| Hotline: 0983.970.780

Thảm họa Formosa

Xác định đến cùng thủ phạm chính là gì?

Thứ Sáu 20/01/2017 , 13:15 (GMT+7)

Tôi muốn gửi tới các bạn, các đồng chí của tôi - những người đang lãnh đạo chủ chốt của tỉnh Hà Tĩnh hiện nay - bài báo nhỏ như là lời tâm sự này...

Thảm họa Formosa, “xác định đến cùng thủ phạm chính là gì” là đòi hỏi của nhân dân, của lịch sử được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đặt ra trong buổi làm việc với cán bộ Hà Tĩnh ngày 1/5/2016 (Báo Nhân Dân ngày 2-5-2016).
 

Thảm họa Formosa

Nếu nói sự kiện nào nổi bật nhất của năm 2016 thì sự kiện đó là thảm họa Formosa.

Nếu nói nỗi đau, nỗi nhục nào của Hà Tĩnh, làm mất đi rất nhiều vị thế, niềm tự hào của quê hương Hà Tĩnh thì đó là thảm họa Formosa.

Trong cuộc họp báo công bố tình hình kinh tế xã hội 9 tháng năm 2016 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, bà Nguyễn Thị Xuân Mai, Vụ trưởng Vụ Thống kê Dân số và Lao động, Tổng cục Thống kê cho biết: "Thống kê bước đầu, Hà Tĩnh có hơn 24.400 người dân bị ảnh hưởng từ thảm họa của Formosa, trong đó hơn 15.000 người là trực tiếp đánh bắt, nuôi trồng thủy hải sản, còn lại là kinh doanh thuỷ sản và dịch vụ hậu cần 1.000 người, dịch vụ nhà hàng khách sạn gần 700 người, sản xuất muối 428 người"(Xem Dân trí 30/9/2016 và các báo cùng ngày). Đây là mới nói Hà Tĩnh, chưa nói đến Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế.

Gây ra thảm họa này, không ai khác là lãnh đạo Hà Tĩnh những nhiệm kỳ trước. Nhưng nhiều đồng chí trong nhiệm kỳ trước, còn tại vị trong nhiệm kỳ này cũng có trách nhiệm của mình.

Tôi nghĩ, chuyện xẩy ra như bát nước đã đổ, không thể hót lại; song từ mất mát, nếu rút ra được những bài học, sẽ tránh được sự đau đớn, mất mát trong tương lai. Có nhiều cách nhìn nhận khác nhau về nguyên nhân thảm họa Formosa. Cách nghĩ của tôi là:

Tầm nhìn ngắn, bàn tay dài

Tôi chia sẻ với Võ Kim Cự, nguyên Chủ tịch, nguyên Bí thư Hà Tĩnh, rằng khi Hà Tĩnh kêu gọi đầu tư và thực hiện dự án này chỉ nghĩ nó “thay đổi được một vùng khó khăn, dân nghèo khổ, mong có một nguồn lực lớn cho dân có việc làm để thoát nghèo, phải có một cú hích, có công nghiệp làm nền tảng”. (Lao Động, 25/7/2016).

Đó là một lý do đẹp đẽ và ông Cự cũng thừa nhận rằng, đã không lường hết được sự phức tạp và hậu quả nghiêm trọng. Làm công nghiệp mà không lường được hậu quả thì không thể chấp nhận được! Hồi tôi làm phóng viên thường trú ở Nghệ An, Hà Tĩnh, đi đâu cũng vang lên bài ca sắt Thạch Khê và cảng nước sâu Vũng Áng. Ngay khi ấy tôi đã thấy ngượng và nhiều người không hài lòng vì tôi không viết bài ủng hộ tỉnh. Đến nay, sau bao nhiêu nghị quyết, sau khi mất bao nhiêu tiền, Thạch Khê vẫn chưa có cân sắt nào mà còn làm đảo lộn cuộc sống của nhân dân trong vùng. Còn với cảng Vũng Áng, Hà Tĩnh cũng chưa có hàng gì xuất để thu tiền và đã nhập được những điều tai hại…

Và cũng nhiều năm nay, quanh tai tôi luôn vang lên những lời ca ngợi của chuyên viên các bộ, của phóng viên báo chí rằng “Hà Tĩnh chơi được, cán bộ rất thoáng”. Phong bì phong bao vài chục triệu là chuyện thường. Rồi lại còn tự hào sau mỗi kỳ Đại hội Đảng, Hà Tĩnh có bao nhiêu Ủy viên Trung ương, bao nhiêu bộ, thứ trưởng. Tôi cũng mừng cho quê hương, nhưng để khoe mẽ thì không, nhiều khi còn thấy xấu hổ và đau xót vì tỉnh nhà có nhiều cán bộ quan trọng lại dễ ủng hộ nhau làm điều tiêu cực.

