| Hotline: 0983.970.780

Xóm đèn dầu giữa lòng thị xã

Thứ Ba 12/05/2015 , 09:08 (GMT+7)

Ở xã Quỳnh Trang (thị xã Hoàng Mai, Nghệ An), có một thực trạng thật bi hài: Điện yếu đến nỗi sờ vào không giật. 

Tiếng là dân thị xã nhưng vẫn phải thắp đèn dầu, phe phẩy quạt nan. Những bữa ăn, giấc ngủ, mồ hôi ai cũng túa ra như tắm dưới cái nóng hầm hập.

Bát cơm chan mồ hôi

Chập choạng tối, chúng tôi tìm về xóm 5 (xã Quỳnh Trang). Chỉ lác đác mấy hộ gia đình đầu xóm có máy nổ chạy xình xịch là le lói ánh điện, còn đại đa số những hộ dân ở đây chìm trong bóng tối.

Cái nóng như nung của mùa hè miền Trung trùm lên xóm nghèo. Tới cuối xóm, chúng tôi rẽ vào nhà anh Lê Công Lệ. Mấy đứa con anh Lệ chụm nhau ngồi học bài dưới ánh sáng tù mù của ánh nến, mồ hôi đứa nào đứa nấy túa ra như tắm.

Buông vội bát cơm ăn dở, mồ hôi nhễ nhại, chị Trúc, vợ anh Lệ thở dài lo lắng: Điện yếu thế này đã hàng chục năm nay rồi. Trước đây buổi tối bật bóng đèn còn sáng lờ mờ, nhưng vài năm nay cứ tới buổi tối là điện tắt ngúm. Bố mẹ chịu tối thì được, nhưng việc học hành của con cái sẽ ra sao?.

“Học lực đứa nào cũng tụt thấy rõ nên vợ chồng tôi lo ngay ngáy. Nhà lúc nào cũng phải thủ sẵn một thùng nến cho con học bài, có tháng dùng hết cả trăm nghìn tiền nến, trong khi tiền điện vẫn cứ phải đóng hàng tháng” – chị Trúc ngao ngán.

Anh Lệ giải thích: Sở dĩ điện không dùng được mà vẫn phải trả tiền điện là vì điện quá yếu, lại phập phù, họa hoằn mới mạnh lên một chút nên các thiết bị trong gia đình vẫn luôn trong tình trạng sẵn sàng trực chiến “đón điện”.

Nhà anh Lệ mở một cửa hàng tạp hóa, có chiếc tủ đá kinh doanh nước ngọt, nước giải khát. Lúc điện mạnh lên, mấy khay đá chưa kịp đóng băng thì điện lại tụt, đá tan thành nước, cứ thế, chẳng bao giờ có đá lạnh để dùng.

Cửa hàng kinh doanh lời lỗ thế nào chẳng rõ, chỉ biết rằng cái tủ đá hỏng hóc liên tục, mới dùng 3 năm đã 4 lần phải thay block: “Điện yếu đến nỗi cái tivi còn không lên hình thì làm đá lạnh thế nào được? Nói chú không tin chứ những lúc điện chập choạng thì có sờ trực tiếp vào cũng chẳng giật” – anh Lệ phân bua.

Thấy tôi trố mắt ngạc nhiên, anh Lệ tiến đến rút chiếc bóng đèn ra khỏi nguồn rồi ung dung lấy tay cầm trực tiếp vào dây điện mà chẳng hề hấn gì...

14-01-30_2
Không có điện, chiếc đèn pin là dụng cụ không thể thiếu của người dân xóm 5, xã Quỳnh Trang

Thấy có PV đến, hàng chục hộ dân trong xóm ùa tới tố khổ. Dẫn chúng tôi vào xem chiếc lò ấp trứng gia cầm của gia đình, ông Lê Công Văn, một hộ dân trong xóm khổ sở kể: Gia đình ông có 4 người con thì đều đi làm ăn xa, ở nhà chỉ có 2 vợ chồng già mở một đại lí ấp trứng gia cầm nho nhỏ.

Lò ấp muốn chạy được phải có điện 3 pha ổn định, khổ nỗi đường dây điện đã “2 pha”, lại lúc có lúc không. Cực chẳng đã, ông Văn phải bấm bụng vay mượn mua một cái máy nổ 30 triệu đồng, dù chẳng biết đến bao giờ mới thu hồi lại được vốn.

Mấy năm trước, điện còn sử dụng cắc bụp được nên mỗi quả trứng ấp ra kiếm một vài nghìn đồng tiền lãi, còn bây giờ thì phải chạy hoàn toàn bằng máy nổ, trừ tiền dầu có mẻ còn hụt cả vốn. Nhưng không làm thì chẳng lẽ bỏ không. “Không có điện mùa đông còn đỡ, chứ mùa hè như những ngày này thì đúng là ăn bát cơm chan mồ hôi. Nhiều hôm đang ăn cơm tối thì điện tắt cái phụp, lọ mọ thắp được cái nến thì quay vào đã thấy chó, mèo xéo tung mâm cơm, thôi thì nhịn đói cho qua đêm vậy chứ làm thế nào” – ông Văn ngán ngẩm.

