất trên cho con cháu trong họ quản lý, trông nom giúp, thu hoa lợi bán lấy tiền gửi lên cho cụ. Nhưng chỉ được mấy năm thì UBND xã Đồng Du đã từ mượn đến biến hẳn cái ao đó thành của mình, từ cho HTXNN gieo mạ đến cho người thầu thả cá...

Năm 2011, chị Phạm Ngọc Lưu Ly, cháu nội của cụ Phạm Quang Thính có đơn đề nghị cơ quan có thẩm quyền trả lại quyền sử dụng thửa ao trên, vì đó là tài sản của ông bà nội chị, hai cụ không góp tài sản đó vào HTXNN, cũng không giao hay tặng, cho bất cứ tập thể, cá nhân nào.

Trong khi đơn chưa được xem xét giải quyết thì năm 2012, UBND huyện Bình Lục đã giao cho UBND xã Đồng Du “xẻ” thửa ao đó thành 19 mảnh, bán cho các hộ dân xã Đồng Du làm đất ở. Chị Phạm Ngọc Lưu Ly đã có đơn khiếu nại việc bán đất của ông bà nội mình, gửi từ UBND xã Đồng Du, UBND huyện Bình Lục đến UBND tỉnh Hà Nam và gửi vượt cấp đến Văn phòng Chính phủ, Quốc hội. Những cơ quan trên đều có phiếu chuyển đơn, yêu cầu tỉnh Hà Nam giải quyết khiếu nại của chị Ly theo thẩm quyền.

Ngày 4/5/2012, nhóm phóng viên “Hộp thư truyền hình” VTV1 Đài Truyền hình Việt Nam và NNVN đã có buổi làm việc với ông Nguyễn Xuân Đông, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam về vụ việc trên. Tiếp đó, luật sư Trần Đình Triển (Văn phòng Luật sư Vì Dân, Đoàn Luật sư TP Hà Nội), người trợ giúp pháp lý cho chị Phạm Ngọc Lưu Ly, có văn bản gửi UBND tỉnh Hà Nam, đề nghị UBND tỉnh xem xét, giải quyết nguyện vọng và đơn khiếu nại của chị.

Tiếp theo, ngày 4/1/2013, luật sư Trần Đình Triển lại có cuộc làm việc với lãnh đạo Sở TN-MT tỉnh Hà Nam (đại diện theo uỷ quyền của Chủ tịch UBND tỉnh) cùng đại diện một số ban, ngành của UBND tỉnh như Văn phòng UBND tỉnh; Thanh tra tỉnh; Sở Tư pháp tỉnh và lãnh đạo UBND huyện Bình Lục, lãnh đạo UBND xã Đồng Du, tại trụ sở UBND xã Đồng Du, với mục đích trao đổi thông tin nhằm giải quyết vụ việc trên một cách khách quan, đúng pháp luật.


Đất đang có tranh chấp nhưng UBND huyện Bình Lục vẫn yêu cầu người mua kê khai để cấp Giấy Chứng nhận quyền sử dụng đất

Có mặt trong những buổi làm việc đó, chúng tôi nhận thấy mấy vấn đề như sau:

- Thửa ao trên của cụ Phạm Quang Thính là “đất đặc biệt”, không phải là tài sản bắt buộc phải góp vào HTXSXNN theo quy định của Điều lệ HTX bậc thấp và HTX bậc cao.

- Gia đình cụ Phạm Quang Thính chưa bao giờ góp ao đó vào HTXSXNN bậc thấp cũng như HTXSXNN bậc cao.

- Trước sau, UBND huyện Bình Lục đều khẳng định gia đình cụ Phạm Quang Thính đã “tự nguyện” góp ao đó và HTXSXNN, nên hiện nay ao đó do UBND xã Đồng Du quản lý sử dụng, nhưng UBND huyện không đưa ra được những tài liệu như: Đơn của cụ Thính xin tự nguyện góp thửa “đất đặc biệt” đó vào HTXSXNN; Nghị quyết đại hội xã viên của HTXSXNN chấp nhận đơn đó; Biên bản bàn giao thửa đất cho HTXSXNN... để chứng minh điều khẳng định của mình.

- Từ năm 1987 đến nay, chưa có cơ quan có thẩm quyền nào ra quyết định thu hồi thửa ao của cụ Thính để giao cho người khác sử dụng.

- Kết quả xác minh của Thanh tra Sở TN-MT tỉnh Hà Nam (được Chánh thanh tra Sở trình bày tại buổi làm việc ngày 4/5/2012) chứa đựng nhiều mâu thuẫn, không thuyết phục.

Nhưng suốt từ năm 2011 đến nay, chưa có một cơ quan có thẩm quyền nào của tỉnh Hà Nam ra quyết định giải quyết đơn đề nghị trả lại ao cũng như đơn khiếu nại về việc UBND huyện Bình Lục giao cho UBND xã Đồng Du bán thửa ao trên làm đất ở của chị Phạm Ngọc Lưu Ly.

Tức là thửa ao trên vẫn đang bị tranh chấp giữa một bên là gia đình cụ Phạm Quang Thính (do chị Phạm Ngọc Lưu Ly đại diện) và bên kia là UBND xã Đồng Du mà chưa có một phán xử cuối cùng đã có hiệu lực pháp luật của cơ quan có thẩm quyền hay của toà án. Nhưng hiện tại UBND huyện Bình Lục vẫn yêu cầu các hộ dân đã mua đất của thửa ao trên kê khai để được cấp Giấy Chứng nhận quyền sử dụng đất.

Về việc làm trên của UBND huyện Bình Lục, luật sư Lê Văn Kiên, Trưởng Văn phòng Luật sư Ánh sáng Công lý (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) đã có ý kiến như sau:

Chúng tôi kiến nghị UBND tỉnh Hà Nam chỉ đạo UBND huyện Bình Lục dừng việc kê khai cấp Giấy Chứng nhận quyền sử dụng đất cho những hộ dân trên, và ra quyết định giải quyết khiếu nại của chị Phạm Ngọc Lưu Ly theo đúng quy định của Luật Khiếu nại.

“Điều 50 Luật Đất đai năm 2003 quy định: Hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất ổn định, được UBND xã, phường, thị trấn xác nhận là đất không có tranh chấp mà có một trong các loại giấy tờ sau đây thì được cấp Giấy Chứng nhận quyền sử dụng đất mà không phải nộp tiền sử dụng đất...

Như vậy theo quy định của điều luật trên thì đất tranh chấp chưa được giải quyết xong bằng một bản án, quyết định có hiệu lực của Toà án hoặc bằng một quyết định giải quyết tranh chấp có hiệu lực của cơ quan có thẩm quyền thì thửa đất đó không thể được cấp Giấy Chứng nhận quyền sử dụng cho bất cứ cá nhân hoặc tổ chức nào.

Giấy chứng nhận đã cấp trong trường hợp này phải được thu hồi nếu có khiếu nại, khiếu kiện liên quan đến việc cấp Giấy Chứng nhận quyền sử dụng đất. Việc tổ chức cho các hộ dân đã mua đất kê khai để cấp Giấy Chứng nhận quyền sử dụng đất cho họ, trong khi thửa đất họ đã mua đang có tranh chấp của UBND huyện Bình Lục là vi phạm các quy định của điều 50 Luật Đất đai".

Xem thêm
Sai phạm ở loạt dự án liên quan đại gia Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ

PHÚ THỌ Trong hàng loạt dự án liên quan ông Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ, có nhiều dự án Báo Nông nghiệp Việt Nam và cơ quan chức năng chỉ rõ sai phạm.

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Đường lớn làm chưa xong, tỉnh lộ đã nát bét

Xe trọng tải lớn chở vật liệu thi công tuyến đường thành phố Bắc Kạn đi hồ Ba Bể chạy rầm rập ngày đêm 'cày' nát đường tỉnh 257B.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm