| Hotline: 0983.970.780

Afghanistan trong vòng tay Taliban: 'Kho báu' biếu không của Mỹ

Thứ Ba 24/08/2021 , 09:48 (GMT+7)

Mỹ trong 20 năm qua đã cung cấp cho quân đội Afghanistan một lượng lớn vũ khí trị giá nhiều tỷ USD và 'kho báu' này giờ rơi vào tay Taliban.

Xe quân sự được Mỹ chuyển giao cho quân đội Afghanistan hồi tháng hai. Ảnh: Reuters.

Xe quân sự được Mỹ chuyển giao cho quân đội Afghanistan hồi tháng hai. Ảnh: Reuters.

Khoảng một tháng trước, Bộ Quốc phòng Afghanistan đăng lên mạng xã hội ảnh chụp 7 chiếc trực thăng mới do Mỹ tài trợ được đưa đến thủ đô Kabul.

“Họ sẽ tiếp tục nhận được những hỗ trợ ổn định như vậy trong tương lai”, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin nói với phóng viên vài ngày sau đó tại Lầu Năm Góc.

Tuy nhiên, chỉ trong vài tuần, với đà tiến “như chẻ tre”, Taliban đã giành quyền kiểm soát đất nước cũng như số vũ khí và trang bị mà các lực lượng Afghanistan bỏ lại khi tháo chạy.

Các video trên mạng cho thấy cảnh các tay súng Taliban kiểm tra những hàng dài phương tiện quân sự và mở các thùng vũ khí mới, thiết bị liên lạc và thậm chí cả máy bay không người lái.

“Những gì không bị phá hủy đều rơi vào tay Taliban”, một quan chức Mỹ giấu tên nói với hãng tin Reuters.

Các quan chức Mỹ cả đương nhiệm và về hưu đang ngày càng lo ngại về nguy cơ số vũ khí trên có thể bị sử dụng để giết hại dân thường hoặc rơi vào tay những nhóm cực đoan như tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS).

Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng lo lắng về số vũ khí này nên đang cân nhắc một số phương án khắc phục.

Các quan chức Mỹ cho biết Washington đã tính đến phương án tiến hành không kích phá hủy các trang thiết bị cỡ lớn như trực thăng, nhưng hành động này có nguy cơ chọc giận Taliban ở vào thời điểm mà Washington cần ổn định để sơ tán công dân khỏi Afghanistan.

Một quan chức Mỹ khác cho hay hiện chưa có con số chính xác nhưng đánh giá tình báo cho thấy Taliban có thể đang kiểm soát hơn 2.000 xe bọc thép, trong đó có cả những chiếc Humvee, và 40 máy bay, có khả năng bao gồm cả trực thăng tấn công trinh sát UH-60 Black Hawk và máy bay không người lái quân sự ScanEagle.

“Chúng tôi đã chứng kiến các tay súng Taliban trang bị vũ khí do Mỹ sản xuất mà họ chiếm được từ lực lượng Afghanistan. Điều này tạo ra mối đe dọa nghiêm trọng với Mỹ và đồng minh”, Hạ nghị sĩ Michael McCaul, đảng viên Cộng hòa hàng đầu tại Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ, trao đổi với Reuters qua email.

Một thành viên Taliban tại Ghazni, Afghanistan, tháng 4/2015. Ảnh: Reuters.

Một thành viên Taliban tại Ghazni, Afghanistan, tháng 4/2015. Ảnh: Reuters.

Từ năm 2002 đến 2017, Mỹ đã cung cấp cho quân đội Afghanistan ước tính khoảng 28 tỷ USD vũ khí, gồm súng, tên lửa, kính nhìn đêm và thậm chí cả máy bay không người lái nhỏ phục vụ thu thập tình báo.

Nhưng các máy bay quân sự như trực thăng Black Hawk mới là những khí tài cho thấy rõ nhất sự hỗ trợ mạnh mẽ từ Mỹ và mang lại lợi thế lớn nhất cho quân đội Afghanistan trước Taliban.

Từ năm 2003 đến 2016, Washington hỗ trợ Kabul 208 máy bay, theo Văn phòng Giải trình Chính phủ Mỹ (GAO). Tuần trước, nhiều máy bay trong số này được các phi công Afghanistan sử dụng để trốn chạy khỏi Taliban.

Theo một quan chức Mỹ am hiểu vấn đề, các phi công Afghanistan đã chạy sang Uzbekistan trên khoảng 40 đến 50 máy bay. Trước khi giành quyền kiểm soát Kabul hôm 15/8, Taliban đã ráo riết thực hiện các chiến dịch săn lùng, giết hại những phi công Afghanistan.