Công nghiệp Hà Tĩnh xưa chỉ có cái nhà máy cơ khí Ấp Bắc. Rồi Nhà máy xi măng Lam Hồng, nhà không ra nhà, máy không ra máy. Thập kỷ 90 đi mua một cái nhà máy đường cổ lỗ bên Liêu Ninh, Trung Quốc.

Anh H. bị bắt làm giám đốc vò đầu bứt tai suốt ngày kêu khổ. Không chuẩn bị, không nghiên cứu kỹ nên không đủ nguyên liệu. Không ít cán bộ bị kỷ luật oan vì không trồng mía đủ chỉ tiêu tỉnh giao. Kỷ luật cũng không ra mía được, cũng không làm được cân đường có giá cạnh tranh, cuối cùng phải bán vào nam. Trẻ con làm vỡ cái bát thì bị đánh no đòn, còn những chuyện như thế rồi chẳng ai sao cả!

Nói chung, chưa thạo làm công nghiệp và vận hành nền kinh tế thị trường.

Ti-tan là quặng quý, có hạn. Nhưng việc khai thác, xuất khẩu đã không làm giàu cho người dân sở tại, những người dân đáng được hưởng thứ trời đất đã ban tặng, quá khứ đã gửi lại cho họ. Tất nhiên, có làm giàu cho một số người.

Chưa đủ tầm nhìn, trình độ, chưa đủ nhân lực, vật lực mà vội vã chạy đua công nghiệp, bập vào những dự án khổng lồ, thất bại là tất yếu. Nhưng ở địa phương nào có nhiều dự án, thì một số cán bộ dễ thò bàn tay dài của mình bòn rút. Bằng đủ mọi cách. Ăn của nhà đầu tư. Ăn cả của dân trong giải phóng mặt bằng. Ăn của doanh nghiệp mà chẳng làm gì cho họ.

Ở Kỳ Sơn, Nghệ An năm nọ có người Mông bẫy được con gấu rừng. Anh ta bán được ba cái mật gấu cho ba người, ai cũng hỉ hả, tưởng mình mùa được đồ thật, đồ quý trong khi cái mật gấu thật vẫn ở trong buồng của anh người Mông nọ. Cái anh ở ban quản lý dự án cũng vậy; nhận hồ sơ, nhận tiền bôi trơn của ba anh doanh nghiệp; anh nào cũng hỉ hả, tưởng mình sẽ trúng; cuối cùng chẳng anh nào trúng mà lại là anh X, Y… nào đó!
 

Không cho dân biết, dân bàn, dân quyết

Tài sản là của nhân dân. Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng. Các nhà kinh điển của chủ nghĩa Mác đều khẳng định nhân dân phải được quyền tự quy định, quyết định lấy vận mệnh của mình.

Vậy mà trong nhiều việc hệ trọng, hầu như dân không hề được biết, được bàn, được quyết. Dân chỉ là người thi hành, người phải chịu đựng.

Điều này trái với mục tiêu, lý tưởng cách mạng; trái với chân lý.

Hiến pháp khẳng định: Nhà nước của dân, do dân, vì dân.

Hầu như ai cũng nói: Nhân dân ta anh hùng, nhân dân thông minh. Nhân dân là chủ, nhân dân thông minh; vậy sao không hỏi dân; không cho dân quyết?

Từ việc to đến việc nhỏ đều phải hỏi ý kiến dân; không thể tự quyết bằng một nhóm người, thậm chí chỉ một người. Nhân đây, xin nhắc lại một cán bộ Hà Nội từng nói, trồng cái cây trên đường phố thì có gì phải hỏi dân? Ơ hay, đường phố của dân chứ đâu phải của anh chủ tịch? Kiểu tư duy ấy ngày nay không được phép tồn tại.

Vì cách nghĩ ấy, vì kiểm soát quyền lực không tốt nên người đứng đầu một địa phương đã tự đội vương miện cho mình; vượt quyền của Đảng, của dân.

Thường vụ không nên đặt cho mình có quyền tất cả, càng không nên nghĩ có khả năng độc quyền chân lý.

Phải đẩy mạnh dân chủ, phải trưng cầu dân ý trong mọi lĩnh vực. Có như vậy mới thực hiện được lý tưởng đẹp đẽ của cách mạng, mới bớt được sai lầm.
 

Sự im lặng đáng sợ

Báo cáo chính trị của BCH TƯ khóa V tại ĐH VI của Đảng do đồng chí Trường Chinh trình bày có một câu rất nổi tiếng: “Thái độ của Đảng ta trong việc đánh giá tình hình là nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, nói rõ sự thật”.

Từ sự cố Formosa ta thấy có ba kiểu im lặng đáng sợ, khác xa thái độ nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, nói rõ sự thật.

Một là, trong Tỉnh ủy, UBND tỉnh Hà Tĩnh chắc chắn có nhiều đồng chí có hiểu biết không đồng tình hoặc băn khoăn với việc một tập đoàn từng làm ảnh hưởng môi trường ở nhiều nước, có công nghệ luyện thép lạc hậu vào Hà Tĩnh; biết trong quá trình thực hiện có nhiều sai phạm; song không dám nói, không dám bày tỏ chính kiến, nếu không sợ thì cũng có biểu hiện cơ hội.

Tôi nhớ ý kiến tự kiểm điểm của đồng chí Trường Chinh tại Hội nghị Bộ Chính trị ngày 4/4/1986. Tại đó, đồng chí đã thẳng thắn nhận “đã thông qua một số quyết định sai”, “đã không thẳng thắn nói hết được ý kiến để cùng nhau thảo luận nhất trí, đã không kiên trì cái đúng” (xem Báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam 12/10/2016).

Hai là, vẫn còn hiện tượng bưng bít thông tin, thậm chí xuyên tạc sự thật. Ngày 6/4 nhân dân phát hiện cá chết hàng loạt ở bốn tỉnh miền Trung. Trước đó, hai ngày, một thợ lặn Hà Tĩnh phát hiện Formosa thải độc ra biển bằng đường ống ngầm có đường kính lớn. Ngày 25/4, Phó phòng Đối ngoại của Formosa Chu Xuân Phàm tiết lộ “muốn bắt cá, bắt tôm hay muốn xây dựng ngành công nghiệp thép”.

Những ngày đó, nhiều nhà khoa học đã đặt nghi vấn về nhân tai; còn nhiều cán bộ thì biết chắc rằng do Formosa; vậy mà ngày 27/4, Bộ Tài nguyên - Môi trường trong cuộc họp báo kỳ dị 7 phút đưa ra nguyên nhân cá chết là do thủy triều đỏ và coi ai có ý kiến khác là “làm tổn hại đất nước”! Thật trớ trêu và cũng trớ trêu là một số cán bộ lãnh đạo địa phương vùng bốn tỉnh bị nhiễm độc kêu gọi dân ăn cá và tắm biển! Đưa môi trường đất nước, đưa mạng dân vào nguy hiểm, thật không hiểu làm chính trị kiểu gì?

Ba là, báo chí và truyền thông không làm tròn sứ mệnh cao cả của mình; chưa chủ động thông tin, chưa thực hiện tốt vai trò phát hiện và đấu tranh làm sáng tỏ sự thật; làm tốt vai trò phản biện xã hội. Có hiện tượng báo địa phương đưa tin theo lãnh đạo địa phương bất chấp nhân dân, bất chấp sự thật. Có nhà báo phục vụ lợi ích nhóm, chà đạp lên sứ mệnh vẻ vang của báo chí là phục vụ lợi ích công...
 

Lời kết

Nguyên nhân trực tiếp dễ biết. Nguyên nhân sâu xa không phải ở Formosa mà ở chính mình, trong hệ thống của mình (tức tất cả chúng ta, không trừ một ai). Tôi thêm một lần nhắc tôi và muốn gửi tới các bạn, các đồng chí tôi ở Hà Tĩnh: Ngày nào cũng nên hỏi mình: Mình đang làm gì, làm việc này vì ai, hôm nay mình đã sai gì và ngày mai làm điều gì cho tốt hơn? Và bất luận trong trường hợp nào cũng phải đứng về phía nhân dân; bất luận trường hợp nào cũng phải bảo vệ lẽ phải. Người tốt không phải là người im lặng; người tốt phải tập hợp lại! Xin cho tôi gửi tới các bạn câu thơ của tôi trong bài “Tự sự đảng viên”: Những kẻ xấu thường hay tập hợp/ Người tốt thường hiền, hiền quá cũng vô lương.

Và nếu làm cán bộ để vơ vét làm giàu, để bóp nặn của dân thì đó là điều tủi hổ muôn đời; không xứng đáng là người Hà Tĩnh!

Xem thêm
Đổi đất sau 30 năm thành mất đất

Đổi đất không thông qua chính quyền, bà Nguyễn Thị Tới ở tổ 12, phường Tân Bình, TP Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình được 'chỉ' mảnh đất không có giấy tờ chứng minh...

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.