| Hotline: 0983.970.780

Ám ảnh làng ung thư: 650 giường nhưng cả vạn bệnh nhân

Thứ Tư 01/07/2015 , 06:15 (GMT+7)

Hàng trăm con người chen chúc trên giường bệnh, dưới nền nhà, hay vất vưởng ngoài hành lang bệnh viện, nét mặt sầu não của họ không còn sinh khí./ Làng trăm người chết vì ung thư

Gia tài đã đội nón ra đi để đổi lấy sự sống. Cuộc sống của họ là những tháng ngày tận cùng đau khổ. Họ là những bệnh nhân ung thư ở BV Ung bướu TP.HCM.

Khi mang trong người căn bệnh ung thư, đồng nghĩa với mang án tử, nhưng không biết khi nào “thần chết” sẽ gọi mình đi. Và, họ vẫn phải sống, sống trong nỗi đau khắc khoải cả thể xác lẫn tinh thần và trong bế tắc.

Nghĩa vợ chồng

Đến BV Ung bướu TP.HCM vào một buổi chiều trong cái nắng gay gắt, không khí như hun cháy da thịt. Ấy vậy nhưng, ngay ở những hành lang, dưới gốc cây, thậm chí ngay cạnh thùng rác, trên miệng cống, trước cửa nhà vệ sinh… đâu đâu cũng thấy người nằm la liệt. Chăn, chiếu, quần áo, được họ giăng lên che nắng, gió.

Họ là những người rất nghèo, hoặc từng “dư dả chút đỉnh”, nhưng đã bị căn bệnh quái ác “nuốt” hết tài sản tích cóp bao năm nay. Giờ họ không có khả năng thuê một căn phòng trọ để ở, không có tiền để ăn, phải sống nhờ bữa cơm từ thiện của các nhà hảo tâm và bệnh viện.

Tôi ghé lại một góc hành lang khu C, nơi có cặp vợ chồng đang nằm sát nhau trên chiếc chiếu đơn hỏi chuyện. Người đàn ông mái tóc đã muối tiêu, khuôn mặt khắc khổ, giới thiệu tên là Nguyễn Hữu Khoa, năm nay 62 tuổi, quê ở Thoại Sơn (An Giang) lên chăm vợ là bà Nguyễn Thị Là, kém ông 5 tuổi, bị ung thư vú từ 5 năm nay.

Ông Khoa vừa nói vừa loay hoay che lại chiếc chiếu để nắng không chiếu vào vợ, rồi lấy miếng nilon che lên nắp miệng cống đang bốc mùi nồng nặc. Sau đó lại quay sang xoa bóp cho vợ. Ông bảo: “Bả bị ung thư vú di căn sang xương, trong người thường xuyên bứt rứt và đau nhức nên lúc nào cùng phải đấm bóp”.

13-02-07_nh-1
Vợ chồng ông Khoa, bà Là

Cách đây 5 năm, khi bà Là chưa bệnh, ở quê, ông Khoa làm nghề chạy xe ôm, còn bà làm nhân viên y tế xã. Cuộc sống tuy không dư dả, nhưng chưa bao giờ gặp sóng gió. Năm 2010, bà Là sơ ý bị trật xương cột sống, đi khám, chụp X Quang, bác sĩ mới phát hiện bà bị ung thư vú giai đoạn 2 và đã di căn vào xương. Kể từ đó, bà bắt đầu những ngày ăn, ngủ bệnh viện, từ BV Đại học Y dược TP.HCM đến BV Nhân dân Gia Định, và mấy năm nay là BV Ung bướu.

“Vợ chồng tui không có con, nên cũng ít chi tiêu, dành dụm cả đời mới được hơn hai trăm triệu đồng gửi ngân hàng, tính để mai mốt dưỡng già. Đùng một cái, bả bệnh, số tiền đó bay vèo cái hết liền, chẳng nhằm nhò gì, tui phải bán cả căn nhà đang ở. Ấy là chưa kể bà con giúp đỡ cũng nhiều. Giờ tiền thiếu nợ cũng bằng số tiền tích cóp mấy chục năm rồi”, ông Khoa than.

Đưa cánh tay vừa truyền máu cho ông Khoa đỡ dậy, khuôn mặt khô nhăn, bà Là kể: “Khi biết mình mắc phải căn bệnh ung thư không thể cứu được, tui cùng quẫn, chỉ nghĩ đến cái chết thôi, nhưng ổng biết, nên lúc nào cũng ở bên cạnh, hết lời động viên nên tui còn trụ được đến nay. Giá như tui chết sớm được thì ổng đỡ khổ. Vì tui mà phải bán nhà, nợ nần chồng chất không biết bao giờ trả hết”.

Ở khu trọ hành lang này, nhắc đến vợ chồng ông Khoa, ai cũng trầm trồ khen họ sống nghĩa tình, quấn quýt, chăm sóc nhau chu đáo, dù cuộc chiến chống lại cái chết đã khiến họ trở thành những kẻ vô gia cư, trắng tay. Những giọt nước mắt của người đàn ông đã ngoại lục tuần trào ra trên khóe mắt, ông Khoa tâm sự: “Nhiều khi bả cáu gắt vô cớ khiến tui cũng bực mình nhưng nghĩ lại thương bả nhiều hơn. Đêm hôm sớm tối, bây giờ mới là lúc bả cần đến bờ vai một người để dựa vào”.

Còn bà Là thì nói: “Mỗi lần lên cơn đau nhức, nếu không có ổng đấm bóp cho, chắc tui chết chứ không chịu nổi”.

Mong sớm được "ra đi"

Cũng nằm trên dãy hành lang này, cách vợ chồng ông Khoa một tấm chiếu, là gia đình bà Lê Thị Mùi, 48 tuổi, đồng hương An Giang của bà Là, bị ung thư tử cung giai đoạn cuối.