Các quan chức Mỹ cho biết dù họ lo lắng về nguy cơ Taliban sở hữu các trực thăng hiện đại, những máy bay này cần được bảo dưỡng thường xuyên và việc điều khiển một số chiếc khá phức tạp, đòi hỏi kỹ năng chuyên sâu mà các tay súng Taliban khó có được.

“Trớ trêu thay, việc thiết bị của chúng tôi bị hỏng thường xuyên lại là yếu tố cứu mạng ở đây”, một quan chức Mỹ nói.

Tướng Mỹ về hưu Joseph Votel, phụ trách giám sát các hoạt động quân sự của Mỹ ở Afghanistan với tư cách người đứng đầu Bộ Tư lệnh Trung ương từ năm 2016 đến 2019, cho hay hầu hết những thiết bị hiện đại mà Taliban chiếm được, bao gồm cả máy bay, đều không sở hữu những công nghệ nhạy cảm của Mỹ.

“Trong một số trường hợp, chúng giống như chiếc cúp thành tích hơn”, Votel ví von.

Mối lo ngay lúc này chủ yếu dồn vào những vũ khí và trang bị dễ sử dụng, như kính nhìn ban đêm. Từ năm 2003, Mỹ đã cung cấp cho Afghanistan ít nhất 600.000 vũ khí bộ binh, trong đó có súng trường tấn công M16, 162.000 thiết bị liên lạc cùng 16.000 kính quan sát trong đêm.

“Khả năng hoạt động về đêm thực sự là quân bài thay đổi cuộc chơi”, một cố vấn quốc hội Mỹ lưu ý.

Theo Votel, những vũ khí nhỏ mà Taliban chiếm được như súng máy, súng cối, súng đại liên hay các loại pháo có thể mang lại lợi thế cho nhóm trước bất kỳ nỗ lực kháng cự nào từ các “thành trì” chống Taliban như lực lượng ở Thung lũng Panjshir, phía bắc Kabul.

Các quan chức Mỹ nhận định Taliban sẽ sử dụng phần lớn số vũ khí chiếm được nhưng còn quá sớm để nói về những dự định khác của nhóm, bao gồm cả khả năng chia sẻ chúng với các đối thủ của Mỹ như Trung Quốc.

Andrew Small, chuyên gia về chính sách đối ngoại của Trung Quốc tại Quỹ German Marshall, cho rằng Taliban hoàn toàn có thể cấp cho Bắc Kinh quyền tiếp cận những vũ khí Mỹ mà nhóm đang nắm giữ. Nhưng theo một quan chức Mỹ giấu tên, Trung Quốc cũng không thu về quá nhiều lợi ích từ việc này bởi Bắc Kinh có thể đã tiếp cận được các vũ khí và thiết bị đó từ trước.

Theo giới chuyên gia, những gì diễn ra cho thấy Mỹ cần một cách tốt hơn để quản lý những trang thiết bị mà họ hỗ trợ các đồng minh. Washington có thể làm nhiều hơn nhằm đảm bảo các vũ khí, thiết bị cung cấp cho Afghnistan được bảo vệ và kiểm kê chặt chẽ, Justine Fleischner từ Viện nghiên cứu Vũ khí Xung đột, trụ sở ở Anh, nhận xét.

“Nhưng thời gian đã trôi qua và những nỗ lực này giờ đây không thể có thêm bất kỳ tác động nào tới Afghanistan”, Fleischner nói.

Xem thêm
Tìm thấy virus dịch tả lợn châu Phi trong xác lợn rừng

Thủ phạm virus gây dịch tả lợn châu Phi (ASF) đã được phát hiện trong xác một con lợn rừng vừa được tìm thấy ở phía tây bắc Singapore.

Ukraine nỗ lực xâm nhập lãnh thổ Nga, Moscow xuyên thủng Patriot

Ukraine tăng cường các vụ tấn công bằng UAV và tổ chức nhiều đợt xâm nhập lãnh thổ Nga, trong khi đó, mục tiêu của Moscow là khu vực hậu phương của Kiev.

Nga mở cửa triển lãm khí tài quân sự hạng nặng giữa lòng Moscow

Triển lãm trưng bày các loại khí tài quân sự hạng nặng của phương Tây bị quân Nga thu giữ trong cuộc xung đột Ukraine đã được khai mạc tại Moscow hôm 1/5.