| Hotline: 0983.970.780

75% bệnh truyền nhiễm từ động vật thường xuất hiện khi rừng bị tàn phá

Thứ Ba 21/03/2023 , 14:35 (GMT+7)

Với chủ đề “Rừng và Sức khỏe”, Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN-PTNT) hy vọng các bên liên quan được truyền cảm hứng và chung tay bảo vệ thế hệ mai sau.

Ông Phạm Hồng Lượng nhấn mạnh vai trò của rừng trong cuộc sống. Ảnh: Bảo Thắng.

Ông Phạm Hồng Lượng nhấn mạnh vai trò của rừng trong cuộc sống. Ảnh: Bảo Thắng.

"Giữa rừng và sự hạnh phúc của mỗi cá nhân, hạnh phúc của toàn xã hội, hay hạnh phúc của một quốc gia và của toàn nhân loại đều có mối liên hệ mật thiết với nhau", ông Phạm Hồng Lượng, Chánh Văn phòng Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN-PTNT) phát biểu nhân kỷ niệm Ngày Quốc tế về rừng 21/3.  

Ngày Quốc tế về rừng 2023 có chủ đề “Rừng và Sức khỏe”, với thông điệp là “Rừng khỏe mạnh để con người khỏe mạnh”. Theo ông Lượng, đây là thông điệp hết sức ý nghĩa trong bối cảnh nước ta vừa trải qua đại dịch Covid-19.

Chánh văn phòng Tổng cục Lâm nghiệp cho rằng, con người cần có thời gian sống chậm lại để chiêm nghiệm, thay đổi tư duy, cách nghĩ và tìm về những giá trị căn bản của tự nhiên. Việc bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường là cần thiết để con người có thể sống bình yên và khỏe mạnh. Chỉ khi sống bình yên và khỏe mạnh, thì mỗi chúng ta mới có cuộc sống hạnh phúc.

Báo cáo mục tiêu rừng toàn cầu năm 2021 của Liên Hợp quốc cho thấy, rừng là không gian sinh tồn, nơi cư ngụ của 80% các loài sinh vật trên đất liên. 75% nguồn nước sạch mà con người có thể tiếp cận được trên thế giới cũng đến từ các lưu vực sông, suối có rừng.

Cứu hộ tái thả động vật hoang dã tại Cúc Phương, Ninh Bình. Ảnh: Tùng Đinh.

Cứu hộ tái thả động vật hoang dã tại Cúc Phương, Ninh Bình. Ảnh: Tùng Đinh.

Khoảng 1/3 dân số thế giới, tương đương 2,4 tỷ người sử dụng gỗ và củi từ rừng làm năng lượng cho việc nấu nướng và sưởi ấm. Đồng thời, khoảng 40% nguồn năng lượng tái tạo trên thế giới đến từ rừng, tương tự như các nguồn năng lượng mặt trời, thủy điện và nguồn năng lượng kết hợp khác.

Rừng còn cung ứng các nguyên liệu cho sản xuất các vật tư y tế. Ở trong rừng và gần rừng có thể kích hoạt hệ thống miễn dịch, cải thiện trạng thái tâm lý, giảm căng thẳng và giúp chúng ta thư giãn. Tuy nhiên, thống kê của Liên Hợp quốc cũng chỉ ra, 75% bệnh truyền nhiễm từ động vật và thường xuất hiện khi rừng bị tàn phá. 

Là quốc gia tham gia chủ động, tích cực, có trách nhiệm và đưa ra nhiều cam kết, ủng hộ với các sáng kiến toàn cầu về ứng phó biến đổi khí hậu, trong đó có bảo vệ và phát triển rừng bền vững, Việt Nam đã đưa ra nhiều hành động thiết thực để quản lý bảo vệ, phát huy giá trị đa dụng của các hệ sinh thái rừng.

Trong đó, Tổng cục Lâm nghiệp đã tham mưu Bộ NN-PTNT trình Thủ tướng ban hành và tổ chức thực hiện Chiến lược phát triển lâm nghiệp Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2021 - 2025 và đang trình phê duyệt Kế hoạch hành động thực hiện Tuyên bố Glasgow về rừng và sử dụng đất.

Ông Nguyễn Song Hà, Trợ lý Trưởng đại diện của FAO tại Việt Nam chia sẻ tại diễn đàn. Ảnh: Bảo Thắng.

Ông Nguyễn Song Hà, Trợ lý Trưởng đại diện của FAO tại Việt Nam chia sẻ tại diễn đàn. Ảnh: Bảo Thắng.

Tại Diễn đàn Ngày Quốc tế về rừng tổ chức tại Đại học Lâm nghiệp, ông Nguyễn Song Hà, Trợ lý Trưởng đại diện của FAO tại Việt Nam cho biết, hiện có 3 con đường liên quan đến rừng và thực vật có thể hỗ trợ sức khỏe của rừng, cũng như phục hồi môi trường.

Đó là, chấm dứt nạn chặt phá rừng, duy trì diện tích rừng hiện có, phục hồi đất bạc màu và phát triển nông lâm kết hợp, sử dụng rừng bền vững và xây dựng chuỗi giá trị xanh. 

Vườn Quốc gia Cúc Phương, Ninh Bình được đánh giá là nơi có hệ sinh thái đa dạng tại Việt Nam. Ảnh: Tùng Đinh.

Vườn Quốc gia Cúc Phương, Ninh Bình được đánh giá là nơi có hệ sinh thái đa dạng tại Việt Nam. Ảnh: Tùng Đinh.

Theo ông Hà, những biện pháp này có thể tránh thải ra khoảng 3,6 tỷ tấn CO2 tương đương mỗi năm, trong giai đoạn 2020 đến 2050. Ngoài ra, 1,5 tỷ ha đất thoái hóa sẽ được phục hồi và tăng độ che phủ, giúp thúc đẩy năng suất nông nghiệp trên 1 tỷ ha khác. 

"Sử dụng rừng bền vững và xây dựng chuỗi giá trị xanh sẽ giúp đáp ứng nhu cầu nguyên liệu trong tương lai, nhất là khi mức tiêu thụ tài nguyên thiên nhiên toàn cầu dự kiến tăng gấp đôi từ 92 tỷ tấn năm 2017 lên 190 tỷ tấn vào năm 2060", ông Hà nhấn mạnh.

Cũng trong sự kiện ngày 21/3, GS.TS Phạm Văn Điển, Hiệu trưởng Trường Đại học Lâm nghiệp nhận định, tăng trưởng xanh góp phần bảo vệ tài nguyên và phát triển bền vững ngành lâm nghiệp. Để làm được, GS.TS Phạm Văn Điển khuyến nghị 9 hoạt động, trong đó tập trung vào tăng cường hợp tác, kết nối giữa các đơn vị, tổ chức, cá nhân, đẩy mạnh nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi mô hình kinh doanh tăng trưởng xanh.

Xem thêm
Ngành gỗ Bình Định đặt mục tiêu đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD

Cục Hải quan Bình Định vừa đối thoại với Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Bình Định về những vấn đề liên quan đến thủ tục hải quan khi tham gia xuất nhập khẩu.

C.P. Việt Nam bàn giao dự án trồng và chăm sóc rừng tại Tà Thiết

Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P. Việt Nam vừa phối hợp với Ban Quản lý rừng phòng hộ Tà Thiết, ban giao dự án trồng và chăm sóc rừng tại Tà Thiết.

Phú Yên ứng dụng công nghệ quản lý, bảo vệ rừng

Chi cục Kiểm lâm tỉnh Phú Yên đang ứng dụng những giải pháp công nghệ nhằm giúp cán bộ, nhân viên trong ngành hoàn thành nhiệm vụ.

Đặc sắc lễ cúng thần rừng của người Mông Nà Hẩu

Lễ cúng thần rừng là nghi lễ độc đáo được người Mông ở xã Nà Hẩu tổ chức vào ngày cuối cùng của tháng Giêng hàng năm.