Bà Mùi nói mà nước mắt rơm rớm: “Tui lên đây trị bệnh hơn năm nay rồi. Ở quê, nhà chẳng có mảnh ruộng nào, nên chỉ đi làm thuê bữa đực bữa cái, vài chục ngàn/ngày. Từ lúc bệnh đến nay tui thiếu nợ bà con cả trăm triệu rồi, đồ đạc trong nhà món nào bán được đã bán hết.

13-02-07_nh-2
Cùng chung cảnh ngộ, bà Mùi và bà Thảo (đầu trọc), hai bệnh nhân ung thư, trở thành đôi bạn tâm giao, nằm cạnh nhau ở hành lang bệnh viện

Ấy là lên đây ăn ở từ thiện, chỉ tốn tiền điều trị. Nhiều khi chỉ muốn chết cho chồng con bớt khổ, nhưng nhìn quanh, thấy nhiều người cũng khổ như mình. Cứ đêm đến hầu như ai ở đây cũng ngồi tâm sự với nhau rồi khóc cho thân phận”.

“Bệnh viện Ung bướu TP.HCM là tuyến cuối phía Nam, tập trung bệnh nhân các tỉnh từ Nha Trang trở vào, nên liên tục quá tải. Trong khi bệnh nhân ung thư mỗi năm đều tăng. Hiện nay công suất của bệnh viện chỉ có khoảng 650 giường, nhưng đang phải điều trị nội trú cho hơn 1.400 bệnh nhân, chưa kể 11.000 bệnh nhân ngoại trú”, bác sĩ Quốc Thịnh, Phó Giám đốc BV Ung bướu TP HCM.

Nằm sát bên và chung cảnh ngộ với bà Mùi là bà Lê Thị Thảo, 45 tuổi, nhà ở tận Cà Mau. Do xạ trị nhiều nên tóc bà đã rụng hết, đôi mắt trũng buồn, bà Thảo nói: “Tui ở đây cũng được gần 2 năm rồi, xạ trị hết đợt này đến đợt khác mà chẳng bớt, nhiều đêm đau nhức không ngủ được. Rồi thấy con cái lên chăm cực quá, chỉ muốn “giải thoát” sớm cho tụi nhỏ bớt khổ.

Gia đình tui lúc trước cũng có mấy công đầm nuôi cá, tôm, từ lúc tui bệnh đến nay, con trai bỏ việc lên chăm, tài sản cứ theo nhau đội nón ra đi hết rồi. Giờ chẳng còn gì, mà nợ chồng chất. Ở đây ngày nào tui cũng nghe có vài người bệnh viện trả về, rồi vài người chết… Sao chẳng thấy tội nghiệp mà còn ước giá như mình cũng như họ thì tốt hơn”.

Có lẽ, do cùng cảnh ngộ nên những bệnh nhân ung thư nghèo và người thân của họ đã chia sẻ, động viên và sẵn sàng đùm bọc, giúp nhau khi cần.

“May là ở đây mọi người rất quan tâm, giúp đỡ nhau, ai có đồ ăn ngon gì cũng đều chia cho người bên cạnh. Hễ ai đau quá cũng có người nằm bên cạnh xoa bóp và chia sẻ cho cách để hết cơn đau. Nếu không có những người cùng cảnh ngộ như ở đây và đùm bọc tui chắc chết từ lâu rồi”, bà Thảo nói.

Anh Trần Tuấn Hùng, con trai cụ Lê Thị Hà, 71 tuổi, quê ở Mê Pu, huyện Đức Linh (Bình Thuận), người đã “tạm trú” ở bệnh viện này hơn 2 năm nay vì bị ung thư buồng trứng, kể: “Ở quê tôi chẳng có khu công nghiệp, chỉ nhiều lò gạch. Vậy mà mấy năm nay người ta bị ung thư quá trời. Ngay trong xóm tôi đã có 5-6 người bị”. 

13-02-07_nh-5
Ở bệnh viện Ung bướu TP HCM, chỗ nào cũng thấy người ken kín như thế này

Hai má con anh Hùng hiện đang tá túc nhờ hành lang bệnh viện, và ăn nhờ suất cơm từ thiện của các nhà hảo tâm.

“May mắn là những người nghèo như chúng tôi được bệnh viện và các nhà hảo tâm hỗ trợ nhiều. Sống ở đây, thấy mọi người đối xử tốt với nhau, quan tâm nhau như ruột thịt, má con tôi xúc động lắm. Bữa giờ, tôi cũng tham gia phụ đi phát cơm, cháo từ thiện ngày 2 buổi cho mọi người”, anh Hùng tâm sự.

Xem thêm
Thái Nguyên thông qua nghị quyết sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã 2023-2025

Đây là 1 trong 10 nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội được thông qua tại Kỳ họp thứ 18 của HĐND tỉnh Thái Nguyên khóa XIV, nhiệm kỳ 2021-2026.

Syngenta tập huấn kỹ thuật, sử dụng drone an toàn, hiệu quả tại ĐBSCL

Vĩnh Long Ngày 26/4, tại Vĩnh Long, Công ty TNHH Syngenta Việt Nam tổ chức tập huấn cho 230 người điều khiển máy bay phun thuốc BVTV, cách sử dụng an toàn và hiệu quả tại ĐBSCL.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Bưu điện Việt Nam sẵn sàng 18.000 tỷ đồng chi trả lương hưu tháng 5

Bưu điện Việt Nam chuẩn bị nguồn lực sẵn sàng phục vụ chi trả lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội (BHXH) tháng 5/2024 cho hơn 3,3 triệu người sau kỳ nghỉ lễ 30/4.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm