| Hotline: 0983.970.780

5 năm trông ngóng vẫn chưa được bố trí tái định cư

Thứ Bảy 05/06/2021 , 08:15 (GMT+7)

Nhà cửa xuống cấp nhưng không thể sửa chữa hay xây mới vì nằm trong vùng quy hoạch. Trong khi đó, đã 5 năm trôi qua họ vẫn chưa được bố trí tái định cư.

Đó là tình cảnh chung của gần 1.000 hộ dân ở các xã Duy Nghĩa, Duy Hải (huyện Duy Xuyên) và xã Bình Dương (huyện Thăng Bình) khi nằm trong vùng quy hoạch của dự án Khu nghỉ dưỡng Nam Hội An (tỉnh Quảng Nam).

Căn nhà của ông Tiết đã xây dựng 40 năm nay đã xuống cấp nhưng vì nằm trong vùng quy hoạch nên không được xây mới, sửa chữa. Ảnh: L.K.

Căn nhà của ông Tiết đã xây dựng 40 năm nay đã xuống cấp nhưng vì nằm trong vùng quy hoạch nên không được xây mới, sửa chữa. Ảnh: L.K.

Sống thấp thỏm trong những căn nhà xuống cấp

Năm 2015, có khoảng gần 2.000 hộ dân ở các địa phương này tiếp nhận chủ trương thu hồi đất để thực hiện dự án nói trên. Những tưởng rằng, họ sẽ nhanh chóng được nhận được tiền đền bù và bố trí đất tái định cư để ổn định ở mới.

Thế nhưng, hết năm này đến năm khác, họ vẫn cứ mòn mỏi chờ đợi được đền bù, giải tỏa. Trong khi đó, rất nhiều ngôi nhà của người dân địa phương được xây dựng hàng chục năm bắt đầu có những biểu hiện xuống cấp, nứt nẻ. Vì nằm trong vùng quy hoạch nên không thể sửa chữa hay xây mới, họ đành chấp nhận sống trong tình cảnh “đi cũng không được, ở cũng không xong”.

Trong căn nhà cấp 4 tường vôi cũ kỹ đã xây dựng cách đây gần 40 năm, cứ mỗi mùa mừa bão đến, hai vợ chồng ông bà Huỳnh Tiết (79 tuổi) và Phạm Thị Túc (75 tuổi) lại nơm nớp lo sợ. Bởi, hiện nay, nơi ở của 2 vợ chồng ông bà đã rệu rã, tường nhà xuất hiện những vết nứt chằng chịt.

Ông Tiết cho biết, sau khi nhận thông tin giải tỏa, vào đầu năm 2016, cũng có người đến nhà kiểm kê, đo đạc để tính phương án đền bù cả đất ở, đất vườn lẫn đất ruộng. Thế nhưng, sau đó nhà bà chỉ nhận được tiền đền bù thu hồi ruộng còn nhà và mảnh vườn đang ở thì đã 5 năm rồi không thấy đả động gì.

“Giờ đi không được, nhà xuống cấp cũng không thể sữa chữa nên vào năm 2019, con trai tôi lập gia đình, vì nhà cửa chật hẹp đành đánh liều xây một cái quán nhỏ để 2 vợ chồng nó vừa sinh sống vừa buôn bán.

Ngoài ra, cái quán nhỏ đó cũng là nơi để 2 vợ chồng già chúng tôi tránh trú mỗi khi bão đến chứ căn nhà đang ở này không biết sẽ sập đổ lúc nào mỗi khi gặp gió to”, ông Tiết nói.

Cũng theo lời vợ chồng ông Tiết, việc dự án đã lấy 1 phần đất trong xã làm đường nhưng không nhanh chóng bố trí tái định cư cũng khiến cho các hộ dân tại đây cũng khiến cho họ chịu rất nhiều ảnh hưởng. Trong đó phải kể đến việc đường xây cao hơn nền nhà nên khi trời mưa nước không thể thoát được, tràn vào nhà ướt hết đồ đạc.

Với những vết nứt chằng chịt trên tường nhà, ông Tiết lo ngại nơi ở của 2 vợ chồng có thể đổ sập bất cứ lúc nào. Ảnh: L.K.

Với những vết nứt chằng chịt trên tường nhà, ông Tiết lo ngại nơi ở của 2 vợ chồng có thể đổ sập bất cứ lúc nào. Ảnh: L.K.

“Chúng tôi đã 2 lần gửi đơn kiến nghị được sớm di dời và bố trí tái định cư nhưng vẫn không thấy ai giải quyết. Bây giờ tuổi đã cao, chỉ mong sao những năm tháng cuối đời được sống ổn định mà hết chờ đợi rồi kiến nghị cũng không có tác dụng gì”, bà Túc chia sẻ thêm.

Tương tự như gia đình ông Tiết, căn nhà của chị Nguyên Thị Mai (45 tuổi, trú thôn Tây Sơn Đông) cũng đã bong tróc nhiều mảng tường vì đã xây dựng quá lâu. Bên cạnh đó, mái nhà trên căn gác nhỏ của gia đình bây giờ cũng đã bị mối mọt ăn mục nát nhưng cũng vì quy hoạch nên không thể sửa chữa.

“Giờ cả nhà không ai dám lên gác đó vì sợ nó sập xuống thì nguy hiểm. Nhà tôi đây lại cách biển có vài trăm mét nên khi mưa bão không thể ở được, cả gia đình phải khăn gói qua nhà người khác ở rất bất tiện. Tôi cũng muốn xây sửa lại cho kiên cố nhưng thấy mấy nhà khác cũng nằm trong vùng quy hoạch, xin phép được sửa chữa nhưng không được chấp nhận nên thôi”, chị Mai nói.

Cần sớm giải quyết những vướng mắc

Theo đại diện UBND xã Duy Hải, trên địa bàn xã này có hơn 550ha đất nằm trong vùng dự án. Đến nay đã có gần 280 ha đã giải tỏa và bàn giao đất sạch cho dự án. Địa phương cũng đã bố trí 787 lô tái định cư cho người dân.

Mỗi mùa mưa bão đến, gia đình chị Mai lại phải khăn gói chạy đi nơi khác vì sợ căn nhà đã xuống cấp không chống chịu được. Ảnh: L.K.

Mỗi mùa mưa bão đến, gia đình chị Mai lại phải khăn gói chạy đi nơi khác vì sợ căn nhà đã xuống cấp không chống chịu được. Ảnh: L.K.

“Mấy năm nay, địa phương tiếp nhận nhiều phản ánh của người dân có mong muốn được sửa chữa do nhà cửa xuống cấp. Nhưng theo quy định khu vực nằm trong vùng quy hoạch không được phép cơi nới nên địa phương không thể chấp thuận. Chúng tôi cũng mong muốn đơn vị thi công sớm hoàn tất việc bồi thường, bố trí để người dân sớm ổn định chỗ ở”, lãnh đạo xã Duy Hải cho biết.

Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, đơn vị thực hiện giải phóng mặt bằng dự án Khu nghỉ dưỡng Nam Hội An là Cty Đầu tư và Phát triển Kỳ Hà Chu Lai Quảng Nam (gọi tắt là Cty Kỳ Hà Chu Lai). Theo đó, diện tích giải phóng mặt bằng là hơn 985ha.

UBND tỉnh Quảng Nam cũng đã giao nhiệm vụ cho Cty Kỳ Hà Chu Lai thay mặt cho Công ty TNHH Phát triển Nam Hội An thực hiện nhiệm vụ chủ đầu tư 5 khu tái định cư với tổng diện tích gần 240ha để có quỹ đất tái định cư phục vụ giải phóng mặt bằng dự án Khu nghỉ dưỡng Nam Hội An.

Trao đổi với PV, ông Huỳnh Bửu, Phó tổng giám đốc Cty Kỳ Hà Chu Lai cho biết, có gần 2.000 hộ dân bị ảnh hưởng từ dự án, trong đó gần 800 hộ đã được giải tỏa với tộng diện tích giải phóng mặt bằng gần 480ha với giá trị bồi thường hơn 850 tỷ đồng. Đơn vị này cũng đã tiến hành giải phóng mặt bằng được hơn 130ha tại 5 khu tái định cư với tổng giá trị đã đầu tư là 437 tỷ trong tổng số dự kiến là hơn 1.600 tỷ đồng.

Nói về lý do chậm thực hiện tái định cư cho người dân, ông Bửu cho biết: “ Vì khi chưa có đất giao cho các hộ dân bị ảnh hưởng nên chưa thể giải tỏa”, ông Bửu nói.

Mái nhà trên căn gác của gia đình chị Mai đã bị mối mọt nhưng không được phép sửa chữa. Ảnh: L.K.

Mái nhà trên căn gác của gia đình chị Mai đã bị mối mọt nhưng không được phép sửa chữa. Ảnh: L.K.

Trước vấn đề này, ông Nguyễn Hồng Quang, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho rằng, dự án Khu nghỉ dưỡng Nam Hội An là dự án góp phần tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh. Do đó, các địa phương; các ngành cần tích cực hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho dự án trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, xây dựng và đi vào hoạt động.

Ông Quang cũng thống nhất chủ trương cho Công ty Kỳ Hà Chu Lai tiếp tục chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ cho các hộ gia đình, cá nhân bị ảnh hưởng của dự án theo các phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt trước ngày 21/5/2021.

Liên quan đến việc đầu tư xây dựng các khu tái định cư phục vụ giải phóng mặt bằng dự án, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam giao Sở Xây dựng chủ trì rà soát lại hồ sơ quy hoạch và cơ sở pháp lý của việc giao nhiệm vụ chủ đầu tư xây dựng 3 khu tái định cư. Đồng thời, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư kiểm tra, nghiên cứu, tham mưu UBND tỉnh trước ngày 15/6/2021 để xem xét, giải quyết việc dừng hoặc gia hạn thời gian thực hiện dự án.

Xem thêm
Sai phạm ở loạt dự án liên quan đại gia Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ

PHÚ THỌ Trong hàng loạt dự án liên quan ông Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ, có nhiều dự án Báo Nông nghiệp Việt Nam và cơ quan chức năng chỉ rõ sai phạm.

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Trường học thành nơi tập kết rơm rạ, rác thải

Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Quang Giao (huyện Quảng Xương, Thanh Hóa) bị bỏ hoang nhiều năm, hiện đang xuống cấp nghiêm trọng, gây lãng phí lớn.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.