Không có điện, sinh hoạt người dân sống dở chết dở đã đành, đến ruộng đồng mùa này hoa màu cũng chết khô chết cháy. Là dân sống nhờ nông nghiệp, do kênh mương thủy lợi không có nên nhà nào cũng phải khoan giếng tưới cho hoa màu. Khổ là nước thì sẵn, nhưng phải đành “bó tay” nhìn hoa màu chết khô, bởi điện yếu quá, đến cái cái quạt con cóc cũng không quay nổi thì làm sao dùng được máy bơm.

Dẫn chúng tôi ra cánh đồng hoa màu của thôn với những ruộng rau héo queo héo quắt, đất khô khốc, ông Hồ Văn Nhuận, một người dân trong thôn mặt méo xệch kêu trời: “Nhà chỉ có mấy sào rau, hai vợ chồng phải thay phiên nhau trực ca sáng- trưa- chiều để chực chờ, khi nào có điện thì phải bơm thật nhanh.

Thế nhưng có hôm chỉ bơm được vài chục phút điện lại mất, đành ngồi chờ tới nửa đêm cũng chẳng ăn thua”. Bên cạnh thửa ruộng ông Nhuận, nhiều thửa ruộng khác đã bỏ hoang suốt mấy vụ liền do không có nước tưới.

14-01-30_img_0651
Những thửa ruộng khô khốc, hoa màu chờ chết héo

Hứa đến bao giờ?

Theo phản ánh của người dân xóm 5, vấn đề thiếu điện luôn được kiến nghị, bàn tán sôi nổi nhất tại các cuộc họp, tiếp xúc cử tri ở thôn này. Người dân cũng đã nhiều lần làm đơn kiến nghị chuyển các cơ quan chức năng, tuy nhiên hàng chục năm qua tình hình vẫn không có gì chuyển biến.

“Con giun xéo mãi cũng quằn”, chẳng thể kêu ai nữa nên mới đây, xóm này đã đồng loạt không trả tiền điện, với mong muốn tạo sức ép để cơ quan chức năng sớm vào cuộc.

Làm việc với UBND xã Quỳnh Trang, được biết hệ thống điện lưới tại xóm 5 của xã này được đầu tư xây dựng từ năm 1994, trong đó có một phần kinh phí do người dân tự đóng góp. Nguyên nhân của tình trạng điện phập phù là do công suất hiện không còn đủ đáp ứng nhu cầu. Hiện nay, hệ thống điện này vẫn thuộc quản lí vận hành của Cty điện lực Quỳnh Lưu (Nghệ An).

Theo ông Đậu Minh Công, Chủ tịch UBND xã Quỳnh Trang: UBND xã đã trao đổi nhiều lần với Cty điện lực Quỳnh Lưu, nhưng họ trả lời vì lý do tài chính nên chưa thể giải quyết ngay được. Vì vậy tháng 4/2015 vừa qua, 83 hộ dân xóm 5 đã kiên quyết không nộp tiền điện để phản đối, sau đó đại diện Cty điện lực Quỳnh Lưu hứa sẽ khắc phục tình hình ngay trong tháng 5, tuy nhiên đến nay vẫn chưa thấy đơn vị này triển khai nâng cấp hệ thống.

Trao đổi với PV, ông Nguyễn Đình Dương, Đội trưởng Khu vực 2 (Cty Điện lực Quỳnh Lưu) cho biết: Không chỉ riêng xóm 5, hiện nhiều khu vực ở xã Quỳnh Trang cũng xảy ra tình trạng điện quá yếu. Hiện Cty đã cho đơn vị vào khảo sát, đo dòng, dự kiến tháng 6 hoặc tháng 7 sẽ tiến hành thi công, khoảng tháng 8 sẽ hoàn thành...

Có thể thấy, thời hạn hứa nâng cấp hệ thống điện ở xã Quỳnh Trang của Cty điện lực Quỳnh Lưu dịch chuyển liên hồi. Chẳng có gì chắc chắn rằng đến tháng 8/2015, người dân xóm 5 ở xã Quỳnh Trang sẽ có điện thắp sáng!

Xem thêm
Sai phạm ở loạt dự án liên quan đại gia Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ

PHÚ THỌ Trong hàng loạt dự án liên quan ông Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ, có nhiều dự án Báo Nông nghiệp Việt Nam và cơ quan chức năng chỉ rõ sai phạm.

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Đường lớn làm chưa xong, tỉnh lộ đã nát bét

Xe trọng tải lớn chở vật liệu thi công tuyến đường thành phố Bắc Kạn đi hồ Ba Bể chạy rầm rập ngày đêm 'cày' nát đường tỉnh 257B.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm